Vitamin D: Chìa khoá tăng cường hệ miễn dịch chống COVID-19

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nếu như giãn cách xã hội và nước sát khuẩn được xem như lớp bảo vệ bên ngoài, thì sức đề kháng, hệ miễn dịch khỏe mạnh sẽ là chiếc áo giáp bảo vệ sức khỏe từ bên trong. Đặc biệt là trong thời kì dịch bệnh phức tạp với hàng loạt biến chủng siêu lây nhiễm xuất hiện và thế giới vẫn chưa tìm ra thuốc điều trị đặc hiệu thì con người vẫn cần phải cầu cứu hệ miễn dịch tự nhiên của chính mình.

Một trong những biện pháp để có một hệ miễn dịch tự nhiên khỏe mạnh chống lại sự xâm nhập của virus chính là một chế độ dinh dưỡng tối ưu. Đặc biệt Vitamin D sẽ là một trợ thủ đắc lực giúp hệ miễn dịch tự nhiên “đánh bay” Covid 19.

Vai trò của Vitamin D đối với hệ miễn dịch bẩm sinh

Trên thực tế, hệ miễn dịch của con người khá phức tạp với nhiều tế bào miễn dịch tham gia. Vai trò của chúng giống như một đội quân trong cơ thể, có nhiệm vụ chống lại sự xâm nhập của các mầm bệnh ngoại lai. Khi virus, vi khuẩn… xâm nhập, phản ứng đầu tiên của cơ thể là kích hoạt hệ thống miễn dịch bẩm sinh, sau đó là hệ thống miễn dịch đáp ứng.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, sau khi mắc bệnh COVID-19, các triệu chứng sẽ ngày càng tiến triển và nặng hơn trong vòng 1-2 tuần. Tuy nhiên trên thực tế, chỉ có khoảng 20% bệnh nhân có triệu chứng trở nặng cần nhập viện, phần lớn người nhiễm virus thể nhẹ sẽ tự khỏi. Có được điều này là do phản ứng mạnh mẽ của hệ thống miễn dịch bẩm sinh trong giai đoạn đầu của bệnh.

Hệ thống miễn dịch bẩm sinh bao gồm các hàng rào vật lý (như da, lông mũi, màng nhầy..) và các tế bào miễn dịch (như đại thực bào, bạch cầu đơn nhân, tế bào đuôi gai, bạch cầu trung tính và tế bào mast). Người ta tìm thấy rằng, vitamin D giúp làm ổn định các hàng rào vật lý, bảo vệ và tăng cường các mối nối khoảng cách, tăng độ kết dính các mối liên kết trung gian giữa các tế bào.

Vitamin D cũng đã được phát hiện giúp tăng phản ứng miễn dịch bẩm sinh thông qua việc sản xuất một số peptid kháng khuẩn có đặc tính kháng virus, nấm và vi sinh vật. Các peptid này còn cải thiện chức năng miễn dịch của các tế bào.

Ngoài ra, vitamin D còn được cho là có tác dụng ổn định màng tế bào biểu mô, có thể làm giảm khả năng lây nhiễm của các mầm bệnh, bao gồm cả virus SARS-COV-2 gây bệnh cho tế bào. Trong một nghiên cứu, việc điều trị có sử dụng vitamin D làm giảm khả năng sao chép và nhân lên của Rota virus - 1 - một loại virus gây tiêu chảy thường gặp ở trẻ em. Một thử nghiệm lâm sàng khác gần đây cũng cho thấy, liều lượng bổ sung vitamin D cao hơn làm giảm lây nhiễm virus sốt xuất huyết nhờ cải thiện các phản ứng miễn dịch bẩm sinh.

Vitamin D giúp ngăn ngừa bệnh COVID-19 trở nặng

Nghiên cứu đã chỉ ra Vitamin D có khả năng giúp tránh được cơn bão cytokin thông qua vai trò “người dẫn đường”. (Ảnh: PublicDomainsPicture/Pixabay)
Nghiên cứu đã chỉ ra Vitamin D có khả năng giúp tránh được cơn bão cytokin thông qua vai trò “người dẫn đường”, tránh hiện tượng miễn dịch quá mức cần thiết. (Ảnh: PublicDomainsPicture/Pixabay)

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy hô hấp nặng và tử vong nhanh chóng ở bệnh nhân Covid-19 là do hiện tượng cơn bão Cytokine. Cytokine là một loại chất tiết của các tế bào miễn dịch trong cơ thể, có thể coi là các binh sĩ miễn dịch của chúng ta, vốn có hoạt tính sinh học rất mạnh. Tuy nhiên trong bệnh COVID-19, người ta quan sát thấy tình trạng “bão cytokin" ở nhóm người mắc bệnh nặng.

Sau khoảng 7-10 ngày khi virus xâm nhập cơ thể, có khoảng 20% trường hợp bệnh trở nặng hơn bởi các phản ứng quá mức cần thiết của hệ miễn dịch. Điều này khiến các cytokine tràn ngập trong máu, như một cơn bão… tàn phá cả địch lẫn ta, nó gây nên các các phản ứng viêm, đông máu, giảm bạch cầu lympho, suy đa tạng. Đặc biệt, phản ứng quá mức xảy ra tại phổi khiến các phế nang xung huyết, tràn ngập dịch viêm làm cản trở hấp thụ oxy khiến nồng độ oxy trong máu giảm thấp. Người bệnh sẽ khó thở dữ dội và có thể nhanh chóng tử vong cho dù được thở máy liều cao.

Nghiên cứu đã chỉ ra Vitamin D có khả năng giúp tránh được cơn bão cytokin thông qua vai trò “người dẫn đường” - giúp điều hòa các đáp ứng miễn dịch, tránh hiện tượng miễn dịch quá mức cần thiết.

Một nghiên cứu quan sát trên 9.548 người trưởng thành từ 50 đến 75 tuổi ở Đức đã chỉ ra rằng việc thiếu hụt vitamin D làm tăng nhanh tỷ lệ tử vong do bệnh đường hô hấp. Phù hợp với dữ liệu quan sát này, một nghiên cứu cắt ngang khác với hơn 500 bệnh nhân nhiễm Covid 10 nặng được chăm sóc đặc biệt ở khoa ICU tại một bệnh viện lớn của Iran cũng cho thấy mối liên hệ chặt chẽ giữa việc thiếu vitamin D với mức độ nghiêm trọng và tỷ lệ tử vong của Covid-19, đồng thời việc bổ sung vitamin D có thể làm giảm các triệu chứng bệnh nặng.

Các nghiên cứu cũng cho thấy, độ tuổi càng cao thì tình trạng thiếu hụt vitamin D càng trầm trọng. Trong khi đó, tỷ lệ bệnh nặng và tử vong do Covid 19 cũng cao nhất ở nhóm tuổi này. Dữ liệu lâm sàng được tổng hợp bởi Daneshkhah và cộng sự đã chỉ ra rằng: Tình trạng thiếu hụt vitamin D dự trữ ở bệnh nhân Covid-19 nặng chiếm 34% ở người già trên 60 tuổi, chiếm 22% đối với người 20 - 40 tuổi và chiếm 21% ở người trung niên từ 40 - 60 tuổi.

Do đó, thời gian gần đây vitamin D đã và đang được giới khoa học khuyến nghị bổ sung vào phác đồ điều trị cho bệnh nhân Covid 19. Hiện tại, nhiều thử nghiệm lâm sàng đang điều tra tác động của việc bổ sung vitamin D (với liều lượng lên đến 200.000 IU) ở những người mắc COVID-19.

Bí quyết bổ sung vitamin D trong chế độ ăn hằng ngày

Các nhà khoa học cho rằng lượng vitamin D cần thiết phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm chủng tộc, độ tuổi, vĩ độ, ánh sáng mặt trời, quần áo và tình trạng sức khỏe của mỗi người. Khi nói đến nhu cầu vitamin D của cơ thể, chúng ta có thể hiểu là khẩu phần vitamin D đủ đảm bảo cho cơ thể không bị thiếu.

Học viện Y khoa quốc gia Hoa Kỳ khuyến cáo lượng vitamin D từ chế độ ăn uống hằng ngày cần tối thiểu là:

- 400 IU (đơn vị) cho trẻ sơ sinh / trẻ em 0-1 tuổi

- 600 IU cho trẻ em, thanh thiếu niên và người lớn 1-70 tuổi

- 800 IU cho người lớn trên 71 tuổi

Trên thực tế, không có nhiều loại thực phẩm tự nhiên có chứa đủ hàm lượng vitamin D. Tuy nhiên, vẫn có một số loại thực phẩm mà chúng ta có thể tận dụng hàng ngày để bù đắp cho lượng vitamin D bị thiếu hụt trong cơ thể. Sau đây là những nhóm thực phẩm vàng giàu vitamin D trong tự nhiên.

Cá và các loại hải sản

Các loại cá béo tầng sâu như cá thu, cá ngừ, cá hồi, cá chình đều là những loại thực phẩm lý tưởng để cung cấp vitamin D cho cơ thể. Theo Cơ sở dữ liệu thành phần thực phẩm Mỹ (USDA Food Composition) thì một khẩu phần cá hồi 100 gram chứa từ 361 - 685 IU vitamin D. Đặc biệt, cá hồi không chỉ giàu vitamin D mà nó còn là loại thực phẩm rất tốt cho hệ tim mạch bởi chúng giàu axit béo omega-3. Đây là chất dinh dưỡng tuyệt vời cho trái tim của chúng ta.

Nấm

Nấm là nguồn vitamin D có nguồn gốc thực vật duy nhất. Nấm có thể tự tạo vitamin D khi tiếp xúc với tia UV. Mỗi 1 chén nấm sẽ tương ứng với 400 IU vitamin D. Tuy nhiên, các loại nấm hầu hết chỉ sản xuất ra vitamin D2, trong khi đó cơ thể con người lại tự tổng hợp vitamin D3 qua da nhiều hơn.

Trứng

Lòng đỏ trứng cũng là một nguồn vitamin D quý khác mà có thể dễ dàng thêm vào thói quen ăn uống của mình và gia đình. Một quả trứng có chứa tới 40 IU vitamin D.

Tắm nắng

Bên cạnh bổ sung vitamin D từ thực phẩm thì tắm nắng cũng là một trong những cách rất hiệu quả. Bởi 80% nguồn vitamin D chủ yếu là nội sinh do cơ thể chúng ta có thể tự tổng hợp vitamin D dưới tác dụng của tia tử ngoại trong ánh sáng mặt trời. Để đảm bảo cho cơ thể được cung cấp đủ lượng vitamin D, các chuyên gia khuyến nghị nên tắm nắng khoảng 10-15 phút mỗi ngày vào buổi sáng (trước 9 giờ).

Trong trường hợp không thể tắm nắng thường xuyên như người già hoặc trẻ em dưới 1 tuổi thì cũng có thể cân nhắc uống vitamin D thay thế. Khi sử dụng thuốc cũng giúp chúng ta dễ dàng kiểm soát lượng vitamin D đưa vào cơ thể để điều chỉnh cho phù hợp. Tuy nhiên, vì là thuốc bổ sung nên cần phải được bác sĩ khám và tư vấn chỉ định liều uống cho phù hợp.

Đại Hải (tổng hợp)



BÀI CHỌN LỌC

Vitamin D: Chìa khoá tăng cường hệ miễn dịch chống COVID-19