Từ thời Trung Hoa cổ đại, trà không chỉ là thức uống, mà còn là thức ăn, và là phương thuốc giải độc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Là một trong những thức uống phổ biến nhất thế giới, trà có mặt ở hầu hết mọi gia đình. Lịch sử về trà bắt nguồn từ vùng đất Trung Hoa cổ xưa, nơi truyền thống văn hóa và thưởng thức trà có từ rất lâu đời. Thời đó, trà không chỉ là một thứ đồ uống, mà lá trà còn được nấu chín ăn chung với cơm và rau, và được dùng như một phương thức để giải độc.

Từ thảo dược tới đồ uống trong giới quý tộc

Có thể nói, việc phát hiện ra cây trà và đưa nó thành một phần trong cuộc sống của con người bắt đầu từ thời cổ đại, gắn liền với tên tuổi của Thần Nông (khoảng 2800 trước CN). Theo truyền thuyết, Thần Nông, một vị thần, đã hy sinh nếm thử hàng trăm loại thảo mộc hoang dại với mục đích tìm ra loại thảo dược có tác dụng chữa bệnh cho con người. Những loại thảo dược được ông tìm thấy và ghi lại trong “Thần Nông bản thảo kinh”.

Thần Nông coi trà là một loại dược liệu. Vào thời gian đầu ở vùng đất Trung Hoa, con người chỉ xem trà như một vị thuốc. Đến thời nhà Chu (1046 - 771 trước CN), trà được dùng trong hoàng tộc, thậm chí còn có một quy trình riêng dành để chế biến trà.

Thời đó, trà không được biết đến rộng rãi như một thứ đồ uống. Thay vào đó, lá trà được nấu chín ăn chung với cơm và rau. Nó được dùng như một phương thức để giải độc.

Vào thời đại nhà Hán (202 trước CN - 220 sau CN), trà bắt đầu trở thành một thứ đồ uống, được dùng nhiều trong giới học giả. Nghi lễ trà trong triều đình cũng dần dần phát triển. Mời trà trong các buổi yến kiến, thể hiện sự trọng dụng của hoàng đế đối với học giả được mời.

Sau đó, trà ngày càng trở nên phổ biến, không chỉ có hoàng đế, hoàng tộc dùng mà những vị giữ quyền nhiếp chính cũng sử dụng, ví dụ Khổng Minh, đã trồng trà trong toàn bộ điền trang của mình suốt 3 triều đại (220 - 280 sau CN). Giai đoạn này, trà được đánh giá cao đến mức nó còn được đặt trong mộ của các hoàng đế Trung Hoa cùng với các bảo vật khác.

Tuy nhiên, đến triều đại nhà Tùy (581 - 618 sau CN), trà chỉ được phục vụ trong giới học giả, quan lại giàu có và trong cung đình. Nó đã trở thành món hàng xa xỉ được buôn bán, nhưng lại không phổ biến trong những tầng lớp bình dân. Mãi cho đến triều đại nhà Đường (618 - 907 sau CN), trà mới được phổ biến đến mọi người dân.

Thời đại nhà Đường không chỉ là đỉnh cao của Trung hoa cổ đại về kinh tế, khoa học, văn hóa và xã hội, mà còn là đỉnh cao của văn hóa trà.

Giai đoạn này, trà bắt đầu trở thành đồ cống cho triều đình từ các địa phương trồng trà. Trà đem cống triều đình phải được vận chuyển đến kinh thành trước lễ hội Ching Ming (khoảng ngày 5/4 âm lịch) để người trong cung có thể thưởng trà trong suốt lễ Ching Ming. Trong triều đình, thông qua cuộc thi pha trà, các phi tần đều hy vọng được hoàng thượng để mắt tới. Các cuộc thi này thường xuyên được triều đình lên lịch.

Uống trà giúp tinh thần thăng hoa

Nghi thức uống trà đã đạt đến đỉnh cao với tên gọi “trà đạo” do học giả Lục Vũ (713-756 sau CN) sáng lập. Trong cuốn sách Trà kinh, ông mô tả quá trình chuẩn bị và thưởng trà như một nghệ thuật, từ phơi khô lá, chọn nước, ấm, tách sử dụng đến nghi thức thưởng trà.

Lục Vũ nhận thấy uống trà là một cách nuôi dưỡng tinh thần. Nó là sự thể hiện tư tưởng hài hòa của Nho giáo, nguyên lý Chân của Phật giáo và giáo lý của Đạo giáo về sự hợp nhất giữa con người và thiên nhiên.

Để đề cao trà hơn nữa, những học giả trong thời đại nhà Tống (960 - 1279 sau CN) sáng tác nhiều thơ ca về trà. Trong khi đó, tại cung đình, trà được thưởng thức dưới dạng bánh. Những chiếc bánh trà với họa tiết rồng và phượng vô cùng tinh xảo, được làm từ những lá trà xay nhuyễn và trải qua một quy trình sản xuất phức tạp.

Sau thời Tống đến thời nhà Nguyên (1271 - 1368 sau CN), giai đoạn văn hóa trà không còn được đề cao và trở nên đơn giản hóa do sự cai trị của người Nguyên Mông trên lãnh thổ Trung Hoa. Nghi thức trà đạo chỉ còn được duy trì trong giới học giả.

Sự khôi phục văn hóa trà diễn ra vào thời nhà Thanh (1644 - 1922 sau CN) thông qua sự phát triển của trà thất. Phong tục mời trà được các quan lại thời đó thực hiện để tiếp đón khách nước ngoài, như vậy đã truyền bá việc uống trà ra khắp thế giới.

Có một cách pha trà xanh đơn giản

Đồ dùng phù hợp là sử dụng một chiếc nồi nhỏ. Nồi càng nhỏ, trà sẽ càng ngon. Tỷ lệ giữa trà và nước là 1:3. Nhiệt độ nước lý tưởng đối với trà xanh là khoảng 80-85 độ C. Các loại trà lên men mạnh hơn có thể lên tới nhiệt độ 95 độ C. Hãy đun trà trong khoảng 30 - 60 giây.

Lúc bắt đầu, nhiệt độ cao hơn và thời gian nấu nhanh hơn. Từ lần châm nước thứ 3 tới lần thứ 6, chỉ cần đun ở nhiệt độ thấp trong thời gian ngắn. Khi hương vị trà giảm, bạn có thể tăng nhiệt độ nước. Trà sẽ thay đổi đặc tính sau mỗi lần châm nước.

Hà Thành

- Theo The Epoch Times.



BÀI CHỌN LỌC

Từ thời Trung Hoa cổ đại, trà không chỉ là thức uống, mà còn là thức ăn, và là phương thuốc giải độc