WHO cảnh báo về sự nguy hiểm và tính ‘dễ lây lan’ của virus Marburg

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tổ chức Y tế Thế giới WHO cảnh báo về sự nguy hiểm của virus Marburg, một chủng virus sốt xuất huyết và gây ra các triệu chứng tương tự bệnh Ebola.

Hôm 18/7, giới chức y tế Ghana thông báo đã ghi nhận hai trường hợp tử vong đầu tiên do nhiễm virus Marburg. Đây là lần thứ hai các trường hợp nhiễm bệnh được phát hiện ở Tây Phi, theo BBC.

Bệnh Marburg bắt nguồn từ một loài dơi ăn quả, là một dạng sốt xuất huyết, gây chảy máu trong và có tính truyền nhiễm cao. Ngoài ra, các triệu chứng của bệnh cũng được cho là tương tự với Ebola.

Các nhà chức trách cho biết đã cách ly 98 người vì nghi ngờ tiếp xúc với các bệnh nhân. Trong đó bao gồm thân nhân, nhân viên y tế và nhân viên nhà xác.

Nước này cũng cảnh báo người dân tránh xa các hang động và nấu chín kỹ tất cả các sản phẩm từ thịt trước khi ăn, nhằm tránh nguy cơ truyền nhiễm.

Trước một loại virus nguy hiểm như Marburg, Tổ chức Y tế Thế giới WHO đánh giá cao nỗ lực và phản ứng nhanh chóng của giới chức y tế Ghana trong việc ngăn chặn sự lây lan của virus.

Vào năm 2005, hơn 200 trường hợp tử vong do virus Marburg đã được ghi nhận ở Angola. Theo cơ quan y tế toàn cầu, tính đến nay, đây được xem là vụ bùng phát gây tử vong lớn nhất của chủng virus này.

Virus Marburg nguy hiểm như thế nào?

Marburg là một loại virus thuộc họ Filoviridae, vốn cùng họ với virus Ebola. Điều này lý giải tại sao các triệu chứng của hai bệnh khá tương đồng với nhau.

Tỷ lệ tử vong do virus Marburg gây ra dao động lớn từ 28% đến 88%, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC).

WHO nói rằng virus Marburg rất dễ lây lan nếu không được ngăn chặn, vậy nên đây là một bệnh có khả năng “bùng phát thành dịch”.

Trước đó, các khu vực khác của Châu Phi gồm Angola, Uganda và Nam Phi cũng đã phát hiện nhiều trường hợp mắc bệnh tương tự.

Tiến sĩ Eric Cioe-Peña, Giám đốc Y tế Toàn cầu của Northwell Health ở New Hyde Park (New York, Hoa Kỳ) nói với tờ Healthline rằng, các filovirus không dễ lây lan như COVID-19, thay vào đó, nó xảy ra khi có sự tiếp xúc trực tiếp với dịch cơ thể của người bệnh.

Triệu chứng của Marburg:

Tiến sĩ Teresa Murray Amato, chủ nhiệm y tế khẩn cấp tại Long Island Do Thái Forest Hills (New York), cho biết bệnh nhân sau khi phơi nhiễm virus từ 5-10 ngày có thể đột ngột sốt cao, ớn lạnh, đau đầu, nhức mỏi cơ thể, theo Healthline.

Đến ngày thứ ba, các triệu chứng như tiêu chảy ra nước (thường kéo dài trong một tuần), đau bụng, chuột rút, buồn nôn và nôn mửa xuất hiện.

Theo CDC, khoảng ngày thứ năm sau khi các triệu chứng nổi lên, bệnh nhân có thể xuất hiện phát ban dát sẩn, nổi rõ nhất trên thân mình (ngực, lưng, dạ dày).

Các triệu chứng ngày càng trở nên nghiêm trọng và có thể bao gồm vàng da, viêm tuyến tụy, sụt cân nghiêm trọng, mê sảng, sốc, suy gan, xuất huyết ồ ạt và rối loạn chức năng đa cơ quan.

Do mất máu nghiêm trọng, bệnh nhân thường tử vong trong vòng 8 đến 9 ngày kể từ thời điểm khởi phát triệu chứng, theo Vnexpress.

Cũng theo ông Amato, hiện không có phương pháp điều trị cụ thể đối với bệnh, và chưa có vắc xin nào đủ khả năng bảo vệ con người trước chủng virus này. Vị tiến sĩ nói thêm: “Khoảng 25% đến 30% bệnh nhân sẽ không thể chống chọi được với căn bệnh”.

Do đó, nếu bệnh nhân đã từng ghé qua một khu vực từng lưu hành virus Marburg, họ phải kịp thời thông báo với bác sĩ và các nhà chức trách liên quan để có biện pháp phòng chống phù hợp, ông Amato nhấn mạnh.

Ai có nguy cơ cao mắc bệnh?

Do đặc điểm lây truyền thông qua tiếp xúc trực tiếp với dịch cơ thể, những người có nguy cơ cao nhiễm bệnh Marburg gồm:

  • Các thành viên trong gia đình;
  • Bạn bè;
  • Nhân viên y tế;
  • Người chăm sóc bệnh nhân thiếu
  • Nhân viên nhà xác, người thực hiện chôn cất, tiếp xúc trực tiếp với tử thi.

Hoàng Tuấn



BÀI CHỌN LỌC

WHO cảnh báo về sự nguy hiểm và tính ‘dễ lây lan’ của virus Marburg