Trung Quốc: Chính quyền đổ lỗi cho thực phẩm nhập khẩu làm gia tăng số ca nhiễm COVID-19

Giúp NTDVN sửa lỗi

Những tuyên bố này đã dẫn đến thiệt hại lớn cho các doanh nghiệp Trung Quốc cũng như ngành vận chuyển toàn cầu...

Gần đây những thông tin như “xét nghiệm axit nucleic dương tính trên bao bì thực phẩm nhập khẩu” đã xuất hiện thường xuyên trên các phương tiện truyền thông tại Trung Quốc Đại lục.

Các chuyên gia - được nhà nước Trung Quốc tin dùng - cũng đã đưa ra nhiều ý kiến khác nhau về nguy cơ lây nhiễm virus từ hàng hóa nhập khẩu, kết quả gây hoang mang, lo lắng cho người dân, đồng thời gây thiệt hại to lớn cho các doanh nghiệp nhập khẩu.

Trong bối cảnh dịch bệnh leo thang tại Trung Quốc và quốc tế đang giám sát ngày càng chặt chẽ diễn biến của đại dịch, chính quyền và các cơ quan ngôn luận của Đảng tiếp tục công bố những báo cáo để tuyên bố rằng virus ĐCSTQ là bắt nguồn từ các quốc gia khác. Nỗ lực này đã diễn ra trong vài tháng gần đây nhằm dịch chuyển sự chú ý của công chúng khỏi những thông tin về Vũ Hán vào giai đoạn đầu của đại dịch.

Các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc cũng thường xuyên đưa những tin tức về “các trường hợp nhiễm Covid-19 nhập cảnh từ nước ngoài”.

Những ý kiến đầy mâu thuẫn từ các chuyên gia

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra tuyên bố về việc không có bằng chứng cho thấy một người có thể nhiễm COVID-19 từ thực phẩm hoặc bao bì thực phẩm.

Tuy nhiên tại Đại Lục, các chuyên gia đưa ra những luồng ý kiến trái ngược về việc: liệu chúng ta có thể bị lây nhiễm Covid-19 bởi những hạt virus tồn tại trên bao bì các sản phẩm nhập khẩu hay không?

Tuần trước, trong một cuộc phỏng vấn trên Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc, Giáo sư Trương Văn Hoành, chủ nhiệm Khoa nhiễm của Bệnh viện Hoa Sơn (thuộc trường Đại học Phục Đán) cho biết “nếu như (nói) có ai đó mua hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài và bị nhiễm Covid-19 từ sản phẩm ấy, thì cho đến nay, chưa có trường hợp nào như vậy xảy ra”.

Giáo sư Hoành nhấn mạnh: “Xác suất ấy còn thấp hơn xác suất máy bay rơi”.

Một người khác là TS Ngô Tôn Hữu, chuyên gia dịch tễ học tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Trung Quốc, đã nói với truyền thông Trung Quốc rằng: “Nếu kết quả xét nghiệm axit nucleic trong thực phẩm là dương tính, đó có thể là do virus sống, hoặc virus đã chết, hoặc là mảnh xác của virus, và thực phẩm ấy có thể không dẫn tới lây nhiễm bệnh”.

Ông Hữu còn cho biết virus ĐCSTQ không lây qua đường tiêu hóa và axit trong dạ dày con người đủ mạnh để tiêu diệt virus. Cho đến nay, các chuyên gia vẫn chưa xác định được mầm bệnh nào gây nhiễm trùng đường hô hấp từ đường tiêu hóa.

Ngoài ra, TS Hữu khuyến cáo mọi người có thể hạn chế nguy cơ lây nhiễm virus bằng cách chú ý vệ sinh tay trước khi ăn trái cây tươi và nên rửa trái cây dưới vòi nước đang chảy. Ông nói: “Đừng để nguy cơ nhiễm khuẩn xảy ra”.

Tuy nhiên, vào tháng 12/2020, GSTS Chung Nam Sơn, nhà virus học hàng đầu của Trung Quốc, tiếp tục cho rằng virus ĐCSTQ có thể được lây truyền từ hàng hóa nhập khẩu.

Ngày 19/12/2020, ông Sơn nói với truyền thông Trung Quốc rằng virus ĐCSTQ ban đầu lây truyền từ người sang người. Nhưng bây giờ, ông khẳng định là có cả sự lây truyền từ môi trường (từ bề mặt vật thể sang người).

GS Chung Nam Sơn tuyên bố đây là một “đề tài mới”“cần các nhà khoa học tìm ra các mô hình cũng như phương thức nghiên cứu để có thể ngăn chặn được virus”.

Đến ngày 29/12/2020, trong một cuộc phỏng vấn với Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc, TS Chung Nam Sơn lại đề cập đến việc các trường hợp nhiễm bệnh ở địa phương tăng lên có thể có liên quan đến môi trường, sự truyền vật chất, và hàng hóa nhập khẩu cần được giám sát.

Các doanh nghiệp phải chịu nhận thua lỗ

Trước những ý kiến ​​trái chiều của các chuyên gia, cùng với việc các phương tiện truyền thông Đại Lục liên tục đưa tin rầm rộ về kết quả xét nghiệm dương tính từ các sản phẩm nhập khẩu, nhiều người Trung Quốc hiện đang từ chối mua hàng nhập ngoại để tránh khỏi mọi nguy cơ nhiễm virus. Điều này đã gây thiệt hại lớn cho các doanh nghiệp nhập khẩu.

Ví dụ, sau khi báo chí đưa tin “xét nghiệm mẫu từ bề mặt của anh đào (cherry) nhập khẩu có kết quả dương tính với COVID-19”, giá anh đào nhập khẩu đã giảm mạnh ở nhiều nơi trên khắp nước Trung Quốc.

Hiện cherry kích cỡ khủng long chỉ có thể bán với giá 20 tệ một cân (tương đương hơn 70 nghìn đồng) tại các chợ Quảng Châu. Đây cũng là mức giá tương tự ở thành phố Côn Minh thuộc tỉnh Vân Nam, các thương gia tại đây cho biết mặt hàng này hiện vẫn đang rất khó bán.

Trước đó, tại chợ đầu mối ở thành phố Gia Hưng (thuộc tỉnh Chiết Giang) cherry thường bán với giá 60-160 tệ một cân, nhưng nay họ chỉ bán được một cân với giá không quá 16 tệ.

Sự thận trọng trong việc mua hàng của người dân hiện nay đã và đang gây áp lực lên các doanh nghiệp đang tích trữ hàng hóa nhập khẩu cho Tết Nguyên đán sắp tới.

Theo một kênh truyền thông đưa tin: “Một thương nhân đã bán một xe container cherry trị giá hơn 1 triệu nhân dân tệ (hơn 3,5 tỷ đồng) với giá chỉ còn 100.000 nhân dân tệ (hơn 350 triệu đồng)”.

Tác động đến hoạt động của chuỗi cung ứng lạnh toàn cầu

Hoạt động kiểm tra thực phẩm nhập khẩu và các mặt hàng nhập khẩu khác của ĐCSTQ không chỉ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp Trung Quốc mà còn làm gián đoạn hoạt động của chuỗi cung ứng lạnh toàn cầu. Ngoài các cảng lớn, các tàu chở hàng phải xếp hàng để chờ được kiểm tra.

Theo một báo cáo gần đây của Bloomberg News, ít nhất 4 tàu đông lạnh đã bị buộc phải chờ trong 2 tháng liên tiếp tại gần Cảng Đại Liên. Ngoài 9 tàu container đã được cập cảng thì còn ít nhất 6 chiếc nữa đang xếp hàng ở biển Hoàng Hải. Tình trạng tắc nghẽn giao thông đường thủy như vậy đã khiến các công ty vận tải phải chuyển container lạnh của họ đến các cảng khác, dẫn đến tình trạng tắc nghẽn giao thông đường thủy ở các cảng Thanh Đảo và Thượng Hải.

Theo ông Philip Gray, một nhà phân tích tại Công ty Tư vấn Hàng hải Drewry (Anh), các tàu chở đầy hải sản từ Nga hướng đến Đại Liên và Thanh Đảo đã phải chuyển hướng sang Busan Hàn Quốc, làm tăng nguy cơ tắc nghẽn tại nhiều hải cảng khác.

Tại Hoa Kỳ, các công ty cũng phải chờ đến khi các tàu container trống mới có thể vận chuyển hàng đông lạnh của họ đến Trung Quốc và qua Thái Bình Dương, theo Bloomberg đưa tin.

Bài báo này cũng cảnh báo các nhà xuất khẩu Hoa Kỳ rằng, chi phí của chuỗi cung ứng có thể sẽ tăng thêm trong tương lai gần do sự gián đoạn về vận tải.

Những ca nhiễm Covid-19 từ nước ngoài

Chính quyền địa phương Trung Quốc thường đổ lỗi những vụ bùng phát dịch cho những người từng đi du lịch ở nước ngoài, cho rằng họ đã bị nhiễm COVID-19 trong khi đang ở tại ngoại quốc.

Ví dụ như ở tỉnh Hà Bắc, các nhà chức trách tuyên bố nhiều người bị nhiễm virus có thể là bị nhiễm từ khi ở Nga.

Nhưng một báo cáo điều tra dịch tễ học được Epoch Times thu thập gần đây từ đơn vị CDC của thành phố Thạch Gia Trang, bệnh nhân được xác nhận nhiễm Covid-19 đầu tiên không có bất kỳ tiền sử di chuyển nào trong khoảng thời gần đây.

Bệnh nhân đầu tiên được xác nhận nhiễm Covid-19 là một phụ nữ 61 tuổi sống trong một ngôi làng ở huyện Cảo Thành thuộc thành phố Thạch Gia Trang.

Theo báo cáo, bà không có tiền sử du lịch đến các vùng bị nhiễm virus của Trung Quốc, cũng như không tiếp xúc với những người bị nhiễm virus hoặc có các triệu chứng của nhiễm virus.

Người phụ nữ này cũng không đi du lịch nước ngoài vào tháng 1 và cũng không tiếp xúc với bất kỳ người nào khi đi du lịch nước ngoài gần đây. Đồng thời bà cũng không có bất kỳ liên hệ nào với nhân viên nào của chuỗi dây chuyền cung ứng lạnh, cũng như không mua bất kỳ món hàng hóa đông lạnh nào, theo báo cáo cho biết.

Thiên Hoa
- Theo ET tiếng Trung.



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc: Chính quyền đổ lỗi cho thực phẩm nhập khẩu làm gia tăng số ca nhiễm COVID-19