Ù tai: chứng bệnh nan giải trong giới khoa học

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ù tai là một tình trạng khó chịu và có thể ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của bệnh nhân trong những trường hợp nghiêm trọng. 

Đặc điểm của ù tai là nghe thấy những âm thanh không mong muốn, chẳng hạn như tiếng chuông, tiếng rè hoặc tiếng vo ve trong tai hoặc đầu, và với một số người, những âm thanh này không bao giờ biến mất.

Mặc dù tình trạng này phổ biến hơn ở người lớn tuổi - có thể do quá trình lão hóa tự nhiên - ù tai có thể ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi, kể cả trẻ nhỏ. Có rất nhiều nguyên nhân gây ra ù tai, nhưng dù là nguyên nhân nào, triệu chứng này nên được chữa trị sớm càng tốt. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu vẫn chưa tìm ra phương pháp chữa trị hiệu quả hoàn toàn vì độ phức tạp của nó.

Ù tai vẫn còn là một ẩn đố với giới khoa học

Một trong những lý do là khó có thể xác định được tình trạng bệnh. Không có cách nào khách quan và đáng tin cậy để đo lường trực tiếp mức độ nghiêm trọng của chứng ù tai của một người. Các nhà nghiên cứu chỉ dựa vào mô tả của bệnh nhân về các triệu chứng của họ.

Các nhà khoa học cũng không biết tại sao một số người bị ù tai và những người khác thì không. Có thể là do chấn thương đầu hoặc cổ, các vấn đề về tim mạch hoặc do thuốc. Mặc dù mất thính lực và tiếp xúc với tiếng ồn lớn là những yếu tố lớn nhất dẫn đến ù tai, nhưng không phải ai bị mất thính lực cũng bị ù tai và không phải ai bị ù tai cũng bị mất thính lực.

Mặc dù có nhiều giả thuyết khác nhau, nhưng chưa ai có thể giải thích đầy đủ tất cả các khía cạnh nguyên nhân âm thanh đó được tạo ra, tại sao chỉ một số người nhận thức được những âm thanh đó, và tại sao nó có thể tồn tại trong nhiều năm như vậy. Các lý thuyết hiện tại cho rằng chứng ù tai liên quan đến nhiều quá trình phức tạp diễn ra ở các bộ phận khác nhau của não.

Một vấn đề khác mà các nhà nghiên cứu gặp phải là mức độ ảnh hưởng của chứng ù tai đối với cuộc sống hàng ngày của một người. Phần lớn những người bị ù tai không thấy tình trạng này có vấn đề. Tuy nhiên, một bộ phận nhỏ số người không thể có một cuộc sống bình thường do mức độ nghiêm trọng của nó. Ù tai nặng sẽ khiến khó nghe, khó kiểm soát tư tưởng, khó thư giãn và kém tập trung. Khi nghiêm trọng thậm chí có thể mất khả năng làm việc. Ù tai cũng có thể gây khó ngủ, ảnh hưởng đến hoạt động ban ngày, và dần dẫn đến cảm giác lo lắng và trầm cảm.

Ù tai nghiêm trọng có thể làm gián đoạn giấc ngủ và gây ra nhiều phiền toái trong cuộc sống hàng ngày.
Ù tai nghiêm trọng có thể làm gián đoạn giấc ngủ và gây ra nhiều phiền toái trong cuộc sống hàng ngày. (Ảnh: Liza Summer/Pexels)

Nguyên nhân gây ù tai

Dù vẫn còn khó khăn trong giới khoa học khi tìm ra nguyên nhân gây ù tai, dưới đây là một số lý do điển hình. Ngoài yếu tố bẩm sinh, ù tai có thể do lão hóa, môi trường, tâm lý, bệnh tật và nhiều yếu tố khác.

1. Bệnh ở mạch máu hoặc dây thần kinh thính giác

Động mạch và tĩnh mạch có thể to hoặc giãn ra bất thường và hình thành u mạch máu (mụn đỏ), và các khối u lành tính có thể hình thành trên dây thần kinh thính giác (được gọi là u thần kinh âm thanh). Cả hai trường hợp này đều có thể gây ù tai.

Triệu chứng này chủ yếu xảy ra ở một bên tai, và thường đi kèm với các triệu chứng khác, chẳng hạn như đau đầu. Các khối u ở đầu, dây thần kinh thính giác và mạch máu ở cổ có thể nguy hiểm đến tính mạng.

2. Tiếp xúc lâu dài với mức độ tiếng ồn cao

Tiếp xúc lâu dài với mức độ tiếng ồn cao có thể gây tổn thương các thụ thể trong tai, dẫn đến chứng ù tai mãn tính không thể khắc phục. Đây là một trong những nguyên nhân chủ yếu nhất.

3. Sự lão hóa của các cơ quan cảm nhận thính giác

Người cao tuổi dễ bị ù tai do quá trình lão hóa tự nhiên của các thụ thể thính giác. Và đối với những người tiếp xúc với tiếng ồn lớn trong một thời gian dài, các thụ thể thính giác của họ cũng có thể bị thoái hóa sớm.

4. Làm việc quá sức và thức khuya trong thời gian dài

Khi một người làm việc quá sức ở một mức độ nhất định, ù tai có thể xảy ra và nó thường kèm theo đầy tai (cảm giác ngột ngạt trong tai, như thể có một lớp chất gây đầy giữa tai và môi trường). Khi thể lực giảm và bắt đầu cảm thấy mệt mỏi, ù tai sẽ xuất hiện và sẽ được giảm sau khi nghỉ ngơi.

5. Bệnh Meniere

Đối với bệnh nhân Meniere (rối loạn thính lực), ù tai thường xuất hiện ở một bên tai, kèm theo đầy tai. Ù tai sẽ đi kèm với chóng mặt, buồn nôn và có thể mất thính lực vĩnh viễn.

6. Dị ứng mũi và trào ngược dạ dày thực quản

Hệ thống tai mũi họng thông nhau nên dị ứng mũi, viêm xoang, trào ngược dạ dày thực quản đều có thể gây ù tai đột ngột. Ví dụ, trào ngược axit dạ dày vào họng có thể gây ra viêm tai giữa nhẹ và áp lực tích tụ chất lỏng có thể dẫn đến ù tai. Chứng ù tai sẽ được cải thiện khi chữa khỏi các bệnh lý trên.

7. Điếc đột ngột

Điếc khởi phát đột ngột hoặc mất thính giác thần kinh cảm giác đột ngột, là tình trạng thích lực bị giảm đáng kể và diễn ra nhanh mà không giải thích được, thường chỉ xảy ra ở một tai. Triệu chứng này thường kèm theo ù tai, đầy tai và chóng mặt. Một số nguyên nhân bao gồm vấn đề lưu thông máu trong tai, chấn thương màng nhĩ, nhiễm trùng, rối loạn giấc ngủ và căng thẳng.

Ù tai có chữa khỏi được không?

Chứng ù tai đột ngột trong thời gian ngắn như do căng thẳng hay điếc đột ngột có thể chữa khỏi nếu điều trị sớm nguyên nhân gốc rễ. Nếu không được điều trị kịp thời, nó có thể trở nên mãn tính và ảnh hưởng đến thính giác theo thời gian. Ù tai có thể thường xuyên hơn, với âm lượng ngày càng tăng và thính giác bị suy giảm.

Tin xấu là, chứng ù tai mãn tính rất khó chữa khỏi hoàn toàn, bất kể là dùng thuốc Đông y hay Tây y. Cách duy nhất trong điều trị là giảm tần suất ù tai và âm lượng của tiếng ù.

Các biện pháp khắc phục chứng ù tai

Bên cạnh việc tìm kiếm điều trị y tế, có ba cách khác để cải thiện chứng ù tai.

1. Bấm huyệt

Một nghiên cứu năm 2020 trên những bệnh nhân bị ù tai mãn tính nặng cho thấy châm cứu (hay bấm huyệt) là một phương pháp điều trị hiệu quả. Bấm vào các huyệt đạo trên tay và tai có thể cải thiện được trình trạng ù tai.

Huyệt Hợp Cốc (Hegu): Trên mu bàn tay, ở chỗ lõm giữa xương cổ tay thứ nhất và thứ hai ở gốc ngón cái và ngón trỏ, và nhiều hơn nữa về phía ngón trỏ.

Huyệt Ế Phong (Yifeng): Ở chỗ lõm ở gốc sau dái tai.
Huyệt Nhĩ Môn (Ermen): Ở vị trí ngay phía trước của tai, phía sau mai tóc.
Huyệt Thính Cung (Tinggong): Ở phía dưới huyệt Nhĩ Môn một đoạn nhỏ
Huyệt Thính Hội (Tinghui): Ở phía dưới huyệt Thính Cung một đoạn nhỏ.

Bấm huyệt quanh tai để chữa ù tai

Ngoài ra nếu có thời gian, có thể mát xa toàn bộ tai, xoa và ấn xung quanh.

Đối với chứng ù tai do lão hóa, mệt mỏi, người bệnh có thể ấn vào các huyệt dưới đây để bổ thận, ích khí, bổ huyết.

Huyệt Túc Tam Lý (Zusanli): Nằm ở vùng trước đầu gối
Huyệt Thái Khê (Taixi): Sau mắt cá chân trong, tại vùng lõm gần với gót chân.
Huyệt Phục Lưu (Fuliu): Ở phía trong của bắp chân, trên huyệt Thái Khê ba đường ngón tay ngang.
Huyệt Khí Hải (Qihai): Khoảng dưới rốn khoảng hai đốt ngón tay.
Huyệt Quan Nguyên (Guanyuan): Dưới rốn khoảng bốn đốt ngón tay.

Tham khảo các huyệt chữa ù tai
Tham khảo các huyệt nâng cao thể lực để chữa ù tai

2. Ngủ đúng giờ

Khoảng thời gian từ 11 tối và 3h sáng là lúc gan và mật hoạt động. Vì vậy đây là thời điểm quan trọng để cơ thể phục hồi. Tốt nhất nên đi ngủ lúc 10:30 tối.

Ngủ đúng giờ là yếu tố được ưu tiên hàng đầu để có sức khỏe tốt, sau đó mới ngủ đủ giấc. Ngủ đủ từ bảy đến tám giờ cũng rất quan trọng để cải thiện chứng ù tai, đặc biệt khi nó là do mệt mỏi hoặc rối loạn giấc ngủ. Ngủ đúng giờ, đủ giấc còn có thể ngăn ngừa lão hóa các cơ quan, đồng thời gián tiếp giải quyết vấn đề lão hóa cơ quan thính giác.

Giấc ngủ rất quan trọng, đặc biệt khi ngày nay nhiều căn bệnh khó lý giải liên quan đến việc thiếu ngủ và căng thẳng cảm xúc không được giải tỏa.

3. Tập thể dục thích hợp

Thường xuyên tập thể dục không chỉ giúp giải phóng căng thẳng mà còn thúc đẩy tuần hoàn có hệ thống. Khi con người mệt mỏi, tuần hoàn máu trở nên kém, và chứng ù tai bắt đầu xuất hiện.

Ngoài ra, trong trường hợp bị ù tai do trào ngược dạ dày, người bệnh nên tránh các thức ăn có tính kích thích như đồ uống có chứa cafein, thuốc lá, rượu bia.

Quang Minh (tổng hợp)



BÀI CHỌN LỌC

Ù tai: chứng bệnh nan giải trong giới khoa học