Nguyên nhân của bệnh khô mắt là gì? Có nên dụi mắt khi mỏi?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chúng ta có thói quen dụi mắt khi cảm thấy khó chịu, nhưng đây là một hành động rất không nên làm vì một vài nguyên nhân sau đây.

Bệnh nhân mắc bệnh khô mắt phải đối mặt với các vấn đề về thị lực và có chất lượng cuộc sống thấp hơn so với những người khác. Nghiên cứu cho thấy tình trạng này gây tổn hại cho sức khỏe cả thể chất và tinh thần.

Nguyên nhân gây khô mắt

Trên cùng của giác mạc được phủ một lớp chất lỏng bảo vệ được gọi là màng nước mắt. Màng nước mắt có ba lớp, gồm lớp dầu ở trên cùng, nước, cuối cùng là lớp chất nhầy giữ màng nước mắt dính vào nhãn cầu.

Tiến sĩ Steven Stetson, cựu giám đốc y tế của Phòng khám Mắt Laser thuộc Học viện Không quân Hoa Kỳ, cho biết: “Rất nhiều bệnh nhân có tuyến dầu thực sự hạn chế vì một vài lý do, phổ biến nhất là đeo kính áp tròng trong thời gian dài.”

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng khi kính áp tròng đẩy vào mí mắt, các tuyến dầu bị suy yếu. Ngay cả kính áp tròng thoáng khí cũng gây ra tình trạng thiếu oxy cho mắt.

Một nguyên nhân phổ biến khác của chứng khô mắt là tỷ lệ chớp mắt giảm. Nhiều người có thói quen nhìn chằm chằm vào màn hình máy tính cả ngày, điều này đã được chứng minh là làm giảm tỷ lệ chớp mắt xuống tới 1/3 so với bình thường.

Tôi muốn nói rằng hơn một nửa số bệnh nhân đến đây là những người thường xuyên làm việc với máy tính. Họ bị chứng khô mắt do bay hơi - mắt họ không có lớp dầu thích hợp để giữ và bao phủ những giọt nước mắt," Tiến sĩ Stetson kết luận.

Khô mắt ảnh hưởng đến thị lực và cuộc sống hàng ngày

Khô mắt là một tình trạng có thể ảnh hưởng đến mọi người ở mọi lứa tuổi, nhưng phổ biến nhất ở phụ nữ và người lớn tuổi. Người ta ước tính rằng có đến 1/3 người trên 65 tuổi mắc chứng bệnh này, bao gồm các triệu chứng như kích ứng và đỏ mắt, mờ mắt và cảm giác có sạn trong mắt.

Một nghiên cứu mới do Đại học Southampton dẫn đầu đã khám phá mức độ ảnh hưởng của bệnh khô mắt đến cuộc sống của người trưởng thành ở nước Anh. Nghiên cứu bao gồm 1.000 bệnh nhân với tình trạng khô mắt và 1.000 bệnh nhân không có triệu chứng này.

Tất cả được yêu cầu trả lời một bảng câu hỏi của Viện Mắt Quốc gia về chức năng thị giác của họ và một bảng câu hỏi EuroQol về chất lượng cuộc sống liên quan đến sức khỏe. Những người tham gia bị khô mắt được yêu cầu trả lời thêm các câu hỏi để đánh giá mức độ nghiêm trọng các triệu chứng của họ.

Người ta thấy rằng có một tỷ lệ cao hơn những người tham gia bị bệnh khô mắt có vấn đề về khả năng vận động và gặp nhiều khó khăn hơn trong các hoạt động hàng ngày so với những bệnh nhân không bị khô mắt. Nghiên cứu cũng tiết lộ rằng họ có nhiều khả năng bị trầm cảm và lo lắng.

Bệnh nhân có các triệu chứng khô mắt nghiêm trọng nhất có nhiều khả năng chịu các tác động tiêu cực đến chức năng xã hội, cảm xúc cũng như năng suất làm việc. Phát hiện cho thấy họ gặp khó khăn trong việc thực hiện các hoạt động hàng ngày và khả năng làm việc hiệu quả do chức năng thị giác bị ảnh hưởng xấu.

Tiến sĩ Parwez Hossain, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết: “Nghiên cứu này đã cung cấp một số thông tin rất hữu ích về gánh nặng mà bệnh khô mắt gây ra cho bệnh nhân. Ngoài việc xác nhận ảnh hưởng đến công việc và đời sống xã hội, chúng tôi cũng phát hiện ra rằng mức độ ảnh hưởng tỷ lệ thuận với mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng khô mắt. Chúng tôi cũng phát hiện ra rằng những người tham gia có các triệu chứng bệnh khô mắt có nhiều khả năng mắc các bệnh đi kèm khác: số người bị viêm khớp, mất thính giác hoặc bệnh ruột kích thích là gấp đôi so với nhóm không có triệu chứng”.

Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng một số yếu tố môi trường có thể ảnh hưởng đến các triệu chứng mà bệnh nhân bị bệnh khô mắt có thể gặp phải. Trong khi tất cả những người tham gia nghiên cứu báo cáo mức độ sử dụng màn hình kỹ thuật số và đọc sách tương tự nhau, những người có các triệu chứng bệnh khô mắt cho biết tiếp xúc nhiều hơn với các yếu tố môi trường như điều hòa không khí, sưởi ấm cưỡng bức hoặc ô nhiễm không khí. Tuy nhiên cần có thêm nhiều nghiên cứu để xác nhận liệu những yếu tố này có thể góp phần gây ra bệnh hoặc được người bệnh chú ý nhiều hơn hay không.

Tại sao không nên dụi mắt?

Chúng ta có thói quen dụi mắt khi cảm thấy khó chịu, nhưng đây là một hành động rất không nên làm vì một vài nguyên nhân sau đây:

Dụi mắt làm suy yếu giác mạc

Giác mạc được dệt bằng các sợi collagen liên kết chéo và việc dụi mắt có thể làm giãn các sợi này và làm suy yếu giác mạc về lâu dài — điều này sẽ làm suy giảm thị lực của bạn.

Dụi mắt gây viêm và giải phóng histamine

Histamin là một chất tồn tại sẵn trong cơ thể và đóng vai trò quan trọng trong việc sản sinh một số phản ứng của cơ thể như dị ứng, sốc phản vệ, tăng bài tiết nước mắt, nước mũi...v.v.

Đôi khi bạn dụi mắt là do nhu cầu bổ sung lưu lượng oxy đi vào trong mắt, nhưng việc này sẽ kích thích tình trạng viêm, gây kích ứng nhiều hơn, trầy xước và gây viêm nhiều hơn.

Dụi mắt có thể làm trầm trọng thêm bệnh loạn thị

Bởi vì dụi mắt có thể làm dịch chuyển các tế bào bề mặt nhãn cầu, nên nếu ai đó đã mắc chứng loạn thị thì việc dụi mắt quá nhiều sẽ chỉ khiến tình trạng đó trở nên tồi tệ hơn.

Minh Nhật

Theo The Epoch Times

Xem thêm:

 



BÀI CHỌN LỌC

Nguyên nhân của bệnh khô mắt là gì? Có nên dụi mắt khi mỏi?