WHO thừa nhận tính phổ cập của Đông Y, nhưng sao bệnh nhân vẫn thường chọn Tây Y?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đông Y kỳ thực luôn thần bí vô cùng và khó tin đối với người Tây phương. Trong mắt họ, bất luận là bắt mạch hay châm cứu, thôi nã hay án ma, cạo gió hay giác hơi... thảy đều mang lại một cảm giác bí ẩn!...

Ngay tại Trung Quốc - cái nôi của nền y học cổ truyền, thì sự phát triển mạnh mẽ của Tây Y hiện nay tựa hồ đang hoàn toàn vượt xa Đông Y. Tuy nhiên, với nhiều hiệu quả trị liệu mạnh mẽ mà không hề để lộ nguyên lý, Đông Y kỳ thực luôn thần bí vô cùng và khó tin đối với người Tây phương. Trong mắt họ, bất luận là bắt mạch hay châm cứu, thôi nã hay án ma, cạo gió hay giác hơi... thảy đều mang lại một cảm giác bí ẩn. Nói riêng về châm cứu, ngay cả người phương Tây cao to khi thấy cây kim cắm trên thân người, trong tâm cũng có vài phần run rẩy.

Minh họa

Phương pháp trị bệnh có lịch sử lâu đời - tiến nhập vào nền y học thế giới

Từ xa xưa, rất nhiều nền văn hoá đều sử dụng thảo dược để trị bệnh hiệu quả, ở Trung Quốc là nổi tiếng nhất, lịch sử cũng có nhiều ghi chép. Đông Y có truyền thống hơn 2000 năm lịch sử và nhiều phương pháp trong đó cũng đã dần phổ biến trên khắp thế giới. Chính vì thế, mặc dù không có nhiều bằng chứng khoa học chứng minh tính hữu hiệu theo từng liệu pháp; nhưng châm cứu, thảo dược, thái cực - các phương thức lâu đời của Đông Y vẫn đang ngày càng được nhiều người tiếp nhận.

Những người am tường về văn hóa và Y học Phương Đông vẫn luôn cố gắng đem Đông Y tiến nhập vào các loại hình trị liệu chủ lưu và đến hiện tại, những nỗ lực đó đã đạt được ít nhiều thành quả. Hội đồng Y tế thế giới, cơ quan điều hành của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) mới đây đã đưa ra bản cập nhật chính thức "Phân loại thống kê quốc tế về các bệnh tật và những vấn đề sức khỏe liên quan" (ICD-11). Trong bản lần thứ 11 này, trị liệu của Đông Y đã lần đầu tiên được nhắc đến.

Trong bài phát biểu với CNN, Tổ chức Y tế thế giới cho biết: “Mục đích của ICD là thu thập toàn bộ thông tin về tình trạng sức khoẻ và phương pháp trị liệu, lý do đưa Đông Y vào là vì nó đã được thực hành bởi hàng trăm ngàn thầy thuốc trên khắp thế giới”. Tổ chức dành thời gian hơn 10 năm, tập hợp đại biểu các nền Y học cổ truyền của các quốc gia châu Á, cùng nhau nỗ lực đem kiến thức của Đông Y mấy trăm năm, chỉnh lý để đưa vào trong hệ thống phân loại mới này.

Ông Tarik Jasarevic, phát ngôn viên của WHO, phát biểu với báo CNN rằng: “Việc đưa Đông Y vào ICD sẽ giúp liên kết phương pháp thực hành Y học cổ truyền đó với quy phạm và tiêu chuẩn toàn cầu”. Ông cho biết thêm “việc đưa Đông Y truyền thống vào ICD không đồng nghĩa với việc công nhận hiệu quả trị liệu và tính khoa học của phương pháp trị liệu truyền thống này”.

Minh họa

Đưa Đông Y vào tài liệu của WHO khiến nhiều nhà khoa học cảm thấy hoang mang?

Trang 26, bản mới nhất của ICD có ghi chép về phân loại của Đông Y, trong đó bao gồm định nghĩa và giới thiệu về Đông Y truyền thống. Tài liệu bổ sung này có ghi chép tình hình bệnh tật có liên quan đến Đông Y cổ đại và liệu pháp của nó tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản cũng như các quốc gia khác trên thế giới. Điều này tuy đã được Tổ chức Y tế thế giới đưa vào ICD một cách chính thức, nhưng lại làm rất nhiều nhà khoa học bối rối và cảm thấy khó hiểu.

Đầu tháng 4, tạp chí khoa học Scientific American đã viết: “Đưa Đông Y vào ICD là một sai lầm nghiêm trọng và thiếu luận chứng. Bởi số liệu chứng thực tính hiệu quả của nhiều phương pháp trị liệu Đông Y truyền thống là không đầy đủ”. Tiến sỹ, bác sỹ ngoại khoa David Gorski nói: "Đây là sự thành công của việc kết hợp y học tầm thường vào nền y học chân chính". Tạp chí trên cũng viết trong một bài báo: “Các nhà phê bình nhận định rằng phương pháp chữa trị của Đông Y không có tính khoa học, hơn nữa vẫn chưa có sự hỗ trợ của các thử nghiệm lâm sàng, thậm chí có thể gây nguy hiểm nếu sử dụng".

Được công nhận và quảng bá rộng rãi

Mặc dù không được học giả nước ngoài đón nhận, hiệu quả trị liệu của Đông Y vẫn cho thấy tính vượt trội một cách đáng ngạc nhiên so với những phương pháp trị liệu của Tây Y. Biết được điều này nên không phải người nước ngoài nào cũng đều bài xích Đông Y trị liệu.

Theo một bài viết trên tạp chí Nature, Trung Quốc luôn tích cực quảng bá trị liệu của Đông Y, hơn nữa họ còn hợp tiến hành hợp tác với WHO. Tổ chức này cho biết, tại một vài quốc gia, phương pháp trị liệu truyền thống không chỉ áp dụng được giản tiện, mà so với thuốc Tây lại còn rẻ hơn, ít mang đến tác dụng phụ, chữa được căn nguyên của bệnh và đem đến hiệu quả lâu dài...

©Flickr | David Brossard

Đông Y có ảnh hưởng đến sự sinh tồn của các loài động vật hoang dã?

Ngoài lo lắng về tính an toàn và sức khoẻ, các nhà bảo vệ động vật nghi ngại việc phổ biến Đông Y có khả năng sẽ ảnh hưởng đến sự sinh tồn của một số loài động vật hoang dã. Ví dụ: tê giác bị giết để lấy sừng, gấu bị nhốt lại để lấy mật, vảy tê tê cũng có giá trị sử dụng như một loại thuốc... Nếu quả thực vậy, đây đương nhiên cũng là một phương diện cần lưu ý. Tuy nhiên, cũng nhiều nghiên cứu cũng đã cho thấy những bộ phận của động vật hoang dã được bán với giá “cắt cổ" do những công dụng đang bị thổi phồng một cách quá đà.

Nhà nghiên cứu John Goodrich, chủ tịch "Tổ chức bảo vệ các loài mèo hoang dã" đã có bài phát biểu với CNN cho biết, rất nhiều đoàn thể Đông Y đã từ bỏ việc sử dụng các cơ quan động vật trong chương trình điều trị khuyến nghị của họ. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh: “Sự công nhận của WHO đối với Y học cổ truyền Trung Quốc ở cấp độ này, sẽ bị cộng đồng quốc tế nhận định là Liên Hợp Quốc công nhận tính ứng dụng chữa trị của nó, bao gồm cả phương án sử dụng các bộ phận cơ quan của động vật hoang dã trong điều trị”.

Minh họa

Đông Y - Những khó khăn trong việc truyền thừa

Các chuyên gia nghiên cứu và giảng dạy Đông Y cho rằng, việc theo học Đông Y mang tính chất đặc thù, phải có phương thức giảng dạy của riêng mình, chứ không nên rập khuôn theo hệ thống giảng dạy của Tây phương.

Bên cạnh đó, từ sau khi “Luật hành nghề y" (1998) được ban bố, các bác sĩ Đông Y không được cấp chứng nhận đủ tư cách hành nghề đều bị coi là hành nghề phi pháp. Nếu như họ không tham gia học viện y học và cũng không làm việc tại các bệnh viện cộng đồng, họ rất khó được chứng nhận với tư cách là một bác sỹ. Thực tế đã chứng minh: rất nhiều người có được y thuật truyền thừa của Đông Y, nhưng do không có giấy phép mà không được hành nghề. Đồng thời, những thầy thuốc Đông Y danh tiếng cũng thường chú trọng tu dưỡng đạo đức. Họ có phần khắc nghiệt trong việc tuyển chọn người truyền thừa, và phần đông đều không chọn giảng dạy trong các trường hay cơ sở y học chính thống. Thêm vào đó, Đông Y đã trải qua một quá trình lịch sử quá lâu dài, những kiến thức và kinh nghiệm tích luỹ được hệ thống lại một cách rất sơ sài, thậm chí có những điều đã bị thất truyền.

Những điều này tạo nên hai hệ luỵ: một là những bác sĩ Đông Y chính quy, khả năng của họ đa số là không cao, hoặc những người xuất sắc có số lượng rất ít; hai là những người giỏi thật sự thì lại được truyền thụ qua lối giảng dạy truyền thống của người Á Đông và họ thường không có bằng cấp hành nghề. Rất nhiều người trong số họ có phạm vi hoạt động rất nhỏ, chủ yếu các bệnh nhân thông qua truyền miệng mà tự tìm tới khám chữa. Nền Đông Y chân chính tại phương Đông đang ngày càng, dần bị mai một.



BÀI CHỌN LỌC

WHO thừa nhận tính phổ cập của Đông Y, nhưng sao bệnh nhân vẫn thường chọn Tây Y?