Xử lý thế nào khi phát hiện dương tính với khuẩn Helicobacter pylori?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nhiều người phát hiện ra mình dương tính với vi khuẩn Helicobacter pylori trong quá trình khám sức khỏe. Điều này khiến họ hơi lo lắng vì sợ có vấn đề với dạ dày của mình. Vậy chính xác thì Helicobacter pylori là gì?

Liệu có phải Helicobacter pylori dương tính đồng nghĩa với việc bạn đã bị bệnh dạ dày không? Vậy nếu phát hiện tình trạng này, thì bạn nên theo dõi như thế nào?

Helicobacter pylori là gì?

Vi khuẩn Helicobacter pylori là một trong những tác nhân gây bệnh phổ biến cho con người, được các học giả Úc phát hiện vào năm 1983.

Đây là loại vi khuẩn duy nhất có thể tồn tại trong dạ dày. Việc theo dõi Helicobacter pylori yêu cầu xét nghiệm hơi thở carbon-14, và theo dõi niêm mạc dạ dày để xác định.

Các nghiên cứu đã xác nhận rằng Helicobacter pylori có tỷ lệ lây nhiễm trong quần thể cao, lên tới hơn 30% ở các nước phát triển và cao hơn ở các nước đang phát triển, đồng thời nó cũng tỷ lệ thuận với độ tuổi.

Tính dễ lây lan của chúng là do Helicobacter pylori có thể xâm nhập qua đường ăn uống. Đặc biệt khi một người trong gia đình nhiễm, thì họ rất có thể sẽ lây cho các thành viên còn lại nếu không chú ý giữ gìn.

Helicobacter pylori dương tính không nhất thiết là bệnh dạ dày

Các nghiên cứu đã xác nhận rằng vi khuẩn Helicobacter pylori có thể làm hỏng cấu trúc của dạ dày, gây suy giảm hoặc kém axit dịch vị và là nguyên nhân quan trọng gây ra loét dạ dày tá tràng, một nguyên nhân quan trọng của ung thư dạ dày và các tổn thương liên quan.

Nó cũng liên quan đến bệnh tim mạch vành, tăng huyết áp, mề đay, ung thư hạch và bệnh trứng cá đỏ.

Nhưng bạn không nên quá lo lắng, bởi trong môi trường có nhiều virus khác nhau, chẳng hạn như virus cúm, chúng ta đều tiếp xúc nhưng không nhất thiết là ai cũng bị cảm lạnh.

Vì vậy, khi phát hiện Helicobacter pylori dương tính, nó không đồng nghĩa với việc bạn đang gặp vấn đề liên quan đến dạ dày.

Về bản chất, nó là một yếu tố nguy cơ, đã được WHO liệt vào danh sách những chất gây ung thư ở người vào năm 1994, trong đó, hơn 80% trường hợp loét dạ dày và hành tá tràng là do nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori.

Thế nên, dù không nhất thiết là bạn đang bị bệnh dạ dày, nhưng bạn vẫn cần phải cảnh giác và có các biện pháp xử lý tương ứng.

Cách đối phó với Helicobacter pylori

Đầu tiên là xét nghiệm thêm: đối với những bệnh nhân khám sức khỏe phát hiện dương tính với vi khuẩn này, nhưng không có triệu chứng khó chịu thì cần theo dõi chuyên sâu, kịp thời; nếu cần thiết, bạn nên nội soi dạ dày để biết có bị viêm loét dạ dày hay không.

Nếu kết quả khám bệnh cho thấy dạ dày bị tổn thương, thì bạn cần điều trị thêm với thuốc kháng Helicobacter pylori.

Tiếp theo là điều trị chống Helicobacter pylori. Phương pháp điều trị chính là dùng thuốc kháng sinh.

Bên cạnh đó, bạn cần chú ý đến vệ sinh cá nhân, bao gồm rửa tay trước và sau khi ăn. Tốt nhất bạn nên tách bộ đồ ăn và đũa của bản thân ra khỏi bộ đồ ăn chung của gia đình, nếu có điều kiện bạn có thể sử dụng hệ thống bát đĩa riêng.

Đồng thời, bạn cũng không nên nhai trước thức ăn rồi xúc vào miệng cho trẻ, mục đích là để phòng tránh lây vi khuẩn qua đường ăn uống.

Cuối cùng, trong quá trình điều trị vi khuẩn Helicobacter pylori, bạn nên làm việc và nghỉ ngơi hợp lý; hạn chế thức khuya; tránh ăn quá no, đồ lạnh, nhiều dầu mỡ; hạn chế thuốc lá, rượu bia để tăng cường hiệu quả điều trị.

Nếu có thể, bạn nên tăng cường vận động hơn nữa, tăng cường khả năng miễn dịch của bản thân thông qua vận động, giảm phát sinh các bệnh tương ứng.

Helicobacter pylori là một loại vi khuẩn phổ biến và là vi khuẩn kỵ khí duy nhất có thể tồn tại trong dạ dày, có thể gây hôi miệng, bệnh trứng cá đỏ, ung thư hạch, viêm dạ dày, loét dạ dày, ung thư dạ dày, v.v.

Nếu khám sức khỏe thấy có kết quả dương tính, chúng ta cần chủ động xử lý, bao gồm khám chuyên sâu các tổn thương khác, điều trị bằng thuốc kịp thời, nâng cao khả năng miễn dịch của bản thân và bảo vệ dạ dày, đồng thời chú ý vệ sinh cá nhân để tránh lây nhiễm cho người khác.

Bảo Vy
Theo Aboluowang



BÀI CHỌN LỌC

Xử lý thế nào khi phát hiện dương tính với khuẩn Helicobacter pylori?