Tìm kiếm ý nghĩa trong cuộc sống giúp tăng cường khả năng miễn dịch và sức khỏe tim mạch

Giúp NTDVN sửa lỗi

Kết quả một nghiên cứu đăng trên tạp chí Annals of Behavioral Medicine cho thấy, người có mục tiêu sống càng tích cực, thì hệ thống miễn dịch càng mạnh.

Có mục đích sống giúp tăng cường khả năng miễn dịch

Đó là một nghiên cứu được công bố vào năm 2003 trên tạp chí Annals of Behavioral Medicine. Tiến sĩ Bower, nhà miễn dịch học tâm lý thần kinh tại Đại học California, Los Angeles, dẫn đầu một nhóm theo dõi 43 phụ nữ đã trải qua sự mất mát người thân trong vòng bốn tuần. Những phụ nữ này có độ tuổi trung bình là 42, có người thân (chủ yếu là mẹ) đã tử vong vì ung thư vú.

Mất người thân là một sự kiện tiêu cực điển hình trong cuộc sống. Nó sẽ khiến cơ thể tiết ra hormone căng thẳng, có tác dụng ức chế chức năng các tế bào miễn dịch, giảm khả năng miễn dịch chống lại virus và khối u của cơ thể. Hơn nữa, do trong cơ thể có một số gen nhạy cảm với ung thư vú, nên người thân của bệnh nhân ung thư vú cũng có nguy cơ cao mắc ung thư vú.

Kết quả của cuộc khảo sát cho thấy, những câu hỏi khác nhau mà những người tham gia nghĩ đến sẽ dẫn đến những thay đổi về nguy cơ phát triển ung thư vú của họ. Tại sao lại như vậy? Nó gợi ý gì cho chúng ta suy nghĩ về những bí ẩn của cuộc sống?

Nghiên cứu cho thấy, các tế bào NK (tế bào tiêu diệt tự nhiên), một loại tế bào miễn dịch, hoạt động mạnh mẽ hơn ở những phụ nữ coi trọng việc tìm kiếm "mục đích sống có ý nghĩa". Đây là một yếu tố quan trọng trong việc thúc đẩy sức khỏe tâm thần và tăng cường khả năng phục hồi của chính bạn.

Những người tìm kiếm ý nghĩa trong cuộc sống đã tăng khả năng miễn dịch . (Sức Khỏe 1+1/Epoch Times)

Tế bào tiêu diệt tự nhiên (NK cell) thuộc hệ thống miễn dịch bẩm sinh, chiếm khoảng 5 - 10% tế bào lympho ở máu ngoại vi. Có hai loại thụ thể trên bề mặt tế bào giết tự nhiên: (1) thụ thể ức chế: nhận biết tế bào khỏe mạnh; (2) thụ thể kích hoạt: nhận biết tế bào bị nhiễm virus và tế bào ung thư, giúp kích hoạt NK cell. Các NK cell kích hoạt sẽ tiếp xúc trực tiếp với các tế bào bị bệnh, giải phóng perforin và đục lỗ vào các tế bào bệnh; trong khi tiết ra granzyme có thể phân hủy các thành phần tế bào bệnh. Ngoài ra, chúng còn tiết ra yếu tố hoại tử khối u, gây ra quá trình tự chết của tế bào khối u; đồng thời loại bỏ các tế bào bị nhiễm virus và tế bào khối u.

Các tế bào giết tự nhiên tiêu diệt các tế bào khối u. (Sức Khỏe 1+1/Epoch Times)

Suy nghĩ về ý nghĩa của cuộc sống sẽ làm cho chức năng các tế bào miễn dịch mạnh mẽ hơn, do đó nguy cơ ung thư vú cũng sẽ giảm. Nói cách khác, ý nghĩa của cuộc sống thực sự liên quan trực tiếp đến sức khỏe của tế bào chúng ta.

Ngoài ra, việc đặt mục tiêu trong cuộc sống còn liên quan đến các tình trạng sức khỏe khác.

Năm 2015, Tạp chí Psychosomatic Medicine đã công bố một phân tích tổng hợp 10 nghiên cứu tiến cứu, bao gồm 136.265 người tham gia, với độ tuổi trung bình khoảng 67 và thời gian theo dõi trung bình là 7,3 năm. Trong giai đoạn này, 14.518 người tham gia đã tử vong; 4.316 người có biến cố tim mạch.

Những người có ý thức về mục đích có nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân thấp hơn. (Sức Khỏe 1+1/Epoch Times)

Phân tích cho thấy, những người có mục đích sống cao hơn có tỷ lệ rủi ro tương đối thấp hơn 17% so với các nhóm khác đối với các biến cố tim mạch và tất cả các nguyên nhân gây tử vong.

Randy Cohen, tác giả chính của nghiên cứu, bác sĩ tim mạch, Bệnh viện Mt Sinai St Luke's và Roosevelt và Trường Y khoa Icahn tại Mount Sinai, New York cho biết: “Có một mối liên hệ chặt chẽ giữa việc trau dồi và tinh chỉnh ý thức về mục đích sống của con người với việc bảo vệ sức khỏe tim mạch và khả năng cứu sống một người.”

Mỗi chúng ta cần tự hỏi mình một câu hỏi then chốt: Chúng ta có mục đích sống không? Nếu không, bạn có thể cần phải nỗ lực tìm kiếm mục đích và ý nghĩa quan trọng của cuộc đời mình.

Lợi ích của việc tìm kiếm mục đích sống với người cao tuổi

Năm 2019, tạp chí Archives Of General Psychiatry đã công bố một nghiên cứu tiến cứu trên 951 người cao tuổi: tuổi trung bình 80 tuổi, thời gian theo dõi lên đến 7 năm. Trong khoảng thời gian này có 155 người (16,3%) bắt đầu mắc bệnh Alzheimer (AD).

Một mô hình rủi ro theo tỷ lệ cho thấy, mục tiêu cuộc sống lớn hơn có liên quan đến nguy cơ mắc AD thấp hơn đáng kể (52%). Yếu tố rủi ro độc lập này không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố gây nhiễu khác, chẳng hạn như trầm cảm, loạn thần kinh, quy mô xã hội và bệnh mãn tính. Tất nhiên, mức độ giảm rủi ro sẽ khác nhau tùy theo độ tuổi, giới tính và trình độ học vấn.

Những người có ý thức mạnh mẽ về mục đích ít có khả năng mắc bệnh Alzheimer. (Sức Khỏe 1+1/Epoch Times)

Ngoài ra, những người có mục đích sống cao giảm nguy cơ suy giảm nhận thức nhẹ (MCI), giai đoạn đầu của AD.

Không chỉ vậy, đặt mục tiêu cuộc sống, ngoài việc ngăn ngừa bệnh Alzheimer, còn tốt cho các khía cạnh sức khỏe khác của người cao tuổi. Một bài báo năm 2009 trên tạp chí Psychosomatic Medicine đã đánh giá 1.238 người lớn tuổi không mắc chứng mất trí nhớ trong vòng 5 năm bằng cách sử dụng dữ liệu từ hai nghiên cứu đoàn hệ.

Đặt mục tiêu trong cuộc sống làm giảm tỷ lệ tử vong của người cao tuổi. (Sức Khỏe 1+1/Epoch Times)

Phân tích cho thấy những người đạt điểm cao trong bài đánh giá mục đích sống có nguy cơ tử vong thấp hơn 43% so với những người đạt điểm thấp. Kết quả không bao gồm ảnh hưởng của tuổi tác, giới tính, giáo dục hoặc chủng tộc.

Tại sao mục đích sống tích cực lại tốt cho sức khỏe?

Đầu tiên, như đã đề cập ở trên, các tế bào tiêu diệt tự nhiên hoạt động mạnh hơn ở những phụ nữ coi trọng việc tìm kiếm các mục tiêu có ý nghĩa trong cuộc sống. Các tế bào này được phân phối trong máu ngoại vi, lách và hệ bạch huyết, có thể theo dõi và loại bỏ các tế bào bị bệnh trong các cơ quan khác nhau như phổi, da, mô mỡ dưới da, thận và gan, đồng thời đóng vai trò tuần tra bảo vệ sức khỏe.

Thứ hai, việc điều chỉnh tăng miễn dịch tổng thể có tác động tích cực đến việc ngăn ngừa các tình trạng viêm mãn tính, ung thư, bệnh tự miễn dịch và các vấn đề khác. Tâm lý tự nhận thức về khái niệm hạnh phúc giúp duy trì trạng thái chống virus tốt của cơ thể. Tư duy tự hiện thực hóa, bao gồm theo đuổi các mục tiêu cuộc sống, sống tự chủ và chánh niệm (sống trong thời điểm hiện tại), lòng tốt và lòng vị tha - một yếu tố quan trọng trong đó là thiết lập một mục tiêu sống đúng đắn.

Ngoài ra, một nghiên cứu năm 2009 cho thấy, những người có mục tiêu rõ ràng trong cuộc sống ít có khả năng gặp phải các triệu chứng trầm cảm. Những người có ý thức về mục đích trong cuộc sống, có xu hướng hướng tới mục tiêu trong các hoạt động hàng ngày của họ, tư duy này góp phần kéo dài tuổi thọ.

Hơn nữa, những người có mục đích sống cao hơn, thường sử dụng các dịch vụ y tế dự phòng nhiều hơn và ít phải nhập viện hơn. Đề cao giá trị sống sẽ khiến con người chú ý hơn đến việc phòng ngừa các yếu tố gây bệnh, quan tâm chăm sóc sức khỏe nhiều hơn, sẽ không làm những việc hay hành vi có hại cho sức khỏe, tất nhiên sẽ dễ dàng khỏe mạnh hơn.

Ví dụ hút thuốc lá dễ bị ung thư phổi, tại sao vẫn có người hút? Có thể là do họ thiếu ý thức về mục đích sống, và không kiểm soát được ham muốn của mình.

Ý nghĩa của trị liệu cuộc sống

Nhà thần kinh học và bác sĩ tâm thần người Áo Viktor Emil Frankl là người ủng hộ Phân tâm học Hiện sinh. Ông sinh ra trong một gia đình Do Thái nghèo ở Vienna, Áo, là người sống sót sau thảm họa diệt chủng phát xít Đức. Tiến sĩ Frankl đã nhận bằng tiến sĩ danh dự từ 29 trường đại học trên khắp thế giới và đã xuất bản 39 cuốn sách, trong đó cuốn sách "Đi tìm lẽ sống" của ông đã bán được 9 triệu bản.

Bác sĩ Frankl đã 4 lần bị giam trong các trại tập trung của Đức quốc xã, nhưng cuối cùng vẫn sống sót. Trong trải nghiệm này, ông đã phát hiện ra rằng một số người cùng khổ có nhiều khả năng sống sót hơn những người khác. Ông cho rằng: "Những người cảm thấy cuộc sống nhàm chán và không có mục tiêu sống thường bi quan và thất vọng. Nếu không có niềm tin vào mục tiêu sống để tiếp tục kiên trì, anh ta sẽ sớm mất đi niềm tin để sống".

Ông đã thành lập liệu pháp ý nghĩa dựa trên kinh nghiệm của chính mình - "logos" là một từ tiếng Hy Lạp, có nghĩa là "ý nghĩa".

"Logotherapy" tập trung vào "ý nghĩa của sự tồn tại của con người" và "con người theo đuổi ý nghĩa của sự tồn tại", giúp bệnh nhân hiểu được ý nghĩa của cuộc sống từ cuộc sống, thay đổi cách nhìn về cuộc sống, đối mặt với thực tế và sống tích cực, lạc quan.

Về chiến lược điều trị, liệu pháp ý nghĩa tập trung vào việc hướng dẫn mọi người tìm kiếm và khám phá ý nghĩa của cuộc sống, thiết lập các mục tiêu rõ ràng trong cuộc sống và đối mặt hoặc kiểm soát cuộc sống với thái độ tích cực. Nó khác với phân tâm học. Nó đứng ở một góc nhìn rộng hơn, khám phá cuộc sống một cách sâu sắc và giúp đối tượng điều trị có được ý nghĩa của cuộc sống thông qua việc chẩn đoán các vấn đề của cuộc sống.

Liệu pháp ý nghĩa tin rằng con người là một tổng thể tồn tại trong ba chiều, bao gồm cơ thể, tâm trí và tinh thần. Mặt khác, liệu pháp ý nghĩa thực sự là liệu pháp toàn diện với ba niềm tin cơ bản liên quan đến nhau:

  • Tự do ý chí: Đây là một khái niệm tinh thần. Liệu pháp ý nghĩa tin rằng ý chí của một số người không được tự do, chẳng hạn như bệnh nhân tâm thần.
  • Ý chí nghĩa hiệp: Đây là ý chí chủ động, nguyên thủy, là cơ sở để làm tròn trách nhiệm của cuộc đời.
  • Ý nghĩa của cuộc sống: Ý nghĩa của cuộc sống thay đổi tùy theo từng người và từng thời điểm. Mọi người phải suy nghĩ để thực sự tìm ra.

Khi ta gặp khó khăn, động lực giúp ta sống thường đến từ ý chí nghị lực để tồn tại. Tôi đã từng mắc bệnh hiểm nghèo, nhưng lúc đó tôi có một niềm tin vững chắc: Tôi phải sống sót, và tôi còn nhiều việc quan trọng phải làm. Với một niềm tin đơn giản như vậy, tôi đã sống sót.

Frankl kể lại những trải nghiệm cá nhân của mình trong các trại tập trung, và giữa cuộc sống khốn khổ, ông buộc mình phải chuyển sang một chủ đề khác. Đột nhiên ông thấy mình đang giảng bài về tâm lý của các trại tập trung. Bằng cách này, Frankl đã tự tách mình ra khỏi tình trạng khó khăn. Hãy coi mọi đau khổ là quá khứ và quan sát nó. Theo cách này, tất cả đau khổ trở thành một chủ đề nghiên cứu tâm lý thú vị trong tầm tay.

Vì vậy, đôi khi tất cả những gì chúng ta cần là "một ý nghĩ thứ hai". Nếu bạn có thể đặt ra một mục tiêu tham vọng hơn, thì những khó khăn và khổ nạn mà bạn phải chịu đều có thể trở thành những trải nghiệm sống độc đáo, từ đó đạt được thành công rực rỡ hơn.

Cũng có một số ví dụ tiêu cực trong dịch bệnh. Ví dụ, khi mọi người buộc phải tiêm vaccine, họ thực sự bị tước đoạt quyền tự do ý chí. Từ góc độ trị liệu ý nghĩa, điều này có hại cho sức khỏe con người, chẳng hạn như ức chế khả năng miễn dịch và chức năng tế bào giết tự nhiên. Những biện pháp tiêm chủng bắt buộc này thực sự sẽ gây hại cho cơ thể con người.

Tư tưởng quyết định hành vi, hành vi quyết định tính cách, tính cách quyết định vận mệnh. Câu nói của nhà triết học Đức - Nietzsche mà Tiến sĩ Frankl rất yêu thích là: "Người biết “tại sao” để sống có thể chịu đựng bất kỳ nỗi đau nào".

Thiền định có thể giúp bạn tĩnh tâm, suy nghĩ thêm về ý nghĩa cuộc sống. Thử tham gia lớp thiền định online miễn phí tại đây.

Theo Yuhong Dong, Kelly Song - Epochtimes

Thiện Tâm biên dịch

 



BÀI CHỌN LỌC

Tìm kiếm ý nghĩa trong cuộc sống giúp tăng cường khả năng miễn dịch và sức khỏe tim mạch