Xua tan nỗi lo âu chỉ với một tách trà Matcha

Giúp NTDVN sửa lỗi

Từ xa xưa, người Nhật coi thưởng trà chính là đang chiêm nghiệm nét văn hóa tín Phật, Đạo, Thần, được gói gọn trong 4 chữ: Wa - Kei - Sei - Jaku (Hòa - Kính - Tinh - Mịch). Người Á đông vẫn thường quan niệm, thưởng trà là một nghệ thuật tổng hòa của sự tao nhã và tinh tế. Nên một tách trà cũng gói gọn nét tinh hoa văn hóa, đồng thời trà cũng là thức uống tuyệt vời bổ dưỡng cơ thể và tinh thần…

Thức uống thanh khiết

Bạn có sở thích thưởng một tách trà xanh ấm vào buổi sáng, nhưng bạn biết chăng, trà còn có công dụng giúp tâm trạng của bạn bình tĩnh hơn, bớt lo lắng hơn trong suốt cả ngày.

Trong “Trà Thư” (1906), một cuốn sách kinh điển về trà của người Nhật, trà sư nổi tiếng Okakura Kakuzō từng viết: “Trà khởi thủy là một dược thảo trước khi trở thành thức uống”. Câu nói tuy giản dị nhưng vô cùng sâu sắc, Okakura đã giải thích ngắn gọn vì sao trà lại được tôn vinh là thức uống thanh khiết giúp cơ thể nhẹ nhàng và khỏe mạnh.

Ngày nay, các nhà nghiên cứu đã chứng minh tính ưu việt của trà - không chỉ có thể thay thế công dụng đặc biệt của cà phê - mà còn giúp di dưỡng tinh thần, giữ tâm thanh tịnh, mưu điều thiện, tránh điều ác, giúp chúng ta hạnh phúc và giảm stress.

Trong một nghiên cứu đăng trên Tạp chí Thực phẩm chức năng (2019) về các đặc tính có lợi của trà xanh, các nhà nghiên cứu tại ĐH Kumamoto (Nhật Bản) đã chứng minh trà có công dụng làm dịu tâm trí con người, hay nói chính xác hơn là làm giảm lo âu, stress. Nghiên cứu này đã chứng minh tính hiệu quả của loại trà Matcha trong các thử nghiệm lâm sàng ở cả người và động vật.

Trà Matcha: Công phu và tinh tế

Trà Matcha/bột Matcha (tiếng Nhật: 抹茶 “Trà xay") là bột trà xanh nguyên chất có được sau khi xay nhuyễn lá trà xanh. Loại bột này tinh khiết hơn nhiều so với bột trà xanh thông thường.

Quá trình làm ra bột trà Matcha vô cùng công phu và tinh tế. Đầu tiên, người ta chọn những búp trà mọc trong bóng râm khoảng 2 tuần trước khi hái. Những búp trà này thường có màu xanh thẫm hơn, chứa nhiều amino axit hơn, do đó giữ được hương vị ngọt toàn vẹn hơn cho trà.

Chất lượng của bột trà Matcha tùy thuộc vào vị trí của lá trà và búp trà mà những người thu hoạch thường thu hái bằng tay. Chất lượng thơm ngon nhất là búp trà, tiếp đến là các lá già, tùy theo vị trí được hái.

Sau đó, người ta đem phơi khô những lá trà xanh được hái và những lá trà khô này được cắt sợi, rút cuống rồi cho vào nghiền trong cối đá để ra được thứ bột mịn màu xanh tươi. Đây chính là bột matcha. Chỉ có loại bột mịn được làm từ phương pháp chăm sóc và thu hái thủ công truyền thống từ những lá trà tốt nhất, mới cho ra được loại bột matcha hảo hạng mà những loại khác chỉ được gọi tên chung là bột trà.

Trà còn hơn cả một dược thảo, là nét văn hóa thuần xưa... (Pixabay)

Ngày nay, trà Matcha thường được pha chế và thưởng thức theo nghi lễ trà đạo, một hình thức nghi lễ trang trọng ở Nhật. Do đó, trà Matcha trở thành một loại bột trà xanh cao cấp nhất, có giá trị nhất tại Nhật Bản với độ thơm ngon, vị ngọt, và thành phần nhiều chất hơn so với các loại trà xanh truyền thống.

Trà Matcha có công dụng làm giảm lo âu, stress

Với ưu điểm chứa nhiều chất như caffeine và hóa chất thực vật, trà Matcha còn chứa hàm lượng các axit amin cao hơn các loại trà truyền thống, trong đó L-theanine và L-arginine - hai axit amin trước đó đã được chứng minh có tác dụng giảm âu lo. Do đó, các nhà nghiên cứu tại trường ĐH Kumamoto hy vọng, trà Matcha sẽ có tác dụng giảm lo âu cho con người nhiều hơn nữa.

Tuy nhiên theo các nhà nghiên cứu, trà Matcha có hàm lượng caffeine cao là yếu tố có thể ảnh hưởng đến hiệu quả theanine trong quá trình làm dịu lo âu hay stress. Sự ảnh hưởng này theo các nghiên cứu trước đó, còn tùy vào sự khác biệt về số lượng và tỷ lệ của ba thành phần chính của trà xanh là theanine, arginine và caffeine.

Để chứng minh cho tác dụng giảm lo âu của Matcha, các nhà nghiên cứu đã thí nghiệm trên chuột. Họ chia chuột làm bốn nhóm khác nhau và mỗi nhóm lại dùng một loại bột trà Matcha có tiêu chuẩn khác nhau. Sự lo âu của chuột thể hiện bằng sự phì đại tuyến thượng thận, một tuyến nằm ở cực trên của thận.

Kết quả ban đầu cho thấy, sự lo âu của chuột đã giảm đáng kể sau khi dùng ít nhất 33 miligam bột trà tiêu chuẩn khác nhau trên mỗi kilogam trọng lượng cơ thể chuột. Đồng thời, họ cũng khám phá ra rằng arginine và caffeine có trong trà Matcha không ảnh hưởng đến sự lo âu. Theanine có tác dụng giảm lo âu nếu dùng ở liều lượng tối thiểu là 0,32 miligam trên mỗi kilogam trọng lượng cơ thể chuột. Và sự lo âu càng giảm đáng kể khi kết hợp cả hai chất theanine và arginine có trong bột trà.

Từ những phát hiện trên, các nhà nghiên cứu tiến hành thử nghiệm trên người với một hỗn hợp bột trà matcha, gọi là matcha thử nghiệm hay “test matcha”. Trong đó, bột trà này có hàm lượng theanine và arginine cao trong khi hàm lượng caffeine thấp.

Thưởng Matcha để đối mặt với áp lực cao trong công việc học tập... (CC BY-SA 4.0, Wikipedia)

Tham gia thử nghiệm là những sinh viên ngành dược - nhóm đối tượng phải chịu áp lực cao trong công việc học tập, cũng như tính chất chuyên biệt của ngành học khi họ thực hành tại bệnh viện.

Những người tham gia thử nghiệm phải đạt đủ điều kiện như không có bệnh cấp tính hoặc mãn tính, không hút thuốc, và không dùng thức uống và đồ ăn chứa nhiều caffeine và theanine trong quá trình nghiên cứu. Thời gian thử nghiệm là 15 ngày, chia thành 2 giai đoạn: 7 ngày đầu, họ trải nghiệm cuộc sống hằng ngày ở trường đại học, và 8 ngày tiếp theo họ thực hành tại bệnh viện.

Các nhà nghiên cứu dùng thang điểm đo mức độ lo âu (STAI) để đánh giá mức độ lo âu của họ tại hai thời điểm: Ngay trước khi bắt đầu bước vào giai đoạn thực hành tại bệnh viện và ngay khi kết thúc đợt thực hành này. Đồng thời, họ cũng đánh giá chủ quan về cảm xúc, lo âu, tình trạng thể chất và giờ ngủ của người tham gia.

Kết quả họ thu được là loại bột matcha này có tác dụng giảm sự lo âu nhưng phải lưu ý hàm lượng các chất có trong bột trà. Trong đó, hàm lượng theanine và arginine phải cao, trong khi hàm lượng EGCG và caffeine phải thấp thì khi ấy trà matcha mới “phát huy” tối đa lợi ích làm giảm sự căng thẳng, lo âu ở con người. Đặc biệt, khâu pha chế trà matcha là rất quan trọng, do ảnh hưởng đến hàm lượng các chất trong trà.

Trà còn hơn cả một dược thảo, là nét văn hóa thuần xưa

Từ xa xưa, con người đã biết đến tác dụng kỳ diệu của trà. Người xưa không chỉ coi trà là một loại thảo dược, mà còn là một thức uống nuôi dưỡng tinh thần và thể hiện trọn nét văn hóa truyền thống đạo đức lâu đời của người phương Đông.

Tại một số quốc gia châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản và Việt Nam, trà được tôn vinh như là “quốc ẩm”. Khi thưởng trà, con người có thể hòa mình với thiên nhiên, đất trời, thấu hiểu được những giá trị truyền thống xa xưa, thể hiện được sự tôn kính Phật, Đạo, Thần.

Ở Nhật Bản, thưởng trà không chỉ là nét đặc sắc văn hóa mà còn được nâng lên thành đạo. Theo đại trà sư Sen no Rikyu, những nguyên tắc cơ bản của trà đạo Nhật Bản chỉ gói gọn trong bốn từ gốc Hán: Wa -Kei - Sei - Jaku (Hòa - Kính - Tinh - Mịch).

Trong đó, Wa (Hòa) cội nguồn từ Khổng Giáo, là sự bình đẳng xã hội, không phân biệt thân thế, sang nghèo khi uống trà. Kei (Kính) thể hiện trang trọng và khiêm cung. Sei (Tinh) bắt nguồn từ Thần đạo, tâm hồn thuần tịnh khi uống trà. Jaku (Mịch) thể hiện quan niệm Phật giáo về Niết bàn, ước vọng tạo nên một cuộc sống luôn yên tĩnh, thanh bình.

Nghe thì tưởng khó thực hiện nhưng lại rất dễ thực hiện. Đại trà sư Sen no Rikyu từng nói: “Bản chất của Trà đạo quả thật là từ những chuyện vặt vãnh trong cuộc sống thường ngày mà hiểu được sự huyền bí của vũ trụ và triết lý của nhân sinh”.

“Bản chất của Trà đạo quả thật là từ những chuyện vặt vãnh trong cuộc sống thường ngày mà hiểu được sự huyền bí của vũ trụ và triết lý của nhân sinh”... (Pixabay)

Nếu ở Nhật, uống trà trở thành đạo, thì ở Trung Hoa - nơi thiên thời địa lợi phù hợp cho cây trà phát triển - lại chính là cội nguồn, là cái nôi hình thành nên văn hóa thưởng trà.

Người Trung Hoa thuở xưa xem trà là một nét văn hóa không thể thiếu trong đời sống tinh thần, là nhu yếu phẩm quan trọng trong cuộc sống thường nhật của người xưa. Mặc dù, họ không coi thưởng trà là đạo, nhưng từ xa xưa cách họ uống trà, thưởng trà lại là cách thể hiện tu tâm hướng nội, tầm Đạo, cách tôn kính Thần Phật, và là cách hòa hợp với cây cỏ, thiên nhiên. Điều này thể hiện rõ qua tác phẩm “Trà Kinh” của Lục Vũ đời Đường, được mọi người xưng tôn là “Thánh trà”.

Còn ở Việt Nam, trà từ lâu đã trở thành một người bạn tâm giao thực sự. Trong lúc thưởng trà, người ta nhớ đến tri ân, tri kỷ hoặc suy ngẫm về người, về mình, về nhân tình thế thái trong cuộc đời này, từ đó tìm được khoảng lặng bình yên trong cuộc sống nhanh và xô bồ thời hiện đại.

Do đó, uống trà, thưởng trà là một cách con người linh thông với trời đất, hòa mình cùng thiên nhiên, và cũng là cách để con người thể hiện sự tôn kính với Thần Phật.

Thiện Đức
- Theo The Epoch Times.

Để tìm hiểu thêm, hãy đắm mình trong 927 tóm tắt với nghiên cứu về trà xanh trên GreenMedInfo.com.



BÀI CHỌN LỌC

Xua tan nỗi lo âu chỉ với một tách trà Matcha