Virus corona sẽ ‘kiệt sức’ và dịch bệnh tự suy giảm?

Giúp NTDVN sửa lỗi

“Với cơ chế lây nhiễm như H1N1 từng xảy ra năm 2009, Covid-19 có thể lây lan nhanh chóng ra toàn cầu.”

Các chuyên gia bệnh truyền nhiễm cho rằng dịch bệnh do virus Covid-19 có thể đi theo quỹ đạo giống với dịch cúm H1N1 từng bùng phát ở Mexico hơn một thập kỷ trước. Theo đó, bệnh dịch sẽ dần dần tự suy giảm theo thời gian.

H1N1 đã từng trở thành đại dịch và tự suy yếu

Đầu tháng 3/2009, Mexico trải qua đợt bùng phát bệnh hô hấp và ngày càng có nhiều bệnh nhân mắc các triệu chứng giống như cúm trên khắp cả nước. Sau đó bệnh dịch này đã lan ra nhiều nước và khiến 18.000 người tử vong, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Riêng tại Mexico có hơn 72.000 người mắc bệnh và 1.289 trường hợp tử vong, gây thiệt hại lên đến hàng tỷ USD.

WHO đã phải công bố tình trạng khẩn cấp sức khỏe cộng đồng vào ngày 24/4/2009. Một tuần sau, WHO nâng lên cảnh báo dịch bệnh truyền nhiễm từ mức 4 lên mức 5. Ngày 11/6/2009, WHO đã chính thức công bố đại dịch cúm toàn cầu và nâng cấp báo động lên cấp 6 cao nhất.

Một năm sau Mexico tuyên bố dỡ bỏ lệnh báo động y tế về cúm H1N1, khi dịch bệnh này đã suy giảm.

Virus corona sẽ “kiệt sức”?

Giáo sư Tikki Pang của Trường Đại học Quốc gia Singapore (NUS) cho rằng virus corona gây ra dịch bệnh Covid-19 có thể sẽ ổn định dần và tự biến mất, theo CNA.

“Đây là hình mẫu trong lịch sử của các đợt dịch bệnh khác, bởi vì virus trở lên “kiệt sức” và chạy khỏi cơ thể người, có thể do nhiều yếu tố khác nhau,” Giáo sư Pang đề cập đến các yếu tố như nhiệt độ ấm lên, nhận thức của cộng đồng tốt hơn và các biện pháp y tế khác.

Theo bác sỹ Leong, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm ở Singapore, có 4 loại virus corona gây ra bệnh cảm cúm thông thường, và một trong số đó gây ra các triệu chứng nghiêm trọng.

“Tôi tin rằng chúng tồn tại giống như Covid-19 hiện nay. Nó khiến nhiều người tử vong và y học không thể tìm ra nguyên nhân cụ thể của dịch bệnh. Nhưng nó sẽ suy yếu đi theo thời gian,” bác sĩ Leong nói.

“Covid-19 sẽ giống như thế. Điều chúng ta cần là thời gian để nó tự thay đổi và nó sẽ dần dần yếu đi,” ông nói tiếp.

Bác sĩ Leong cho biết, nếu virus quá mạnh và khiến người bệnh tử vong thì nó không thể tiếp tục lây lan. Nhưng nếu nó nhẹ và có thể tiếp tục sinh sản và truyền sang người khác thì cuối cùng sẽ đến điểm chuyển hóa, làm giảm khả năng gây bệnh của virus.

Phát biểu tại cuộc họp báo chí ngày 14/2, Bộ trưởng Lawrence Wong của Singapore nói rằng Covid-19 khác với dịch bệnh SARS và giống với H1N1 hơn.

“Cơ chế lây truyền của Covid-19 khác với SARS, nhưng giống với H1N1 hơn,” ông Wong nói.

Ông nói thêm, bởi vì cơ chế lây truyền giống nhau nên Covid-19 có thể lan truyền “rất nhanh” giống như cảm cúm. Tuy nhiên giống như cúm, Covid-19 chỉ có thể lây lan nhanh khi người bệnh có các triệu chứng nhẹ.

Ông Wong cho rằng việc Covid-19 lây nhiễm cho rất nhiều người trên thế giới chỉ là “vấn đề thời gian”. Với cơ chế lây nhiễm như H1N1 từng xảy ra năm 2009, Covid-19 có thể lây lan nhanh chóng ra toàn cầu.

COVID-19 sẽ trở thành “Đại dịch Toàn cầu”?

Bác sĩ Anthony Fauci, giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Hoa Kỳ hôm 16/2 nói với hãng tin CBS: “Về mặt giấy tờ, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) sẽ không gọi đây là đại dịch toàn cầu. Nhưng điều đó chắc chắn đang trên bờ vực xảy ra sớm nếu việc ngăn chặn [bệnh dịch] không thành công hơn những gì đang diễn ra hiện nay.”

Ông Fauci cho biết tính đến 16/2, ngoài Trung Quốc đã có gần 30 quốc gia khác xác nhận có người nhiễm COVID-19 với hơn 500 ca. “Nhiều người trong số này đang bắt đầu truyền nhiễm cho người thứ hai, người thứ ba,” ông Fauci nhấn mạnh và giải thích thêm rằng một đại dịch có nghĩa rằng có nhiều quốc gia có sự truyền nhiễm kéo dài “từ người này sang người khác”.

Trong khi đó, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết hôm 15/2 rằng hiện không thể nói trước dịch viêm phổi cấp do virus corona chủng mới sẽ phát triển theo hướng nào.

Ông Tedros lo ngại khả năng tàn phá của virus đối với các nước có hệ thống y tế yếu kém và cảnh báo mọi quốc gia phải chuẩn bị cho sự đổ bộ của dịch Covid-19.

Nguyễn Sơn


Virus corona sẽ ‘kiệt sức’ và dịch bệnh tự suy giảm?