Uống nước mía có tác hại gì? Những người nào nên đặc biệt tránh?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nước mía có rất nhiều lợi ích khi sử dụng đúng cách và hợp vệ sinh. Tuy nhiên, nó cũng ẩn chứa một số mặt tiêu cực đối với sức khỏe. Vậy tác hại của nước mía là gì, ai không phù hợp để uống, loại đồ uống này tiềm ẩn những nguy cơ nào?

--> Xem thêm: 17 công dụng của nước mía đối với sức khỏe mà bạn có thể chưa biết

Người ta thường dùng máy ép để nghiền mía lấy nước, sau đó thêm một chút đá lạnh, quất hoặc gừng để cân bằng vị ngọt, giúp đồ uống này có vị ngon hơn.

Tuy nhiên, 70% nước mía là đường. Vì quá ngọt, nên nó đặc biệt tối kỵ với người già, trẻ em dưới 4 tuổi, người thừa cân - béo phì, người bị tiểu đường và phụ nữ mang thai.

Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến nghị rằng, nước mía nên uống giới hạn ở mức độ vừa phải, bởi nếu uống quá nhiều sẽ tiềm ẩn nhiều hệ lụy cho sức khỏe.

Những tác hại tiềm ẩn của nước mía

1. Uống nhiều nước mía kém vệ sinh có thể gây ung thư

Bản thân nước mía không thể gây bệnh ung thư, vấn đề là cách nó được tạo ra.

Như chúng ta đều biết, những người bán hàng rong bên đường thường sử dụng máy ép để nghiền mía cả ngày, khiến thứ nước được tạo ra có màu đục, chất lượng khá kém.

Công cụ để nghiền mía trong máy ép được thiết kế bằng kim loại. Vậy nên trong thành phần của nước mía rất có thể lẫn theo nhiều kim loại nặng, có thể gây ngộ độc. Theo thời gian, loại đồ uống này có thể gây ung thư.

2. Nước mía có thể gây nhiễm khuẩn

Máy ép, cây mía và cốc đựng nước đều không đảm bảo điều kiện vệ sinh, chưa kể các yếu tố bên ngoài của môi trường như khói bụi, vi khuẩn… có thể bám vào bề mặt của những thứ đó.

Khi bạn uống nhiều nước mía được tạo ra từ hệ thống kém vệ sinh nói trên, thì rất có khả năng cơ thể đã bị nhiễm khuẩn.

Nhưng do sức khỏe và thể trạng của mỗi người không giống nhau, nên có người sẽ cảm thấy khó chịu ngay sau khi uống nước mía, trong khi có những người không cảm thấy gì.

Đối với những người không cảm thấy gì, bạn không nên chủ quan, bởi hiện tại cơ thể bạn đang tương đối khỏe mạnh, sức đề kháng tốt, nhưng khi vi khuẩn tích tụ đủ lớn, nó có thể gây ra các triệu chứng.

3. Nhiễm khuẩn từ nước mía sẽ ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa

Khi bạn thường xuyên uống nước mía kém vệ sinh, vi khuẩn sẽ xâm nhập vào trong cơ thể và tích tụ ngày càng nhiều. Khi mật độ đủ lớn, chúng sẽ tác động xấu đến hệ tiêu hóa, gây đau bụng và khó chịu.

Đặc biệt, mía thường không được rửa sạch mà chỉ cạo vỏ, rất dễ sót lại thuốc trừ sâu trên bề mặt. Khi ép mía, chúng dễ hòa tan vào nước và khiến bạn có nguy cơ mắc bệnh hoặc ngộ độc.

4. Nước mía làm tăng nguy cơ mắc chứng mất ngủ

Chất policosanol trong nước mía có thể tạo ra các vấn đề sức khỏe nhẹ. Nếu bạn hấp thụ nó quá mức, thì rất dễ bị chóng mặt, mất ngủ, theo Be Body Wise.

5. Nước mía có thể làm cho máu loãng hơn

Cũng theo Be Body Wise, chất policosanol có thể khiến máu bị loãng hơn. Quá trình này sẽ ngăn cản máu đông lại, dẫn đến tình trạng xuất huyết nhiều trong trường hợp bị thương.

6. Nước mía tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường

Mặc dù có một số nghiên cứu trong ống nghiệm về nước mía cho thấy, chất chống oxy hóa polyphenol có thể giúp các tế bào tuyến tụy sản xuất nhiều insulin hơn.

Nhưng các nhà khoa học cho rằng, nghiên cứu này cũng không khiến nó trở nên an toàn hơn đối với người bị đái tháo đường, theo Blushin.

Một cốc nước mía có thể chứa 50g đường, tức tương đương với 12 thìa cà phê, điều này không tốt cho bệnh nhân.

Những cấm kỵ khi uống nước mía

1. Không uống nước mía để quá lâu

Nước mía thực ra có tuổi thọ rất ngắn. Khi để lâu hơn 20 phút, mía sẽ bị oxy hóa, có thể gây hại cho cơ thể của bạn.

Theo Be Body Wise, quá trình oxy hóa hoạt động giống như một chất độc và tạo điều kiện hình thành các vấn đề liên quan đến dạ dày khác nhau.

Vậy nên, nếu bạn hỏi rằng uống nước mía thời điểm nào là tốt nhất, thì nước mía vừa ép xong và dưới 20 phút là lý tưởng nhất.

2. Không uống nước mía khi đang sử dụng một số loại thuốc

Một số loại thuốc bổ sung, thuốc chống đông máu có thể cản trở tác dụng của chất policosanol trong nước mía.

Về cơ bản, chất policosanol trong nước mía có thể làm giảm cholesterol xấu của cơ thể, từ đó giúp ngăn ngừa bệnh tim mạch.

Uống nước mía trong thời gian sử dụng các loại thuốc nói trên sẽ làm vô hiệu hóa tác dụng của policosanol.

3. Không uống nước mía khi đường ruột yếu, hay bị đầy bụng, đi ngoài phân lỏng

Nước mía thường được cho thêm khá nhiều đá nên rất lạnh. Người có đường ruột yếu dễ bị đau bụng khi uống.

Ngoài ra, đường sucrose chiếm tỷ lệ lớn trong nước mía. Các loại đồ ngọt không được “chào đón” trong môi trường tiêu hóa, bởi chúng làm tăng tính axit, tạo môi trường cho nhiều loại vi trùng độc hại sinh sôi, theo Bệnh viện Hồng Ngọc.

4. Không uống nước mía khi muốn (hoặc đang) giảm cân

Cơ thể hấp thụ nhanh chóng đường trong nước mía. Trung bình, mỗi 100ml nước mía sẽ cung cấp 270 calo.

Người đang giảm cân cần kiểm soát thói quen uống nước mía. Bởi nếu bạn uống ngay khi vừa tập xong, thì có thể nói rằng thời gian bỏ công sức luyện tập trước đó của bạn là vô nghĩa.

Giả sử, một người nặng 73kg vận động trong một giờ, mức tiêu hao calo cụ thể sẽ được ước tính như sau (theo Vinmec):

  • Tập thể dục nhịp điệu với cường độ thấp tiêu hao khoảng 365 calo;
  • Đạp xe với vận tốc dưới 16km/h thì mức tiêu hao khoảng 292 calo;
  • Khiêu vũ tiêu hao 219 calo;
  • Đi bộ đường dài tiêu hao 438 calo;
  • Chạy với vận tốc 8km/h tiêu hao 606 calo;
  • Bơi với cường độ nhẹ hoặc trung bình tiêu hao 423 calo;
  • Đi bộ với vận tốc 5km/h tiêu hao 314 calo.

Ngoài ra, đối với người không có ý định giảm cân nhưng cũng không muốn bị béo phì, họ vẫn nên hạn chế uống nước mía. Bởi khi lượng calo nạp vào không được tiêu hao thông qua vận động, thì chúng có thể chuyển hóa thành chất béo, mỡ thừa.

5. Không uống nước mía khi mang thai

Thành phần cơ bản của nước mía là đường. Do đó, phụ nữ mang thai nạp quá nhiều đường vào cơ thể có nguy cơ dẫn đến bệnh tiểu đường thai kỳ, rất không tốt cho sức khỏe của mẹ và bé.

Tóm lại, bên cạnh những tác dụng không ngờ, chúng ta vẫn phải cẩn thận và chú ý đến một số tác hại của nước mía; trong đó, đặc biệt là người già, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai và bệnh nhân đái tháo đường.

Hoàng Tuấn



BÀI CHỌN LỌC

Uống nước mía có tác hại gì? Những người nào nên đặc biệt tránh?