Vì sao đường có hại cho sức khỏe, nhưng đường trong trái cây thì ngược lại?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đường tự do trong nước ngọt là nguồn chủ yếu gây tăng cân và có hại đối với nhiều người. Các chuyên gia và các tổ chức sức khỏe khuyến cáo mọi người nên dùng ít đường, nhưng lại ăn nhiều trái cây.

Tất cả các loại đường sẽ cung cấp cho chúng ta một lượng calo như nhau, dù là từ trái cây hay từ nước ngọt. Nhưng những tác hại đến sức khỏe con người thường gặp lại liên quan đến việc ăn quá nhiều “đường tự do” trong chế độ ăn, chứ không phải do các loại đường tự nhiên có trong hoa quả hay sữa.

Các loại đường trong thức ăn

Đường trong thức ăn và đồ uống rất nhiều dạng. Phân tử đường được phân loại thành đường đơn (phân tử đường đơn như glucose và fructose) và đường disaccharides (cấu trúc phức tạp hơn như sucrose và lactose).

Trái cây chứa đường tự nhiên là hỗn hợp của sucrose, fructose và glucose. Rất nhiều người biết rằng đường không tốt cho sức khỏe, và thường nghĩ điều này cũng tương tự đối với đường trong trái cây.

Ví dụ như, đường fructose, một loại đường có trong trái cây, chỉ có hại khi chúng ta lạm dụng nó quá mức. Điều này chỉ xảy ra khi chúng ta ăn quá nhiều đường fructose tự do từ thực phẩm và đồ uống. Tuy nhiên nó sẽ không xảy ra nếu chúng ta chỉ ăn trái cây.

Đường tự do cũng là một loại đường đơn bao gồm fructose, glucose, sucrose, nhưng đã được loại bỏ khỏi nguồn gốc tự nhiên. Nói cách khác, chúng được tinh luyện từ các phần tự nhiên của trái cây, sản phẩm từ sữa và một số loại rau và ngũ cốc. Ngoài ra, nó là loại đường thường được thêm vào thực phẩm và đồ uống.

Nguy cơ sức khỏe đến từ đường tự do chứ không phải từ trái cây

Nghiên cứu cho thấy, có bằng chứng mối liên hệ giữa nguy cơ sức khỏe, như sâu răng và tăng cân, với việc ăn quá nhiều đường tự do trong chế độ ăn, chứ không phải do ăn đường tự nhiên có trong trái cây hay sữa.

Vì lý do này, các chuyên gia khuyến nghị rằng lượng calo hàng ngày khi sử dụng đường tự do không nên vượt quá 10%. Đối với người lớn, trung bình nên tiêu thụ khoảng 50gr đường hoặc nhiều hơn một chút so với lượng đường trong một lon nước ngọt hoặc soda thông thường. Ước tính người Mỹ tiêu thụ khoảng 76,7gr đường tự do mỗi ngày, tương đương 19 thìa đường hay 306 calo.

Thực phẩm là nguồn cung cấp đường tự do như nước ép trái cây, nước ngọt, bánh quy, kẹo... thường chứa nhiều calo và ít giá trị dinh dưỡng. Chúng ta thường hay ăn nhiều những thứ này hơn trái cây tươi và nhiều khi còn dùng chúng thay thế cho những thực phẩm dinh dưỡng khác trong chế độ ăn.

Trước khi uống một chai nước ép trái cây, bạn nên cân nhắc. Bởi vì lượng đường có trong một chai nước ép trái cây tương đương với lượng đường có trong 6 quả cam. Nếu uống nhiều nước chứa đường sẽ rất dễ dẫn tới tăng cân quá mức.

Ăn nhiều trái cây sấy khô cũng không phải là một ý tưởng tốt nếu bạn phải hạn chế lượng đường tiêu thụ. Bởi vì dinh dưỡng trong trái cây sấy khô được cô đặc sau khi đã loại bỏ nước, chẳng hạn như mơ khô chứa nhiều đường hơn gấp khoảng 6 lần (40g trên 100g) so với mơ tươi (6g trên 100g).

Cần ăn trái cây

Không giống rất nhiều thực phẩm chứa nhiều đường tự do, trái cây đóng hộp lại có rất nhiều chất dinh dưỡng, cung cấp cho chúng ta một chế độ ăn cân bằng, tốt cho sức khỏe.

Ngoài ra, trái cây cũng là một nguồn cung cấp chất xơ tuyệt vời. Một quả chuối trung bình sẽ cung cấp 20-25% (6gr) lượng chất xơ khuyến nghị hàng ngày. Ăn đủ chất xơ trong chế độ ăn rất quan trọng để phòng ngừa ung thư ruột. Nhưng có một thực tế, khảo sát cho thấy người trưởng thành ở nhiều quốc gia chỉ ăn khoảng một nửa mức chất xơ khuyến nghị mỗi ngày.

Chất xơ trong trái cây - vốn thường thiếu vắng trong rất nhiều thực phẩm và đồ uống có đường tự do, có thể giúp chúng ta cảm giác no lâu, và ăn ít đi.

Trái cây cũng là một nguồn cung cấp các chất dinh dưỡng khác như kali, giúp giảm huyết áp, và flavonoids, chất giúp giảm nguy cơ bệnh tim mạch.

Nhiều nghiên cứu cho thấy ăn trái cây (ăn riêng và kết hợp với rau) có tác dụng giảm khả năng tử vong do ung thư, béo phì và bệnh tim. Dù vậy, chỉ khoảng 33% người Mỹ ăn ít nhất hai miếng trái cây mỗi ngày.

Hầu hết khuyến cáo chế độ ăn của các quốc gia đều khuyến khích ăn trái cây và rau xanh, đặc biệt là rau xanh. Để thử ăn hai miếng trái cây mỗi ngày theo khuyến nghị, chúng ta có thể ăn chuối, táo, cam hay hai quả trái cây nhỏ hơn như mận hay mơ, hoặc một cốc nho hay quả mọng.

Vì sức khỏe của chính bạn, hãy lựa chọn thức ăn chứa ít hay không chứa đường tự do (xem thành phần ghi trên nhãn), và uống nước lọc thay vì dùng đồ uống có đường.

Hà Thành

Theo Epoch Times tiếng Anh



BÀI CHỌN LỌC

Vì sao đường có hại cho sức khỏe, nhưng đường trong trái cây thì ngược lại?