Tiến sĩ Hồ Nãi Văn: Tìm kiếm trí tuệ từ y học cổ truyền Trung Hoa

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngày nay, với lối sống hiện đại và ít vận động, chúng ta đang tự gia tăng cho mình nguy cơ mắc các bệnh mạn tính. Vậy phương thức nào có thể giúp bệnh được kiểm soát, hay thậm chí phòng ngừa chúng tái phát?...

Những câu hỏi này và nhiều câu hỏi khác đã được giải đáp tại buổi nói chuyện về sức khỏe liên quan đến các bệnh mãn tính do thời báo Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung tổ chức vào ngày 2 tháng 7 năm 2016 tại khách sạn trung tâm thành phố Furama (Singapore).

YHCT Trung Hoa chưa bao giờ ngừng làm chúng ta ngạc nhiên về trí huệ của cổ nhân, và dù năm tháng trôi qua thì những giá trị mà người xưa để lại vẫn còn nguyên vẹn. Vì thế mà hôm nay Ban biên tập NTDTV tiếng Việt xin gửi đến quý độc giả những kiến thức rất hữu ích để bảo vệ sức khỏe được chia sẻ trong buổi tọa đàm này.

Chúng ta là những bác sĩ tốt nhất của chính mình

Bác sĩ Trung Quốc nổi tiếng, Tiến sĩ Hồ Nãi Văn (Hu Naiwen) được mời làm diễn giả danh dự cho buổi nói chuyện, thu hút hơn 400 người tham dự.

Với hơn 30 năm kinh nghiệm lâm sàng trong lĩnh vực Đông Y, Tiến sĩ (TS) Hồ hiện đang làm việc tại Trung tâm Y học cổ truyền Đồng Đức Thượng Hải ở thành phố Đài Bắc, Đài Loan.

Đây là lần thứ năm TS Hồ đến Singapore nơi ông có khá nhiều người hâm mộ. Nhiều người tham dự đã đến buổi tọa đàm chỉ để được gặp TS Hồ.

Trong suốt cuộc nói chuyện của TS Hồ, thật khó có thể tin rằng vị bác sĩ hoạt bát và giàu năng lượng này đã 70 tuổi. Nhiều căn bệnh chưa từng được biết đến hoặc không thể chữa được bằng Tây y đã được ông chữa khỏi. Ông đã chia sẻ kiến ​​thức uyên thâm và những bình luận sâu sắc của mình một cách sảng khoái và hài hước.

Đầu tiên, bác sĩ Hồ đã giới thiệu vắn tắt với khán giả về một cách tiếp cận độc đáo để có được sức khỏe tốt hơn: “Chúng ta là những bác sĩ tốt nhất của chính mình”. Ông nói thêm rằng chúng ta có thể học theo những tinh hoa của y học cổ truyền Trung Quốc và tìm kiếm một môn tu luyện tâm linh để cải thiện sức khỏe.

Không chỉ đưa ra sự so sánh giữa các phương pháp điều trị theo y khoa hiện đại và theo y học cổ truyền Trung Hoa đối với nhiều căn bệnh, TS Hồ còn biểu diễn một số kỹ thuật bấm huyệt để điều trị các bệnh hàng ngày như stress và đau mãn tính.

Bấm huyệt là một phương pháp chữa bệnh cổ xưa của Trung Quốc, thông qua việc xoa bóp một số huyệt vị thuộc các đường kinh mạch trên cơ thể để làm giảm đau. Cơ thể con người có 14 đường kinh khác nhau mang năng lượng đi khắp cơ thể.

Ngoài ra, TS Hồ cũng giới thiệu 50 loại thực phẩm tốt cho sức khỏe và khuyên mọi người nên ngắm những bức tranh đẹp, nghe nhạc êm dịu và thưởng thức những màn trình diễn sân khấu tuyệt vời như Nghệ thuật biểu diễn Shen Yun.

Giải thích về lời khuyên này, TS Hồ đã trích dẫn ví dụ về một thí nghiệm nổi tiếng của Tiến sĩ người Nhật Masaru Emoto. TS Emoto đã cho các mẫu nước “nghe” nhiều thể loại âm nhạc khác nhau như nhạc cổ điển và nhạc rock.

Ông phát hiện ra rằng khi các mẫu nước tiếp xúc với ý nghĩ tích cực của con người hoặc âm nhạc cổ điển thanh tĩnh, chúng đã hình thành những tinh thể tuyệt đẹp khi bị đóng băng. Ngược lại, những mẫu nước tiếp xúc với ý nghĩ tiêu cực của con người và nhạc rock lại hình thành những tinh thể băng méo mó và xấu xí.

TS Hồ Nãi Văn, người có hơn 30 năm kinh nghiệm lâm sàng trong y học cổ truyền Trung Quốc, đã trình diễn một số kỹ thuật bấm huyệt và xoa bóp tại buổi nói chuyện về sức khỏe....

Bệnh tật là một vấn đề của sự không hài hòa hoặc sự mất cân bằng

Tiến sĩ Hồ tin rằng khoa học hiện đại ngày nay bị giới hạn bởi chính sự phát triển và nghiên cứu của nó về thế giới vật chất, nghĩa là một vấn đề sẽ không được nghiên cứu trừ khi nó hữu hình và có thể quan sát được.

Ông nghĩ rằng phương pháp khoa học này đã “giam cầm” nhận thức của chúng ta về nhiều thứ, điều này cũng phản ánh trong việc điều trị bệnh.

Theo khoa học hiện đại, bệnh có thể do mầm bệnh như vi khuẩn, virus, động vật nguyên sinh và nấm, hoặc thiếu hoặc thừa chất dinh dưỡng gây ra. Tuy nhiên, điều mà Tây Y gọi là bệnh thì Đông Y lại coi là vấn đề mất cân bằng và không hài hòa.

Theo Đông Y, cơ thể con người có mối liên hệ chặt chẽ với môi trường. Để có được sức khỏe tốt, người ta phải sống thuận theo quy luật của vũ trụ và hòa hợp với môi trường tự nhiên. Đông Y chăm sóc sức khỏe từ góc nhìn toàn diện và điều trị cho bệnh nhân thông qua việc xem xét căn nguyên của sự mất cân bằng và mất hài hòa đằng sau một căn bệnh, thay vì đơn giản chỉ là điều trị bệnh.

TS Hồ đã trích dẫn một câu nói kinh điển trong “Hoàng Đế nội kinh”: “Sống theo đúng quy luật âm dương, hòa hợp với thuật số (pháp vu âm dương, hòa vu thuật số)” và cho biết “cơ thể sẽ ổn định nếu hai yếu tố âm và dương cân bằng.”

Tác phẩm Hoàng đế Nội kinh được viết vào năm 240 TCN. Đây là cuốn sách y học kinh điển và lâu đời nhất của Trung Quốc...

Theo lý thuyết của Đông Y, sự cân bằng của âm dương là cần thiết cho sức khỏe. Ngoài ra, mỗi một tạng của cơ thể tương ứng với một trong năm yếu tố: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Bệnh phát sinh khi các yếu tố này mất cân bằng.

TS Hồ cũng trích dẫn một câu nói nổi tiếng trong Đông Y: “Chính khí đầy đủ thì bệnh tật không thể xâm phạm (Chính khí tồn nội, tà bất khả can). Nói cách khác, khi một người tràn đầy những suy nghĩ tốt và năng lượng tích cực, người ta sẽ không bị mắc bệnh mãn tính.

TS Hồ chia sẻ: “Các nhà hiền triết cổ đại truyền lại cho hậu thế rất nhiều trí tuệ và kiến ​​thức. Vào thời cổ đại, các bác sĩ Đông Y không có thiết bị hiện đại để chữa bệnh, nhưng họ vẫn có thể chữa bệnh hiệu quả bằng các phương pháp cổ xưa. Trên thực tế, cái gọi là tiến bộ khoa học đã giới hạn chúng ta trong một lối suy nghĩ cứng nhắc! Mục đích của tôi là giúp hồi sinh những gì đã mất”.

Tác phẩm Hoàng đế Nội kinh được viết vào năm 240 TCN. Đây là cuốn sách y học kinh điển và lâu đời nhất của Trung Quốc. Cuối bài, chúng ta hãy cùng suy ngẫm về một đoạn đối thoại trong cuốn Hoàng Đế Nội Kinh, viết về lý do tại sao con người sau này dễ mắc bệnh.

Trích từ Chương 1: Thượng cổ thiên chân luận (tham khảo bản dịch từ yduoctinhhoa.com)

昔在黄帝,生而神灵,弱而能言,幼而徇齐,长而敦敏,成而登天。乃问于天师曰:余闻上古之人,春秋皆度百岁,而动作不衰;今时之人,年半百而动作皆衰者,时世异耶,人将失之耶。

Ngày xưa, Hoàng Đế khi sinh ra đã có tính thần linh, tuổi còn nhỏ đã biết nói, còn bé đã xử lý mọi việc nhanh nhẹn và chu đáo. Khi lớn lên, tính tình ông đôn hậu, minh mẫn. Khi thành nhân ông được lên ngôi vua [1].

Có lần ông hỏi Thiên Sư (Kỳ Bá) rằng: “Ta nghe rằng người thời thượng cổ tuổi tác có đến trăm tuổi mà động tác vẫn không suy yếu, người thì nay tuổi mới nửa trăm mà động tác đều suy yếu. Đó là vì thời thế khác nhau ư? Hay là con người sắp mất đi (sự hòa điệu âm dương)?

岐伯对曰:上古之人,其知道者,法于阴阳,和于术数,食饮有节,起居有常,不妄作劳,故能形与神俱,而尽终其天年,度百岁乃去。

[2] - Kỳ Bá đáp : “Người thời thượng cổ đều biết đạo dưỡng, họ bắt chước theo lẽ (biến hóa) của âm dương, hòa hợp được với thuật luyện tinh khí, ăn uống điều độ, thức ngủ theo lẽ thường, không lao động mệt nhọc một cách cẩu thả, do đó hình thể và thần khí của họ đầy đủ để có thể sống trọn tuổi trời, trăm tuổi mới chết [3].

Người thời nay thì không thế, họ lấy rượu làm thức uống, lấy sự cẩu thả làm lẽ thường, say sưa rồi giao hợp, lấy sắc dục làm cho tinh khí bị hao kiệt, hao tổn đến chân khí, họ không biết giữ vững cái chén đầy, không theo đúng sự thay đổi khí tiết bốn mùa để bảo dưỡng tinh thần, họ chỉ muốn làm cho khoái cái tâm, làm nghịch lại cái vui chân thực, họ thức ngủ không điều độ, do đó mà tuổi mới nửa trăm thì đã suy yếu vậy [4].

Hương Xuân - Thiên Hoa
- Theo The Epoch Times.

 

 



BÀI CHỌN LỌC

Tiến sĩ Hồ Nãi Văn: Tìm kiếm trí tuệ từ y học cổ truyền Trung Hoa