Trẻ 5 - 11 tuổi tiêm vaccine COVID cần lưu ý gì? Có tác dụng phụ nào không?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nhiều tỉnh thành đang lên kế hoạch triển khai tiêm vaccine cho trẻ từ 5 - 11 tuổi. Loại vaccine nào được sử dụng, có lưu ý gì cho trẻ trước khi tiêm không, và tác dụng phụ của vaccine là gì?

Các tỉnh thành chuẩn bị triển khai tiêm vaccine COVID cho trẻ từ 5 - 11 tuổi

Theo báo Vietnamplus, nhằm tăng diện bao phủ vaccine COVID trong cộng đồng, tỉnh Đồng Nai hiện đang lên kế hoạch và chuẩn bị các điều kiện thích hợp để tiêm vaccine cho trẻ từ 5 - 11 tuổi.

Dự kiến, 95% trong tổng số hơn 407.000 trẻ em sinh sống trên địa bàn tỉnh sẽ được tiêm chủng.

Về thời gian tổ chức tiêm, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai cho biết kế hoạch sẽ được thực hiện ngay khi Bộ Y tế phân bổ vaccine cho các địa phương.

Địa điểm tiêm sẽ tùy thuộc vào từng nhóm trẻ để phân chia, theo đó:

  • Trẻ đi học sẽ được tiêm vaccine tại trường hoặc điểm tiêm được cơ sở giáo dục lựa chọn;
  • Trẻ không đi học tiêm chủng tại điểm cố định do UBND huyện, thành phố lựa chọn;
  • Trẻ có chỉ định khám sàng lọc sẽ tiêm tại bệnh viện;
  • Đối với trường hợp vượt quá khả năng tiêm chủng của cơ sở tuyến huyện, trẻ cần có giấy giới thiệu để chuyển lên tuyến tỉnh (Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất).

Ngoài ra, vaccine sẽ được ưu tiên từ lớn tuổi xuống nhỏ tuổi. Nhóm tuổi nào chưa được tiêm, sẽ tùy theo tiến độ cung ứng vaccine và tình hình dịch bệnh để quyết định triển khai tiếp hay không.

Về loại vaccine, Bộ Y tế đã duyệt hai loại vaccine của hãng Pfizer và Moderna để tiêm cho trẻ em. Ngoài ra, trẻ sẽ chỉ tiêm 2 mũi thay vì 3 mũi như người lớn.

Trước đó, TP.HCM cũng thông báo về kế hoạch tiêm chủng cho hơn 898.000 trẻ, trong đó có hơn 885.700 trẻ đang ở độ tuổi đi học, 12.807 trẻ chưa đi học và đang được nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội, theo báo Sức khỏe & Đời sống.

Thành phố cho biết, thời gian tiêm sẽ phụ thuộc vào tiến độ cung ứng vaccine của Bộ Y tế, và dự kiến sẽ hoàn thành trước tháng 9/2022.

Ngoài ra, UBND thành phố cũng liên hệ và yêu cầu Trung tâm Cấp cứu 115 phối hợp với các bệnh viện nhằm đảm bảo an toàn tại các điểm tiêm; bao gồm bố trí xe cấp cứu với trang thiết bị, phương tiện và thuốc để phòng trường hợp khẩn cấp.

Trẻ không nên tiêm vaccine COVID-19 khi nào?

Báo Thanh niên dẫn lời Tiến sĩ - Bác sĩ Nguyễn Huy Luân, Trưởng Đơn vị Tiêm chủng Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết nếu trẻ thuộc một trong những nhóm dưới đây, thì nên trì hoãn tiêm vaccine:

  • Có bệnh cấp tính tiến triển như sốt, nhiễm trùng; hoặc trong đợt điều trị của bệnh mãn tính…
  • Dị ứng với một trong các thành phần của vaccine. Để biết liệu trẻ có khả năng bị dị ứng hay không, bạn cần đưa trẻ khám bác sĩ chuyên khoa dị ứng trước khi quyết định tiêm chủng.
  • Trẻ có tiền sử bệnh Hemophilia (hoặc rối loạn chảy máu nghiêm trọng khác).
  • Trẻ bị hội chứng viêm đa hệ thống (MIS-C). Đây là tình trạng các bộ phận cơ thể khác nhau có thể bị viêm, bao gồm tim, phổi, thận, não, da, mắt hoặc các cơ quan tiêu hóa, theo CDC Hoa Kỳ.

Báo Pháp luật Việt Nam dẫn lời của Tiến sĩ - Bác sĩ Lê Kiến Ngãi, Bệnh viện Nhi Trung ương, cũng nói rằng có 3 nhóm trẻ cần thận trọng và khám sàng lọc trước khi quyết định tiêm chủng:

  • Trẻ mắc bệnh mạn tính bẩm sinh.
  • Có dấu hiệu bất thường về tim, phổi tại thời điểm khám.
  • Xuất hiện phản ứng phản vệ với bất kỳ dị nguyên nào trước đó.

Ngoài ra, đối với những trẻ có rối loạn về tri giác, gặp hội chứng tâm lý đám đông, tăng động hay giảm chú ý… cũng cần phải cẩn thận.

Tác dụng phụ của vaccine COVID-19 cho trẻ em là gì?

Theo Mayo Clinic, trẻ em được tiêm vaccine Pfizer-BioNTech COVID-19 có các phản ứng phụ tương tự như những người từ 16 tuổi trở lên gặp phải. Các tác dụng phụ được báo cáo phổ biến nhất bao gồm:

  • Đau, đỏ hoặc sưng ở nơi tiêm
  • Mệt mỏi
  • Đau đầu
  • Ớn lạnh
  • Đau cơ
  • Sốt
  • Đau khớp
  • Sưng hạch bạch huyết
  • Buồn nôn và ói mửa
  • Cảm thấy không khỏe

Tương tự như người lớn, trẻ em có các phản ứng phụ trong vòng 2 ngày sau khi tiêm chủng, thường kéo dài từ 1 đến 3 ngày.

Ngoại trừ đau tại chỗ tiêm, nhiều phụ huynh đã báo cáo về những tác dụng phụ nói trên sau khi tiêm liều thứ hai ở trẻ em. Tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp không có tác dụng phụ.

Sau khi trẻ được tiêm vaccine COVID-19, trẻ sẽ được theo dõi trong vòng 15 đến 30 phút để đánh giá nguy cơ dị ứng hoặc các dấu hiệu bất thường khác.

Trong khi đó, tác dụng phụ sau khi tiêm vaccine Moderna là nhẹ đến trung bình và không kéo dài, nhưng có thể phổ biến hơn so với những tác dụng phụ mà vaccine Pfizer đem lại.

Hoàng Tuấn



BÀI CHỌN LỌC

Trẻ 5 - 11 tuổi tiêm vaccine COVID cần lưu ý gì? Có tác dụng phụ nào không?