Viêm bao gân là gì? Làm thế nào để ngăn ngừa?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Viêm bao gân có thể gây đau nhức, khiến các khớp ngón tay hoặc cổ tay bị cứng, khó cử động bình thường, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống và học tập.

Viêm bao gân là gì?

Viêm bao gân là tình trạng viêm xảy ra ở lớp bao hoạt dịch bên ngoài gân. Khi đó, người bệnh có thể bị sưng, đau và cứng khớp, theo Hello Bác sĩ.

Tình trạng này không chỉ mang đến cho người bệnh những vấn đề như rối loạn chức năng, đau nhức mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống bình thường, học tập và công việc.

Viêm bao gân là một bệnh lý chỉnh hình phổ biến, hầu hết xảy ra ở các khớp bàn tay, cổ tay.

Một khi bị viêm bao gân, bệnh nhân thường có biểu hiện sưng đau ở mô mềm xung quanh khớp, về sau phát triển thành dính khớp và hạn chế vận động. Biểu hiện trực quan nhất của bệnh viêm bao gân là đau nhức, mỏi khớp và mệt mỏi khi vận động.

Trong bệnh viêm bao gân, các ngón tay thường không linh hoạt, không thể uốn cong một cách tự do.

Tại sao bị viêm bao gân?

Nói đến bệnh viêm bao gân thì chúng ta phải nhắc đến “bao gân”. Khi đề cập đến danh từ này, người ta dễ dàng liên tưởng đến một từ - thanh gươm không vỏ.

Trước khi sử dụng, thanh kiếm thường bọc trong một lớp vỏ, gọi là bao kiếm. Tương tự, gân của con người cũng có một lớp "vỏ bọc", hay còn gọi là “bao gân”.

Không giống như việc phải rút kiếm ra khỏi bao khi dùng, gân luôn được bao bọc trong vỏ khi tứ chi vận động.

Thông thường, áo quần sẽ bị mài mòn, mỏng và rách sau một thời gian dài tiếp xúc, ma sát với làn da. Theo cách tương tự, bao gân cũng sẽ liên tục bị cọ xát và kéo căng, co giãn bởi các chuyển động của cơ thể.

Nói chung, cơ thể đủ khả năng tự sửa chữa các mô bao gân. Tuy nhiên, khi gân vận động quá mức, nó có thể kích ứng và làm tổn thương bao gân, và những tổn thương này có thể tạo ra phản ứng viêm gọi là viêm bao gân.

Dưới phản ứng viêm này, giai đoạn đầu mô bao gân sẽ xuất hiện xung huyết và phù nề, triệu chứng là sưng và đau cục bộ. Ở giai đoạn sau, mô bao gân sẽ dày lên và cản trở cử động các khớp tay.

Nếu có sự phân bố thần kinh quan trọng xung quanh bao gân, sự tăng sản của bao gân cũng có thể gây chèn ép dây thần kinh, gây đau, tê và tiết dịch.

Hội chứng ống cổ tay chúng ta thường nói là sự tăng sản của bao gân bao quanh dây thần kinh trung gian trong ống cổ tay, làm cho thể tích của ống cổ tay ngày càng nhỏ, khiến các ngón tay bị đau, tê và chảy mủ.

Những loại người nào dễ bị viêm bao gân?

Viêm bao gân là một bệnh mãn tính về sức căng, liên quan đến sự vận động quá mức của gân và tổn thương do ma sát, đặc biệt nếu một cử động lặp lại nhiều lần thì tổn thương do ma sát sẽ càng trầm trọng hơn, chẳng hạn như lao động chân tay lâu, rửa bát, nhào trộn bột, hoặc gõ bàn phím, bấm chuột.

Những người thường xuyên sử dụng máy tính có tỷ lệ mắc bệnh viêm bao gân cao hơn so với bình thường.

Điều đáng nói, thói quen sử dụng điện thoại thông minh và sự phổ biến của các video dạng Tiktok hình thành một thói quen vuốt đặc thù, khiến ngón trỏ, ngón cái và khớp cổ tay cũng dễ bị tác động và gây viêm.

Cùng với sự gia tăng của tuổi tác, các mô bao gân cũng sẽ dần bị lão hóa, giảm độ đàn hồi, phụ nữ trung niên và cao tuổi làm nội trợ hàng ngày, các ngón tay và cổ tay phải làm việc nhiều lần cũng dễ bị viêm.

Làm thế nào để ngăn ngừa bệnh viêm bao gân?

Để phòng tránh bệnh viêm bao gân, hãy chú ý những vấn đề sau.

1. Tránh để tay lâu ở một vị trí

Đặt báo thức tại nơi làm việc và nghỉ giải lao sau mỗi nửa giờ. Sau khi làm việc, xoa các ngón tay và cổ tay, sau đó ngâm tay vào nước ấm.

2. Tránh bị lạnh

Vào mùa đông, khi giặt quần áo và nấu nướng, tốt nhất nên dùng nước ấm. Khi đi xe đạp hoặc quét tuyết, hãy đeo găng tay để tránh nhiễm lạnh.

3. Sử dụng điện thoại di động vừa phải

Khi sử dụng điện thoại di động, tốt nhất nên nghỉ ngơi và vận động các khớp ngón tay sau mỗi nửa giờ, bạn cũng nên sử dụng luân phiên hai bàn tay, hoặc kéo các ngón tay theo hướng ngược lại để các gân ngón tay được thư giãn.

4. Chú ý đến tư thế

Đối với những người ngồi bàn giấy trong thời gian dài để làm công việc giấy tờ hoặc làm việc với bàn phím, họ nên áp dụng tư thế làm việc đúng, cố gắng giữ thăng bằng tay, cổ tay có thể chạm vào vật thể, không treo lơ lửng cổ tay trong không khí.

Khi bế trẻ, giặt giũ, nấu nướng, đan áo len, dọn dẹp vệ sinh và các hoạt động khác, cần chú ý tư thế đúng của ngón tay và cổ tay, không dùng lực quá mạnh.

Hoàng Tuấn
Theo Aboluowang



BÀI CHỌN LỌC

Viêm bao gân là gì? Làm thế nào để ngăn ngừa?