Tư duy phản biện - một phần của hệ miễn dịch

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tư duy phản biện luôn được coi là một phần quan trọng của thành công, nhưng nhiều người không để ý tác động mạnh mẽ của nó đến sức khỏe tinh thần của chúng ta…

Trong cuộc sống, chúng ta có cảm xúc, và khi những cảm xúc này trở nên thái quá thì sức khỏe chịu tổn hại. Những cảm xúc trầm cảm hay tiêu cực đều có ảnh hưởng đến sức khỏe và điều này xảy ra ở bất cứ độ tuổi nào. Nhưng khi có thể bình tâm xét đến mặt trái của vấn đề, thì tâm trí chúng ta sẽ ít bị cuốn theo cảm xúc và chịu đựng những hệ quả của nó.

Những lối mòn của tư duy

Khi gặp phải một ý tưởng, mọi người thường có những xu hướng phản ứng sau:

    1. Chối bỏ hoặc mặc kệ nó.
    2. Tìm hiểu hay điều tra về nó.
    3. Tiếp nhận nó.
    4. Tiếp nhận và làm theo nó.

Nếu đó là một ý tưởng xấu thì cách phản ứng số 4 là điều nguy hiểm nhất. Nếu bạn chấp nhận và hiện thực hóa ý tưởng xấu vào cuộc sống, thì có thể bạn sẽ mang đến những điều tồi tệ không chỉ cho bản thân mà cả bạn bè, người thân, và nhiều hơn nữa.

Tiếp đến số 3 - tiếp nhận ý tưởng xấu nhưng không thực hiện nó. Vậy thì câu nói sau hẳn sẽ cảnh tỉnh bạn: “Kẻ xấu không đáng sợ, cái đáng sợ là sự im lặng của những người tốt”. Tình trạng này sẽ còn tồi tệ hơn nếu bạn bênh vực một ý kiến xấu và không có bất kỳ một ai phản biện.

Chúng ta không tập trung vào những tiêu cực trong cuộc sống.
Chúng ta không nên tập trung vào những tiêu cực trong cuộc sống. (Ảnh: Shutterstock)

Ngược lại, nếu người ta chọn số 2, thì khi đó tư duy phản biện bắt đầu hình thành. Người tìm hiểu sẽ nhìn nhận một cách lý tính hơn và lắng nghe với cả 2 tai. Tâm trạng của người này cũng sẽ ít bị tác động hơn khi gặp cuộc tranh luận về vấn đề họ tìm hiểu. Và nếu rơi vào số 1, thì người này sẽ sẵn sàng đứng lên để bảo vệ lẽ phải và giảm bớt “thị phần” cho ý tưởng xấu tác oai tác quái.

Lý tính

Khi không cân nhắc đầy đủ khía cạnh của một vấn đề, một người thường dễ chìm ngập vào kết quả mà họ cảm nhận về sự việc - vui nếu nó thuận theo điều tốt mình mong đợi, và ngược lại. Cảm xúc này dễ bị đẩy lên cao trào nếu những thông tin đưa tới là không biết trước và thay đổi liên tục.

Tuy nhiên, cuộc đời không giống như cuốn tiểu thuyết đã xuất bản, khi mọi kịch tính đã được viết xuống trang giấy, khi mà nhiều người sẽ chỉ đọc vài trang đầu và những phần kết thúc. Cuốn tiểu thuyết cũng không thể gây hại cho tâm hồn của chúng ta như những sự kiện trên thực tế.

Dịch COVID-19 là một ví dụ điển hình, khi mà thông tin trở nên quá phong phú và đa dạng tới mức các chuyên gia phải nhắc nhở cộng đồng: stress hay những suy nghĩ tiêu cực sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho hệ miễn dịch.

Bài đọc thêm: Những căng thẳng và lạm dụng trong đại dịch

Hay gần đây nhất là trong cuộc họp của WHO hôm thứ Năm tuần trước, các quan chức y tế đã phải cảnh báo về một cuộc khủng hoảng tâm lý đang xuất hiện trên toàn cầu: "Sức khỏe tinh thần và an sinh của toàn xã hội đã bị tác động nghiêm trọng bởi cuộc khủng hoảng này và là vấn đề ưu tiên để giải quyết khẩn cấp".

Giải quyết vấn đề

Nhiều doanh nhân thành đạt luôn tìm kiếm thành công ở tư duy phản biện vì nó giúp họ giải quyết được vấn đề. Tuy nhiên, có rất nhiều người cũng suy xét được vấn đề, đưa ra được khúc mắc, nhưng không thể giải quyết nó, vì họ mới xét đến tư duy phản biện ở bề mặt.

Theo chia sẻ của những tỷ phú như Warren Buffett hay cả vận động viên thể thao như Kobe Bryant, thì tư duy sắc bén và nhanh nhạy của họ cũng tăng lên nhờ thói quen thiền định. Điều này cũng phần nào có ở tư duy phản biện, khi nó giúp chúng ta suy nghĩ sáng suốt hơn.

Khác với việc bị lôi kéo bởi cảm xúc, tư duy phản biện giúp chúng ta bình tĩnh và rõ ràng hơn trong việc giải quyết vấn đề đang mắc phải. Tư duy phản biện này không phải từ gặp cái đúng và bảo vệ nó mà có, mà là từ sự suy luận logic và điềm tĩnh mà hình thành qua thời gian. Nói cách khác, khi hệ miễn dịch tư duy này được hình thành, nó không chỉ bảo vệ sức khỏe tinh thần của chúng ta, mà còn bảo vệ cả những tính toán và hành động một cẩn thận.

Nhân loại đã biết đến chỉ số thông minh IQ, chỉ số cảm xúc EQ, và cũng đã biết đến chỉ số AQ - xoay chuyển cục diện và thay đổi nghịch cảnh. Chỉ số cuối cùng này đến từ sự bình tĩnh và cân nhắc mọi vấn đề cẩn thận trước khi hành động. Vậy chúng ta liệu có nên cứ buông xuôi trước những khó khăn, hay nên rèn luyện một tư duy phản biện để bổ sung thêm một hàng rào miễn dịch cho tư duy?

Kim Anh

Sức khoẻ


BÀI CHỌN LỌC

Tư duy phản biện - một phần của hệ miễn dịch