Thừa nhận hiệu quả thấp, Trung Quốc tính cách 'trộn lẫn' các loại vaccine Covid-19

Giúp NTDVN sửa lỗi

Lần đầu tiên, giới chuyên gia Trung Quốc thừa nhận vaccine Covid-19 của nước này có hiệu quả thấp, và cần "phối trộn" chúng lại với nhau.

Trung Quốc đang xem xét phương án kết hợp các loại vaccine phòng ngừa Covid-19 với nhau, do chúng có hiệu quả tương đối thấp, theo người đứng đầu Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) nước này.

Ông Gao Fu phát biểu tại một hội nghị ở Thành Đô hôm 10/4 rằng, Trung Quốc đang xem xét 2 hướng "để giải quyết vấn đề hiệu quả không cao của các loại vaccine hiện nay", theo SCMP đưa tin.

Hướng đầu tiên là điều chỉnh liều lượng, giảm khoảng cách giữa các liều hoặc tăng số lần dùng thuốc. Hướng thứ hai là phối trộn các loại vaccine khác nhau.

Các chuyên gia quốc tế tỏ ra rất thận trọng trước việc pha trộn các loại vaccine Covid-19 khác nhau. Họ cho rằng cần thử nghiệm lâm sàng nghiêm ngặt để xem liệu điều đó có mang lại hiệu quả hơn không.

Đây là lần đầu tiên một nhà khoa học Trung Quốc thảo luận công khai về vấn đề hiệu quả thấp của vaccine Trung Quốc.

Tao Lina, một chuyên gia vaccine ở Thượng Hải có mặt tại hội nghị, cho biết ông Gao so sánh vaccine bất hoạt (sử dụng vật chất chết từ virus để kích hoạt hệ thống miễn dịch) với vaccine sử dụng véc tơ với vaccine mRNA sử dụng kỹ thuật gen.

“Mức độ kháng thể của vaccine chúng tôi tạo ra thấp hơn so với vaccine mRNA và dữ liệu về hiệu quả cũng thấp hơn. Tôi nghĩ rằng có một kết luận là vaccine bất hoạt và vaccine vectơ của chúng tôi kém hiệu quả hơn vaccine mRNA”, ông Tao nói.

Ông Tao cho biết, những người tiêm hai liều vaccine bất hoạt được khuyên nên tiêm thêm mũi thứ ba từ một loại vaccine khác.

Hai loại vaccine mRNA do Pfizer/BioNtech và Moderna của Mỹ phát triển có tỷ lệ hiệu quả khoảng 95% trong các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối. Nhưng các loại vaccine khác đều có hiệu quả thấp hơn nhiều.

Vaccine Covid-19 của Trung Quốc có hiệu quả thấp nhất

Hiện có ba loại vaccine bất hoạt của Trung Quốc, trong đó một loại do Sinovac sản xuất có nhiều dữ liệu hơn các loại khác. Vaccine Sinovac có tỷ lệ hiệu quả 50,4% trong các thử nghiệm ở Brazil và 83,5% từ các thử nghiệm riêng biệt ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo tạp chí Science, một nghiên cứu quy mô lớn ở Brazil cho thấy vaccine Sinovac chỉ có hiệu quả khoảng 50% ở Manaus, một thành phố thuộc vùng Amazon. Một nghiên cứu ở Chile cũng cho kết quả tương tự.

Ngày 15/12/2020, một quan chức y tế Brazil công khai chỉ trích việc phê chuẩn quyền sử dụng khẩn cấp vaccine Sinovac ở Trung Quốc không hề minh bạch. Đồng thời, Tổng thống Brazil cũng tuyên bố sẽ không đưa vaccine Trung Quốc vào chương trình tiêm chủng quốc gia.

Trong khi đó, vaccine của Oxford/AstraZeneca có tỷ lệ hiệu quả là 76%, nhưng bị tai tiếng bởi các trường hợp đông máu. Ngoài ra, các liều của Johnson và Johnson cho tỷ lệ hiệu quả là 66,3%.

Xem thêm:



BÀI CHỌN LỌC

Thừa nhận hiệu quả thấp, Trung Quốc tính cách 'trộn lẫn' các loại vaccine Covid-19