Vai trò quan trọng của hệ vi sinh vật đường ruột với bệnh Parkinson

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo Tổ chức Parkinson, bệnh Parkinson ảnh hưởng đến hơn 10 triệu người trên toàn thế giới. Chỉ riêng tại Hoa Kỳ, hàng năm có tới gần 90.000 ca được chẩn đoán. Dự kiến vào năm 2030, số bệnh nhân có thể tăng lên 1,2 triệu.

Nghiên cứu mới trên tạp chí Nature Communications cho thấy có sự phát triển lan rộng chứng loạn khuẩn đường ruột ở các bệnh nhân Parkinson. Nghiên cứu cũng đưa ra các thông tin chi tiết về các vi sinh vật cực nhỏ đang gây nên sự mất cân bằng trong cơ thể người bệnh.

Parkinson là một căn bệnh ảnh hưởng đến hệ thần kinh, làm cho cơ thể không kiểm soát được các cử động. Bệnh nhân thường bị run, cứng và khó giữ thăng bằng hoặc phối hợp trong các cử động. Các triệu chứng tăng dần theo tuổi tác. Giai đoạn sau có thể ảnh hưởng đến chức năng não, gây ra các triệu chứng giống như chứng mất trí nhớ và trầm cảm.

Trong các nghiên cứu trên động vật trước đây, các triệu chứng được phát hiện tương tự nhưng chưa có nghiên cứu nào khẳng định các cơ chế đặc trưng của bệnh có liên quan đến hệ vi sinh vật. Nghiên cứu metagenomics (nghiên cứu về tất cả các vật liệu di truyền được lấy mẫu từ một cộng đồng) mới đây đã thu thập phân từ 490 người mắc bệnh Parkinson và 234 người có thần kinh khỏe mạnh.

Haydeh Payami, người sáng lập và điều tra viên chính của Hiệp hội Nghiên cứu Di truyền Thần kinh tại Đại học Alabama - Birmingham cho biết, đây là nghiên cứu về hệ vi sinh vật lớn nhất được thực hiện ở độ phân giải cao nhất. Nó cung cấp cái nhìn sâu sắc và cụ thể hơn về hệ vi sinh đường ruột từ thông tin các loại mầm bệnh liên quan đến bệnh Parkinson. Nghiên cứu cũng tìm hiểu chi tiết hệ vi sinh vật của những người có hệ thần kinh khỏe mạnh.

Hệ vi sinh là lĩnh vực nghiên cứu mới nổi bao gồm các nghiên cứu về các yếu tố động lực của cộng đồng vi sinh đường ruột. Hệ vi sinh của con người bao gồm vi khuẩn, virus, nấm trên da và trong các cơ quan.

Phần lớn hệ vi sinh đường ruột có quan hệ mật thiết với hệ miễn dịch của cơ thể. Nó cũng đóng vai trò quan trọng trong các tác nhân gây bệnh.

Nghiên cứu củng cố một giả thuyết được đưa ra năm 2003 rằng, các dạng Parkinson không di truyền là bắt đầu từ trong ruột. Trong hầu hết các bệnh do rối loạn não di truyền, Parkinson thường được nhận biết bởi các triệu chứng cử động không kiểm soát như run, khó giữ thăng bằng và phối hợp. Nhưng sự thật thì Parkinson có liên quan đến các vấn đề về đường tiêu hóa như táo bón, viêm và đường ruột bị tổn thương.

Một số điểm nhấn của nghiên cứu về bệnh Parkinson:

  • Hơn 30% các loài, gen và cách thức thử nghiệm được thay đổi.
  • Các vi khuẩn có xu hướng hình thành các cụm đa vi sinh vật phát triển hoặc thu nhỏ lại với nhau, một số còn cạnh tranh với nhau.
  • Hệ vi sinh ở trong tình trạng dễ bị bệnh do quá nhiều mầm bệnh bên cạnh các thành phần vi sinh miễn dịch.
  • Các vi sinh vật thường bị rối loạn trong truyền tín hiệu thần kinh.
  • Hệ vi sinh vật nhiều khả năng gây ra bệnh lý alpha-synuclein, dấu hiệu gây bệnh của tất cả các bệnh lý synucleinopathies, bao gồm bệnh Parkinson, chứng mất trí nhớ và bệnh teo đa hệ thống.
  • Hệ vi sinh vật đã sản xuất quá nhiều chất độc, làm giảm các yếu tố chống viêm và bảo vệ thần kinh.

Với những mối liên kết được thiết lập, nghiên cứu mở ra cánh cửa để tìm hiểu sâu hơn cho các giả thuyết cụ thể. Nếu nguồn gốc và sự phát triển của bệnh được xác định chính xác, bệnh có thể có công cụ hỗ trợ chẩn đoán sớm hơn, tạo hiệu quả trong điều trị. Các chiến lược điều khiển hệ vi sinh vật để điều trị và thậm chí là phòng ngừa. Nghiên cứu cũng cung cấp bộ dữ liệu mở, miễn phí để sử dụng cho các nghiên cứu khác.

“Chúng tôi xác nhận, đối với bệnh Parkinson ở người, những phát hiện đã được quan sát thấy trong các mô hình thử nghiệm; giải quyết được vấn đề tài liệu về hệ vi sinh vật của bệnh Parkinson ở người; và cung cấp một nền tảng rộng lớn với vô số giả thuyết cụ thể có thể kiểm chứng giúp phân biệt vai trò của hệ vi sinh đường ruột với bệnh Parkinson”, nghiên cứu cho biết.

Tổng cộng, các nhà nghiên cứu đã xem xét 257 loài vi sinh vật khác nhau và hơn 30% có liên quan đến bệnh Parkinson. Trong con số 30% này, 55 loài có giá trị cao bất thường và 29 loài đã cạn kiệt.

Cụ thể, Bifidobacterium dentium (một loại vi khuẩn kỵ khí) tăng gấp 7 lần; vi khuẩn Actinomyces oris tăng hơn 6 lần; và Streptococcus mutans đã tăng gấp 6 lần, theo thông cáo báo chí của trường đại học. Trong số những loài có mức độ thấp, Roseburia ruột giảm hơn 7 lần và Blautia wexlerae giảm 5 lần. Tổng cộng, 36% các loài liên quan đến bệnh Parkinson có sự thay đổi nhiều hơn gấp đôi về số lượng. Mức tăng hoặc giảm các loại vi khuẩn của bệnh Parkinson trong khoảng từ 100% đến 750% so với nhóm khỏe mạnh.

Metagenomics là một lĩnh vực tương đối mới nhưng đang phát triển nhanh chóng với công nghệ ngày càng dễ tiếp cận và giá cả phải chăng. Tuy nhiên, sự tồn tại của thông tin chỉ cung cấp suy luận, vì các chức năng trao đổi chất không được quan sát thấy khi hoạt động. Nhưng dù sao, việc có một tập dữ liệu phong phú cũng giúp định hướng phạm vi nghiên cứu trong tương lai để tìm hiểu đời sống vi sinh vật.

(Bài đăng trên The Epoch Times - Epoch Health của tác giả: Amy Denney)

Theo The Epoch Times - Epoch Health tiếng Anh
Cát Mộc biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Vai trò quan trọng của hệ vi sinh vật đường ruột với bệnh Parkinson