Y học cổ truyền: Những sai lầm thường gặp khi cảm lạnh

Giúp NTDVN sửa lỗi

Khi thời tiết bắt đầu trở nên lạnh hơn, tỷ lệ mắc cảm lạnh và cúm cũng tăng lên. Theo Đông y cổ truyền, chúng ta cần tăng cường khí trên cơ thể để bảo vệ và phục hồi nhanh chóng. Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân khi bị cảm cúm lại áp dụng các biện pháp không phù hợp, làm khí bảo vệ cơ thể giảm nhanh chóng và khiến các triệu chứng trở nên nặng hơn.

Dựa trên lý thuyết của y học cổ truyền, rất nhiều loại bệnh được cho là do các ‘yếu tố bên ngoài cơ thể’, tức là các yếu tố trong môi trường của chúng ta gây ra. Những yếu tố này được phân thành 6 loại là phong (gió), hàn (lạnh), hỏa (nóng), táo (khô), thấp (ẩm) và thử (nắng nóng). Theo đó, nguyên nhân gây cảm lạnh thường là yếu tố từ bên ngoài.

Bệnh cạnh đó, khái niệm về ‘khí’ là một loại năng lượng thiết yếu của cơ thể, có thể hiểu là sinh lực. Để đạt được cân bằng trong cuộc sống và không gặp các vấn đề về sức khỏe thể chất hoặc tinh thần, cơ thể của chúng ta cần phải cân bằng về phương diện khí.

Khí có nhiều dạng, trong đó có một loại là “khí bảo vệ”. Vật chất này tồn tại chủ yếu trên bề mặt cơ thể, như một hàng rào bảo vệ tương đương với hệ thống miễn dịch bẩm sinh của con người. Khi khí bảo vệ trở nên yếu đi, các mầm bệnh sẽ dễ dàng tấn công vào cơ thể và dễ gây bệnh hơn.

Mục tiêu của nhiều phương pháp điều trị bằng y học cổ truyền là tăng cường khí bảo vệ cơ thể. Các phương pháp điều trị với mỗi người là khác nhau, và được lựa chọn phù hợp với tình trạng cá nhân của bệnh nhân, bởi vì tình trạng thể chất của mỗi người là khác nhau.

Tuy nhiên, có một số sai lầm phổ biến mà nhiều người có xu hướng mắc phải khi bị cảm làm cho khí bảo vệ cơ thể giảm nhanh chóng, dẫn đến triệu chứng cảm trở nên nặng hơn.

Thời điểm thích hợp để uống trà gừng

Hàng nghìn năm nay, người Phương Đông đã chữa cảm lạnh bằng các loại thảo mộc tự nhiên, trong đó có một số loại khá đơn giản, hiệu quả và được dân gian thường dùng phổ biến.

Gừng được sử dụng như một phương thuốc thảo dược trong nhiều thế kỷ để điều trị nhiều bệnh, từ viêm khớp đến đau bụng. Ngày nay, người ta vẫn thường dùng gừng khi bị cảm cúm.

Một kinh nghiệm thường thức mà mọi người hay nhắc đến: uống trà gừng có thể xua tan cảm lạnh ra khỏi cơ thể. Tuy nhiên, không phải lúc nào nó cũng có tác dụng.

Uống trà gừng có thể xua tan cảm lạnh ra khỏi cơ thể. (Ảnh: pexels.com)

Tại sao vậy? Uống trà gừng nên được thực hiện trong giai đoạn đầu của cảm lạnh. Nó có thể làm tăng nhiệt độ cơ thể, xua tan cảm lạnh gây bệnh và giảm các triệu chứng.

Tuy nhiên, nếu đã có triệu chứng viêm họng, điều này chứng tỏ cảm lạnh đã xâm nhập sâu vào cơ thể, gây viêm và cơ thể sẽ sinh nhiệt. Uống trà gừng ấm sẽ làm cơ thể càng nóng lên và thậm chí làm trầm trọng thêm các triệu chứng.

Không ăn đồ sống, đồ lạnh

Rau và trái cây là một phần quan trọng của chế độ ăn uống lành mạnh. Tuy nhiên, nên tránh các loại trái cây, rau quả sống và lạnh khi bị cảm.

Theo Trương Trọng Cảnh (150 – 219 sau Công nguyên), một danh y Trung Quốc cổ đại, những bệnh nhân bị cảm lạnh nên tránh những thức ăn lạnh, cay hoặc khó tiêu hóa. Vì khi cảm lạnh, hệ tiêu hóa sẽ yếu đi và không có khả năng hấp thụ tất cả các loại chất dinh dưỡng. Khi nước lạnh và thức ăn mang tính hàn đi vào dạ dày, dạ dày phải tiêu hao khí bảo vệ để làm nóng thức ăn lạnh trước khi tiêu hóa, điều này gây bất lợi cho cơ thể có thể hồi phục.

Thay vào đó, bệnh nhân có triệu chứng cảm lạnh chỉ đơn giản là nên mặc nhiều quần áo, giữ ấm cơ thể và ăn cháo. Nó sẽ tăng tốc độ phục hồi bằng cách giữ lại khí bảo vệ trong cơ thể và bổ sung nó một cách tự nhiên.

2 loại cảm lạnh - 2 công thức

Có hai loại cảm lạnh chính được phân loại trong Y học cổ truyền, đó là phong hàn (cảm lạnh) và phong nhiệt.

Cảm lạnh có đặc điểm là cảm giác ớn lạnh, nhức đầu, hắt hơi, ngứa họng và ho ra đờm trắng và trong. Đây thường là giai đoạn đầu tiên của cảm lạnh và có thể kéo dài vài giờ hoặc vài ngày.

Cảm mạo phong nhiệt là trạng thái sau khi các triệu chứng đã nặng lên, có đặc điểm chính là đau họng, sốt nhiều hơn ớn lạnh và ho ra đờm vàng.

Nếu các triệu chứng vẫn là của giai đoạn cảm lạnh, nên làm theo phương thuốc sau:

10 gam hành lá

6 gam đậu tương lên men

3 - 4 lát gừng

Cho nguyên liệu vào nồi cùng với 2 cốc nước, đun sôi trong 10 phút. Uống ba lần mỗi ngày.

Nếu các triệu chứng đã chuyển sang cảm phong nhiệt, có thể làm theo công thức sau:

3 gam hoa cúc

6 gram trà Long Tỉnh (một loại trà Trung Quốc)

Đun sôi với lượng nước bằng 2 cốc nước. Uống ba lần mỗi ngày.

Theo The Epoch Times Tiếng Anh

Quang Minh biên dịch

Xem thêm: Top 10 Loại Trái Cây Tốt Nhất Cho Bộ Não Khỏe Mạnh



BÀI CHỌN LỌC

Y học cổ truyền: Những sai lầm thường gặp khi cảm lạnh