Tự tử có xu hướng trẻ hóa, làm thế nào nhận biết trẻ muốn tự sát?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sự việc nam sinh tự tử một lần nữa dấy lên câu hỏi rằng điều gì khiến tỷ lệ tự sát ở giới trẻ ngày càng gia tăng, và làm thế nào để ngăn chặn…

Khoảng 4h15 rạng sáng 1/4, lực lượng chức năng nhận tin báo về một thi thể không còn nguyên vẹn của nam thanh niên tại sảnh chung cư Văn Phú Victoria.

Nạn nhân được xác định là L.N.N.M (sinh năm 2006), đang học lớp 10 chuyên Sinh tại trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam.

Hình ảnh từ camera ghi lại cho thấy, nam sinh đã nhảy xuống từ ban công căn hộ ở tầng 28 tòa V1. Đáng chú ý hơn, trước khi thực hiện hành vi của mình, nạn nhân có để lại thư tuyệt mệnh trên bàn.

Cái chết của nam sinh lại một lần nữa gây rúng động dư luận, và dấy lên nhiều cuộc tranh luận về kẻ đúng người sai trong câu chuyện bi thương này.

Xu hướng suy nghĩ tiêu cực và tìm cách tự tử ở trẻ em nhiều hơn

1. Tự vẫn trở thành một "giải pháp" cho giới trẻ?

Sự việc của nam sinh nói trên chỉ là một trong rất nhiều các vụ tự tử thương tâm xảy ra ở Việt Nam.

Ngày 29/3/2021, em H. - nam sinh lớp 10 chuyên toán của một trường THPT chuyên ở Bắc Kạn - được các bạn cùng ký túc phát hiện tử vong trong tư thế treo cổ ngay tại phòng.

Cũng trong tháng 3/2021, cư dân tại chung cư CT2A, thuộc phường Mỹ Đình 2 (quận Từ Liêm, Hà Nội) hốt hoảng khi phát hiện thi thể của một nữ sinh nằm bất động trên mái tôn của nhà hàng nướng.

Một sự việc khác xảy ra vào ngày 30/1/2021, nam sinh tên Q. (17 tuổi, trú xã Bình Yên, huyện Thạch Thất, Hà Nội) sau khi bị bạn gái cùng trường từ chối tình cảm, đã rút dao cứa cổ rồi tử vong.

Thực tế, vấn nạn tự tử ở người trẻ tuổi không chỉ xuất hiện ở Việt Nam, mà đó cũng là vấn đề mà các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Trung Quốc đều đang phải đối mặt.

Nhà văn Youngha Kim đã phải thốt lên: "Tự tử xảy ra ở khắp nơi!" để mô tả xã hội Hàn Quốc thời hiện đại, nơi mà tự sát là nguyên nhân gây tử vong phổ biến thứ tư ở quốc gia này. Theo đó, trung bình mỗi ngày ở Hàn Quốc có 40 người tự kết liễu cuộc sống của mình.

Không ít người trẻ xem tự tử như một biện pháp để giải thoát khỏi những bế tắc tâm lý. Nhưng đây có thật sự là cách?

Tự vẫn trở thành một "giải pháp" cho giới trẻ, tự vẫn
Không ít người trẻ xem tự tử như một cách để giải thoát khỏi những bế tắc tâm lý. (Wikimedia Commons - Manos Bourdakis / CC BY-SA 3.0)

2. Xu hướng tự sát ngày càng trẻ hóa

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, cứ mỗi 40 giây thì lại có một người tự sát (hơn 800.000 trường hợp mỗi năm).

Còn theo bác sĩ Nguyễn Khắc Dũng, Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương (Hà Nội), mỗi năm số người tự sát không thành công trên thế giới rơi vào khoảng 10 - 20 triệu người.

Ông cũng cho biết, tự sát là nguyên nhân gây tử vong xếp thứ hai đối với người trẻ ở Việt Nam, chỉ sau tai nạn giao thông.

Trong khi đó, TS.BS Nguyễn Thị Thanh Mai, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, trích dẫn kết quả từ một vài nghiên cứu nhỏ trong nước như sau:

  • Tỷ lệ trẻ bị trầm cảm là 26.3%;
  • Trẻ có ý nghĩ về cái chết là 6.3%;
  • Lên kế hoạch tự vẫn là 4.6%;
  • Trẻ cố gắng tự tử là 5.8%.

Cũng theo dữ liệu khảo sát của WHO, trong số 13 quốc gia Châu Á có tỷ lệ tự tử ở thanh thiếu niên cao nhất vào năm 2016, thì lần lượt Trung Quốc, Malaysia và Việt Nam xếp cuối danh sách.

Đây là một thực trạng đáng báo động. Trước đây, tỷ lệ tự sát cao nhất thường rơi vào nhóm lớn tuổi, nhưng hiện đang trở nên trẻ hóa, và tập trung nhiều hơn vào nhóm thanh thiếu niên - độ tuổi mà sự biến chuyển tâm sinh lý bên trong là rất lớn.

Thông thường, cha mẹ không dễ phát hiện trẻ có dấu hiệu bất thường. Vì thế, họ không biết cách để giúp con thoát khỏi những ám ảnh tâm lý này.

Xu hướng tự sát ngày càng trẻ hóa, tự sát
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, cứ mỗi 40 giây thì lại có một người tự sát. (Max Pixel)

Nguyên nhân khiến trẻ muốn tìm cách để tự tử

1. Suy nghĩ tiêu cực có thể do những thay đổi sinh lý bên trong

Sự phát triển nhanh của hormone sinh dục được cho là nguyên nhân chính dẫn đến khủng hoảng tâm lý của trẻ vị thành niên.

Ở lứa tuổi này, cơ thể trẻ bắt đầu có những thay đổi. Hơn nữa, sự phân biệt giới tính cũng bắt đầu hình thành, khiến cảm xúc của trẻ rơi vào hỗn loạn. Nói cách khác, đây là một quá trình mà trẻ đang dần trở thành người lớn.

Chính vì chưa đủ sự trải nghiệm, kỹ năng sống và suy nghĩ còn thiếu chín chắn, nhưng trẻ muốn chứng tỏ mình đã lớn, khẳng định cái tôi, nên thường xuất hiện mâu thuẫn với người thân và gia đình.

Cũng bởi nguyên nhân này, cả trẻ và cha mẹ đều không tìm được tiếng nói chung. Dần dần, trẻ có xu hướng khép mình và tự làm mọi việc (đôi khi là giấu giếm).

Đối với không ít trẻ, thì đó là cảm giác xa cách với người thân và cô đơn. Đối với những trẻ khác, đó có thể là dấu mốc khiến chúng sa ngã vào các tệ nạn xã hội.

Vì vậy, đây cũng là giai đoạn nhạy cảm nhất có thể quyết định đến chiều hướng phát triển tương lai của con trẻ. Cha mẹ cần đặc biệt chú ý.

Tuy nhiên, không chỉ chịu những áp lực do sinh lý bên trong, trẻ còn phải "gồng gánh" những áp lực bên ngoài như gia đình, bạn bè, tình cảm, học tập, thi cử cho đến nhiều khía cạnh khác.

Suy nghĩ tiêu cực có thể do những thay đổi sinh lý bên trong, tự sát ở việt nam
Ở lứa tuổi dậy thì, cảm xúc của trẻ rơi vào trạng thái hỗn loạn. (Pixabay)

2. Muốn giải thoát khỏi những kỳ vọng và áp lực từ cha mẹ

Nghiên cứu của trường Đại học Stanford cho thấy, các bậc cha mẹ ở Châu Á thường tự hào hơn khi con cái của họ đạt thành tích tốt ở trường, đặc biệt là vượt trội hơn các bạn đồng trang lứa.

Ngoài ra, họ cũng có xu hướng muốn con cái dành nhiều thời gian hơn cho học tập, với niềm tin rằng chỉ có thành công trong học tập thì mới có thể "giúp rạng danh dòng họ", "công danh sự nghiệp hanh thông, thành đạt"...

Nhà tâm lý học Carol Balhetchet tại Singrapore cho biết, với kinh nghiệm 20 năm trong nghề, hầu hết các trường hợp trẻ bị căng thẳng, trầm cảm thường là do "học tập, thành tích hay thậm chí là việc chọn trường đại học".

Bà nói thêm: "Đồng thời, khi cha mẹ bị áp lực ngoài xã hội, về nhà họ cũng có thể sẽ 'đè' áp lực ấy lên đầu con cái, những người mà họ đặt nhiều hy vọng".

Áp lực thành tích và kỳ vọng quá mức có thể khiến trẻ bị méo mó về tâm lý

Tạo ra áp lực thành tích khiến trẻ luôn phải ganh đua và giành chiến thắng. Nếu kết quả tốt, trẻ có thể hình thành tâm lý tự mãn, coi thường người khác.

Nhưng khi không đạt kết quả như ý, trẻ lại trở nên tự ti, trầm mặc và đố kị. Tệ hơn, chúng sợ hãi phải đối diện với phụ huynh, bạn bè và thầy cô. Sự bất lực và dồn nén trong thời gian dài có thể dẫn đến hành vi tự sát.

Mặt trái khác của sự kỳ vọng quá mức chính là trẻ không còn chính kiến. Chúng luôn phải nỗ lực để làm hài lòng cha mẹ.

Lâu dần, trẻ trở nên thiếu quyết đoán, ỷ lại và dựa dẫm, không dám tự quyết cho mình. Hơn nữa, khi trẻ không thể sống theo ý mình, dễ tạo cảm giác tù túng, cô đơn, không có người thấu hiểu, từ đó hình thành các suy nghĩ tiêu cực.

Muốn giải thoát khỏi những kỳ vọng và áp lực từ cha mẹ, tự sát vì trầm cảm
Áp lực phải đạt thành tích tốt khiến trẻ luôn ở trong tâm trạng phải ganh đua và chiến thắng. (Pxhere)

3. Các yếu tố khác tác động đến suy nghĩ muốn tự vẫn của trẻ

Ngoài hai yếu tố nói trên, những sự kiện mang tính đột ngột như mất người thân; thay đổi môi trường sinh sống, học tập; lịch học và thi cử quá căng thẳng; gia đình kém hạnh phúc; mâu thuẫn trong các mối quan hệ bạn bè và tình cảm; bị lạm dụng… đều có thể tác động tiêu cực đến tinh thần của trẻ.

Một số trường hợp do nghiện các chất kích thích, thua cá cược, cờ bạc, chơi điện tử… cũng góp phần làm tăng nguy cơ tự sát.

Ngoài ra, hành vi tự tử ở trẻ vị thành niên còn bắt nguồn từ các nguyên nhân bệnh lý liên quan đến tâm thần như: chứng tâm thần phân liệt, hoang tưởng, rối loạn lo âu, rối loạn nhân cách.

Trẻ có nhân cách yếu, nhút nhát và tự ti, khả năng chịu đựng áp lực thấp. Đây cũng là nhóm dễ gục ngã trước những tác động bên ngoài.

Còn có trường hợp trẻ thường xuyên bị kỳ thị, bắt nạt nhưng không thể san sẻ với người khác. Thời gian lâu dồn nén hình thành những tư tưởng muốn được giải thoát khỏi bế tắc.

Mạng xã hội, phim ảnh và báo chí đang gián tiếp "đầu độc" tâm trí trẻ

Các video độc hại trên Youtube, Facebook hay TikTok có thể khiến trẻ bắt chước. Có trường hợp trẻ bị lôi kéo vào các nhóm kín và ô nhiễm tư tưởng lệch lạc.

Phim ảnh và truyền thông đại chúng cũng là những yếu tố tác động đến tâm lý trẻ.

Không ít bộ phim đem tình tiết nhân vật rơi vào đường cùng và chọn cách tự tử. Đôi lúc, chúng còn được tô vẽ với hình ảnh mang tính nghệ thuật, đẹp đẽ, anh hùng...

Báo chí cũng thường đưa tin về các nghệ sĩ, thần tượng nước ngoài (chủ yếu Hàn Quốc) tự sát do không thể chịu được áp lực…

Những thứ này đều vô tình tiêm nhiễm vào trong tư tưởng của trẻ. Cuối cùng, chúng sẽ nghĩ rằng đó là biện pháp để thoát khỏi những rắc rối của cuộc sống.

MẠNG XÃ HỘI PHIM ẢNH VÀ BÁO CHÍ ĐANG GIÁN TIẾP "ĐẦU ĐỘC" TÂM TRÍ TRẺ, tự sát facebook
Các video độc hại trên Youtube, Facebook hay TikTok khiến trẻ dễ bắt chước. (Pxfuel)

Làm sao để nhận biết trẻ muốn tự tử?

Báo Tuổi Trẻ dẫn lời ông Nguyễn Trọng An, phó cục trưởng Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động - thương binh và xã hội) cho biết, những trẻ muốn tự tử thường là người có tính cách nghệ sĩ, cảm xúc dễ thay đổi, vui buồn bất chợt, dễ xúc động…

Dấu hiệu dễ nhận thấy nhất ở trẻ có xu hướng bế tắc, trầm cảm thường là "không tiếp xúc với mọi người, bỏ cơm, hay khóc thầm… tức trẻ đã có những rối nhiễu tâm lý".

Ngoài ra, cha mẹ cũng nên để ý khi con có những đặc điểm dưới đây:

  • Trẻ hay buồn rầu, uể oải, mệt mỏi, trông sắc mặt chán nản;
  • Lạnh nhạt với các hoạt động mà trẻ vốn từng rất thích;
  • Bi quan về cuộc sống, bế tắc;
  • Tự ti, luôn cho rằng bản thân là kẻ thất bại, kém cỏi;
  • Thiếu tập trung, giảm trí nhớ;
  • Mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều;
  • Ăn nhiều hoặc bỏ ăn;
  • Cảm xúc thay đổi bất chợt, đôi lúc cáu kỉnh nóng giận, tỏ ra thiếu hợp tác;
  • Đột ngột thay đổi ngoại hình (ăn mặc đẹp hơn); hoặc hành vi (đang ít nói bỗng trở nên vui vẻ, hòa đồng và giao tiếp nhiều hơn…);
  • Trong phòng hoặc cặp, ví cất giữ thuốc ngủ, các vật sắc nhọn hoặc dây;
  • Có những hành vi như muốn sắp xếp ổn thỏa mọi việc để được an lòng;
  • Những lời đe dọa tự tử dưới dạng trực tiếp ("Con sẽ tự sát") và gián tiếp ("Con ước mình có thể ngủ thiếp đi và không bao giờ thức dậy nữa").
Làm sao để nhận biết trẻ muốn tự tử
Những trẻ muốn tự tử thường có tính cách nghệ sĩ, cảm xúc dễ thay đổi, vui buồn bất chợt… (Max Pixel)

Giải pháp để giúp trẻ thoát khỏi trầm cảm và suy nghĩ muốn chết

1. Thay đổi cách giáo dục để giúp con tránh lối nghĩ muốn tự tử

Tiến sĩ - Bác sĩ Đỗ Minh Loan, Giám đốc Trung tâm Chỉ đạo tuyến Nhi khoa, Trưởng khoa Sức khỏe vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương, nói rằng thay vì lối giáo dục áp đặt, cha mẹ nên học cách gần gũi và thấu hiểu con cái hơn.

Đây là giai đoạn trẻ đang chuyển giao thành người lớn. Nếu cha mẹ vẫn một mực coi chúng như trẻ thơ, từ đó áp đặt cách nghĩ, cấm đoán đủ thứ khiến trẻ đánh mất không gian tự do, cuối cùng hình thành khoảng cách giữa hai thế hệ thì rất khó hiểu nhau.

Nhìn chung, theo bác sĩ Loan, nếu trẻ có sở thích gì đó, cha mẹ không nên vội cấm đoán. Nếu trẻ cự cãi thì cũng không nhất định là chúng trở nên hư đốn. Rất có thể đó là lúc chúng đang muốn chứng tỏ bản thân cần có chính kiến riêng.

Hoặc nếu trẻ nhắn tin điện thoại, có mối quan hệ yêu đương… thì cha mẹ cũng không nên hành động tiêu cực như tịch thu thiết bị, mắng chửi, cắt mạng.

Thực tế, hành vi cấm đoán chỉ càng kích thích sự nổi loạn của trẻ. Đồng thời, nó cũng làm gia tăng sự chống đối.

Ông An cũng nói thêm, đối với những trẻ rơi vào tình trạng này, cha mẹ cần biết cách lắng nghe các vấn đề của con, từ khía cạnh tình cảm đến các biến cố ở trường học, các mối quan hệ cho đến những thay đổi về sinh lý, tránh đến khi ân hận thì đã quá muộn.

Thay đổi cách giáo dục để giúp con tránh lối nghĩ muốn tự vẫn
Thay vì lối giáo dục áp đặt, cha mẹ nên học cách gần gũi và thấu hiểu con cái hơn. (Pixabay)

2. Quan tâm và chia sẻ đúng cách khi cảm thấy trẻ có dấu hiệu trầm cảm

Tất nhiên, tôn trọng cách nghĩ của con cái không đồng nghĩa với bỏ mặc.

Báo Vietnamnet dẫn lời TS.BS Trần Thị Hồng Thu, PGĐ Bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương, nói rằng nếu cha mẹ để con quá độc lập cũng có thể khiến trẻ bị sang chấn tâm lý.

Do trẻ đang trong thời kỳ nhạy cảm, chưa có nhiều kỹ năng xã hội nên suy nghĩ sẽ bồng bột, cảm xúc. Vậy nên, cha mẹ nên lắng nghe con cái, góp ý và để cho trẻ tự quyết định. Tuy nhiên, trẻ cũng cần được cha mẹ định hướng đúng đắn.

Theo National Association of School Psychologists, ngoài các phương diện trên, phụ huynh có thể làm những việc dưới đây khi phát hiện trẻ có dấu hiệu bị trầm cảm:

  • Giữ bình tĩnh, lắng nghe và không phán xét;
  • Nếu thấy nghi ngờ, thì hỏi thẳng xem trẻ có đang nghĩ đến việc tự tử không (ví dụ: "Con có đang nghĩ đến việc tự tử không?");
  • Thật sự quan tâm tới sức khỏe của trẻ và tránh sa vào chỉ trích, buộc tội;
  • Đảm bảo với trẻ rằng cha mẹ sẽ luôn đồng hành và ủng hộ; hơn nữa trạng thái tâm lý đó chỉ là nhất thời;
  • Cố gắng giám sát liên tục. Đừng bỏ mặc trẻ, đặc biệt khi trẻ chưa thể thoát ra khỏi những tâm lý tiêu cực đó;
  • Loại bỏ các phương tiện mà trẻ có thể sử dụng để tự làm hại bản thân.
  • Yêu cầu sự giúp đỡ từ các chuyên gia tâm lý, bác sĩ. Không nên ngại!
Quan tâm và chia sẻ đúng cách khi cảm thấy trẻ có dấu hiệu trầm cảm, muốn tự sát
Nếu thấy nghi ngờ, thì hỏi thẳng xem trẻ có đang nghĩ đến việc tự tử không. (Hippopx)

3. Giúp con trẻ tránh lối nghĩ tự sát bằng cách đồng hành và hỗ trợ trên nhiều phương diện

Nói chung, đây là một quá trình rất khó khăn, nhưng cha mẹ cần hết sức kiên nhẫn. Thực tế, không chỉ con cái đang học để trưởng thành, mà phụ huynh cũng cần học cách để thấu hiểu con hơn.

Do đó, cha mẹ nên đặt mình vào vị trí của con cái. Đồng thời, họ cũng nên cùng con xây dựng lịch học tập, nghỉ ngơi hợp lý.

Cho phép con tham gia vào những sở thích cá nhân lành mạnh, tập thể dục thể thao, đi chơi với bạn bè. Tuy nhiên, trẻ tốt nhất nên tránh chơi điện tử.

Khí công thiền định (như Pháp Luân Công, yoga…) cũng là một liệu pháp tốt giúp trẻ thư giãn tư tưởng, giảm căng thẳng và cải thiện hiệu quả học tập.

Đọc các sách tâm linh có thể giúp trẻ hiểu rằng tự sát là không tốt. Nó tuyệt đối không phải là cách mà con người có thể giải thoát cho chính mình.

Hơn nữa, các đạo lý được giảng trong sách cũng phần nào giúp trẻ tự biết cách gỡ được những nút thắt trong tâm, từ đó sống lạc quan, tích cực hơn.

Xem thêm:
- Vì sao con người lại tự tử và những hệ lụy sau cái chết của những người nổi tiếng
- Phong toả kéo dài, trẻ em tại Anh chết vì tự tử nhiều gấp 5 lần so với Covid-19
- “Phong tỏa” vì Covid-19: 50.000 trẻ em Anh chết và tỷ lệ thanh thiếu niên Mỹ tự tử gia tăng

Hoàng Tuấn



BÀI CHỌN LỌC

Tự tử có xu hướng trẻ hóa, làm thế nào nhận biết trẻ muốn tự sát?