Sau vụ cháy chung cư mini ở Hà Nội, nhiều khu chung cư đã bố trí khu vực để xe điện tách riêng, giữ khoảng cách với xe xăng, đồng thời trang bị thêm các thiết bị phòng cháy chữa cháy như bình chữa cháy, thang dây thoát hiểm.
Những ngày này, không chỉ đối với với các chung cư mini, mà nhiều tòa nhà chung cư hoặc cụm chung cư trong các đô thị cũng đang ráo riết trong việc bố trí chỗ để xe đạp, xe máy điện sao cho hợp lý, an toàn.
Tại một chung cư trên địa bàn phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, toàn bộ khu vực dành cho hơn 50 xe điện được sắp xếp đặt ngay gần lối vào hầm, có bảo vệ trông coi 24/24h, có camera quan sát. Ngoài ra, chung cư còn trang bị thêm các bình cứu hỏa, thậm chí đặt thêm một bể cát để phục vụ chữa cháy ngay gần khu vực xe điện.
Ông Nguyễn Văn Thắng, Trưởng Ban Quản lý cụm chung cư HH2 FGHKL, phường Yên Nghĩa cho biết trên báo VTV: ''Ban quản lý thông báo và khuyến cáo thời gian sạc xe điện từ 7h đến 23h. Sau 23h, Ban quản lý sẽ tắt áp riêng cấp cho nguồn sạc và sẽ không sử dụng được nữa''.
Với tòa nhà M5 thuộc phường Láng Hạ (quận Đống Đa), khu vực để xe điện nằm trọn trong tầm mắt của các bảo vệ kiểm soát ra vào tầng hầm. Toàn bộ khu vực xe điện được ngăn cách với xe xăng bằng lớp xe đạp để ngăn ngừa tối đa nguy cơ cháy lan. Chốt trực bảo vệ bố trí người giám sát 24/24h.
Còn tại Khu đô thị Kim Văn, Kim Lũ (quận Hoàng Mai), ban quản trị của các tòa nhà đã bố trí tạm một phần khu vui chơi trước khu vực tạm thời để làm nơi di chuyển toàn bộ xe đạp điện, xe máy điện đến khu vực này.
Cũng với mục đích an toàn phòng chống cháy nổ, tại tòa chung cư Vinaconex2 (quận Hoàng Mai), người dân được thông báo về việc xe đạp điện, xe máy điện sẽ được ban quản lý bố trí khu vực riêng biệt, vị trí cạnh với bảo vệ để thuận tiện theo dõi, ứng phó khi cần thiết. Ngoài ra, sau 23h hàng ngày, nguồn điện tại đây sẽ bị đóng lại, đồng nghĩa với việc xe không thể sạc trong thời gian này.
Chung cư Đại Kim (quận Hoàng Mai) cũng quy hoạch 2 khu vực để xe điện và xe xăng riêng biệt. Khu để xe điện được bố trí gần khu vực bảo vệ để dễ quan sát trong trường hợp xảy ra sự cố.
Chị L.N., chủ một nhà trọ cho sinh viên thuê tại Hà Nội cho biết, sau vụ cháy thương tâm tại Hạ Đình, không chỉ các chung cư mini mà người dân ai cũng lo lắng về vấn đề hỏa hoạn. Chủ nhà trọ này đã đề nghị người thuê không sạc xe điện qua đêm, không sạc xe điện ngoài sân khi trời mưa.
Chủ nhà trọ khẳng định chỉ nhắc nhở sinh viên có biện pháp đảm bảo an toàn khi sạc xe điện chứ không cấm.
Hiện nay, ngoài việc cấm sạc xe điện qua đêm, một số công ty tại Hà Nội còn cấm nhân viên cắm sạc các thiết bị điện cá nhân tại cơ quan. Một công ty tại Trần Duy Hưng (Cầu Giấy) đã yêu cầu nhân viên không được sạc xe điện tại cơ quan. Bảo vệ phải thường xuyên kiểm tra tình trạng pin xe điện gửi trong bãi. Thậm chí, công ty này đã cấm nhân viên sử dụng lò vi sóng để hâm nóng thức ăn. Ngoài ra, các thiết bị như ấm siêu tốc, sạc dự phòng, quạt sưởi cá nhân cũng bị cấm.
Dưới góc độ kỹ thuật, PGS.TS Đàm Hoàng Phúc, Giám đốc Chương trình đào tạo kỹ thuật ô tô thuộc Đại học Bách khoa Hà Nội, cho rằng quy định cấm sạc xe điện tại chung cư vì lo lắng hỏa hoạn mang tính cực đoan và sai lầm về khoa học.
"Nếu so sánh thì rõ ràng xăng dễ cháy hơn khi chỉ cần một tàn thuốc, một mồi lửa sẽ khiến ngọn lửa bùng lên. Trong khi đó, sự cố hỏa hoạn không dễ xảy ra với xe điện đạt chuẩn vì nó được bảo vệ nhiều lớp trong sản xuất", vị chuyên gia nói.
Đồng quan điểm, kỹ sư điện - điện tử Vũ Quang Tú nhận định việc sạc điện dẫn đến nổ pin chỉ là trường hợp cá biệt và "không nên quy chụp".
Theo các chuyên gia, động thái siết quy định sạc pin xe điện của những chủ nhà trọ, các đơn vị vận hành chung cư có điểm đúng, song không nên áp dụng máy móc và càng không nên cấm.
Việc tách riêng khu vực xe điện tại các hầm chung cư là cần thiết để thuận tiện quản lý. Vị trí này nên ở nơi thông thoáng, khô ráo, trong tầm quan sát của bảo vệ. Các chung cư có thể cắt nguồn sạc vào đêm, khi lực lượng bảo vệ không đủ trông coi.