WHO tuyên bố dịch Coronavirus là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngày 30 tháng 1, tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng khi dịch coronavirus tiếp tục lan rộng trên toàn cầu.

Tổng giám đốc WHO Tedros Ghebreyesus đã tới Bắc Kinh và gặp nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình để thảo luận về dịch bệnh ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc. Các quan chức Trung Quốc đã ra lệnh phong toả Vũ Hán và hầu hết các thành phố khác trên khắp Hồ Bắc nhằm cách ly khu vực, điều này ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng chục triệu người. Hầu hết các hình thức vận chuyển đều đã bị cấm.

WHO đã tổ chức các cuộc thảo luận về virus trong suốt hai ngày vào tuần trước nhưng đã ngừng tuyên bố tình trạng khẩn cấp đối với sức khỏe toàn cầu vào thời điểm đó. Sau đó, một số bệnh nhân mới đã được chẩn đoán ở Nhật Bản, Đức, Việt Nam và Đài Loan, tất cả các bệnh nhân này đều chưa từng đến Trung Quốc

Ông Ghebreyesus phát biểu hôm thứ Năm vừa qua: “Mối quan tâm lớn nhất của chúng tôi là khả năng virus lây lan sang các quốc gia có hệ thống y tế yếu hơn và chưa sẵn sàng đối phó với dịch bệnh. Tôi đang tuyên bố một tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng trở thành mối lo ngại quốc tế do vấn đề bùng phát dịch trên toàn cầu. Phần lớn những người nhiễm bệnh bên ngoài Trung Quốc đều từng đến du lịch ở Vũ Hán, hoặc có mối liên hệ với một người có từng đến du lịch Vũ Hán, chưa có trường hợp tử vong nào ngoài Trung Quốc”..

Tuyên bố Tình trạng Khẩn cấp về Sức khỏe Cộng đồng trở thành mối quan tâm quốc tế chỉ được thực hiện năm lần trong thập kỷ qua, bao gồm cả dịch Ebola ở châu Phi, dịch virus Zika và dịch cúm lợn năm 2009. Coronavirus thuộc cùng một họ virus với SARS hoặc cảm lạnh thông thường.

WHO mô tả động thái này là “một sự kiện bất thường có nguy cơ lây nhiễm cao cho sức khỏe cộng đồng của các quốc gia khác với sự phát tán của bệnh tật đến khắp nơi trên thế giới và cần sự phối hợp ứng phó từ của cộng đồng quốc tế”.

Một tiếp viên người Trung Quốc điều chỉnh mặt nạ của mình sau khi rời khỏi chuyến bay tại sân bay thủ đô Bắc Kinh, Bắc Kinh, vào ngày 30 tháng 1 năm 2020. (Kevin Frayer / Getty Images)

Việc hạn chế đi lại gây tranh cãi

Trong cuộc họp báo, Ghebreyesus nói rằng cơ quan này “phản đối bất kỳ sự hạn chế du lịch nào đối với Trung Quốc”. Ông nói thêm rằng: “Chúng tôi không ủng hộ trừng phạt chính phủ Trung Quốc” mà theo người đứng đầu WHO là đã “làm nhiều hơn những gì cần phải làm” để đối phó với dịch bệnh này.

Kể từ khi dịch bệnh leo thang, các quốc gia và khu vực khác đã ban bố mức độ hạn chế đi lại và thương mại khác nhau đối với Trung Quốc trong nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của căn bệnh này.

Khoảng mười quốc gia có đã đóng cửa biên giới, áp đặt thị thực hoặc hạn chế du lịch đối với Trung Quốc. Những gã khổng lồ công nghệ như Google, Apple, Amazon và Facebook cũng đã khuyến cáo nhân viên của họ không đi du lịch qua đất nước này.

Nghị sĩ Thượng viện Hoa Kỳ Tom Cotton (R-Ark.) phản đối ý kiến ​​cho rằng hạn chế đi lại là một hình thức trừng phạt đối với Trung Quốc.

“Ngừng du lịch tới Trung Quốc không phải là để trừng phạt Trung Quốc mà đó là để bảo vệ công dân của chúng ta”, ông nhấn mạnh trong một email gửi Thời báo Epoch Times.“Mỹ phải ngay lập tức đóng cửa du lịch hàng không thương mại với Trung Quốc đại lục”.

Một số hãng hàng không lớn xác nhận họ sẽ tạm dừng một số hoặc tất cả các chuyến bay đến Trung Quốc, bao gồm United Airlines, American Airlines, British Airways, Delta Air Lines và Lufthansa. Starbucks cũng đóng cửa một nửa các chi nhánh tại Trung Quốc vì lo ngại căn bệnh này.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) đã kêu gọi người Mỹ tránh “đi lại khi không quá cần thiết” đến Trung Quốc và cảnh báo công dân không nên đến tỉnh Hồ Bắc.

“WHO đánh giá cao những nỗ lực của Trung Quốc cho đến thời điểm này để kiểm soát dịch bệnh, tôi nghĩ họ rất đau khổ khi phải nói: Đừng trừng phạt Trung Quốc, đừng cắt đứt thương mại, đừng cắt đứt du lịch”, Laurie Garrett , một nhà phân tích chính sách y tế toàn cầu, người đã giành giải thưởng Pulitzer vì đưa tin về vụ dịch Ebola năm 1995, nói với Epoch Times.

Tuy nhiên, trên thực tế hầu hết các hãng hàng không và khách sạn sẽ phải gánh chịu tổn thất vì hành khách sợ đến Trung Quốc.

Các trường hợp nhiễm virus bên ngoài Trung Quốc đã được các cơ quan y tế Hoa Kỳ xác nhận tại khoảng 20 quốc gia và khu vực, bao gồm Hồng Kông, Đài Loan, Ma Cao, Úc, Campuchia, Canada, Pháp, Đức, Nhật Bản, Malaysia, Nepal, Sri Lanka, Singapore, Thái Lan, Hàn Quốc, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Hoa Kỳ và Việt Nam.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Hoa Kỳ Alex Azar, chính quyền Trung Quốc đã từ chối ít nhất hai lần lời đề nghị hỗ trợ dịch bệnh từ CDC.

Cho đến nay, Hoa Kỳ đã xác nhận sáu trường hợp nhiễm virus, bao gồm hai trường hợp ở California, một ở tiểu bang Washington, một ở Illinois và một ở Arizona. Bệnh nhân thứ sáu, một người dân Chicago, lây bệnh từ vị hôn thê vừa trở về từ Vũ Hán, đánh dấu trường hợp lây truyền từ người sang người đầu tiên ở Hoa Kỳ.

Hôm thứ Tư, Tổng thống Donald Trump xác nhận ông đang thành lập một Đội đặc nhiệm chống Coronavirus gồm những nhân viên y tế cấp cao, phương tiện di chuyển hiện đại và những nhân viên an ninh quốc gia, những người sẽ làm việc để ngăn chặn virus lây lan ở Hoa Kỳ. Trợ lý Bộ trưởng Y tế Brett Giroir hôm thứ Năm vừa qua cho biết đã “có một nỗ lực tất cả cùng chung tay” ở đất nước này để đối phó với “tình huống hay diễn biến bất ngờ, hay thay đổi” của dịch bệnh.

Trong khi đó, Hoa Kỳ đã bố trí máy bay chở 195 công dân của họ từ Vũ Hán về nhà, những người này hiện đang được cách ly tại một căn cứ quân sự ở California. Chính phủ Nhật Bản cho biết hôm thứ Năm rằng Nhật Bản cũng đã sơ tán 206 công dân và phát hiện ba người dương tính với virus này. Theo các quan chức, hiện có 14 trường hợp dương tính với Coronavirus được xác nhận tại Nhật Bản và hai bệnh nhân không có triệu chứng.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết hôm thứ Năm rằng họ sẽ gửi thêm các chuyến bay để đón thêm các công dân nước này còn đang ở Vũ Hán.

Mộc Trà (biên dịch)
- Theo The Epoch Times.



BÀI CHỌN LỌC

WHO tuyên bố dịch Coronavirus là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu