Ung thư phổi: 'Kẻ giết người thầm lặng' vẫn có thể điều trị được nếu phát hiện sớm

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ung thư phổi thường được gọi là “kẻ giết người thầm lặng”, bởi vì bệnh thường tiến triển một cách âm thầm, khi phát hiện thường đã là giai đoạn cuối - đó là lúc mà cái chết là điều không thể tránh khỏi.

Theo Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ, 65,8% các trường hợp ung thư phổi được chẩn đoán ở giai đoạn muộn, nhiều hơn so với các loại ung thư phổ biến khác như ung thư đại tràng, ung thư vú và ung thư tuyến tiền liệt.

(Nguồn dữ liệu: Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ)

Bác sĩ Raja M. Flores là một bác sĩ phẫu thuật lồng ngực, Trưởng Khoa Phẫu thuật Lồng ngực tại Bệnh viện Mount Sinai, nói với The Epoch Times rằng: “Những bệnh ung thư khác thường sẽ có các dấu hiệu và triệu chứng”.

Nhưng ung thư phổi thì khác.

Theo Hiệp hội Phổi Hoa Kỳ (ALA), ung thư phổi hiện là nguyên nhân tử vong hàng đầu ở cả nam lẫn nữ tại Hoa Kỳ. Vào năm 1987, ung thư phổi đã vượt qua ung thư vú để trở thành nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do ung thư ở phụ nữ.

Chỉ có một số bệnh nhân ung thư phổi có các dấu hiệu của bệnh, trong khi hầu hết các bệnh nhân đều không có

Nhiều triệu chứng của ung thư phổi phụ thuộc vào vị trí của tế bào ung thư.

Flores nói rằng: “Khi khối u của bạn gần khí quản, có thể bạn sẽ ho ra một ít máu trong giai đoạn đầu”. “Bạn cũng có thể bị thở khò khè”.

Tuy nhiên, phần lớn các trường hợp ung thư phổi không xảy ra ở phần trung tâm và gần khí quản. Mà ngược lại, chúng thường xuất hiện ở các phần ngoại vi của phổi.

Khi bệnh ở giai đoạn có thể điều trị được, nhưng bạn lại không hay biết. Cho đến khi tế bào ung thư đã lan rộng.

Đó là điều quan trọng nhất. Flores nói: “Tôi nghĩ mọi người đều sẽ muốn hỏi chúng ta nên chú ý những dấu hiệu nào - nhưng bạn sẽ không có dấu hiệu nào cả”.

Một nghiên cứu của Tây Ban Nha được công bố trên Tạp chí của Hiệp hội Ung thư Y tế Châu Âu vào năm 2020 đã phân tích các triệu chứng của bệnh ung thư phổi không tế bào nhỏ (NSCLC) - loại ung thư phổi phổ biến nhất. Nghiên cứu có sự tham gia của gần 10.000 bệnh nhân. Kết quả cho thấy, ở giai đoạn 1, triệu chứng phổ biến nhất là ho, tuy nhiên chỉ có 1,8% bệnh nhân có triệu chứng này. Khi ung thư tiến triển đến giai đoạn IV, 17,9% bệnh nhân sẽ có triệu chứng ho.

(Nguồn dữ liệu: Tạp chí của Hiệp hội Ung thư Y tế Châu Âu)

Một loại ung thư phổi khác là ung thư phổi tế bào nhỏ. Hiện nay đã có những phương pháp điều trị cho cả hai loại ung thư này với tỷ lệ sống tương đối cao nếu bệnh nhân được phát hiện sớm.

Ung thư phổi tế bào nhỏ thường được điều trị bằng hóa trị ngoại trừ trường hợp ở giai đoạn rất sớm, được gọi là giai đoạn 1 (khối u nhỏ) có thể tiến hành phẫu thuật cắt bỏ khu vực có tế bào ung thư.

“Nhưng các bác sĩ thường tiến hành hóa trị kèm theo và họ cũng sẽ kiểm tra não để đảm bảo không có tế bào ung thư di căn đến não” Flores nói.

Ung thư phổi không tế bào nhỏ có thể được chia thành hai loại ung thư biểu mô tuyến và ung thư biểu mô tế bào vảy. Chúng chiếm khoảng 80 đến 85 phần trăm các trường hợp ung thư phổi.

Aimee Strong, DNP, Điều dưỡng Khoa Phẫu thuật Lồng ngực tại Đại học Virginia, tham gia Chương trình Tầm soát Ung thư Phổi cho biết: “Loại ung này có xu hướng phát triển và di căn chậm hơn”.

Ung thư biểu mô tuyến thường xuất hiện ở phần ngoại vi của phổi và là loại ung thư phổ biến nhất ở những người không hút thuốc. Tuy nhiên, ung thư tế bào vảy thường xuất hiện ở vùng giữa của phổi.

Ung thư phổi tế bào nhỏ hầu như luôn liên quan đến thuốc lá. Strong cho biết: “Ung thư phổi tế bào nhỏ phát triển và di căn nhanh chóng”.

Hút thuốc không phải là yếu tố nguy cơ duy nhất

Các yếu tố nguy cơ khác nhau tùy từng người. Không chỉ hút thuốc chủ động mà ngay cả hít khói thuốc thụ động cũng làm tăng khả năng mắc ung thư phổi.

Flores nói: “Giả sử bạn lớn lên trong một gia đình có bố và mẹ đều hút thuốc, đặc biệt là vào những năm 70, bạn sẽ bị nguy cơ mắc bệnh”.

Flores từng có nhiều bệnh nhân ung thư phổi là những DJ trong các câu lạc bộ đầy khói thuốc lá.

Nhưng đó không phải là vấn đề duy nhất.

Ông nói: “Những người trong vụ 11/9 đã tiếp xúc với amiăng trong bụi ở dưới [cũng có nguy cơ mắc bệnh]”.

Bên cạnh đó, một nghiên cứu được công bố trên tạp chí European Respiratory Review đã phát hiện một yếu tố di truyền quan trọng liên quan đến nguy cơ mắc ung thư phổi.

Ở Trung Quốc, tỷ lệ ung thư phổi đã gia tăng trong những thập kỷ qua.

“Một số người tin rằng đó là do yếu tố di truyền, [và] bạn có thể tìm thấy được điều này ở người dân Trung Quốc”, Flores nói. Đồng thời, “Khi đến đây, bạn sẽ nhận ra tình trạng ô nhiễm đã vượt khỏi tầm kiểm soát”.

Ông cũng lưu ý, rất khó để xác định rằng yếu tố di truyền hay yếu tố môi trường đóng vai trò lớn hơn trong quá trình tiến triển của bệnh, nhưng có xu hướng tỷ lệ bệnh gia tăng là do điều kiện môi trường ở Trung Quốc.

Flores nói: “Tôi tin rằng khi bạn mắc bệnh ung thư, đó là do bạn đã chịu một tác động nào đó từ bên ngoài gây ra những đột biến trong cơ thể. Chính điều này đã gây ra căn bệnh ung thư”. “Tôi không nghĩ rằng chúng ta mắc bệnh là do chúng ta kém may mắn”.

Phát hiện bệnh sớm sẽ “có thể chữa được”, việc sàng lọc rất quan trọng

Hiện nay chúng ta đã có nhiều lựa chọn để điều trị ung thư phổi hơn nhiều so với thời điểm 5 năm trước. Chúng ta đã có nhiều hình thức xạ trị tinh vi hơn để điều trị căn bệnh này.

Flores cho biết, nếu được phát hiện sớm, đặc biệt là khi chụp CT phổi liều thấp sẽ “có thể chữa được” ung thư phổi.

Trong đó bao gồm cả ung thư phổi tế bào nhỏ tiến triển nhanh.

Vấn đề không phải là chúng ta không có thuốc chữa.

“Chúng tôi có cách để điều trị, 80% những bệnh nhân ở giai đoạn 1 sẽ được chữa khỏi”, Flores nói. “Vấn đề là chúng ta không phát hiện bệnh đủ sớm”.

Ông cho biết giải pháp tốt nhất chính là tầm soát, và những đối tượng nên được tầm soát ung thư phổi gồm có:

  • Những người hút thuốc đã từng hoặc hiện tại đang hút thuốc lá
  • Những người tiếp xúc với amiăng hoặc khí radon
  • Những người có tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư phổi

Những người có nguy cơ nên khám bác sĩ chuyên khoa, đó có thể là một phẫu thuật viên, bác sĩ chuyên khoa hô hấp, bác sĩ chẩn đoán hình ảnh hay bác sĩ nội khoa.

Flores đã thấy rằng nhiều người có nguy cơ mắc ung thư phổi do từng hút thuốc lá, hiện nay đã lập gia đình.

Flores đặt ra câu hỏi: “Nếu họ có cảm giác tội lỗi vì đã từng hút thuốc, bạn sẽ làm thế nào để giúp họ?”. “Hãy quét CT scan để sàng lọc”.

Theo The Epoch Times - Epoch Health tiếng Anh
Song Hoài biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Ung thư phổi: 'Kẻ giết người thầm lặng' vẫn có thể điều trị được nếu phát hiện sớm