Viêm có phải là nguyên nhân gây ra các bệnh mãn tính hay không? (Phần 2)

Giúp NTDVN sửa lỗi

“Phản ứng viêm cấp tính ban đầu có tác dụng bảo vệ vì nó cảnh báo hệ thống miễn dịch phản ứng với vết thương. Tuy nhiên, nếu phản ứng viêm ban đầu không được giải quyết, nó sẽ dẫn đến viêm mãn tính ở mức độ nhẹ”.

--> Tiếp theo Phần 1

Bổ sung gì để chống viêm?

Các nguồn y tế chăm sóc sức khỏe đề xuất một số chất bổ sung có thể hỗ trợ điều trị chứng viêm mãn tính, bao gồm:

  • Vitamin A
  • Vitamin C
  • Vitamin D
  • Dầu cá
  • Các loại thảo mộc chống viêm như nghệ, gừng hoặc tỏi.

Thực phẩm chống viêm

Khi nói đến nghệ và hợp chất curcumin hoạt tính của nó, các tác giả của bài viết đăng trên tạp chí EMBO viết rằng:

Bằng chứng lâm sàng cho thấy, loại gia vị đặc hữu trong ẩm thực Ấn Độ đã chứng minh hiệu quả chống lại bệnh viêm ruột bằng cách “loại bỏ các gốc tự do, tăng chất chống oxy hóa và ảnh hưởng đến nhiều con đường truyền tín hiệu”.

Ngoài ra, những người có nguy cơ bị viêm nhiễm nên tuân theo chế độ ăn Địa Trung Hải và nhấn mạnh các loại thực phẩm có đặc tính chống viêm, bao gồm:

  • Cá có dầu, chẳng hạn như cá thu, cá hồi hoặc cá mòi;
  • Rau lá xanh như rau bina và cải xoăn;
  • Dầu ô liu;
  • Cà chua.

Đồng thời, họ nên tránh đồ chiên rán và đồ ăn nhanh có thể gây viêm, bao gồm:

  • Các loại thịt được xử lý bằng nitrat, chẳng hạn như xúc xích;
  • Dầu tinh chế cao và chất béo chuyển hóa;
  • Carbohydrate tinh chế, chẳng hạn như đường, bánh ngọt hoặc bánh mì trắng.

Chất dinh dưỡng là chìa khóa

Theo Tiến sĩ Barry Sears, một chuyên gia hàng đầu về chứng viêm, viết trong Frontiers in Nutrition:

“Phản ứng viêm cấp tính ban đầu có tác dụng bảo vệ vì nó cảnh báo hệ thống miễn dịch phản ứng với vết thương. Tuy nhiên, nếu phản ứng viêm ban đầu không được giải quyết, nó sẽ dẫn đến tình trạng viêm mãn tính ở mức độ thấp.

Tình trạng viêm không được giải quyết dẫn đến tổn thương mô làm thay đổi phản ứng viêm ban đầu - vốn có tác dụng bảo vệ trước các nguy cơ liên quan đến nhiều bệnh mãn tính”.

Tiến sĩ Sears viết, để chữa lành những triệu chứng viêm nhiễm như vậy, người ta phải tăng cường “các chất dinh dưỡng được kiểm soát trong chế độ ăn uống hoặc các chất chuyển hóa của chúng, nhằm kích hoạt AMPK và tăng cường SPM”.

AMPK, hoặc protein kinase được kích hoạt, là một loại enzyme có trong tất cả các tế bào của động vật có vú. Nó giúp các tế bào quản lý năng lượng của chúng, đặc biệt là từ glucose và axit béo.

SPM, hoặc các chất trung gian chuyên phân giải lipid chuyên biệt, giúp giảm viêm.

Trong các bài viết của mình, Tiến sĩ Sears đã chỉ ra ba phương pháp ăn kiêng có thể giải quyết tình trạng viêm nhiễm và đạt được những mục tiêu này:

1) Tuân theo chế độ ăn chống viêm hạn chế calo, vì “hạn chế calo là biện pháp can thiệp trị liệu thành công nhất để cải thiện sức khỏe ở hầu hết mọi loài được nghiên cứu”.

2) Thêm SPM, là các hormone kiểm soát quá trình giải quyết tình trạng viêm còn sót lại.

Tiến sĩ Sears viết rằng chúng là một “siêu họ” gồm resolvins, maresins và protectins. Các tế bào của chúng ta tạo ra SPM từ các axit béo không bão hòa đa. Theo thuật ngữ thông thường, hãy ăn nhiều axit béo omega-3.

3) Kích hoạt công tắc chuyển hóa chính, AMPK, được điều khiển bởi AMP (adenosine monophosphate, một nucleotide có trong tế bào) và ATP (adenosine triphosphate, một loại enzyme có trong tất cả các tế bào).

Tiến sĩ Sears quan sát thấy hệ thống này khởi động một loạt các yếu tố phiên mã gen tích cực, giúp chuyển đổi quá trình trao đổi chất từ ​​đồng hóa sang dị hóa để khôi phục mức ATP.

Kết luận

Hiểu rõ hơn và điều trị chứng viêm có thể có tác động quan trọng đối với các bệnh nặng và những tình trạng nhẹ hơn.

Ví dụ, các nhà nghiên cứu tại Đại học Carnegie Mellon ở Hoa Kỳ đã cố gắng liên kết căng thẳng, viêm nhiễm và nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm bằng cách xem xét khả năng kháng thụ thể glucocorticoid.

Glucocorticoid vốn được biết là có vai trò trong các bệnh liên quan đến viêm nhiễm khác như hen suyễn.

Họ phát hiện ra rằng: “Quá trình viêm tăng cường khả năng miễn dịch đối với virus cảm lạnh và là nguyên nhân gây ra các triệu chứng cảm lạnh nổi tiếng như tăng sản xuất chất nhầy trong mũi”.

“Có nghĩa là căng thẳng không nhất thiết làm tăng khả năng nhiễm trùng, nhưng nó khuếch đại các triệu chứng.

Điều này cho thấy thay vì chống virus, các biện pháp chống viêm có thể tạo thành phương thuốc hiệu quả nhất cho nhiều bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên”.

Các phát hiện cho thấy mối liên hệ giữa mức độ cytokine gây viêm và sự biểu hiện của các triệu chứng, đây sẽ là tin tốt cho bất kỳ bệnh nhân nào đang đối phó với tình trạng viêm nhiễm. Tại sao?

Bởi vì “có… hy vọng thiết lập một khuôn khổ chung để hiểu nhiều tình trạng trước đây vốn được coi là không liên quan, thông qua các cơ chế gây viêm cơ bản”, các tác giả viết.

(*) Ảnh chủ đề: NIH Image Gallery - CC BY-NC 2.0

Theo The Epoch Times tiếng Anh
Hoàng Tuấn biên dịch

Martha Rosenberg là một phóng viên và tác giả được chứng nhận trên toàn quốc (Hoa Kỳ) và có tác phẩm đã được Mayo Clinic Proceedings, Thư viện Sinh học Khoa học Công cộng và Địa lý Quốc gia (Hoa Kỳ) trích dẫn. Bài viết của Rosenberg về FDA, "Born with a Junk Food Deficiency", đã giúp cô trở thành một nhà báo điều tra nổi tiếng. Cô đã giảng dạy rộng rãi tại các trường đại học trên khắp Hoa Kỳ và cư trú tại bang Chicago.



BÀI CHỌN LỌC

Viêm có phải là nguyên nhân gây ra các bệnh mãn tính hay không? (Phần 2)