Ung thư phổi biểu mô tuyến thường được phát hiện ở giai đoạn muộn - Phương pháp điều trị có thể áp dụng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong khi ung thư phổi tế bào nhỏ và ung thư phổi biểu mô tế bào vảy có liên quan chặt chẽ với việc hút thuốc lá thì hơn một nửa số bệnh nhân ung thư phổi trên toàn thế giới thuộc loại ung thư biểu mô tuyến. Đó là loại ung thư không phải khi nào cũng liên quan đến thuốc lá.

Ung thư phổi là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do ung thư với tỷ lệ tử vong cao nhất trên toàn cầu. Trong đó, ung thư biểu mô tuyến là loại ung thư thường gặp nhất nhưng lại không có triệu chứng rõ ràng và thường chỉ được phát hiện ở giai đoạn muộn. Tuy nhiên, hiện tại đã có những phương pháp giúp cải thiện tình trạng của bệnh nhân hoặc thậm chí chữa khỏi được căn bệnh này.

Các triệu chứng của ung thư phổi biểu mô tuyến thường không rõ ràng

Là căn bệnh có tỷ lệ mắc cao nhất trong các loại ung thư, ung thư phổi được chia thành hai loại chính là ung thư phổi tế bào nhỏ và ung thư phổi không tế bào nhỏ. Loại ụng thư phổi không tế bào nhỏ gồm có ung thư biểu mô tế bào vảy và ung thư biểu mô tuyến.

Trong khi ung thư phổi tế bào nhỏ và ung thư phổi biểu mô tế bào vảy có liên quan chặt chẽ với việc hút thuốc lá thì hơn một nửa số bệnh nhân ung thư phổi trên toàn thế giới thuộc loại ung thư biểu mô tuyến. Đó là loại ung thư không phải khi nào cũng liên quan đến thuốc lá.

Ở giai đoạn đầu, ung thư biểu mô tuyến thường không gây cảm giác khó chịu cho người bệnh vì các tế bào ung thư có xu hướng nằm ở vùng ngoại vi của phổi hơn là những vùng sát rìa phổi (gần màng phổi), hoặc những vùng giữa ngực, đồng thời được bao quanh bởi các mô phổi không có thụ cảm đau.

Người bệnh sẽ không có triệu chứng nào cho đến khi khối ung thư phát triển đủ lớn để gây chèn ép các mô xung quanh như màng phổi và khí quản lớn, nên bệnh thường chỉ được phát hiện ở giai đoạn muộn.

Vì vậy, cách duy nhất để phát hiện ung thư biểu mô tuyến ở giai đoạn sớm là sử dụng kỹ thuật chụp cắt lớp vi tính (CT scan) chứ không thể chẩn đoán dựa vào triệu chứng.

Khối ung thư phổi tế bào nhỏ chủ yếu nằm phần giữa ngực. Loại ung thư này thường phát triển nhanh và dễ di căn. Bệnh nhân có thể đáp ứng tốt với điều trị ở giai đoạn đầu nhưng cũng sẽ nhanh chóng trở nên kháng thuốc và khi đó rất khó để tìm được phương pháp điều trị thay thế.

Trong khi ung thư biểu mô tuyến thường phát triển ở phần ngoại vi của phổi thì ung thư biểu mô tế bào vảy lại thường phát triển ở phần giữa ngực. Trong những năm gần đây, hầu hết những tiến bộ về điều trị ung thư phổi đều tập trung vào loại ung thư phổi không tế bào nhỏ, với nhiều trường hợp bệnh nhân được điều trị thành công và vẫn sống sót sau 5 năm.

Ung thư biểu mô tuyến thường được phát hiện muộn và phụ nữ không hút thuốc chiếm tỷ lệ cao

Những năm gần đây đã có sự thay đổi đáng kể về tỷ lệ mắc ung thư phổi theo giới. Trước đây, tỷ lệ mắc bệnh của nam thường cao hơn nữ do tỷ lệ hút thuốc lá cao hơn.

Tuy nhiên, tỷ lệ ung thư phổi ở nam và nữ ngày càng gần nhau hơn ở những quốc gia có tỷ lệ người hút thuốc lá thấp.

Số người không hút thuốc lá chiếm hơn một nửa số bệnh nhân nữ mắc ung thư phổi.

Tại sao ung thư biểu mô tuyến thường được phát hiện muộn và gặp nhiều ở những phụ nữ không hút thuốc? Nguyên nhân của điều này vẫn chưa được hiểu rõ. Những yếu tố góp phần tạo ra đặc điểm này là việc hút thuốc lá thụ động, không khí ô nhiễm (ví dụ: PM2.5) và hít khói khi nấu ăn.

Các nghiên cứu gần đây cho thấy những người có tiền sử gia đình mắc ung thư phổi trong vòng ba thế hệ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn, đặc biệt là ở phụ nữ. Điều này cho thấy bệnh có liên quan đến yếu tố di truyền.

Một yếu tố môi trường có liên quan đến bệnh ung thư phổi là việc sử dụng chất bảo quản và chất phụ gia. Những nghiên cứu mới ở Đài Loan cho thấy những chất này có thể gây ra đột biến gen. Càng tiếp xúc nhiều với những chất này thì nguy cơ mắc ung thư sẽ càng cao hơn.

Những yếu tố trên giải thích tại sao những người không hút thuốc cũng bị ung thư phổi. Phụ nữ có nguy cơ phơi nhiễm với những yếu tố này cao hơn. Một số chuyên gia cho rằng ung thư phổi có liên quan đến nội tiết tố nữ nhưng cho đến nay vẫn chưa có những bằng chứng để xác thực điều này. Vì vậy, chúng ta cần chú ý và cố gắng tránh xa những yếu tố nguy cơ trên càng nhiều càng tốt.

Liệu pháp điều trị nhắm trúng đích và liệu pháp miễn dịch ngày càng được sử dụng nhiều trong chương trình điều trị ung thư phổi

Nếu ung thư phổi được phát hiện sớm thì phẫu thuật là phương pháp điều trị tốt nhất. Trong trường hợp khối u đã phát triển lớn hoặc đã lan đến hạch bạch huyết, sẽ cần phải sử dụng thêm các phương pháp hỗ trợ như hóa trị hoặc xạ trị. Đối với những trường hợp ung thư đã di căn khiến bệnh nhân không thể phẫu thuật, thì các phương pháp điều trị toàn thân như hóa trị, liệu pháp điều trị nhắm trúng đích và liệu pháp miễn dịch sẽ là những lựa chọn chính.

Trong những năm qua chúng ta đã có nhiều tiến bộ trong điều trị ung thư phổi không tế bào nhỏ. Trong đó nổi bật là liệu pháp điều trị nhắm trúng đích và liệu pháp miễn dịch.

Tuy nhiên, chiến lược điều trị ung thư phổi tế bào nhỏ sẽ có nhiều khác biệt vì trong trường hợp này bệnh nhân thường ít được phẫu thuật cắt bỏ khối u vì nguy cơ di căn cao, ngay cả trong trường hợp khối u có kích thước nhỏ.

Phương pháp điều trị chính cho các bệnh nhân ung thư phổi tế bào nhỏ là hóa trị, kết hợp với xạ trị nếu cần thiết. Các nghiên cứu mới cho thấy sự kết hợp giữa liệu pháp hóa trị tiêu chuẩn và liệu pháp miễn dịch có thể giúp kéo dài sự sống cho bệnh nhân.

Trong lịch sử, bất kỳ loại ung thư phổi nào ở giai đoạn sớm cũng được điều trị như nhau vì khi đó các phương pháp điều trị vẫn còn rất hạn chế.

Các nghiên cứu cho thấy đối với cùng một loại ung thư phổi, biểu hiện trên mỗi bệnh nhân cũng khác nhau, đặc biệt là trong những trường hợp có đột biến gen. Vì vậy, liệu pháp điều trị nhắm trúng đích sẽ được tạo ra dựa trên các đột biến tương ứng. Nói cách khác, một bệnh nhân có đột biến A sẽ là ứng cử viên cho liệu pháp điều trị nhắm trúng đích loại A và bệnh nhân khác có đột biến B sẽ là ứng cử viên cho liệu pháp điều trị nhắm trúng đích loại B.

Những bệnh nhân khác nhau sẽ có những đột biến khác nhau, vì vậy sẽ cần sử dụng các loại thuốc khác nhau. Đây là lúc chúng ta sẽ dùng y học chính xác.

Với y học chính xác, bệnh nhân ung thư sẽ có thể được điều trị hiệu quả hơn. Ví dụ, khi sử dụng phương pháp điều trị không cá nhân hóa, cứ 10 bệnh nhân thì chỉ có 2 đến 3 bệnh nhân được điều trị hiệu quả. Tuy nhiên, nếu sử dụng y học chính xác, 7 đến 8 người trong số những bệnh nhân này sẽ có hiệu quả điều trị tốt hơn và tránh được những tác dụng phụ do các loại thuốc không cần thiết gây ra.

Hơn một nửa số bệnh nhân ung thư phổi có thể sử dụng liệu pháp gen nhắm trúng đích

Các bệnh nhân chắc chắn sẽ có đột biến gen và có thể sẽ có nhiều gen tham gia gây ra.

Trong một nghiên cứu nổi tiếng và có tầm ảnh hưởng, các nhà nghiên cứu đã chia bệnh nhân ung thư biểu mô tuyến thành hai nhóm: có và không có đột biến EGFR (thụ thể yếu tố tăng trưởng biểu bì), đồng thời sử dụng loại thuốc điều trị nhắm trúng đích ức chế đột biến gen EGFR cho những bệnh nhân này.

Nếu có đột biến tương ứng, bệnh nhân sẽ đáp ứng tốt hơn với các loại thuốc nhắm trúng đích và sẽ có thời gian sống lâu hơn. Ngược lại, nếu không có đột biến tương ứng, thì bệnh nhân sẽ đáp ứng tốt hơn với hóa trị liệu thông thường và cũng sẽ có thời gian sống lâu hơn.

Trong thời đại điều trị chính xác ung thư phổi ngày nay, các bác sĩ thường chỉ định cho bệnh nhân làm xét nghiệm di truyền. Chỉ khi phát hiện được bệnh nhân có các đột biến gen cụ thể thì bác sĩ mới sử dụng các loại thuốc nhắm trúng gen đích tương ứng để điều trị.

Các thử nghiệm lâm sàng đã chứng minh rằng khoảng 60% bệnh nhân ung thư phổi có thể sử dụng liệu pháp nhắm trúng gen đích.

Sự thành công hay thất bại của liệu pháp này phụ thuộc vào loại đột biến và các loại thuốc tương ứng của chúng, cũng như thời điểm sử dụng thuốc. Nói rộng ra, nếu được áp dụng đủ sớm, hiệu quả điều trị có thể đạt từ 70 đến 80%.

Ví dụ, một bệnh nhân nữ 41 tuổi bị ung thư biểu mô phổi giai đoạn IV đã di căn đến xương và não. Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân này có đột biến gen EGFR. Vào ngày thứ ba kể từ khi sử dụng phương pháp điều trị nhắm trúng đích, các triệu chứng của bệnh nhân trên đã cải thiện đáng kể.

Vào ngày thứ bảy, khối u của bệnh nhân này không còn nhìn thấy trên phim X-quang.

Trên thực tế, một số loại thuốc nhắm trúng đích có hiệu quả chỉ trong vòng vài ngày. Kích thước khối u sẽ giảm đi sau khi dùng thuốc từ một đến ba tháng. Liệu pháp nhắm trúng gen đích là một phương pháp điều trị nhanh chóng và hiệu quả, đồng thời giúp bệnh nhân cảm thấy dễ chịu hơn.

Mặc dù liệu pháp điều trị nhắm trúng đích có thể làm giảm kích thước khối u nhưng phương pháp này sẽ không thể tiêu diệt hoàn toàn các tế bào ung thư. Trừ một số bệnh nhân may mắn có thể loại bỏ được tế bào ung thư, đa số bệnh nhân phải dùng thuốc trong thời gian dài, giống như các bệnh nhân tăng huyết áp.

Liệu pháp miễn dịch chỉ gây ra tác dụng phụ tối thiểu

Liệu pháp ức chế điểm kiểm soát miễn dịch là liệu pháp miễn dịch tốt nhất hiện nay.

Thông thường, các tế bào miễn dịch trong cơ thể chúng ta - tế bào lympho T - có thể nhận diện được các tác nhân gây bệnh và các tế bào ung thư, đồng thời loại bỏ những tế bào này.

Quá trình sàng lọc miễn dịch giúp các tế bào T phân biệt giữa “người tốt” (các tế bào bình thường) và “kẻ xấu” (mầm bệnh, tế bào ung thư, v.v.) trong cơ thể. Nếu tế bào miễn dịch tấn công một cách bừa bãi tất cả các tế bào trong cơ thể, khi đó chúng ta sẽ mắc bệnh tự miễn.

Nhưng tế bào ung thư cũng có khả năng đánh lừa và khiến tế bào lympho T nghĩ rằng chúng là những tế bào bình thường. Do đó tế bào ung thư có thể tránh được sự tấn công của các tế bào miễn dịch.

Liệu pháp miễn dịch là liệu pháp điều trị hướng đến sự chính xác: các nhà khoa học thiết kế ra những loại thuốc giúp tế bào T có thể xác định và loại bỏ các tế bào ung thư.

Liệu pháp miễn dịch sẽ là lựa chọn thích hợp nếu các tế bào ung thư của bệnh nhân có tỷ lệ biểu hiện phân tử PD-L1 cao.

Ví dụ, một bệnh nhân nam 72 tuổi được chẩn đoán ung thư biểu mô tuyến phổi giai đoạn IV có kết quả xét nghiệm di truyền không thích hợp với bất kỳ liệu pháp điều trị nhắm trúng gen đích nào. Tuy nhiên, xét nghiệm PD-L1 cho thấy các tế bào ung thư của bệnh nhân này có đến 85% biểu hiện phân tử PD-L1. Điều này giúp bệnh nhân trở thành ứng cử viên sáng giá để sử dụng liệu pháp miễn dịch.

Sau một thời gian dài điều trị, căn bệnh ung thư phổi của bệnh nhân này đã được kiểm soát một cách hiệu quả và không tái phát.

Hiện nay, tất cả các bệnh nhân ung thư phổi đều có thể có liệu pháp miễn dịch phù hợp với nhiều cách phối hợp thuốc khác nhau.

Chúng ta đều biết đến những tác dụng phụ như buồn nôn, nôn, rụng tóc và giảm số lượng bạch cầu khi sử dụng phương pháp hóa trị cổ điển. Nhưng liệu pháp miễn dịch lại không có các tác dụng phụ này.

Thứ nhất, chỉ khoảng 30% bệnh nhân điều trị bằng liệu pháp miễn dịch có tác dụng phụ. Phần lớn bệnh nhân sẽ không có tác dụng phụ nào.

Thứ hai, mặc dù tác dụng phụ có thể xảy ra ở bất kỳ cơ quan nào trong cơ thể như viêm gan, viêm tuyến giáp, viêm thần kinh, hoặc viêm phổi kẽ, nhưng chỉ có khoảng 10% bệnh nhân gặp tác dụng phụ nghiêm trọng này khi điều trị bằng liệu pháp miễn dịch. Hơn nữa, những tác dụng phụ này có thể tránh được bằng cách theo dõi sát và thực hiện các bước để phòng ngừa sớm.

Liệu pháp miễn dịch kép là gì?

Thuốc ức chế điểm kiểm soát miễn dịch là loại thuốc miễn dịch mang lại hiệu quả cao, gồm hai loại thuốc có tác dụng ức chế.

Hầu hết bệnh nhân ung thư phổi chỉ cần một loại thuốc ức chế nhưng một số ít bệnh nhân sẽ cần cả hai loại. Đó chính là liệu pháp miễn dịch kép, có thể mang lại hiệu quả điều trị cao hơn.

Nếu so sánh việc loại bỏ các tế bào ung thư của tế bào lympho T với một chiếc ô tô lao về phía trước, thì ở một số bệnh nhân có trạng thái giống như đang nhấn cả phanh chân và phanh tay, khiến chiếc xe không thể chạy hết công suất về phía trước. Khi đó, liệu pháp miễn dịch kép sẽ giải phóng đồng thời cả hai phanh này cho tế bào T, giúp chúng tấn công và loại bỏ toàn bộ tế bào ung thư.

Tuy nhiên vẫn có một số bệnh nhân phải sử dụng đồng thời cả thuốc ức chế điểm kiểm soát miễn dịch và hóa trị liệu mới có thể đạt được kết quả mong muốn.

Có thể sử dụng các thử nghiệm lâm sàng khi các liệu pháp hiện có đã thất bại

Tất cả các loại thuốc được phê duyệt để điều trị ung thư phổi đều phải trải qua nhiều thử nghiệm lâm sàng khác nhau. Rất nhiều thử nghiệm lâm sàng vẫn đang được tiến hành trên khắp thế giới.

Các bác sĩ vẫn tích cực tìm kiếm các thử nghiệm lâm sàng phù hợp mặc dù bệnh nhân đã sử dụng các phương pháp điều trị tiêu chuẩn.

Hãy lấy một trường hợp bệnh nhân nữ 69 tuổi được chẩn đoán ung thư biểu mô tuyến làm ví dụ. Xét nghiệm gen cho thấy bệnh nhân này không phù hợp với liệu pháp điều trị nhắm trúng gen đích. Khối u ở bệnh nhân này đã tái phát và phát triển đến mức độ không thể sử dụng phương pháp điều trị tiêu chuẩn nào nữa do trước đây bệnh nhân đã được sử dụng liệu pháp miễn dịch và hóa trị liệu. Sau đó, bệnh nhân này tham gia một chương trình thử nghiệm lâm sàng với phức hợp kháng thể - thuốc và đã được điều trị thành công. Cuối cùng bệnh nhân đã có thể hồi phục và quay trở lại với công việc yêu thích của mình.

    • Bạn thử trải nghiệm bí ẩn thiền định qua lớp học online miễn phí tại đây.

Phức hợp kháng thể - thuốc là một xu hướng mới quan trọng trong chương trình nghiên cứu thuốc chống ung thư hiện nay. Phương pháp này cho phép thuốc tập trung tại vị trí của khối u và tiêu diệt tế bào ung thư mà không gây hại cho các tế bào bình thường.

Cách phòng ngừa tái phát ung thư phổi

Tỷ lệ sống sau 5 năm và tỷ lệ tái phát sau phẫu thuật của bệnh nhân ung thư phổi thay đổi tùy theo giai đoạn bệnh. Nhìn chung, bệnh nhân ở giai đoạn đầu sẽ có tỷ lệ sống cao hơn và tỷ lệ tái phát thấp hơn. Điều này sẽ ngược lại đối với các bệnh nhân ở giai đoạn tiến triển.

Điều trị bổ trợ sau phẫu thuật bằng thuốc nhắm trúng gen đích có thể giúp giảm tái phát ung thư.

Một nghiên cứu đăng trên Tạp chí New England Journal of Medicine vào năm 2020 cho thấy những bệnh nhân ung thư có đột biến gen EGFR có thể giảm tỷ lệ tái phát nếu dùng thuốc nhắm trúng gen đích liên tục trong ba năm sau khi điều trị phẫu thuật hoặc hóa trị.

Sau hai năm, tỷ lệ bệnh nhân sống sót và không tái phát là 90% ở nhóm được điều trị bằng thuốc trong khi tỷ lệ này là 44% ở nhóm đối chứng. Sau ba năm, tỷ lệ không tái phát vẫn ở mức gần 80% ở nhóm điều trị bằng thuốc và tỷ lệ này khoảng 33% ở nhóm đối chứng.

Ở những bệnh nhân ung thư không có đột biến gen EGFR, các bác sĩ vẫn có thể sử dụng liệu pháp miễn dịch để giúp giảm tỷ lệ tái phát. Điều đã được chứng minh bởi các nghiên cứu lâm sàng quy mô lớn.

Sử dụng liệu pháp hóa trị và liệu pháp miễn dịch trước hoặc sau phẫu thuật đều có hiệu quả trong việc ngăn ngừa sự tái phát của ung thư phổi.

Một trường hợp được điều trị thành công khác là một bệnh nhân nam 60 tuổi mắc ung thư phổi biểu mô tuyến giai đoạn II. Bệnh nhân này đã được dùng phương pháp hóa trị và liệu pháp miễn dịch trước khi phẫu thuật. Sau khi cắt bỏ khối u phổi, xét nghiệm cho thấy tất cả các tế bào ung thư của bệnh nhân nam đã bị loại bỏ. Hiện tại, sau hơn hai năm phẫu thuật, căn bệnh ung thư của bệnh nhân này vẫn chưa quay trở lại.

Những trường hợp như vậy có rất nhiều. Đến nay, sử dụng liệu pháp miễn dịch trước hoặc sau phẫu thuật đã trở thành phương pháp điều trị tiêu chuẩn cho các bệnh nhân ung thư phổi, đóng vai trò chính trong việc ngăn ngừa tái phát.

Các bài báo của Epoch Health nhằm mục đích cung cấp thông tin và không thay thế cho tư vấn y tế cá nhân. Vui lòng tham khảo ý kiến ​​của các chuyên gia để được tư vấn, chẩn đoán và điều trị y tế cá nhân. Nếu bạn có bất cứ câu hỏi nào, xin hãy gửi email cho chúng tôi tại [email protected]

(Bài đăng trên The Epoch Times - Epoch Health của đồng tác giả: Kang-Yun Lee và Jenny Han

Kang-Yun Lee: là một bác sĩ toàn thời gian, đồng thời là Phó khoa Nghiên cứu tại Bệnh viện Song Hòa tại Đài Loan).

Theo The Epoch Times - Epoch Health tiếng Anh
Đức Nhân biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Ung thư phổi biểu mô tuyến thường được phát hiện ở giai đoạn muộn - Phương pháp điều trị có thể áp dụng