Thực phẩm giúp tăng lượng tế bào gốc, tái tạo tế bào mới chống lại ung thư và các bệnh nguy hiểm khác

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tất cả các mô, cơ quan của con người đều cần phải được làm mới liên tục và tế bào gốc đóng vai trò quan trọng trong quá trình này. Ví như: Tế bào gốc tạo ra lớp da mới, thay thế các tế bào da bị thương tổn; hoặc để thay thế các tế bào bị tổn thương trên bề mặt niêm mạc ruột. Bên cạnh đó, các tế bào gốc tạo máu sẽ phân chia và thay thế những tế bào máu bị tổn thương khi lưu thông trong hệ tuần hoàn. Chúng có thể biệt hóa thành các loại tế bào bạch cầu và hồng cầu, v.v...

Trong cuốn sách “Ăn để đánh bại bệnh tật”, Bác sĩ William W. Li MD viết rằng: “Các tế bào miễn dịch của chúng ta được tái tạo bảy ngày một lần, vì vậy nếu các tế bào gốc biến mất, chúng ta có thể sẽ chết vì nhiễm trùng ngay sau đó”. Tuy nhiên, bạn có thể tăng số lượng tế bào gốc của mình bằng cách sử dụng đúng loại thực phẩm.

Tế bào gốc có thể phát triển thành mọi loại tế bào, tái tạo được mọi cơ quan

Cơ thể chúng ta được phát triển từ các tế bào gốc. Khi tinh trùng của người bố gặp trứng của người mẹ, sẽ tạo thành một hợp tử. Tế bào này sẽ tiếp tục phân chia và từ ngày thứ ba đến ngày thứ năm, hợp tử sẽ phát triển thành một phôi thai bao gồm khoảng 150 tế bào gốc trong tử cung của người mẹ. Sau đó, các tế bào gốc trong phôi sẽ tiếp tục phân chia và hình thành các mô và cơ quan khác nhau trong cơ thể người. Có hơn hai trăm loại tế bào khác nhau trong cơ thể con người, nhưng tất cả chúng đều được phát triển từ tế bào gốc.

Tế bào gốc không chỉ hiện diện ở giai đoạn phát triển phôi thai. Khi được sinh ra, trẻ vẫn mang một lượng lớn tế bào gốc trong cơ thể. Một người trung bình có khoảng 37,2 nghìn tỷ tế bào, bao gồm khoảng 750 triệu tế bào gốc, chiếm 0,002 phần trăm tổng số tế bào (Trang 27, sách Ăn để đánh bại bệnh tật). Những tế bào gốc này được lưu trữ trong các bộ phận khác nhau của cơ thể, luôn sẵn sàng để tham gia tái tạo hoặc sửa chữa các mô và cơ quan của cơ thể.

Bác sĩ William Li là là bác sĩ được đào tạo tại đại học Harvard. Ông là tác giả của cuốn sách “Ăn để đánh bại bệnh tật”, đồng thời là chủ tịch của Angiogenesis Foundation. Bác sĩ William Li đã giải thích chi tiết về vai trò của tế bào gốc trong một cuộc phỏng vấn với tờ The Epoch Times. Bác sĩ Li cho biết các tế bào gốc chủ yếu được dự trữ trong tủy xương, mặc dù cũng có thể tìm thấy những tế bào này trong mỡ, da, nang lông và thậm chí cả trong tim của chúng ta. Ông đưa ra một phép loại suy: Cơ thể con người lưu giữ và sử dụng các tế bào gốc giống như chúng ta để sơn trong ga-ra, sẵn sàng để sử dụng khi cần, ví như ngày nào đó cần sửa chữa tường chẳng hạn.

Tất cả các mô và cơ quan của con người đều cần phải được làm mới liên tục và các tế bào gốc đóng vai trò quan trọng trong quá trình này. Ví dụ như, cơ thể chúng ta cần tế bào gốc để tạo ra lớp da mới, thay thế các tế bào da bị tổn thương; hoặc để thay thế các tế bào bị tổn thương trên bề mặt niêm mạc ruột. Bên cạnh đó, các tế bào gốc tạo máu sẽ phân chia và thay thế những tế bào máu bị tổn thương khi lưu thông trong hệ tuần hoàn. Chúng có thể biệt hóa thành các loại tế bào bạch cầu và hồng cầu, v.v.

Có một điều thú vị là các tế bào niêm mạc ruột non của chúng ta được làm mới hai đến bốn ngày một lần; ở phổi và dạ dày quá trình này diễn ra sau mỗi tám ngày; làn da của chúng ta được thay mới hai tuần một lần; còn các tế bào hồng cầu thì bốn tháng một lần; các tế bào mỡ được thay thế mỗi 8 năm; còn tế bào xương của chúng ta thì sau mười năm. Tiến sĩ Li đã đưa ra một ví dụ: Các tế bào miễn dịch của cơ thể chúng ta được tái tạo cứ sau bảy ngày. Do đó, nếu các tế bào gốc biến mất, người này có thể sẽ chết sớm do nhiễm trùng (Trang 26, sách Ăn để đánh bại bệnh tật).

Ngoài ra, ông còn trích dẫn một câu chuyện về phóng xạ hạt nhân ở Nhật Bản để làm nổi bật vai trò quan trọng của tế bào gốc trong cuốn sách của mình. Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, vụ ném bom nguyên tử xuống hai thành phố Hiroshima và Nagasaki đã khiến khoảng 200.000 người thiệt mạng. Sau đó, làn sóng tử vong thứ hai ập đến với những người sống sót vì tủy xương của những người này mất đi khả năng tạo tế bào gốc do họ đã tiếp xúc với bức xạ hạt nhân.

Ngoài ra, trong khi điều trị ung thư, hóa trị và xạ trị tiêu diệt tế bào ung thư nhưng cũng đồng thời ảnh hưởng đến các tế bào gốc, khiến bệnh nhân vô cùng đau đớn và khó chịu (trang 26, sách Ăn để đánh bại bệnh tật).

Tế bào gốc giúp sửa chữa cơ thể con người trong thời kỳ nguy hiểm

Cơ thể con người được sinh ra với các cơ chế phối hợp nhịp nhàng và tự động để duy trì sự sống.

Các tế bào gốc sẽ phát huy tác dụng khi chúng ta cần sửa chữa những tế bào bị tổn thương do bệnh lý và chấn thương hoặc khi cần thay thế các tế bào bị rối loạn chức năng. Có thể tưởng tượng rằng, tế bào gốc giống như những lính canh trong cơ thể luôn canh chừng cho sức khỏe của chúng ta. Khi cần chúng sẽ đến những địa điểm được chỉ định để tiến hành hoạt động cứu hộ.

Bác sĩ Li nói thêm rằng khi một cơ quan hoặc một vị trí nào đó bị tổn thương và cần được sửa chữa sẽ giải phóng một loại protein nhất định giống như một người đưa tin, kêu gọi các tế bào gốc đang được lưu trữ trong tủy xương. Sau đó, các tế bào sẽ đáp lại lời kêu gọi này bằng cách rời khỏi tủy xương và đi vào máu. Hiện tượng này giống như một bầy ong bay ra khỏi tổ của chúng. Theo dòng máu, các tế bào gốc di chuyển tới vùng mô bị tổn thương và đến chính xác nơi cần chúng. Khi đến nơi, các tế bào gốc sẽ bắt đầu phân chia hoặc biệt hóa để tái tạo các tế bào tại mô và cơ quan.

Như chúng ta đã biết, gan có khả năng tự tái tạo. Chính chức năng sửa chữa và tái tạo của các tế bào gốc đã giúp giải thích được lý do tại sao gan có thể hồi phục lại trạng thái ban đầu, ngay cả khi có tới 75% gan bị cắt bỏ trong quá trình phẫu thuật.

Tương tự như vậy, trái tim của chúng ta cũng phụ thuộc vào các tế bào gốc để được tái tạo liên tục, mặc dù tốc độ tái sinh của tế bào sẽ giảm theo tuổi tác. Một thanh niên 20 tuổi sẽ có khoảng 1 phần trăm số tế bào cơ tim được làm mới mỗi năm. Tuy nhiên, tốc độ trên sẽ chậm lại khi người này già đi. Ở tuổi 75, người này chỉ có 0,3% tế bào cơ tim được làm mới mỗi năm.

Đọc đến đây, có thể bạn sẽ tự hỏi: Liệu các tế bào gốc có bị cạn kiệt khi chúng liên tục được phóng thích ra khỏi tủy xương như vậy không? Câu trả lời của Tiến sĩ Li là: “Tế bào gốc có khả năng tự tái tạo và khôi phục nguồn dự trữ trong tủy xương”.

Lượng đường trong máu cao có thể làm tổn thương các tế bào gốc

Mặc dù ở người khỏe mạnh, tế bào gốc có khả năng tự sao chép để bổ sung số lượng, nhưng Tiến sĩ Li nhấn mạnh rằng có ba trường hợp có thể làm suy giảm khả năng tái tạo và hồi phục của những tế bào này, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sống của chúng ta.

  1. Hút thuốc và hít không khí bị ô nhiễm

Khi những người hút thuốc lá hít khói thuốc, sẽ làm cơ thể thiếu oxy, lúc này tế bào gốc sẽ được phóng thích vào máu. Duy trì thói quen hút thuốc là sẽ làm giảm số lượng tế bào gốc được dự trữ trong tủy xương. Một nghiên cứu cũng chỉ ra rằng các tế bào gốc còn lại trong cơ thể của những người hút thuốc giảm 75% khả năng tự sao chép và giảm 38% khả năng tham gia các hoạt động tái tạo của cơ thể. Tiến sĩ Li cho biết thêm, bên cạnh việc hút thuốc lá chủ động, nếu hít phải khói thuốc một cách thụ động hoặc tiếp xúc với không khí bị ô nhiễm cũng có thể gây hại không kém cho các tế bào gốc.

  1. Uống quá nhiều rượu

Nghiện rượu sẽ giết chết tế bào gốc. Theo bác sĩ Li, giống như hút thuốc, uống rượu khiến các tế bào gốc liên tục bị đẩy ra khỏi tủy xương để vào hệ tuần hoàn. Trong khi đó, các tế bào gốc còn lại cũng bị tổn thương, ảnh hưởng đến khả năng tái tạo của chúng. Ngoài ra, rượu có thể làm suy yếu hoạt động của các tế bào gốc trong não, từ đó ảnh hưởng đến vùng hồi hải mã - khu vực chịu trách nhiệm về trí nhớ ngắn hạn và dài hạn.

  1. Tăng lipid và glucose máu

Cả hai tình trạng tăng lipid máu và tăng glucose máu đều có thể làm suy giảm chức năng tế bào gốc. Trong cuốn sách của mình, bác sĩ Li nói rằng loại cholesterol “xấu” trong máu hay còn gọi là lipoprotein mật độ thấp (LDL) làm tổn thương các tế bào gan; trong khi cholesterol “tốt” là lipoprotein mật độ cao (HDL) có làm chậm quá trình chết của các tế bào tiền thân nội mô - một loại tế bào gốc trong máu giúp duy trì sức khỏe của các mạch máu trong cơ thể, đồng thời có chức năng sửa chữa các lớp trong của thành mạch.

Ngoài ra, bệnh đái tháo đường chính là một tác nhân giết chết tế bào gốc. Các bệnh nhân đái tháo đường có số lượng tế bào gốc ít hơn 47% so với những người bình thường, các tế bào gốc của họ cũng không thể hoạt động bình thường. Đặc điểm này là do tình trạng glucose máu cao ảnh hưởng đến sự sao chép và di chuyển, cũng như khả năng tiết ra các yếu tố sống sót của tế bào gốc.

Bác sĩ Li cũng lưu ý thêm rằng mức độ căng thẳng cao và nồng độ muối trong máu cao cũng có thể gây hại cho các tế bào gốc.

Sử dụng đúng thực phẩm có thể giúp bạn tăng số lượng tế bào gốc

Bác sĩ Li cũng đưa ra những lời khuyên về cách bảo vệ các tế bào gốc trong cơ thể cũng như cách để tích cực huy động những tế bào này tham gia vào quá trình tái tạo cơ thể ở góc độ ăn uống. Các thử nghiệm trên người đã xác nhận những loại thực phẩm sau đây có thể làm tăng số lượng tế bào gốc.

1. Sô cô la đen

Sô cô la đen chứa flavanol, là một chất nhiều đặc tính sinh học. Các nhà nghiên cứu tại Đại học California đã tiến hành một thử nghiệm nghiên cứu trên những bệnh nhân mắc bệnh động mạch vành có đối chứng 30 ngày. Trong đó, một nhóm bệnh nhân uống sô cô la nóng chứa ít flavanol (chỉ khoảng 9 mg mỗi khẩu phần) hai lần một ngày và nhóm còn lại uống sô cô la nóng chứa nhiều flavanol (với 375 mg mỗi khẩu phần) hai lần một ngày. Kết quả thu được rất đáng kinh ngạc: nhóm bệnh nhân sử dụng nhiều flavanol có số lượng tế bào gốc trong máu nhiều gấp đôi so với nhóm sử dụng ít flavanol và lưu lượng máu của nhóm sử dụng nhiều flavanol cũng được cải thiện gấp đôi so với nhóm sử dụng ít.

2. Trà đen

Một nhóm các nhà nghiên cứu người Ý đã chia các bệnh nhân bị tăng huyết áp mức độ nhẹ và trung bình nhưng không điều trị bằng thuốc thành hai nhóm. Nhóm A uống trà đen không đường và sữa hai lần một ngày trong khi nhóm B uống các loại đồ uống khác hai lần một ngày. Một tuần sau, xét nghiệm máu cho thấy số lượng tế bào tiền thân nội mô trong máu ở nhóm uống trà đen tăng 56% và khả năng mở rộng mạch máu của họ cũng được cải thiện.

Những quả ô liu chín được thu hoạch để làm dầu trong quá trình thu hoạch vào ngày 24 tháng 11 năm 2022 tại Jaen, Tây Ban Nha. Với sự sụt giảm sản lượng do các đợt nắng nóng khắc nghiệt và hạn hán kéo theo, vùng Andalusia của Tây Ban Nha - vùng sản xuất dầu ôliu lớn nhất thế giới - sẽ chứng kiến ​​sản lượng giảm một nửa so với thông thường. (Ảnh của Carlos Gil/Getty Images)

3. Dầu ô liu

Chế độ ăn Địa Trung Hải sử dụng nhiều dầu ô liu nguyên chất có hiệu quả trong việc gia tăng tế bào gốc. Một nghiên cứu có đối chứng kéo dài 4 tuần được công bố trên Tạp chí Dinh dưỡng lâm sàng Hoa Kỳ cho thấy so với những người sử dụng chế độ ăn nhiều chất béo bão hòa hoặc chế độ ăn ít chất béo nhưng nhiều carbohydrate thì những người theo chế độ ăn Địa Trung Hải sử dụng nhiều dầu ô liu nguyên chất có số lượng tế bào tiền thân nội mô trong máu tăng gấp đối.

(Flora Zhao: là phóng viên sức khỏe của The Epoch TimesHealth 1+1

Health 1+1 là nền tảng thông tin y tế và sức khỏe có uy tín nhất của Trung Quốc ở hải ngoại. Được phát hành từ thứ ba đến thứ bảy hàng tuần, công chiếu từ 9:00 sáng đến 10:00 sáng EST (giờ chuẩn miền Đông Hoa Kỳ) trên TV và chiếu trực tuyến, chương trình đưa những tin mới nhất về cách phòng ngừa, điều trị, các nghiên cứu khoa học và chính sách về vi rút corona, cũng như các bệnh ung thư, các bệnh lý mạn tính, sức khỏe cảm xúc và tinh thần, hệ miễn dịch, bảo hiểm y tế và các khía cạnh khác để cung cấp cho mọi người sự chăm sóc tận tình đáng tin cậy nhất. Trực tuyến: EpochTimes.com/Health TV: NTDTV.com/live)

Theo The Epoch Times - Epoch Health tiếng Anh
Song Hoài biên dịch

Video: SIÊU THỰC PHẨM làm tăng bạch cầu và củng cố hệ thống miễn dịch của bạn.



BÀI CHỌN LỌC

Thực phẩm giúp tăng lượng tế bào gốc, tái tạo tế bào mới chống lại ung thư và các bệnh nguy hiểm khác