Vì sao quần áo mới phải giặt? Da dễ bị nhiễm độc và dị ứng nếu không làm theo 4 nguyên tắc này

Giúp NTDVN sửa lỗi

Vì sao bạn nên giặt quần áo mới trước khi mặc? Các chuyên gia chỉ ra rằng, nếu bạn mặc trực tiếp mà không giặt sạch, thì hãy cẩn thận với những chất độc tiềm ẩn trong trang phục. Và thói quen ăn mặc sai cách của hầu hết mọi người có thể dễ dàng tạo điều kiện cho chất độc xâm nhập vào cơ thể qua da.

4 "quả mìn" giấu trong quần áo

Phó Giáo sư tại Khoa Công nghệ Sinh học thuộc Đại học Trung Nguyên, ông Thiều Danh Uy (Zhao Mingwei) nhớ lại:

"Vào một mùa hè, tôi ra ngoài với bộ quần áo mới (chưa giặt), thời tiết bên ngoài nóng nực, mồ hôi ra nhiều khiến quần áo ướt nhanh.

Kết quả, da của tôi bắt đầu sưng tấy và khó chịu, càng gãi càng ngứa, các nốt ban đỏ cũng nhanh chóng xuất hiện. Kinh nghiệm đó khiến tôi bắt buộc phải giặt mọi bộ quần áo mới trong tương lai".

Lý do tại sao phải giặt quần áo mới trước khi mặc có liên quan đến chất độc và chất bẩn tiềm ẩn trong quần áo.

1. Formaldehyde

Formaldehyde không chỉ xuất hiện trong những ngôi nhà mới xây hay đồ nội thất mới, mà còn xuất hiện trong quần áo.

Ông Thiều giải thích rằng formaldehyde được sử dụng để cố định màu và ngăn ngừa nếp nhăn trong quá trình in và nhuộm quần áo.

Formaldehyde đã phản ứng hóa học được kết hợp với sợi vải và cố định trên chất liệu quần áo; formaldehyde chưa được cố định trên quần áo được gọi là formaldehyde tự do.

Các formaldehyde tự do này hòa tan trong nước, nếu bạn mặc ngay áo quần mới mà không giặt, nó sẽ hòa tan trong mồ hôi và được cơ thể hấp thụ gián tiếp; từ đó gây dị ứng da, ngứa, viêm da và các triệu chứng khác.

2. Huỳnh quang

Chất huỳnh quang có thể thêm màu cho vải, giúp màu sáng và sống động hơn.

Ví dụ, chất huỳnh quang thường được sử dụng trong quần áo thể thao.

Trong quá trình sử dụng thông thường, những lo ngại về độ an toàn của nó là rất thấp; nhưng nếu một nhà sản xuất có tâm địa xấu không kiểm soát lượng huỳnh quang này hợp lý, nó sẽ xuất hiện những vấn đề về an toàn.

Vì có nhiều loại chất huỳnh quang, một số loại được sử dụng cho mục đích công nghiệp, nếu cho vào quần áo sẽ dễ gây cảm giác khó chịu cho người mặc.

Ví dụ, những người bị dị ứng có thể cảm thấy nảy sinh các triệu chứng khó chịu trên da như đỏ, sưng, nóng và đau.

Nếu bạn chẳng may mua phải quần áo có hàm lượng chất huỳnh quang cao mà mặc liền không giặt, mặc lâu, hoặc mặc nhiều lần rồi mới giặt, có thể khiến huỳnh quang ngấm qua da và gây dị ứng.

3. Thuốc nhuộm

Trên nhãn quần áo có cảnh báo phổ biến rằng không nên trộn lẫn quần áo sáng màu và tối màu để giặt, vì thuốc nhuộm còn sót lại có thể hòa tan trong nước và khiến quần áo sáng màu bị nhuộm.

Nếu quần áo đổi màu sau mỗi lần giặt, điều đó có nghĩa là quần áo bị nhiễm màu nhuộm.

Lấy quần jean làm ví dụ, vải denim được làm bằng cách nhuộm và chắc chắn sẽ bị phai màu.

Ông Thiều chỉ ra rằng nếu quần jean bị mất màu sau mỗi lần giặt, có nghĩa là thuốc nhuộm "rất dễ tan trong nước", không dễ bám vào vải quần jean và có thể bị chất tẩy rửa hay nước tẩy đi.

Như vậy, khi da đổ mồ hôi, mồ hôi cũng có thể dễ dàng mang thuốc nhuộm xuống và đi vào cơ thể qua da. Nếu quần áo của bạn bị phai màu sau mỗi lần giặt, bạn nên vứt chúng đi.

4. Ô nhiễm trong quá trình sản xuất và hậu cần

Không chỉ vải để lại hóa chất sau nhiều lớp xử lý, mà các loại quần áo được may tại xưởng chất thành đống trong kho, hoặc trong quá trình hậu cần cũng không thể tránh khỏi bụi, vi trùng và nhiều chất bẩn khác.

Da, miệng và mũi là ba kênh mà chất độc có thể xâm nhập vào cơ thể.

Ông Thiều Danh Uy cho biết, diện tích tiếp xúc giữa quần áo và da rất lớn, nếu hàm lượng chất độc trong quần áo rất cao, và liều lượng đi vào cơ thể người cũng lớn thì càng gây hại.

Formaldehyde, chất huỳnh quang và thuốc nhuộm hầu hết được chuyển hóa qua gan, có thể làm tăng gánh nặng chuyển hóa của gan.

Ngoài ra, khi trẻ em cắn quần áo hoặc đồ chơi, trẻ cũng sẽ vô tình nuốt phải thuốc nhuộm và các hóa chất khác, có thể ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, gây khó chịu, nôn trớ hoặc tiêu chảy.

Ông Thiều nói: "Chỉ là các tình trạng trên không phổ biến, và các vấn đề về da vẫn chiếm đa số. Lấy formaldehyde làm ví dụ, formaldehyde là chất gây ung thư nhưng điều kiện tiên quyết là liều lượng phải đủ cao. Ví dụ như công nhân trang trí trong nhà chỉ khi hít phải formaldehyde lâu ngày mới có thể mắc bệnh gan, khả năng sinh ung thư do mặc quần áo rất chậm".

Làm gì để tránh độc tố trên quần áo?

Từ việc mua sắm đến cách ăn mặc, làm thế nào chúng ta có thể tránh được độc tố?

1. Mua quần áo ít màu sắc hơn

Tốt nhất bạn nên mua quần áo bằng cotton nguyên chất, sợi gai nguyên chất, chất liệu vải thô, màu sáng hoặc trơn, càng ít kỹ thuật in và nhuộm càng tốt.

Và nhớ ngửi quần áo, nếu có mùi hăng thì có thể là do trong quần áo có quá nhiều formaldehyde hoặc các hóa chất khác.

Ngày nay, đã có đèn cực tím hoặc bút soi tiền có thể phát hiện sự có mặt của chất huỳnh quang trong quần áo, nhưng hiệu quả còn hạn chế.

Vì bước sóng của ánh sáng tử ngoại khoảng 265 đến 365, nếu bước sóng của chất huỳnh quang chỉ nằm trong khoảng này, nhưng các chất huỳnh quang khác có bước sóng không nằm trong khoảng này thì các dụng cụ trên không thể phát hiện được.

Đối với việc lựa chọn quần áo cá nhân và các sản phẩm trẻ em, bạn cũng nên tập trung vào các sản phẩm có màu trơn và hình in nhỏ, cố gắng hạn chế mua đối với các sản phẩm có hình in tươi sáng, lòe loẹt và chất liệu vải cứng.

Ông Thiều Danh Uy giải thích rằng các chất liệu tự nhiên như len, bông và vải lanh rất mềm, và sợi nhân tạo phải được thêm vào để giúp chúng cứng cáp hơn.

Ví dụ, thành phần của sợi bông và polyester cần formaldehyde để trùng hợp, và formaldehyde có thể làm cho cấu trúc hóa học cố định hơn.

Đồng thời, tránh mua quần áo không rõ nguồn gốc xuất xứ, giá quá rẻ vì chất lượng của quần áo không đảm bảo.

2. Chỉ mặc quần áo mới sau khi giặt

Việc mặc thử một lúc khi mua quần áo không phải là vấn đề lớn. Bất cứ thứ gì tiếp xúc với da, bao gồm cả ga trải giường, phải được giặt sạch bằng nước trước khi sử dụng để loại bỏ hầu hết các chất độc hại, đặc biệt là đồ lót.

Nếu là áo dày, không tiện giặt sạch, có thể phơi áo ở nơi thoáng gió trong vài ngày để loại bỏ formaldehyde.

3. Giặt quần áo thường xuyên

Số lần giặt quần áo càng nhiều, lượng formaldehyde và chất huỳnh quang bám trên quần áo càng ít.

Vì vậy, quần áo nên được giặt thường xuyên, nhưng cũng tránh cho vào máy giặt quá nhiều lần.

4. Không nên sử dụng quần áo thể thao và quần áo ấm làm đồ ngủ

Một số người sẽ mặc đồ thể thao hoặc quần áo ấm như đồ ngủ, đây là một sai lầm rất phổ biến.

Một loại quần áo nhanh khô mặc trong khi tập thể dục, chất liệu có chứa sợi polyester nhân tạo và chất huỳnh quang; trong khi quần áo sưởi ấm bán sẵn trên thị trường là các sản phẩm sợi nhân tạo, các thành phần phổ biến bao gồm rayon, polyester, polyacrylonitrile (acrylic), axit polyacrylic Ester, v.v.

Ông Thiều nhắc nhở: "Sợi nhân tạo thực sự là nhựa". Mặc những loại áo quần này để ngủ ít nhất 6 đến 8 tiếng mỗi ngày và mặc chúng hàng ngày. Theo thời gian, sẽ có những lo ngại về sức khỏe.

Hoàng Tuấn
Theo Epoch Times tiếng Trung



BÀI CHỌN LỌC

Vì sao quần áo mới phải giặt? Da dễ bị nhiễm độc và dị ứng nếu không làm theo 4 nguyên tắc này