Thuốc chống viêm không steroid có thể gây tổn thương tim

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs) có thể làm tăng nguy cơ tổn thương tim, đặc biệt là đối với bệnh nhân đái tháo đường. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, số người trên toàn cầu mắc bệnh đái tháo đường đã tăng lên đến 422 triệu người vào năm 2014 so với 108 triệu người vào năm 1980. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ, có 5,2 triệu người trưởng thành ở Hoa Kỳ bị suy tim và khoảng 37,3 triệu người Mỹ mắc bệnh đái tháo đường.

Tổng quan

  • Thường được sử dụng để điều trị giảm đau, NSAID có liên quan đến việc tăng nguy cơ suy tim ở những người mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2.
  • Dữ liệu cho thấy những bệnh nhân đái tháo đường có nguy cơ suy tim cao gấp đôi nếu không sử dụng NSAID và có nguy cơ đau thắt lưng mạn tính và thoái hóa cột sống thắt lưng cao hơn, điều này có thể làm tăng khả năng những bệnh nhân này sử dụng NSAID.
  • Những nghiên cứu trong nhiều thập kỷ đã không chứng minh được mối tương quan giữa cholesterol và bệnh tim. Tiến sĩ Malcolm Kendrick khẳng định rằng có một bệnh lý tạo ra huyết khối có thể gây ra nhồi máu cơ tim. Ông khuyến cáo nên tránh dùng NSAID, vì loại thuốc này kích hoạt sự kết tập tiểu cầu, làm dễ xuất hiện huyết khối hơn.
  • Tình trạng suy tim xảy ra khi cơ tim hoạt động không hiệu quả. Dữ liệu cho thấy rằng việc bổ sung axit béo omega-3 và vitamin D có thể làm giảm nguy cơ và các biến chứng của suy tim.
  • Đặc tính chống viêm của một số loại thực phẩm và chế phẩm bổ sung đã được chứng minh là có hiệu quả tương tự như Diclofenac. (Diclophenac là một loại thuốc chống viêm không steroid thường được sử dụng cho bệnh nhân có tình trạng viêm khớp từ nhẹ đến trung bình). Hãy thử cân nhắc sử dụng curcumin, nhũ hương, capsaicin, axit béo omega-3, và một số loại thực phẩm lên men để làm giảm viêm và kiểm soát cơn đau.

NSAID được sử dụng để điều trị giảm đau trong những trường hợp như đau lưng, bong gân, căng cơ, đau đầu, đau nửa đầu, viêm xương khớp và đau bụng kinh. Đau thắt lưng là một vấn đề phổ biến trên toàn cầu, là nguyên nhân hàng đầu ảnh hưởng đến chỉ số Số năm sống được điều chỉnh theo mức độ bệnh tật (thước đo gánh nặng bệnh tật tổng thể).

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, số người trên toàn cầu mắc bệnh đái tháo đường đã tăng lên đến 422 triệu người vào năm 2014 so với 108 triệu người vào năm 1980. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ, có 5,2 triệu người trưởng thành ở Hoa Kỳ bị suy tim và khoảng 37,3 triệu người Mỹ mắc bệnh đái tháo đường.

Thật không may, những người mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2 có tỷ lệ đau thắt lưng mạn tính cao hơn. Điều này có thể khiến họ phải sử dụng nhóm thuốc NSAID, loại thuốc mà những nghiên cứu gần đây cho biết rằng sẽ khiến họ có nguy cơ bị suy tim. Ngoài ra còn có một mối liên hệ chặt chẽ giữa những người mắc đái tháo đường tuýp 2 và tình trạng thoái hóa cột sống thắt lưng, một bệnh có thể gây ra những cơn đau lưng.

Những trường hợp đái tháo đường tuýp 2 mới chẩn đoán cũng có liên quan đến việc tăng nguy cơ đau thắt lưng mạn tính, trong đó tỷ lệ mắc bệnh ở phụ nữ cao hơn nam giới. Một nghiên cứu năm 2017 đã phân tích mối quan hệ giữa sự tiến triển của bệnh đái tháo đường và tình trạng đau lưng. Dữ liệu cũng cho thấy những bệnh nhân mắc đái tháo đường không được kiểm soát sẽ tăng nguy cơ mắc chứng đau lưng mạn tính.

Các thuốc NSAID có liên quan đến suy tim

Một nghiên cứu được trình bày tại Hiệp hội Tim mạch Châu Âu ở Barcelona, ​​Tây Ban Nha, đã chứng minh rằng việc sử dụng NSAID trong thời gian ngắn có liên quan đến tình trạng suy tim ở những bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2.

Các nhà khoa học cho biết mối liên hệ giữa NSAID và sự gia tăng nguy cơ suy tim trước đây đã được nghiên cứu ở nhóm dân số chung. Tuy nhiên, hiện tại họ muốn xác định xem việc sử dụng NSAID ở những bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2 có thể làm tăng nguy cơ suy tim hay không, do những người mắc đái tháo đường típ 2 vốn đã có nguy cơ suy tim cao gấp hai lần ngay cả khi không sử dụng NSAID.

Các nhà nghiên cứu đã chọn 331.189 người tham gia nghiên cứu, có độ tuổi trung bình là 62 tuổi. Những người sử dụng NSAID cho biết họ đã dùng ibuprofen, diclofenac, naproxen và celecoxib. Các nhà nghiên cứu không bao gồm việc sử dụng thuốc NSAID không kê đơn trong khi phân tích.

Họ ghi nhận thời gian theo dõi trung bình là 5,85 năm, trong đó có 23.308 người đã nhập viện vì suy tim. Sau đó, các nhà nghiên cứu đã phân tích riêng nhóm những người có sử dụng NSAID và nhận thấy nguy cơ nhập viện vì suy tim tăng lên khi sử dụng diclofenac hoặc ibuprofen. Họ không phát hiện nguy cơ này ở những người dùng naproxen hoặc celecoxib.

Tuy nhiên, chỉ có 0,9% người tham gia nghiên cứu dùng naproxen và 0,4% dùng celecoxib. Các nhà nghiên cứu cho rằng lý do chưa tìm được mối liên quan giữa hai loại thuốc NSAID này và tình trạng tim suy tim có thể là do số người sử dụng hai loại này chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong quần thể nghiên cứu.

Phân tích sâu hơn cho thấy mối liên quan chặt chẽ nhất được tìm thấy ở những người sử dụng NSAID không thường xuyên và những người trên 65 tuổi. Không có mối liên quan nào ở những người dưới 65 tuổi hoặc những người có nồng độ HbA1c bình thường. Tiến sĩ Anders Holt, một trong những nhà chuyên gia trong nghiên cứu đã kết luận rằng:

“Đây là một nghiên cứu quan sát và chúng tôi không thể kết luận rằng NSAID gây suy tim ở bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2. Tuy nhiên, kết quả cho thấy cần phải tính đến nguy cơ suy tim tăng lên khi sử dụng các loại thuốc này. Ngược lại, dữ liệu cũng chỉ ra rằng sẽ an toàn khi dùng NSAID ngắn hạn cho bệnh nhân dưới 65 tuổi và những bệnh nhân đái tháo đường kiểm soát đường máu tốt”.

Cục máu đông có phải là nguyên nhân gây ra bệnh tim không?

Trong sáu thập kỷ qua, những lời khuyên về chế độ ăn uống của Hoa Kỳ đã cảnh báo không nên ăn những thực phẩm giàu cholesterol.

Họ cho rằng chế độ ăn nhiều cholesterol sẽ thúc đẩy sự hình thành những mảng xơ vữa trong lòng động mạch, dẫn đến bệnh tim. Tuy nhiên, ngay cả khi có rất nhiều bằng chứng ngược lại, lối tư duy này vẫn tồn tại dai dẳng.

Nhiều thập kỷ nghiên cứu đã không chứng minh được mối tương quan giữa cholesterol trong chế độ ăn và bệnh tim. Hướng dẫn Chế độ ăn cho người Mỹ năm 2015–2020 đã đề cập đến thiếu sót, hướng dẫn viết rõ: “Cholesterol không được coi là một chất đáng lo ngại khi tiêu thụ quá mức.”

Tuy nhiên, chỉ 5 năm sau, họ đã đảo ngược quyết định này. Hướng dẫn Chế độ ăn cho người Mỹ năm 2020–2025 khuyến cáo giảm lượng chất béo trans và cholesterol trong chế độ ăn. Tất nhiên, chất béo trans nên được hạn chế hoặc thậm chí loại bỏ khỏi chế độ ăn.

Trong một cuộc phỏng vấn với Tiến sĩ Malcolm Kendrick vào đầu năm nay, chúng tôi đã thảo luận về cơ chế gây ra bệnh tim và quá trình trình sinh bệnh học hình thành cục máu đông trên thành động mạch. Giả thuyết về sinh huyết khối trong bệnh tim cho rằng nếu những cục máu đông không được loại bỏ, vị trí của chúng sẽ trở thành nơi dễ bị tổn thương, dễ hình thành những cục máu đông khác. Theo thời gian, sẽ hình thành những mảnh xơ vữa trên thành động mạnh.

Khi các tế bào nội mô lót mặt trong của mạch máu bị tổn thương, các cục máu đông sẽ được hình thành để sửa chữa những vị trí này. Sau đó, chúng tiếp tục được bao phủ bởi những tế bào tiền thân nội mô giúp hình thành lớp nội mô mới. Quá trình sửa chữa này diễn ra từ từ và gần như lúc nào cũng diễn ra trong cơ thể. Vấn đề sẽ xảy ra khi quá trình trình tổn thương và hình thành cục máu đông diễn ra nhanh hơn quá trình sửa chữa.

Trong trường hợp này, các mảng bám bắt đầu được tích tụ, làm dày thành động mạch khiến máu phải chảy qua một khe hẹp. Một số nguyên nhân phổ biến gây tổn thương lớp nội mạc như nhiễm virus, hút thuốc lá, đái tháo đường, cao huyết áp và phơi nhiễm với các kim loại nặng như chì, nhôm và asen.

Trong cuốn sách “The Clot Thickens: The Enduring Mystery of Heart Disease” (Tạm dịch là: Bí ẩn bế tắc: Nguyên nhân thực sự gây bệnh tim), Kendrick đã đưa ra nhiều chiến lược giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh. Một trong số đó là việc tránh sử dụng các loại thuốc NSAID như ibuprofen, naproxen và aspirin. Mặc dù những loại thuốc này ức chế hiệu quả tình trạng viêm trong cơ thể, nhưng chúng cũng gây kết tập tiểu cầu bằng cách ức chế COX-2, một loại enzym liên quan đến cơ chế gây đau, viêm và sự tạo thành các prostaglandin, đó là các phân tử lipid ức chế sự hoạt hóa tiểu cầu (quá trình đông máu). Nói cách khác, những loại thuốc này ức chế quá trình chống đông máu, khiến máu dễ đông hơn.

Omega-3, Vitamin D có thể làm giảm các biến chứng suy tim

Suy tim, đôi khi được gọi là suy tim sung huyết, xảy ra khi cơ tim không hoạt động hiệu quả như bình thường. Điều này làm ứ máu ở phổi và đôi khi có hiện tượng thoát dịch vào phổi. Các bệnh lý có thể gây ra suy tim là cao huyết áp, bệnh mạch vành, béo phì và đái tháo đường.

Dữ liệu từ một nghiên cứu trong năm 2022 được công bố trên JACC cho thấy những người mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2 có nguy cơ nhập viện vì suy tim thấp hơn khi họ sử dụng bổ sung omega-3. Dữ liệu được thu thập từ một thử nghiệm về vitamin D và Omega-3 (VITAL) bắt đầu vào năm 2010.

Thử nghiệm này có sự tham gia của 25.871 người để đánh giá về chế độ ăn uống bổ sung vitamin D3 hoặc axit béo omega-3 và tác động của nó đối với nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ hoặc ung thư ở những người không có tiền sử mắc các bệnh lý này. Những người tham gia nghiên cứu đã sử dụng bổ sung vitamin D3 và axit béo omega-3 trong giai đoạn can thiệp kéo dài 5 năm và các nhà nghiên cứu vẫn đang tiếp tục theo dõi liên tục.

Trong một nghiên cứu phụ của thử nghiệm VITAL, các nhà nghiên cứu đánh giá việc bổ sung omega-3 có thể làm giảm nguy cơ nhập viện lần đầu hoặc tái nhập viện do suy tim hay không, kết quả cho thấy rằng việc bổ sung omega-3 làm giảm 0,69 tỷ lệ nhập viện lần đầu do suy tim ở những người mắc đái tháo đường tuýp 2 khi so sánh với với những người dùng giả dược.

Họ cũng phát hiện ra rằng việc bổ sung omega-3 làm giảm tỷ lệ tái nhập viện ở những người da đen. Dữ liệu không cho thấy lợi ích trong việc phòng ngừa suy tim ở những người không mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2. Có nhiều bằng chứng từ các nghiên cứu cho thấy vitamin D có tác dụng bảo vệ tim mạch rất tốt.

Một nghiên cứu khác cho thấy vitamin D có thể đóng vai trò là “một chất chống viêm mới có thể sử dụng đề điều trị trong tương lai” cho những bệnh nhân suy tim sung huyết (CHF). Bằng chứng cũng cho thấy rằng vitamin D có tác động đến chuyển hóa khoáng chất và rối loạn chức năng cơ tim ở những bệnh nhân CHF. Các nhà nghiên cứu kết luận rằng sự thiếu hụt vitamin D có thể là “một yếu tố góp phần vào cơ chế bệnh sinh của CHF.”

Các nghiên cứu dịch tễ học đã cung cấp bằng chứng mạnh mẽ rằng vitamin D có tác dụng bảo vệ tim mạch. Dữ liệu cho thấy hầu hết bệnh nhân CHF không đủ vitamin D, thấp hơn 20 nanogram/ml. Nhiều dữ liệu cũng chỉ ra rằng nồng độ vitamin D3 thấp góp phần tạo nên tiên lượng xấu cho những bệnh nhân suy tim, có thể liên quan đến quá trình viêm.

Hơn nữa, tình trạng thiếu hụt vitamin D rất phổ biến, bao gồm cả ở những bệnh nhân suy tim và là “một yếu tố dự báo quan trọng về khả năng sống còn”. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng việc bổ sung vitamin D có liên quan với việc giảm tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân suy tim và lượng vitamin D thấp có liên quan đến chỉ số khối cơ thể cao, bệnh đái tháo đường, nồng độ canxi và hemoglobin thấp và giới tính nữ.

Nguồn cung cấp chất chống viêm thay thế

Đặc tính chống viêm của các thuốc NSAID giúp tăng cường kiểm soát cơn đau. Có một điều may mắn là chúng ta có những chiến lược thay thế giúp giảm quá trình viêm vì vậy cũng có thể làm giảm đau.

Sử dụng curcumin là một trong những chiến lược thay thế đó. Curcumin là hợp chất polyphenolic có hoạt tính kháng viêm mạnh có trong củ nghệ. Hợp chất này làm cho nghệ có màu vàng đặc trưng. Củ nghệ từ lâu đã được sử dụng trong ẩm thực Ấn Độ và sử dụng làm thuốc trong y học cổ truyền Trung Hoa và hệ thống y học Hindu truyền thống.

Curcumin đã chứng minh khả năng làm chậm quá trình viêm xương khớp và có tác dụng giảm đau. (Ảnh: pexels.com)

Tính an toàn và không độc của curcumin, ngay cả khi dùng ở liều cao, đã được ghi nhận trong các thử nghiệm trên người. Curcumin đã chứng minh khả năng làm chậm quá trình viêm xương khớp và có tác dụng giảm đau trong một nghiên cứu trên động vật. Trong một thử nghiệm trên người ở 139 người bị thoái hóa khớp gối, các nhà nghiên cứu nhận thấy không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về mức độ đau giữa những người dùng curcumin và những người dùng diclofenac, một loại thuốc NSAID.

Ngoài ra, những người dùng curcumin ít bị đầy hơi, giảm cân có ý nghĩa thống kê và không cần dùng thuốc chẹn H2 để làm giảm lượng axit dạ dày dư thừa, điều đã xảy ra ở 28% người sử dụng diclofenac.

Các loại thực phẩm có khả năng chống viêm khác

Bên cạnh việc tránh những nguyên nhân gây viêm phổ biến, bao gồm các loại thực phẩm không lành mạnh, stress, các chất độc trong môi trường, v.v., cũng có những loại thực phẩm, thảo mộc giúp giảm viêm.

Các loại thực phẩm lên men: Các loại thực phẩm này giúp cân bằng và tối ưu hóa hệ vi sinh vật đường ruột của bạn. Rối loạn hệ vi sinh vật đường ruột có thể làm tăng phản ứng viêm trong cơ thể và góp phần gây đau. Những thực phẩm lên men như sữa lên men kefir, natto, kim chi, tương miso, tương nén tempeh, dưa chua, dưa cải bắp, ô liu và các loại rau củ lên men khác sẽ giúp duy trì các vi khuẩn có lợi trong đường ruột của bạn. Tốt nhất là bạn nên ăn nhiều loại thực phẩm lên men vì mỗi loại chứa một nhóm vi khuẩn có lợi (probiotics) khác nhau.

Axit béo omega-3: Lượng axit béo omega-3 trong các loại cá nước lạnh sẽ thấp khi chúng sống trong môi trường có nhiều chất độc. Omega-3 đặc biệt quan trọng đối với não và tim. Hãy bổ sung axit béo omega-3 từ cá hồi Alaska đánh bắt tự nhiên, cá mòi và cá cơm. Bạn cũng nên phải giảm lượng omega-6 để đạt được tỷ lệ so với omega 3 là 1 : 1.

Trà matcha: Đây là loại trà xanh giàu chất dinh dưỡng có dạng bột chưa lên men được xay bằng cối đá. Loại trà matcha tốt nhất đến từ Nhật Bản và là nguồn cung cấp các chất chống oxy hóa tuyệt vời.

Các loại thảo mộc và gia vị: Đây là những thành phần chống viêm mạnh nhất. Một nghiên cứu cho thấy đinh hương, gừng, hương thảo và nghệ có ảnh hưởng mạnh đến tình trạng viêm của cơ thể. Trong một nghiên cứu khác, tỏi cũng làm giảm một số marker sinh học gây viêm, bao gồm protein phản ứng C, TNF-alpha và interleukin-6.

Capsaicin: Một nghiên cứu trên động vật năm 2013 đã phát hiện rằng capsaicin “có tác dụng chống viêm tương đương với diclofenac”, một loại NSAID thường được dùng trong những trường hợp viêm khớp từ nhẹ đến trung bình.

Nhũ hương (nhựa Boswellia serrata): Một báo cáo cho thấy nhũ hương “có đặc tính chống viêm và giảm đau” và là chất ức chế sinh tổng hợp leukotriene. Đặc tính giúp nhũ hương có hiệu quả trong việc điều trị đau và những bệnh do leukotrienes gây ra, chẳng hạn như tình trạng viêm và thoái hóa khớp. Một nghiên cứu khác phát hiện rằng nhũ hương và nấm hương có khả năng làm giảm viêm bằng cách ức chế tác dụng của các cytokine gây viêm.

(Bài viết được đăng trên trang: theepochtimes.com/health của giả Joseph Mercola:

Joseph Mercola: Tiến sĩ Joseph Mercola là người sáng lập Mercola.com. Ông là một bác sĩ chỉnh hình, là tác giả có sách bán chạy nhất và nhận được nhiều giải thưởng trong lĩnh vực sức khỏe tự nhiên. Tầm nhìn chính của ông là thay đổi mô hình y tế hiện đại bằng cách cung cấp cho mọi người nguồn tài nguyên quý giá để giúp họ kiểm soát sức khỏe của mình).

Đức Nhân

(Theo The Epoch Times tiếng Anh)



BÀI CHỌN LỌC

Thuốc chống viêm không steroid có thể gây tổn thương tim