Ung thư có thể là bệnh chuyển hoá - Một hướng điều trị mới

Giúp NTDVN sửa lỗi

“Ung thư không phải là bệnh di truyền, nó là bệnh chuyển hóa”, Thomas N. Seyfried, một học giả nổi tiếng về nghiên cứu ung thư và là Giáo sư Sinh học tại Đại học Boston, nói với The Epoch Times. “Một khi mọi người hiểu rằng ung thư là một bệnh chuyển hóa, thì bạn sẽ thấy tỷ lệ tử vong giảm đáng kể và chất lượng cuộc sống cũng như khả năng sống sót được cải thiện rõ rệt”.

Tỷ lệ mắc ung thư vẫn ở mức cao trong nhiều thập kỷ

Theo thống kê của Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, mặc dù tỷ lệ mắc ung thư ở Hoa Kỳ đã giảm chậm kể từ đầu thế kỷ 21, nhưng nếu quan sát trong một thời gian dài, chúng ta sẽ thấy rằng tỷ lệ mắc ung thư đang thực sự gia tăng chứ không giảm.

Năm 1975, cứ 100.000 người Mỹ thì có khoảng 400 người mắc ung thư. Đến năm 2018, con số đã tăng lên khoảng 445, khoảng hơn 10%.

Biểu đồ thể hiện tỷ lệ ung thư ở Hoa Kỳ vẫn còn cao. (Ảnh: Sức Khỏe 1+1/The Epoch Times)

Xét từ góc độ tử vong do ung thư trong gần 100 năm qua, số phụ nữ chết vì ung thư tính trên 100.000 người Mỹ đã giảm dần từ khoảng 190 năm 1930 xuống còn 130 năm 2022. Trong khi tỷ lệ tử vong do ung thư ở nam giới trên 100.000 người Mỹ lại tăng từ khoảng 160 vào năm 1930 lên 180 vào năm 2022.

Năm 2022, dự kiến sẽ có gần 2.000.000 ca ung thư mới ở Hoa Kỳ và hơn 500.000 người sẽ chết vì căn bệnh này. Điều này có nghĩa là trung bình mỗi ngày có 5.000 người Mỹ được chẩn đoán mắc ung thư và hơn 1.600 người chết vì căn bệnh này.

Ung thư có thể không phải là bệnh di truyền

“Tại sao có quá nhiều người chết vì ung thư?” Seyfried hỏi. “Bởi vì lý thuyết là sai. Lý thuyết về căn bệnh ung thư là không chính xác”.

Ung thư vẫn thường được coi là một rối loạn di truyền. Giáo trình y học sử dụng thuyết đột biến soma để giải thích nguyên nhân gây ung thư. Trong đó nói rằng, ung thư là do đột biến gen tiền ung thư hoặc gen ức chế khối u, và các tế bào bị đột biến sau đó nhân lên vô tận và tạo thành khối u ác tính. Tuy nhiên, giáo sư Seyfried đã đề cập đến một số sự thật không phù hợp với lý thuyết trên trong nghiên cứu đã xuất bản của ông như:

  1. Một số bệnh ung thư không có đột biến gen và nhiễm sắc thể;
  2. Một số chất gây ung thư không gây đột biến gen;
  3. “Đột biến” ung thư cũng xảy ra trong các tế bào bình thường, nhưng một số không phát triển thành tế bào ung thư;
  4. Kết quả của việc nghiên cứu ung thư như một chứng rối loạn di truyền là sự phát triển của phương pháp điều trị cá nhân hóa hoặc thuốc trúng đích, nhưng thuốc trúng đích cũng được điều trị cho nhiều mục đích khác.
  5. Người cổ đại từ hàng ngàn năm trước hiếm khi mắc bệnh ung thư, người dân bản địa sống trong môi trường tự nhiên cũng vậy.

Giáo sư Seyfried cũng tiến hành các thí nghiệm về cấy ghép nhân và tế bào chất để tìm các bằng chứng về khả năng ung thư không phải là một rối loạn di truyền.

Trong tình huống bình thường, tế bào bình thường phát triển thành tế bào bình thường với sự tăng trưởng có kiểm soát (trường hợp 1 trong hình bên dưới), trong khi tế bào ung thư phát triển thành tế bào ung thư với sự tăng trưởng không kiểm soát (trường hợp 2).

Các gen được lưu trữ trong nhân. Khi nhân của một tế bào ung thư được cấy vào một tế bào chất có chứa ty thể bình thường, tế bào đó vẫn phát triển thành một tế bào bình thường (trường hợp 3). Theo thuyết đột biến soma, một tế bào có nhân tế bào ung thư lẽ ra phải phát triển thành tế bào ung thư.

Ngược lại, khi các nhà nghiên cứu cấy một nhân bình thường vào tế bào chất bị ung thư với ty thể bất thường, họ phát hiện ra rằng nó phát triển thành tế bào ung thư (trường hợp 4).

Nghiên cứu cho thấy, ung thư có thể không phải là một rối loạn di truyền. (Ảnh: Sức Khỏe 1+1/The Epoch Times)

Bên cạnh đó, các nghiên cứu về u thần kinh đệm, u ác tính và tế bào ung thư vú di căn đã phát hiện ra rằng, chức năng ty thể bình thường sẽ ức chế sự phát triển của tế bào bị rối loạn, bất kể có bao nhiêu bất thường về gen hoặc nhiễm sắc thể có thể xuất hiện trong nhân tế bào khối u. Seyfried nói rằng, tất cả những điều này chứng minh rằng đột biến tế bào không phải là nguyên nhân chính gây ra ung thư và ung thư thực tế là một rối loạn chuyển hóa.

Sự khác biệt lớn nhất giữa tế bào bình thường và tế bào ung thư

Cách đây khoảng 100 năm, giả thuyết cho rằng ung thư là một rối loạn chuyển hóa được đề xuất lần đầu tiên bởi một nhà khoa học nổi tiếng người Đức, Otto Warburg. Các tế bào bình thường phân hủy glucose thông qua hô hấp hiếu khí, nhưng Warburg quan sát thấy các tế bào ung thư thì khác. Tế bào ung thư có được năng lượng thông qua quá trình lên men, ngay cả trong môi trường hiếu khí. Do đó, Warburg đề xuất, suy hô hấp hiếu khí là nguồn gốc của bệnh ung thư.

Nghiên cứu của giáo sư Seyfried đã bổ sung một con đường trao đổi chất khác trong tế bào ung thư mà Warburg không quan sát thấy. Đó là: tế bào ung thư cũng nhận được rất nhiều năng lượng từ quá trình lên men của một loại axit amin là glutamine. Điều này đã cập nhật vào lý thuyết của Warburg.

Seyfried nói, sự thật là “Chúng (ung thư) không thể thở… chúng không thể lấy năng lượng từ oxy, chúng chỉ có thể lấy năng lượng từ quá trình lên men”. Tất cả các bệnh ung thư có thể tồn tại mà không cần oxy, nhưng chúng “không thể sống thiếu đường, glucose và axit amin glutamine”.

Quá trình hô hấp hiếu khí của tế bào chủ yếu diễn ra ở ty thể. Ty thể chịu trách nhiệm hô hấp. Trong hầu hết các loại ung thư chính, ty thể bị hỏng và rỗng. Các nếp gấp trong màng ty thể vốn có cấu trúc nhăn nheo và lượn sóng, nay bị sắp xếp lộn xộn và khiếm khuyết. Sự bất thường về cấu trúc ty thể sẽ làm thay đổi chức năng của ty thể, làm cho tế bào không thu được năng lượng qua chuyển hóa oxy hóa. Điều này làm thay đổi quá trình trao đổi chất của tế bào mà chủ yếu dựa vào quá trình oxy hóa sang quá trình lên men.

Seyfried giải thích thêm rằng những bất thường khác nhau trong tế bào ung thư là do giảm chức năng bình thường của ty thể tế bào vì nhiều lý do (chất gây ung thư, phóng xạ, ô nhiễm, viêm nhiễm, tuổi tác, virus, v.v.). Một số lượng lớn các loại oxy phản ứng (ROS) sẽ được tạo ra khi ty thể bị tổn thương, chúng sẽ tiếp tục tấn công và phá hủy nhân.

Seyfried cho biết: “Các đột biến mà chúng ta thấy trong bệnh ung thư là kết quả của thiệt hại từ các loại oxy phản ứng. “Các đột biến là một hiệu ứng, chúng không phải là nguyên nhân gây ung thư.

Khiếm khuyết cấu trúc ty thể trong các tế bào ung thư. Ảnh: Sức Khỏe 1+1/The Epoch Times)

Ngoài ra, Seyfried cũng nói về một hiện tượng. Đó là các loại ung thư với vô số biến thể đều có chung một quá trình di căn nhất quán. Đầu tiên, các tế bào riêng lẻ trở thành tế bào ung thư và hình thành khối u. Sau đó, các tế bào khối u lây lan qua các mạch máu và hệ thống tuần hoàn đến các bộ phận khác của cơ thể để tạo thành các khối u mới.

Tại sao tất cả các bệnh ung thư đều có quá trình di căn giống nhau? Sự giống nhau này liệu có liên quan gì đến lý thuyết rằng ung thư là một rối loạn chuyển hóa?

Seyfried nói rằng lý thuyết trao đổi chất của ty thể giải thích sự di căn của ung thư tốt hơn lý thuyết đột biến soma. Sau khi các đại thực bào nuốt chửng và hợp nhất với các tế bào nguyên sinh ung thư bị khiếm khuyết, các ty thể hoạt động bình thường dần dần được thay thế bằng các ty thể bị rối loạn chức năng do viêm nhiễm. Là tế bào miễn dịch, đại thực bào có khả năng di chuyển khắp cơ thể. Kết quả, các tế bào ung thư này là sự kết hợp của các tế bào nguyên sinh ung thư và đại thực bào, lan rộng khắp cơ thể.

Liệu pháp ép xung: Điều chỉnh quá trình trao đổi chất của tế bào ung thư để cải thiện tình trạng

Seyfried tin rằng hệ thống điều trị ung thư hiện tại đã “bị hỏng”. Ông cho biết một khi mọi người hiểu được lý thuyết trao đổi chất của bệnh ung thư, các phương pháp điều trị như hóa trị và xạ trị sẽ được thay thế bằng các phương pháp điều trị mới.

Dựa trên lý thuyết này, Seyfried và nhóm của ông đã phát triển “liệu pháp ép xung”, một phương pháp điều trị hỗn hợp bao gồm chế độ ăn Keto, thuốc ức chế glutaminase (enzyme từ glutamine) và kiểm soát căng thẳng.

Chế độ ăn Keto được áp dụng vì các tế bào ung thư có ty thể bị khiếm khuyết và quá trình trao đổi chất bị suy giảm. Do đó chúng chỉ có thể dựa vào đường lên men và glutamine để tạo năng lượng. Các tế bào ung thư không thể lấy năng lượng vì cơ thể nhiễm ceton không thể lên men. Còn các tế bào có chức năng trao đổi chất bình thường, chúng có thể lấy năng lượng bằng cách chuyển hóa các thể ketone.

Mục đích của chế độ ăn Keto kết hợp với một số loại thuốc cơ bản là nhằm kiểm soát tỷ lệ glucose và thể ketone trong máu ở mức lý tưởng, đồng thời ức chế khả năng thu nhận glutamine của tế bào ung thư. Bằng cách này, chúng ta có thể “bỏ đói” các tế bào ung thư từ góc độ trao đổi chất. Từ đó đạt được hiệu quả tương tự như các phương pháp điều trị ung thư.

Một khía cạnh quan trọng của “liệu pháp ép xung” là kiểm soát căng thẳng và quản lý cảm xúc. Seyfried nhấn mạnh trong cuộc phỏng vấn rằng, sự căng thẳng về tinh thần của con người có quan hệ trực tiếp với sự phát triển của bệnh ung thư.

Khi bệnh nhân được chẩn đoán mắc ung thư, họ cảm thấy vô cùng hoang mang và không thể yên tâm nghỉ ngơi, ăn uống. Căng thẳng quá mức có thể làm tăng lượng đường trong máu, từ đó nuôi tế bào ung thư phát triển nhanh chóng. Kết quả là không thể kiểm soát được bệnh ung thư. Do đó, giảm bớt mức độ cảm xúc và sự căng thẳng của bệnh nhân cũng như gia đình họ sẽ làm ổn định hơn tình trạng tâm lý và thể chất của bệnh nhân.

Đã có nhiều trường hợp kiểm soát ung thư thành công bằng cách quản lý quá trình trao đổi chất. Hơn nữa, nhiều bệnh nhân sử dụng phương pháp này khi các phương pháp điều trị ung thư truyền thống (hóa trị và xạ trị) không hiệu quả hoặc khi ung thư đã di căn.

Ca lâm sàng thứ nhất

Một người đàn ông 38 tuổi xuất hiện các triệu chứng vào tháng 2/2016 và sau đó được chẩn đoán mắc u nguyên bào thần kinh đệm đa dạng (dạng ác tính và phổ biến nhất của ung thư não nguyên phát ở người trưởng thành). Sau 20 tháng điều trị theo chế độ ăn Keto kết hợp hóa trị và xạ trị, đường kính khối u của bệnh nhân đã giảm khoảng 1,5 cm. Anh ta vẫn trong tình trạng sức khỏe tốt và không có dấu hiệu lâm sàng hoặc bệnh lý thần kinh rõ ràng nào.

Ca lâm sàng thứ hai

Một bệnh nhân 54 tuổi khác được chẩn đoán mắc ung thư phổi. Các tế bào ung thư đã di căn và các khối u được tìm thấy trong não của ông ấy. Xạ trị và hóa trị không có tác dụng, vì vậy bệnh nhân đã chọn chế độ ăn Keto. Hai năm sau, các khối u trong não và phổi của ông đã nhỏ lại. Sau chín năm điều trị, các khối u ung thư não và phổi vẫn ổn định về kích thước.

Ca lâm sàng thứ ba

Một phụ nữ 45 tuổi ở Ohio được chẩn đoán mắc ung thư vú vào cuối năm 2016. Tháng 8/2018, ung thư đã lan rộng và phát triển các khối u trong não, phổi, trung thất, gan, bụng và xương. Bác sĩ dự đoán cô chỉ còn sống được chưa đầy một tháng.

Sau đó, bệnh nhân bắt đầu được điều trị bằng phương pháp ép xung vào tháng 11/2018. Tháng 4/2019, báo cáo chụp cắt lớp cho thấy phương pháp điều trị có hiệu quả. Trong lần kiểm tra vào tháng 3/2021, kết quả cho thấy tình trạng bệnh của cô ổn định, không tái phát và chất lượng cuộc sống được cải thiện.

Trong một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Dinh dưỡng lâm sàng, 80 bệnh nhân ung thư vú di căn và tiến triển cục bộ được phân ngẫu nhiên vào nhóm ăn chế độ Keto hoặc nhóm đối chứng để thử nghiệm điều trị trong 12 tuần. Bệnh nhân trong nhóm ăn Keto có nồng độ huyết thanh thấp hơn và khối u của họ thu nhỏ lại.

Hai bài báo được xuất bản mới đây trên tạp chí Nature: Ung thư tuyến tiền liệt và Bệnh tuyến tiền liệt, đã mô tả lợi ích điều trị của chế độ ăn kiêng low-carb và chế độ giả nhịn ăn (FDM) đối với bệnh nhân ung thư tuyến tiền liệt. Chế độ ăn Keto, đòi hỏi phải nhịn ăn và ăn ít carbohydrate để làm giảm lượng đường trong máu và kiểm soát sự phát triển của khối u. Những phát hiện này củng cố thêm cho giả thuyết rằng các thể ketone tăng cao có liên quan đến việc giảm sự phát triển của khối u.

Tập thể dục, nhịn ăn và tránh chế độ ăn nhiều carb có thể tránh xa ung thư

Phương pháp để một người bình thường có thể duy trì sự trao đổi chất lành mạnh và ngăn ngừa ung thư, là giữ cho các ty thể trong tế bào khỏe mạnh, theo giáo sư Seyfried. Ông cho biết điều này có thể đạt được thông qua một thời gian nhịn ăn nhất định (chỉ uống nước), chế độ ăn ít carb và tập thể dục.

Ông cũng nhấn mạnh rằng thực phẩm nhiều carbs và không dinh dưỡng như đồ ăn vặt có thể gây ung thư và khuyên nên tránh xa những thực phẩm này. Không chỉ ung thư, các bệnh như Alzheimer, tiểu đường tuýp 2 và béo phì, trong số những bệnh khác đều liên quan đến chế độ ăn uống phương Tây.

“Chế độ ăn này sẽ khiến bạn mắc bệnh ung thư, tiểu đường và những thứ tương tự”. Ông đùa rằng: “Điểm mấu chốt là không ăn bất cứ thứ gì và bạn sẽ rất khỏe mạnh. Chỉ uống nước thôi”.

(Bài đăng trên The Epoch Times - Epoch Health của tác giả: Flora Zhao)
Theo The Epoch Times - Epoch Health tiếng Anh
Cát Mộc biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Ung thư có thể là bệnh chuyển hoá - Một hướng điều trị mới