Tiêu chảy sau khi ăn có phải là triệu chứng ung thư ruột? 4 biểu hiện của đường ruột khỏe mạnh

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bị tiêu chảy sau khi ăn có phải là dấu hiệu của ung thư đại tràng hay polyp đại tràng không? Làm thế nào để nhận biết đường ruột có vấn đề?

Tiêu chảy sau khi ăn, có phải ung thư đại tràng hay polyp đại tràng không?

Ông Hu Qunfeng, giáo sư tại Bệnh viện Hài Hòa Quảng Châu (Trung Quốc) cho biết, tiêu chảy sau khi ăn thường không phải do ung thư ruột.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng tiêu chảy sau bữa ăn, bao gồm phản xạ mạnh của niêm mạc dạ dày, không dung nạp thức ăn, ruột kích thích, viêm ruột và các yếu tố khác.

Một số người có phản ứng niêm mạc dạ dày mạnh, chỉ cần thức ăn đi vào dạ dày sẽ gây kích thích. Những người có phản ứng mạnh sẽ tiết ra nhiều chất hơn, từ đó kích thích và tăng nhanh nhu động ruột, cuối cùng hình thành phân.

Ngoài ra, ăn một số thực phẩm mà cơ thể không dung nạp được cũng sẽ mang đến những kích thích bất lợi cho đường ruột, dẫn đến đau bụng và tiêu chảy,

Cũng có trường hợp tiêu chảy sau bữa ăn là do các vấn đề về đường ruột, chẳng hạn như viêm ruột.

Nói chung, hiện tượng tiêu chảy sau khi ăn, đa số không phải là do ung thư đường ruột hay polyp ruột, mà do phản xạ mạnh của niêm mạc dạ dày, không dung nạp thức ăn, ruột kích thích, viêm ruột và các yếu tố khác.

4 triệu chứng "cảnh báo sớm" của ung thư ruột

Khi ruột có khả năng bị ung thư, thường sẽ có 4 triệu chứng phổ biến dưới đây:

Triệu chứng 1: Máu trong phân

Hầu hết máu trong phân do ung thư đại trực tràng. Lúc này, phân dính máu đỏ tươi hoặc đỏ sẫm, lượng máu chảy nhìn chung không nhiều, một số bệnh nhân còn kèm theo dịch nhầy có màu máu.

Hơn nữa, máu trong phân lâu ngày cũng dễ khiến người bệnh bị thiếu máu.

Ngoài ra, bản thân ung thư ruột có thể phá hủy niêm mạc ruột, khiến cơ thể bị mất máu mãn tính, lâu ngày sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng và xuất hiện các triệu chứng như sụt cân, mệt mỏi.

Triệu chứng 2: Đau hậu môn

Đau hậu môn do ung thư đại tràng ở giai đoạn đầu nhìn chung không có biểu hiện rõ ràng, phần lớn là đau từng cơn. Khi bệnh tiến triển nặng hơn, cơn đau sẽ dữ dội hơn khi đại tiện.

Triệu chứng 3: Đặc điểm và hình dạng phân thay đổi

Các triệu chứng điển hình của ung thư ruột là thay đổi đặc điểm và hình dạng phân. Bệnh nhân có thể có các triệu chứng táo bón và tiêu chảy xen kẽ.

Lượng đi tiêu mỗi lần không nhiều, nhưng sẽ có lúc tiêu chảy thường xuyên xảy ra. Đồng thời, người bệnh cũng sẽ có cảm giác đại tiện mãi không hết.

Khi các tổn thương trong đường ruột phát triển đến một mức độ nhất định, lòng ruột sẽ bị nén lại, làm cho phân mỏng và phẳng hơn, cũng có thể có rãnh trong phân.

Triệu chứng 4: Sa khối hậu môn

Có những cục u nhô ra và căng phồng ở rìa hậu môn, nhiều người sẽ nghĩ trực tiếp đó là bệnh trĩ nhưng thực chất đây có thể là do khối u hậu môn sa ra ngoài.

Vì vậy, nếu bệnh nhân phát hiện khối u sa ra ngoài và không cải thiện trong một thời gian, thì họ nên đến bệnh viện để điều trị kịp thời.

3. Mất bao lâu để đại tiện trở lại bình thường sau khi ăn?

Thông thường, thời gian làm rỗng dạ dày của chúng ta là 4-6 giờ, và thời gian để thức ăn được đào thải ra ngoài nói chung là từ 12-24 giờ sau khi ăn. Nói cách khác, khi chúng ta ăn, thức ăn thường được đào thải ra ngoài trong vòng 12-24 giờ.

Tuy nhiên, thời gian bài tiết sẽ khác nhau ở mỗi cá thể tùy thuộc vào thực phẩm chúng ta ăn vào, hàm lượng cellulose trong thức ăn và nhu động ruột của từng cá thể.

Vì vậy, khó có thể nói thời gian đại tiện sau bữa ăn cố định là bao lâu, nhưng miễn là thời gian đại tiện đều đặn và không có các triệu chứng khó chịu khác trong cơ thể thì đều là bình thường.

4 đặc điểm chứng tỏ đường ruột khỏe mạnh

Chúng ta có thể đánh giá sức khỏe của đường ruột bằng cách quan sát hình dạng của phân, 4 biểu hiện dưới đây chứng tỏ đường ruột khỏe mạnh:

Biểu hiện 1: Phân có hình dạng rõ ràng

Thông thường, phân nên có hình trụ, cong hoặc ngoằn ngoèo giống như hình dạng của ruột và phân phải mềm.

Sự có mặt của các dạng phân này chứng tỏ chức năng đường ruột vẫn tốt, không có dị vật trong đường ruột gây o ép, khiến phân bị biến dạng.

Biểu hiện 2: Phân không có mùi đặc biệt

Phân thường có mùi hôi nên chúng ta ít khi quan tâm đến mùi của nó, nhưng khi phân có mùi đặc biệt nồng nặc và khó chịu, bạn nên cẩn thận. Mùi lạ của phân có thể là do rối loạn bài tiết của vi khuẩn.

Biểu hiện 3: Màu sắc bình thường

Màu sắc bình thường của phân nên là màu vàng đậm hoặc nâu vàng. Tuy nhiên, việc ăn thức ăn có hàm lượng sắc tố tự nhiên cao như thanh long ruột đỏ cũng có thể làm thay đổi màu sắc của phân trong ngắn hạn.

Nếu màu phân bất thường trong thời gian dài, có màu đỏ hoặc đen thì bạn cần cân nhắc khả năng đường ruột bị viêm nhiễm.

Biểu hiện 4: Số lần đại tiện bình thường

Cơ thể chúng ta đại tiện đều đặn, bởi vì nhu động đường tiêu hóa cũng có nhịp điệu của nó.

Số lần đại tiện trong ngày bình thường chỉ nên duy trì trong khoảng 1-3 lần. Nếu đại tiện nhiều lần thì nên cảnh giác với tình trạng ruột bị kích thích quá mức do các bệnh đường ruột gây ra.

(*) Ảnh chủ đề: Marco Verch Professional Photographer Flickr - CC BY 2.0

Hoàng Tuấn
Theo Aboluowang



BÀI CHỌN LỌC

Tiêu chảy sau khi ăn có phải là triệu chứng ung thư ruột? 4 biểu hiện của đường ruột khỏe mạnh