10 sự kiện thế giới nổi bật nhất năm 2021 trên NTD Viet Nam

Giúp NTDVN sửa lỗi

Năm 2021 là năm đầy biến động trên toàn thế giới và ở Mỹ Quốc. Đại dịch dường như chưa có hồi kết, căng thẳng địa chính trị toàn cầu gia tăng và nạn khủng bố dường như quay trở lại. Dịch bệnh và thiên tai hoành hành khắp các châu lục đã cướp đi vô vàn sinh mệnh. Dưới đây là 10 sự kiện nổi bật của năm 2021 NTD Viet Nam điểm lại cùng đọc giả.

  1. Joe Biden Trở thành Tổng thống thứ 46 của Hoa Kỳ

Ngày 20/1, sau cuộc chiến pháp lý chưa có hồi kết của nhóm cựu Tổng thống Trump về tính trung thực của cuộc bầu cử 2020, ông Joe Biden tuyên thệ nhậm chức và trở thành người nắm quyền Nhà Trắng. Ông Biden bước vào Nhà Trắng với 306 phiếu đại cử tri trong khi Tổng thống Donald Trump giành được 232 phiếu. Cựu Tổng thống Trump không thừa nhận kết quả này và khởi kiện hàng loạt tiểu bang để vạch trần những bất thường và gian lận và thách thức kết quả kiểm phiếu .

Joe Biden Trở thành Tổng thống. Khẩu hiệu của ông là "Nước Mỹ đã trở lại". Ông đã nhiều lần đưa ra quan điểm này trong năm 2021. Ngay sau khi trở thành Tổng thống, ông nhanh chóng thực hiện lời hứa tăng cường quan hệ với các đồng minh của Mỹ. Ông đưa Hoa Kỳ trở lại Hiệp định Khí hậu Paris và Tổ chức Y tế Thế giới, gia hạn START mới trong 5 năm, tìm cách phục hồi thỏa thuận hạt nhân Iran và chấm dứt hỗ trợ của Hoa Kỳ cho các hoạt động quân sự tấn công ở Yemen. Những động thái này rời bỏ chính sách Nước Mỹ là trên hết của cựu Tổng thống Donald Trump và đã thu hút sự hoan nghênh ở nước ngoài. Các cuộc thăm dò ban đầu cho thấy hình ảnh của Hoa Kỳ ở nước ngoài đã được cải thiện rõ rệt.

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden. Ảnh: Chip Somodevilla/Getty Images

Tuy nhiên, khi năm 2021 trôi qua, nhiều quốc gia đã công khai thắc mắc về các chính sách đối ngoại của ông Biden khác nhau như thế nào và bền vững đến mức nào. Về các vấn đề quan trọng như Trung Quốc và thương mại, các chính sách của ông Biden khác với chính sách của người tiền nhiệm chỉ trên bề mặt chứ không phải về chất. Ông Biden cũng khiến nhiều đồng minh, đặc biệt là ở châu Âu, cảnh giác với thiên hướng hành động đơn phương.

Ông đã hủy bỏ đường ống Keystone XL, theo đó hủy 9 nghìn việc làm của Canada và Mỹ, rút quân ​​thất bại khỏi Afghanistan, tạo nên một hình ảnh nước Mỹ suy yếu và để lại hỗn loạn ở khu vực Trung Đông. Ông Biden cũng đảo ngược chính sách nhập cư của Trump khiến cuộc khủng hoảng biên giới Mỹ-Mexico leo thang chưa từng có trong lịch sử. Ông Biden ký kết thỏa thuận quốc phòng 3 bên Mỹ-Anh-Úc (AUKUS) mà không cần tham vấn ý kiến ​​với các đối tác quan trọng. Việc Afghanistan rút lui không suôn sẻ, triển khai AUKUS vụng về và tốc độ công bố đại sứ chậm cũng làm dấy lên nghi ngờ về năng lực của chính quyền Biden, vốn được cho là sức mạnh của chính quyền này.

Trong nước, cuộc khủng hoảng lạm phát, giá xăng dầu tăng, việc làm sau đại dịch không tăng như kỳ vọng, bạo lực gia tăng, biểu tình khắp nơi vì chính sách với vaccine... Tất cả tạo nên một nước Mỹ suy yếu và chia rẽ hơn bao giờ hết.

Với việc xếp hạng uy tín của Biden bị sụt giảm trên sân nhà và khả năng đảng Cộng hòa sẽ chiếm lại một hoặc cả hai viện của Quốc hội trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2022, các đồng minh của Hoa Kỳ bắt đầu suy nghĩ rằng Trump và America First có thể trở lại Nhà Trắng vào năm 2025.

  1. Mỹ rút quân thất bại khỏi Afganistan, Taliban trở lại nắm quyền

Taliban trở lại nắm quyền. Cuộc chiến của Hoa Kỳ ở Afghanistan đã kết thúc như nó bắt đầu hai mươi năm trước đó: với sự nắm quyền của Taliban. Vào năm 2020, Tổng thống Donald Trump đã đạt được một thỏa thuận với Taliban yêu cầu rút toàn bộ quân đội Mỹ trước ngày 1/5/2021. Hai tuần trước thời hạn đó, Tổng thống Joe Biden đã ra lệnh rằng việc rút quân hoàn toàn của Mỹ phải được kết thúc muộn nhất là ngày 11/9/2021, ngày đánh dấu hai mươi năm vụ tấn công 11/9.

Khi cuộc rút quân bắt đầu, Taliban bắt đầu thôn tính các tỉnh lỵ và quân đội Afghanistan sụp đổ. Tổng thống Afghanistan trốn ra nước ngoài và Taliban chiếm giữ đất nước một cách dễ dàng. Kabul thất thủ vào ngày 15/8, khiến hàng nghìn người nước ngoài mắc kẹt tại thủ đô. Hoa Kỳ đã phát động một nỗ lực lớn để sơ tán những người Mỹ mắc kẹt vào ngày 31/8, thời hạn do Taliban đặt ra.

Việc chính quyền Joe Biden rút quân đột ngột đã khiến Afghanistan rơi vào hỗn loạn. (Getty)

Việc rút quân của Hoa Kỳ kết thúc vào ngày 30/8, để lại hơn một trăm công dân Hoa Kỳ và khoảng 300.000 người Afghanistan có thể đã đủ điều kiện được cấp thị thực Hoa Kỳ khẩn cấp. Biden gọi việc triệt thoái là một “thành công phi thường”. Hầu hết người Mỹ không đồng ý và xếp hạng chấp thuận công khai của ông đạt mức thấp mới. Các chức sắc của Đồng minh gọi sự rút quân là "vô nghĩa" và là "sự suy yếu". Nhiều chính trị gia gọi đó là sự thất bại đáng xấu hổ trong số những thứ khác.

Hoa Kỳ đã chi hơn 2,3 nghìn tỷ đô la cho Afghanistan trong hai thập kỷ, tương đương khoảng 300 triệu đô la mỗi ngày trong hai mươi năm. Hơn 2.500 quân nhân Hoa Kỳ và 4.000 nhà thầu dân sự Hoa Kỳ đã chết ở Afghanistan. Số người Afghanistan thiệt mạng có thể lên tới 170.000 người. Mặc dù tuyên bố là khác biệt, chính phủ mới của Taliban cho đến nay vẫn trông giống và hành động giống như chính quyền đã làm kinh hoàng thế giới hai mươi năm trước và một cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn lại bùng phát.

  1. Đảo chính ở Myanmar

Cuộc đảo chính Myanmar năm 2021 bắt đầu vào rạng sáng ngày 1/2 khi các chính khách dân cử thuộc đảng cầm quyền, Liên minh Quốc gia vì Dân chủ, trong chính phủ dân sự của Myanmar bị Tatmadaw—tức Quân đội Myanmar—phế truất và trao lại quyền lực cho chính quyền quân phiệt. Tatmadaw ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài một năm và tuyên bố quyền lãnh đạo đất nước thuộc về Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Min Aung Hlaing. Cuộc đảo chính xảy ra một ngày trước khi các thành viên được bầu trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 11 năm 2020 tuyên thệ trước Quốc hội Myanmar, khiến cho quá trình này không thể diễn ra.

Cố vấn Nhà nước Myanmar - bà Aung San Suu Kyi (trái) và ông Min Aung Hlaing - Tổng tư lệnh quân đội Myanmar (phải). (LILLIAN SUWANRUMPHA,YE AUNG THU/AFP / Getty Images)

Đài truyền hình Myawaddy TV, do quân đội kiểm soát, đã thông báo về việc tiếp quản chính quyền và trích dẫn một phần của hiến pháp do quân đội soạn thảo cho phép quân đội nắm quyền kiểm soát trong giai đoạn tình trạng khẩn cấp quốc gia. Bản tin cho biết lý do của việc tiếp quản, một phần là do chính phủ đã không hành động trước những cáo buộc của quân đội về gian lận bầu cử tháng 11/2020 và việc họ không trì hoãn cuộc bầu cử trong bối cảnh cuộc khủng hoảng virus viêm phổi Vũ Hán. Tình trạng khẩn cấp đã được ban bố trong một năm.

Sau 10 tháng kể từ cuộc đảo chính của quân đội, ngày 6/12, Tòa án Myanmar tổ chức phiên tòa xử nhà lãnh đạo bị lật đổ Aung San Suu Kyi và tuyên 4 năm tù giam.

Đây là bản án đầu tiên trong một loạt các tội danh có thể khiến bà Suu Kyi bị giam trong tù suốt đời. Bà bị kết tội kích động bất đồng chính kiến ​​và vi phạm các quy tắc phòng ngừa Covid theo luật thiên tai.

Ông Win Myint, cựu tổng thống và đồng minh của đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Suu Kyi, cũng đồng thời bị kết án 4 năm cùng tội danh.

Quân đội đã nắm chính quyền với cáo buộc gian lận cử tri trong cuộc tổng tuyển cử được tổ chức vào năm ngoái, trong đó NLD - Đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ của bà Aung San Suu Kyi đã giành chiến thắng trong một cuộc chiến áp đảo.

Tuy nhiên, các nhà quan sát bầu cử độc lập cho biết các cuộc bầu cử phần lớn diễn ra một cách tự do và công bằng.

Cuộc đảo chính đã làm nổ ra các cuộc biểu tình lan rộng và quân đội Myanmar đã đàn áp những người biểu tình ủng hộ dân chủ, các nhà hoạt động và nhà báo.

Bà Suu Kyi là một trong số hơn 10.600 người đã bị quân đội chính phủ bắt giữ kể từ tháng Hai, và ít nhất 1.303 người khác thiệt mạng trong các cuộc biểu tình, theo nhóm giám sát Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị.

Cuộc đàn áp và sát hại dân thường vẫn liên tục diễn ra kể từ cuộc đảo chính. Vụ thảm sát gần đây nhất là cuộc thảm sát ngày Giáng sinh 25/12 tại làng Mo So phía Đông, ngay bên ngoài thị trấn Hpruso ở bang Kayah. Quân đội chính phủ Myanmar vây bắt dân làng, cả phụ nữ và trẻ em, bắn chết hơn 30 người, trong đó có 2 nhân viên của tổ chức từ thiện cứu trợ trẻ em. Quân đội Myanmar cũng thiêu sống các nạn nhân.

Ông Banyar Khun Aung, Giám đốc Nhóm Nhân quyền Karenni lên án: “Đó là một tội ác kinh khủng và là sự cố tồi tệ nhất trong lễ Giáng sinh. Chúng tôi cực lực lên án vụ thảm sát. Đó là tội ác chống lại loài người”.

Chính phủ quân đội của Myanmar không được công nhận trên trường quốc tế. Hội nghị Thượng đỉnh các nước ASEAN gần đây cũng đã bỏ qua nhà lãnh đạo quân sự của nước này.

  1. Lũ lụt ở Trung Quốc (thảm hoạ hầm Trịnh Châu)

Một báo cáo của Liên hợp quốc vào tháng 8 kết luận rằng, năm 2021, nhân loại phải đối mặt với biến đổi khí hậu thảm khốc. Thời tiết khắc nghiệt đã thống trị các tin tức vào năm 2021, giống như nó đã xảy ra trong phần lớn thập kỷ qua. Hạn hán kỷ lục bao trùm miền tây nam nước Mỹ. Lũ lụt kỷ lục tàn phá Bỉ và miền Tây nước Đức. Những trận cháy rừng trên diện rộng tàn phá đất nước Hy Lạp. Gió mùa tàn phá Ấn Độ và Nepal.

Nhưng thảm họa kinh hoàng nhất của năm 2021 không thể bỏ qua trận lũ lụt càn quét Trịnh Châu hồi cuối tháng 7. Ngày 20 tháng 7 năm 2021, thành phố Trịnh Châu ở tỉnh Hà Nam đã hứng chịu một thảm họa lũ lụt hy hữu, toàn bộ thành phố bị tàn phá bởi dòng nước chảy xiết, cướp đi sinh mạng được cho là hàng nghìn người.

Mới đây, một đoạn video do người dân ở Trịnh Châu đăng tải đã cho thấy, cơn sóng vàng cuốn trôi dân chúng và xe cộ, ngập đường hầm trên đường Kinh Quảng, tràn vào tàu điện ngầm và nuốt chửng những đoàn tàu vẫn đang hoạt động với tốc độ nhanh, nước ngập đến ngực của nhiều hành khách trên tàu.

Ô tô ngụp lặn trong nước lũ sau khi mưa lớn đổ xuống thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, miền trung Trung Quốc vào ngày 21/7/2021. (STR / AFP qua Getty Images)

Trong khoang tàu đầy nước, tối om ngột ngạt ấy, họ đứng lặng lẽ nhìn nhau với ánh mắt vô vọng và bất lực, một sự im lặng đáng sợ, chỉ có âm thanh của nước lũ là không ngừng ào ào chảy xiết, len lỏi qua các khe hở của tàu điện ngầm, mực nước bên ngoài bắt đầu cao hơn trong khoang tàu, có người giơ tay chạm lên tấm kính thành tàu, chỉ thấy mực nước bên ngoài đã cao hơn tầm tay, mỗi người đều giơ một tay nắm chặt tay nắm bên trên thanh sắt để không ngã hay trôi đi, đó là sự bấu víu tồn tại duy nhất lúc ấy… Có lẽ sẽ nhanh chóng nhấn chìm tất cả, cảm giác đếm ngược từng giây của những con người dưới lòng đất thật kinh hoàng…

Sau khi lũ rút, lộ ra vô số thi thể các nạn nhân nằm la liệt trên đường phố và các ga tàu điện ngầm, lượng lớn xe hơi bị lật đổ chất đống ngổn ngang trên đường, nhiều phương tiện còn chìm trong nước, quang cảnh hỗn độn không khác gì vừa trải qua một cuộc chiến. Trận lũ lụt lần này đã gây ra những tổn thất khôn lường về người và của.

Chính quyền Bắc Kinh bí mật về con số nạn nhân, thông báo ban đầu chỉ 80 người tử nạn; nhưng hàng trăm ngàn chiếc ô tô trong đường hầm trở thành vô chủ và những chiếc xe bus bịt kín cửa sổ chở xác chết khiến không ai tin vào con số mà Bắc Kinh công bố. Thảm hoạ Trịnh Châu bị nghi ngờ do chính quyền xả lũ có thể đã cướp đi sinh mạng của hơn 240 ngàn người.

Đây không những là thảm họa thiên tai "nghìn năm có một" mà còn là thảm họa nhân tai.

5. Quốc tế tẩy chay Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh

Thế vận hội Mùa đông dự kiến ​​khai mạc vào ngày 4/2/2022 tại Bắc Kinh. Kể từ năm 2020, rất nhiều tổ chức nhân quyền và các nhà dân chủ đã đứng ra kêu gọi tẩy chay thế vận hội tổ chức ở quốc gia này. Đến nay khi thời điểm Olympic ngày càng đến gần thì làn sóng tẩy chay lại càng trở nên dữ dội hơn.

Nhà nghiên cứu Trung Quốc Trương Kiện cho biết, khi Bắc Kinh đăng cai Thế vận hội Mùa hè năm 2008, khắp nơi đã kêu gọi tẩy chay. Những người ủng hộ khi đó cho rằng, sự kiện thể thao lớn này sẽ khiến Trung Quốc có cái nhìn lại, cải thiện tình trạng nhân quyền.

Thế nhưng 13 năm trôi qua, ĐCSTQ không những không trở nên tốt đẹp hơn mà còn ngày càng tàn bạo, người dân nước này đang phải sống trong một thời đại sợ hãi. “Vì vậy, tẩy chay Thế vận hội Mùa đông đã trở thành một nỗ lực về nhân quyền của những người khao khát tự do, công lý và hòa bình”, ông Trương nói.

Logo của Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh. (Lintao Zhang / Getty)

Ngày 2/12, Chủ tịch Quốc hội và Hành chính Ủy ban các vấn đề về Trung Quốc, Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ Mỹ, ông Jeff Merkley cùng ông James McGovern, đồng Chủ tịch của Ủy ban, đại diện Đảng Dân chủ, đã tuyên bố khởi động dự án “Tù nhân Olympic” (Olympic Prisoner) và chỉ trích Trung Quốc làm ô uế tinh thần Thế vận hội.

Họ tuyên bố sẽ tập trung vào những người ở Trung Quốc đã bị bỏ tù oan, đồng thời khuyến khích mọi người tuyên truyền, kêu gọi buộc ĐCSTQ trả tự do cho các tù nhân lương tâm, để tránh bôi nhọ tinh thần của Thế vận hội.

Chính quyền Bắc Kinh đã từ lâu bị cáo buộc có hành vi đàn áp tàn bạo đối với cộng đồng các học viên Pháp Luân Công, người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở tỉnh Tân Cương, Tây Bắc Trung Quốc người Tây tạng và các nhóm thiểu số tôn giáo khác.

Các nhóm nhân quyền tin rằng, các học viên Pháp Luân Công đã và đang bị bức hại hơn 20 năm qua với hàng chục nghìn người bị đánh đập, giam cầm và tra tấn đến chết. Ngoài ra, nhiều học viên Pháp Luân Công bị mổ sống để thu hoạch nội tạng cung cấp cho thị trường cấy ghép trị giá hàng tỷ USD được nhà nước Trung Quốc bảo trợ.

Hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ đã bị giam giữ trong vài năm qua trong một mạng lưới rộng lớn mà nhà nước gọi là "trại cải tạo", và hàng trăm nghìn người bị kết án tù. Cũng có bằng chứng cho thấy người Duy Ngô Nhĩ đang bị cưỡng bức lao động khổ sai và phụ nữ bị cưỡng bức triệt sản. Một số cựu tù nhân cũng đã cáo buộc họ bị tra tấn và lạm dụng tình dục.

Đến nay đã có 20 quốc gia gồm Mỹ, Canada, Anh, Úc, Nhật Bản, Ấn Độ… từ chối ký vào nghị quyết “Thỏa thuận Ngừng tấn công Olympic” để phản đối Bắc Kinh đăng cai Thế vận hội do các vi phạm nhân quyền.

Ngày 6/12, chính quyền Biden thông báo sẽ không cử quan chức chính phủ nào tham dự Thế vận hội Bắc Kinh. Vương quốc Anh, Úc và Canada đã gia nhập Hoa Kỳ. Chính phủ Nhật Bản cũng quyết định đứng về phía Hoa Kỳ, không cử đoàn ngoại giao tham dự Thế vận hội.

Đáp lại lời từ chối trên, ngày 6/12, ông Triệu Lập Kiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng việc kêu gọi tẩy chay Thế vận hội 2022 là hành động quá khích. Ông khuyên Washington nên dừng làn sóng này để không ảnh hưởng đến đối thoại và hợp tác giữa 2 nước Mỹ và Trung Quốc. “Nếu Mỹ cố ý thực hiện chủ trương này, Trung Quốc sẽ có các biện pháp đối phó kiên quyết”, ông nói thêm.

6. Mỹ không kích trả thù IS-K ở Afghanistan nhầm mục tiêu vào thường dân và trẻ em

Trong những ngày cuối cùng Mỹ rút quân khỏi Afghanistan, một vụ đánh bom liều chết của Nhà nước Hồi giáo tại sân bay Kabul đã làm thiệt mạng 13 lính Mỹ. Vụ việc làm bùng lên chỉ trích gay gắt với chính quyền ông Biden khi đó; thậm chí là kêu gọi ông Biden phải từ chức. Sự tức giận và thất vọng của cử tri Mỹ dành cho chính quyền ông Biden tăng mạnh bởi các cử tri tin rằng màn rút quân thảm bại của Mỹ ở Afghanistan trở thành một vết nhơ trong lịch sử nước Mỹ. Sự rút lui thất bại của Mỹ ở Afghanistan lại trở thành cơ hội cho kẻ thù của Mỹ lớn mạnh hơn, hung hăng hơn ở Trung Đông.

Trước sức ép mạnh mẽ của dư luận, Lầu Năm Góc và Nhà Trắng buộc phải làm gì đó để xoa dịu dư luận. Bởi vậy, như một hành động mang tính đáp trả Taliban, quân đội Mỹ mở cuộc tấn công bằng máy bay không người lái, được cho là nhằm vào một kẻ đánh bom liều chết của Nhà nước Hồi giáo IS-K, nhằm trả đũa cho tổn thất của quân đội Mỹ tại sân bay Kabul.

Cư dân Afghanistan và các thành viên gia đình của các nạn nhân tập trung bên cạnh chiếc xe bị hư hỏng bên trong một ngôi nhà, một ngày sau cuộc không kích bằng máy bay không người lái của Mỹ ở Kabul, Afghanistan, vào ngày 30/8/2021. (Wakil Kohsar / AFP qua Getty Images)

Thế nhưng, đúng như cáo buộc từ phía Afghanistan, Lầu Năm Góc buộc phải thừa nhận cuộc tấn công trả đũa là ‘nhầm mục tiêu’ dẫn đến hậu quả 10 thường dân vô tội Afghanistan, trong đó có 7 trẻ em phải thiệt mạng.

Các nhà lãnh đạo quân sự Hoa Kỳ đã nhiều lần miêu tả cuộc tấn công là một cuộc tấn công thành công, ngay cả khi các thành viên gia đình của những người đã thiệt mạng khẳng định không có mối liên hệ nào giữa họ và nhóm IS-K.

“Tại thời điểm này, chúng tôi nghĩ rằng các thủ tục đã được tuân thủ một cách chính xác và đó là một cuộc tấn công chính đáng”, Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, cho biết tại Washington vào ngày 1/9.

Tuy nhiên, thứ Sáu ngày 17/9, tướng McKenzie tiết lộ kết quả của cuộc điều tra, cho thấy cuộc không kích đã giết chết 10 thường dân, trong đó có 7 trẻ em và 3 người lớn.

Ông nói: “Hơn nữa, chúng tôi hiện đánh giá rằng không có khả năng chiếc xe và những người thiệt mạng có liên quan đến IS-K hoặc là mối đe dọa trực tiếp đối với lực lượng Hoa Kỳ. Tôi xin gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình và bạn bè của những người đã thiệt mạng. Cuộc tấn công này được thực hiện với niềm tin nghiêm túc rằng nó sẽ ngăn chặn một mối đe dọa sắp xảy ra đối với lực lượng của chúng ta và những người sơ tán tại sân bay. Nhưng đó là một sai lầm, và tôi xin chân thành xin lỗi. Với tư cách là chỉ huy chiến đấu, tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm về cuộc tấn công và kết cục bi thảm này”.

  1. Khủng hoảng Biên giới Ukraine

NTD VIETNAM trước đây bình luận, sự mở rộng của NATO về phía Đông đã sớm trở thành mối bất bình chính của Điện Kremlin đối với Hoa Kỳ và các đồng minh. Các quan chức chính quyền Mỹ, đương nhiên, luôn khẳng định rằng việc mở rộng không nhằm vào Nga và các nhà lãnh đạo Nga. Trong hồi ký của mình, ngoại trưởng của Clinton, bà Madeleine Albright, khẳng định rằng mục tiêu của Mỹ, NATO và các thành viên NATO mới gia nhập từ khối Hiệp ước Warsaw (của Liên Xô cũ) đều để ‘tạo ra một phạm vi lợi ích chung, trong đó mọi quốc gia sẽ sống trong an ninh”.

Không có khả năng bà Albright thực sự tin rằng việc NATO tiến về phía đông không nhằm vào Nga. Càng không có khả năng các nhà lãnh đạo Nga, quan chức Nga tin rằng sự mở rộng của NATO là vô hại với Nga. Ngay khi Ba Lan tham gia vào khối NATO, dàn tên lửa phòng không của Mỹ đã lập tức được đặt sát biên giới Ba Lan; nơi gần nhất với xương sườn phía đông của nước Nga.

Quân nhân Ukraine với xe tăng của họ gần chiến tuyến đụng độ với quân ly khai do Nga hậu thuẫn gần Lysychansk, Ukraine, vào ngày 7/4/2021. (STR / AFP qua Getty Images)

Động thái này của NATO đã khiến Nga nổi giận và tăng cường quân đội ở biên giới với Ucraine, dùng Ukraine làm bàn đạp để định hình lại quyền lực của Moscow ở châu Âu.

Ukraine cáo buộc Nga điều hàng chục nghìn quân sát biên giới nước này. Ukraine lo ngại Nga có thể đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công quân sự quy mô lớn có thể xảy ra. Đông thái này diễn ra khi Ukraine cương quyết gia nhập NATO. Nga từng tuyên bố Ukraine là giới hạn đỏ của họ; Nga sẽ hành động bằng quân sự nếu nước này cố chấp gia nhập NATO - khối liên minh quân sự dẫn đầu bởi Mỹ.

Ngày 10/12, Nga yêu cầu NATO hủy bỏ cam kết về tư cách thành viên năm 2008 với Ukraine và Gruzia và nói rằng liên minh NATO cần hứa không triển khai vũ khí ở các quốc gia giáp biên giới với Nga vì nó có thể đe dọa an ninh của nước này, AP đưa tin.

Tổng thống Mỹ ông Joe Biden cho biết ông nói với Tổng thống Nga Vladimir Putin rằng Nga sẽ phải trả "một cái giá khủng khiếp" và đối mặt với hậu quả kinh tế tàn khốc nếu xâm lược Ukraine. Nhóm G7 cũng gửi thông điệp tương tự tới ông Putin sau cuộc họp ở Liverpool hôm thứ Bảy vừa qua.

Trang Reuters trích lời từ Biden: “Tôi đã nói rõ với Tổng thống Putin ... rằng nếu ông ấy di chuyển đến Ukraine, hậu quả kinh tế đối với nền kinh tế của ông ấy sẽ rất tàn khốc, khủng khiếp". Ông Biden nói sau khi phát biểu về cơn lốc xoáy chết người tấn công Hoa Kỳ gây tổn thất vô cùng lớn.

Tổng thống Biden, người đã có cuộc gọi video với ông Putin qua điện thoại trong hai giờ vào tuần trước, cho biết ông đã nói rõ với nhà lãnh đạo Nga rằng vị thế của Nga trên thế giới sẽ thay đổi "rõ rệt" trong trường hợp Nga xâm nhập vào Ukraine.

Theo Reuters, Tổng thống Vladimir Putin hôm thứ Ba 21/12 nói rằng Nga không thể nhượng bộ trong thế đối đầu với Hoa Kỳ về vấn đề Ukraine và sẽ buộc phải có một phản ứng cứng rắn trừ khi phương Tây từ bỏ "đường lối gây hấn" của mình.

Nhiều yêu cầu của Moscow, bao gồm cả việc ngăn chặn tư cách thành viên NATO đối với Ukraine và việc rút quân đội Hoa Kỳ và các đồng minh khác khỏi Đông Âu, được Washington và các đối tác coi là không có cơ sở.

  1. Mỹ, Liên Hợp Quốc và thế giới lên án cuộc diệt chủng lạnh ở Trung Quốc

Cả chính quyền Trump và Biden đều coi việc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ ở Trung Quốc là hành động diệt chủng. Tiến sĩ Miles Yu, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, cố vấn cho cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo khi còn đương nhiệm về các chiến lược liên quan đến Trung Quốc, đang thực sự ủng hộ quan điểm rằng không chỉ có một cuộc diệt chủng của người Duy Ngô Nhĩ, mà còn có cuộc diệt chủng khác đang chống lại Pháp Luân Công.

Pháp Luân Công là một môn tu luyện của Phật gia bao gồm các bài giảng về đạo đức theo nguyên lý Chân - Thiện - Nhẫn và 5 bài công pháp chậm rãi an hòa. Pháp Luân Công bắt đầu được người sáng lập là ông Lý Hồng Chí phổ biến ở Trung Quốc vào đầu những năm 1990. Năm 1999, sau 7 năm được người truyền người, số người theo tập Pháp Luân Công ở Trung Quốc lên tới 70 đến 100 triệu người, theo số liệu của Nhà nước Trung Quốc. Sự phát triển nhanh chóng của Pháp Luân Công đã khiến Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) coi là mối đe dọa lớn nhất và vô cùng lo sợ. Ngày 20/7/1999, lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân phát động chiến dịch đàn áp đề “xóa sổ” môn tu luyện tĩnh tại Pháp Luân Công.

Mục đích của một cuộc diệt chủng là nhằm làm biến mất một nhóm người. Những cuộc diệt chủng trước đây đều bị nhiều quốc qua phản đối. Tuy nhiên, cuộc diệt chủng Pháp Luân Công lại hầu như không được nhắc đến trên các phương tiện truyền thông và diễn đàn học giả quốc tế trong một thời gian dài, cũng chính vì cuộc diệt chủng này có nhiều đặc điểm khác biệt.

Cuộc đàn áp tiêu diệt Pháp Luân Công được coi là một cuộc diệt chủng lạnh vì nó có 3 đặc điểm: một là hủy hoại nạn nhân trên nhiều phương diện, hai là diễn ra âm thầm và khó phát hiện, và ba là thông qua tuyên truyền, tội ác được bình thường hóa ở xã hội.

Thu hoạch và cấy ghép nội tạng từ những tù nhân lương tâm đem lại một nguồn thu khổng lồ cho ĐCSTQ... (Ảnh: Getty Images)
Minh họa tra tấn: Dùng kìm cạy miệng để bức thực. (Ảnh: minghui.org)
  • Cuộc bức hại Pháp Luân Công hủy hoại nạn nhân trên nhiều mặt: thân thể, tinh thần và xã hội.

Hủy hoại thân thể: Theo thông tin từ trang Minhhue, một trang web chuyên ghi lại cuộc đàn áp Pháp Luân Công ở Trung Quốc, nếu không chấp nhận từ bỏ tu luyện, học viên Pháp Luân Công sẽ bị tra tấn về thể xác bằng nhiều hình thức như: đánh đập, cưỡng hiếp, không cho ngủ, sốc điện bằng dùi cui và bị tiêm thuốc tâm thần. Việc tra tấn trở nên bình thường và nhiều trong số họ bị bức hại đến chết. Sự hủy hoại còn tàn ác hơn khi các học viên bị tiến hành thu hoạch nội tạng cưỡng bức. Không ai có thể sống sót sau khi các cơ quan nội tạng chính của mình như: tim, gan, thận…bị cắt bỏ. Chính quyền Trung Quốc đã phát triển cơ sở hạ tầng cho ngành công nghiệp ghép tạng một cách thần tốc từ, năm 2000 -2004 số lượng trung tâm cấy ghép ở Trung Quốc tăng từ khoảng 150 đến hơn 1000, trong khi đó thời gian chờ ghép tạng lại giảm một cách đáng kể xuống còn từ 1 đến 4 tuần. Số lượng ca ghép tăng từ 4000 ca năm 1999 lên hơn 13.000 ca năm 2004. Các học viên khi bị bắt giam sẽ bị cưỡng bức phải thăm khám y khoa và làm các xét nghiệm máu để kiểm tra sự tương thích với nội tạng của khách hàng rồi bị giết để lấy nội tạng nếu phù hợp.

Hủy hoai tinh thần: ĐCSTQ xây dựng hoàng loạt các trung tâm tẩy não và cải tạo nhằm ép các học viên phải từ bỏ đức tin của mình. Nếu không ngoài những hình thức tra tấn về thân thể họ còn phải chịu thêm các hình thức tra tấn về tâm lý khác. Họ bị ép phải chọn một trong hai cái chết: chết về tinh thần hoặc chết về thể xác.

Hủy hoại về mặt xã hội: ĐCSTQ đã cố gắng hủy diệt sự tồn tại về mặt xã hội của các học viên bằng cách tuyên truyền có hệ thống, tước đoạt nhân phẩm và tà giáo hóa các học viên. Họ đã khiến các học viên Pháp Luân Công và xã hội trở thành hai cực đối lập. Học viên sẽ bị mất việc làm khi bị phát hiện ở nơi làm việc, họ cũng bị tước đoạt quyền được học tập. Ngoài ra Đảng cộng sản còn thưởng cho những ai khai báo thông tin của Học viên. Họ đã biến người thân, bạn bè, bạn tâm giao trở thành kẻ thù của học viên.

  • Cuộc bức hại diễn ra âm thầm, ẩn dấu, khó phát hiện

Cuộc diệt chủng này diễn ra kín đáo và khó phát hiện vì 3 nguyên nhân: một là nó diễn ra với tốc độ chậm, tác hại của nó trải dài theo thời gian và không gian. Cuộc diệt chủng này đã kéo dài hơn 22 năm và cho đến nay nó vẫn còn đang tiếp tục. Hai là, nó được che đậy một cách có hệ thống bởi những tuyên truyền những thông tin sai lệch, xóa bỏ dữ liệu về các thông tin có thể liên quan đến tội ác như: số lượng các ca cấy ghép tạng, ngoài ra còn có sự kiểm duyệt internet các từ khóa liên quan đến Pháp Luân Công. Ba là sư cô lập của các học viên khi bị tuyên truyền kích động thù hận trong dân chúng và bị tà giáo hóa.

  • Tội ác được bình thường hóa ở xã hội

Thứ nhất, với quyền lực tuyệt đối của mình phòng 610 đã chi phối hết tất cả các cơ quan công lập và dân sự. Các chi nhánh của văn phòng này đã truyền tải các thông điệp chống Pháp Luân Công. Bằng cách tạo ra nền văn hóa chính trị bạo lực thông qua việc thường xuyên sử dụng bạo lực và tuyên truyền Đảng Cộng sản Trung Quốc đã tạo ra một xã hội nơi mà bạo lực được coi là điều hiển nhiên.

Ước tính cho đến thời điểm hiện tại, hàng triệu học viên Pháp Luân Công bị bức hại, tra tấn, giam cầm, cưỡng bức lao động và bị thu hoạch nội tạng kiếm lời ở Trung Quốc.

  1. Lời nói dối thế kỷ của bà Hillary Clinton

5 năm qua, Hoa Kỳ đã tranh cãi về hồ sơ Steele khét tiếng, tài liệu mà FBI dựa vào đó để điều tra chiến dịch tranh cử năm 2016 của cựu Tổng thống Donald Trump. Hồ sơ này được gọi là vụ Russiagate, nhưng lẽ ra nó phải được gọi là hồ sơ Clinton mới phải.

Hồ sơ Clinton sẽ bị coi là một trong những vụ bê bối lớn nhất trong lịch sử chính trị Hoa Kỳ, không chỉ vì bề rộng của trò lừa bịp, mà còn về thời gian cho đến khi vụ việc sự thật được tiết lộ.

Vụ bê bối Nga-Trump là dối trá, lừa đảo. Chiến dịch của Hillary Clinton đã trả tiền cho công ty luật Perkins Coie cho các dịch vụ khác nhau, bao gồm cả nghiên cứu phe đối lập. Perkins Coie thuê Fusion GPS, "một công ty tình báo chiến lược" trả tiền cho cựu điệp viên người Anh Christopher Steele để điều tra Donald Trump.

Nguồn chính của Steele là Igor Danchenko, một công dân Nga từng làm việc cho tổ chức tư vấn của Viện Brookings. Danchenko đã thu thập thông tin từ những gì lúc đầu anh ta khẳng định là “mạng lưới các nguồn phụ” ở Nga. Sau đó, ông ta tiết lộ rằng ông ta chỉ hỏi mọi người về những tin đồn - hoặc thông tin bịa đặt. Năm 2017, ông thừa nhận rằng đó là "tin đồn và suy đoán".

Hillary Clinton có bài phát biểu nhượng bộ sau khi bị tổng thống đắc cử của Đảng Cộng hòa Donald Trump đánh bại tại New York vào ngày 9/11/2016. (Jewel Samad / AFP / Getty Images)

Theo bản tin trên The Epoch Times tháng 1/2021, những tin tức được tiết lộ từ cuộc phỏng vấn của FBI với cựu điệp viên người Anh Christopher Steele cho thấy, anh ta đã phản bội FBI. Bởi vì FBI mở lại cuộc điều tra bà Hillary Clinton, người bị cáo buộc đã thực hiện công việc của chính phủ thông qua một email server riêng và trái phép, nên Steele đã tiết lộ cuộc phỏng vấn cho giới truyền thông theo chỉ đạo của thân chủ là bà Clinton.

Không còn nghi ngờ gì nữa, vụ bê bối Russiagate phải được gọi là "Hồ sơ Clinton" và bà Clinton có thể sẽ phải ngồi tù.

10. Vaccine COVID không như kỳ vọng và bùng nổ cuộc chiến phản đối chính sách tiêm chủng bắt buộc trên toàn cầu.

Vaccine COVID-19 xuất hiện khi virus corona đột biến thành biến thể Delta. Các loại vaccine được tạo ra để chống lại virus corona mới có thể cùng với vaccine đậu mùa, bại liệt và sởi, quai bị và rubella như những tiến bộ lớn trong việc cứu sống và giảm tỷ lệ nhiễm bệnh.

Tốc độ phát triển vaccine COVID-19 thật đáng kinh ngạc. Trong lịch sử, vaccine đã mất từ ​​mười đến mười lăm năm để phát triển. Thời gian nhanh nhất để tạo ra vaccine quai bị là 4 năm. Vaccine COVID-19 được tạo ra trong vòng chưa đầy một năm. Vaccine Pfizer và Moderna cho thấy hiệu quả hơn 90% đối với các biến thể COVID-19 ban đầu và giảm tỷ lệ nhập viện và tử vong với biến thể Delta, được xác định lần đầu tiên vào tháng 12 năm 2020 tại Ấn Độ, có khả năng lây nhiễm mạnh hơn các chủng trước đó.

ntdvn_vaccine-5926664-1920

Hơn 7,4 tỷ liều vaccine đã được sử dụng tại 184 quốc gia trong 11 tháng đầu năm 2021, với 70 quốc gia được nhận tài trợ. Thật không may, vaccine COVID đang trong quá trình thử nghiệm và cho thấy một số tác dụng phụ như gây ra chứng đông máu hoặc viêm cơ tim, chủ yếu ở các bé trai. Có nhiều người đã tử vong sau khi tiêm vaccine. Điều này đã khiến nhiều người nghi ngại và từ chối tiêm vaccine.

Tuy nhiên, do biến thể Delta phát triển quá nhanh. Các quốc gia có xu hướng bắt buộc tiêm vaccine. Ở Mỹ, người không tiêm vaccine có xu thế bị kỳ thị và mất việc làm. Điều này đã dấy lên làn sóng phản đối. Vào tháng 11 năm 2021, các nhà khoa học Nam Phi đã xác định được sự xuất hiện của biến thể Omicron. Trong vòng vài tuần, nó đã được tìm thấy trên khắp thế giới.

Khi năm 2021 kết thúc, vẫn chưa rõ liệu Omicron có đưa ra một mối đe dọa sức khỏe lớn hơn hay sẽ đẩy nền kinh tế toàn cầu vào một vòng xoáy khác. Điều rõ ràng là hơn 5 triệu người trên toàn cầu và 800.000 người Mỹ đã chết vì COVID-19.

Nguyên Hương

Tài liệu tham khảo:

https://www.npr.org/2021/12/23/1066359896/how-2021s-floods-and-heat-waves-are-signs-of-whats-to-come

https://www.ntdvn.net/tuong-thuat-tuan-hanh-thu-do-washington-125585.html

https://www.ntdvn.net/the-gioi/dao-chinh-o-mien-dien-lanh-dao-aung-san-suu-kyi-dang-bi-giam-giu-137716.html

https://www.ntdvn.net/tham-sat-o-myanmar-trong-ngay-giang-sinh-nan-nhan-bao-gom-ca-phu-nu-va-tre-em-294595.html

https://www.ntdvn.net/van-hoa/lu-lut-trinh-chau-su-that-lanh-lung-an-sau-dong-lu-xiet-222683.html

https://apnews.com/article/coronavirus-pandemic-health-business-pandemics-london-7004e1f1b1847b9831623e6adcedb5f3

https://www.ntdvn.net/the-gioi/cuu-quan-chuc-hoa-ky-cuoc-dan-ap-phap-luan-cong-tai-trung-quoc-la-mot-cuoc-diet-chung-230980.html

https://www.ntdvn.net/trung-quoc/duong-ham-trinh-chau-co-the-da-chon-vui-it-nhat-4000-nguoi-220639.html



BÀI CHỌN LỌC

10 sự kiện thế giới nổi bật nhất năm 2021 trên NTD Viet Nam