2 năm Hiệp định Abraham: Nhìn lại phương pháp tiếp cận các vấn đề đối ngoại của ông Trump

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hiệp định Abraham là tuyên ngôn về hòa bình, nhân ái và tự do giữa các quốc gia thực hành 3 tôn giáo có khởi nguồn từ Abraham: Kitô giáo, Do Thái giáo và Hồi giáo. Hiệp định hòa bình lịch sử này là di sản của cựu Tổng thống Donald Trump sau khi ông Trump rút nước Mỹ khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran tai hại. Vào thời điểm mà chính quyền Biden đang tái đàm phán về Thỏa thuận hạt nhân Iran, sẽ hữu ích khi nhìn lại phương pháp tiếp cận các vấn đề đối ngoại của ông Trump.

Sau gần hai thập kỷ gắn bó với Tổ chức Trump (Trump Organization), ông Jason Greenblatt đã được Tổng thống Donald Trump bổ nhiệm làm Đặc phái viên Tòa Bạch Ốc về Trung Đông. Ông đóng vai trò quan trọng trong Kế hoạch từ Hòa bình đến Thịnh vượng (Peace to Prosperity Plan) - một kế hoạch giúp giải quyết xung đột giữa Israel và Palestine, cũng như Israel và các quốc gia Ả Rập láng giềng.

Thành viên Nhóm hòa bình Trung Đông gồm có ông Jared Kushner - con rể của cựu Tổng thống Trump, ông David Friedman - Đại sứ Mỹ tại Israel và ông Greenblatt. Ông Greenblatt cho biết đức tin Do Thái đã làm nên sự gắn kết trong nhóm; đây cũng là điều mà những đối tác Hồi giáo của họ ở mọi quốc gia có thể hiểu và tôn trọng.

Trước những chỉ trích rằng cả 3 thành viên trong nhóm đều là người Do Thái và thân Israel và chỉ có ông Friedman là nhà ngoại giao duy nhất, ông Greenblatt cho rằng những yếu tố này lại có tác dụng nâng cao hiệu quả hoạt động của nhóm. Ông nói, Hiệp định lịch sử Abraham được ký kết là minh chứng cho điều ấy.

2 năm Hiệp định Abraham: Nhìn lại phương pháp tiếp cận các vấn đề đối ngoại của ông Trump qua lời kể của cựu Đặc phái viên về Trung Đông
Ông Jason Greenblatt - Đặc phái viên về Trung Đông dưới thời Tổng thống Donald Trump và tác giả của cuốn sách "In the Path of Abraham: How Donald Trump Made Peace in the Middle East – and How to Stop Joe Biden from Unmaking It" (Hiệp định Abraham: Donald Trump đã tạo ra hòa bình ở Trung Đông như thế nào - và làm sao để ngăn Joe Biden phá hủy điều ấy) - tại New York, Mỹ, ngày 23/08/2022. (Ảnh: Jack Wang / The Epoch Times)

Hiệp định Abraham & Quyết định của người Palestine

Hiệp định Abraham là tuyên ngôn về hòa bình, khoan dung và tự do giữa các quốc gia thực hành 3 tôn giáo có khởi nguồn từ Abraham: Kitô giáo, Do Thái giáo và Hồi giáo.

Mối quan hệ ngoại giao và kinh tế giữa Israel với Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Vương quốc Bahrain, Sudan và Vương quốc Maroc đều đã được cải thiện kể từ khi hiệp định được ký kết.

Ông Greenblatt gọi Hiệp định Abraham là “thỏa thuận bình thường hóa” giữa Israel và các nước láng giềng.

“Những gì nhóm chúng tôi có là niềm tin vào Donald Trump. Chúng tôi đã sử dụng cách tiếp cận về kinh tế và pháp lý, không phải [chỉ] là cách tiếp cận ngoại giao”, ông Greenblatt nói.

Mặc dù các nước ký kết hiệp định không có bất kỳ cuộc xung đột vũ trang nào với Israel, nhưng lại có một thái độ thù địch chung đối với Israel. Tuy vậy, sau khi hiệp định được ký kết, các quốc gia này đã mở cửa giao thương, đi lại và đối thoại với Israel.

“Những trải nghiệm thay đổi cuộc sống mà mọi người đang có, nhờ Hiệp định Abraham, thực sự có thể khiến quý vị cảm thấy kinh ngạc và được truyền cảm hứng”, ông Greenblatt cho biết.

Ông Greenblatt tiết lộ thêm rằng các cựu quan chức Mỹ, bao gồm cả cựu Ngoại trưởng John Kerry, từng luôn cho rằng không thể có hòa bình ở toàn bộ khu vực Trung Đông cho đến khi cuộc xung đột giữa Israel và Palestine được giải quyết. Nhưng khi ông Greenblatt đến các nước này, ông nhận ra rằng các nhà lãnh đạo Trung Đông mong muốn hòa bình nhưng không biết làm thế nào để biến mơ ước ấy thành hiện thực.

Ông Greenblatt nói: “Mục tiêu ban đầu là tạo ra một thỏa thuận hòa bình giữa Israel và Palestine, cũng như giữa Israel và các nước láng giềng Ả Rập - [những quốc gia] mà có khả năng cao trong việc thực hiện các thỏa thuận hòa bình”.

Khi hội đàm với lãnh đạo Palestine, phái đoàn Mỹ đã chỉ ra rằng khu vực Trung Đông đang có những thay đổi đáng kể. Một thế hệ trẻ đang lớn lên và nền kinh tế ở một số quốc gia đang dần rời bỏ dầu mỏ để chuyển hướng sang công nghệ.

Người Palestine có thể lựa chọn: hoặc tham gia hoặc từ chối tham gia các nỗ lực hòa bình.

“Thật đáng tiếc, người Palestine đã chọn cách tự tách họ ra với bất kỳ nỗ lực nào của chúng tôi, và chúng tôi lại lặng lẽ tiếp tục công việc của mình”, ông Greenblatt nói.

Dấu hiệu đầu tiên của hy vọng

Tháng 03/2017, sau cuộc gặp với nhiều Ngoại trưởng và các nhà lãnh đạo của một số quốc gia Ả Rập tại Hội nghị thượng đỉnh Liên đoàn Ả Rập, ông Greenblatt đột ngột có một ý tưởng tuyệt vời.

Ông tự hỏi làm thế nào mà tất cả các quốc gia này lại có thể thân Palestine và chống lại Israel.

Mặc dù tất cả các quan chức đều ủng hộ Palestine, nhiều người đã tỏ ra thất vọng với sự lãnh đạo của Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas, về việc ông không thể ngồi xuống và nói chuyện với Israel và về chủ nghĩa khủng bố ở Gaza, ông Greenblatt cho biết.

“Đó gần như là lần đầu tiên tôi nghĩ ra, có lẽ thực sự có hy vọng ở đây, hy vọng có thể nằm tại các nhà lãnh đạo của các quốc gia láng giềng. Biết đâu họ có thể khuyến khích Tổng thống Abbas, để ông ấy làm việc với người Israel”.

2 năm Hiệp định Abraham: Nhìn lại phương pháp tiếp cận các vấn đề đối ngoại của ông Trump qua lời kể của cựu Đặc phái viên về Trung Đông
Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Thụy Điển tại phòng Bella Venezia trong tòa nhà chính phủ Rosenbad, ở Stockholm, Thụy Điển, ngày 10/02/2015. (Ảnh: Jonathan Nackstrand / AFP / Getty Images)

Chính phủ Palestine

Ông Greenblatt cho biết ông nhận thấy có 2 trung tâm lãnh đạo riêng biệt ở các vùng lãnh thổ của Palestine: một ở Ramallah - nơi trông coi những người Palestine sống ở Bờ Tây, và một cái “được gọi là” trung tâm lãnh đạo của Hamas ở Gaza - kiểm soát hơn 2 triệu người Palestine.

Ngay cả khi Tổng thống Abbas ở Bờ Tây ký một thỏa thuận hòa bình, Hamas sẽ không tham gia thỏa thuận này vì họ đã thề sẽ tiêu diệt Israel.

Ngoài ra, ông Greenblatt cho biết Tổng thống Abbas đã đưa ra những yêu cầu phi thực tế. Ví dụ, ông Abbas muốn toàn bộ Đông Jerusalem - bao gồm nhiều thánh địa của người Do Thái - được trao cho người Palestine và trở thành thủ đô của Palestine.

Chính quyền Trump đã cố gắng làm việc với các nhà lãnh đạo Palestine về một kế hoạch cải thiện nền kinh tế trong khu vực nhưng điều đó đã bị chính quyền Palestine từ chối, ông Greenblatt nói.

Chính quyền Palestine đã tẩy chay một hội nghị tổ chức tại đất nước Bahrain bằng cách thuyết phục các nước láng giềng không tham gia và thậm chí còn bắt giữ những người Palestine đến tham dự, ông Greenblatt cho biết thêm.

Các quan chức Palestine cũng tức giận khi cựu Tổng thống Trump chuyển đại sứ quán Mỹ đến Jerusalem và rút lui hoàn toàn khỏi bất kỳ cuộc đàm phán hòa bình nào. Nhóm khủng bố Hamas đã kêu gọi một cuộc nổi dậy chống lại quyết định của ông Trump.

Ông Greenblatt cho biết chính quyền Palestine ở Ramallah hạn chế quyền tự do của người dân và không cho phép tự do báo chí. Trong khi dưới chế độ Hamas, người dân thậm chí còn bị áp bức nhiều hơn, vì chính quyền lấy đi của họ rất nhiều hàng hóa, chẳng hạn như bê tông.

“Đó là bởi vì Hamas cần số bê tông đó, thay vì xây trường học và bệnh viện, họ dùng phần lớn số đó để xây dựng các đường hầm mà sau đó họ sử dụng để cố gắng tấn công Israel”, ông Greenblatt tiết lộ.

“Những điều tôi nói ở trên không có nghĩa là Israel là hoàn hảo. Tồn tại nhiều vấn đề không hoàn hảo trong cách thức mà xã hội hoạt động, phần lớn là do những rắc rối về an ninh”, ông Greenblatt nói.

Do đó, Israel và Ai Cập phải hạn chế những gì họ cho phép đi vào dải Gaza.

2 năm Hiệp định Abraham: Nhìn lại phương pháp tiếp cận các vấn đề đối ngoại của ông Trump qua lời kể của cựu Đặc phái viên về Trung Đông
Tổng thống Barack Obama (phải), đứng cùng Phó Tổng thống Joe Biden, phát biểu về Thỏa thuận hạt nhân Iran, ngày 14/07/2015. (Ảnh: Andrew Harnik / Pool / Getty Images)

Thỏa thuận hạt nhân Iran

Trước đó, năm 2015, dưới thời chính quyền Obama, Mỹ và một số quốc gia hàng đầu khác đã tham gia thỏa thuận hạt nhân Iran, chính thức được biết đến với tên gọi Kế hoạch Hành động chung Toàn diện (JCPOA). Thỏa thuận được thiết kế để tạm thời hạn chế khả năng phát triển vũ khí hạt nhân của Iran; đổi lại, Iran sẽ được dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế quốc tế vốn gây trở ngại nghiêm trọng cho nền kinh tế của quốc gia này.

Sau khi nhậm chức, Tổng thống Trump đã chấm dứt thỏa thuận hạt nhân Iran, nói rằng nó không phục vụ lợi ích hoặc an ninh của Mỹ. Hiện tại, chính quyền Biden đang cố gắng khôi phục lại thỏa thuận, nhưng các cuộc đàm phán với Iran bị đình trệ.

Trong cuộc họp báo ngày 13/06/2022, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết JCPOA đang được tái đàm phán, nhưng Iran phải quyết định xem liệu họ có đồng ý với các điều khoản hay không.

“Những gì chúng tôi thấy là Iran tiếp tục cố gắng đưa các vấn đề không liên quan vào cuộc trò chuyện, vào cuộc đàm phán, đơn giản là [các vấn đề] không nên ở chỗ đó. Vì vậy, họ phải quyết định, và phải quyết định rất nhanh, nếu họ muốn tiến hành những gì đã đàm phán”, ông Blinken nói.

Ông Greenblatt cho rằng thỏa thuận mà chính quyền Biden đang đàm phán có thể sẽ gây hại cho nước Mỹ.

“Quý vị nghĩ rằng chúng ta đang gặp vấn đề về dầu mỏ, với những gì đang xảy ra ở Ukraine, giữa Ukraine và Nga? Hãy tưởng tượng loại vấn đề mà chúng ta sẽ gặp phải nếu sự ổn định và an ninh ở Trung Đông bị rung chuyển bởi một thỏa thuận phi lý với Iran”, ông nói.

Trong một tuyên bố năm 2018, chính quyền Trump cho biết thỏa thuận hạt nhân Iran “đã làm chế độ Iran giàu có hơn, giúp thúc đẩy các hành vi xấu của họ, [thỏa thuận chỉ] trì hoãn khả năng theo đuổi vũ khí hạt nhân [của Iran] nhưng lại cho phép nước này duy trì nghiên cứu và phát triển hạt nhân”.

Theo ông Greenblatt, nếu Tổng thống Biden ký một thỏa thuận tương tự như thỏa thuận hạt nhân Iran được ký dưới thời ông Obama, nó sẽ cho phép Iran phát triển vũ khí hạt nhân khi các điều khoản hết hiệu lực.

Ông nói rõ hơn: “[Thỏa thuận] mang lại cho Iran, giống như dưới thời chính quyền Obama, một khối tài sản khổng lồ mà họ có thể sử dụng để thúc đẩy chủ nghĩa khủng bố trên khắp thế giới, đặc biệt là ở Trung Đông”.

2 năm Hiệp định Abraham: Nhìn lại phương pháp tiếp cận các vấn đề đối ngoại của ông Trump qua lời kể của cựu Đặc phái viên về Trung Đông
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken phát biểu trong cuộc họp báo tại Bộ Ngoại giao, ở Washington, Mỹ, ngày 27/07/2022. (Ảnh: Olivier Douliery / AFP qua Getty Images)

Đe dọa đến Israel và cả thế giới

Theo ông Greenblatt, một thỏa thuận hạt nhân tồi tệ với Iran sẽ thúc đẩy các tổ chức khủng bố như Hamas phát triển. Ông Greenblatt gọi Hamas là “con rối của Iran”.

Ông nói: “Tôi nghĩ rằng Iran không muốn gì hơn là tiêu diệt Israel, thôn tính các quốc gia khác và đưa hệ tư tưởng tôn giáo của họ vào tất cả các quốc gia Hồi giáo đó, rồi cuối cùng tấn công Mỹ và có thể sau đó là châu Âu”.

Ông Greenblatt cho biết, nhiều quốc gia sau khi biết về ​​các thỏa thuận của chính quyền Biden, đang nỗ lực xây dựng quan hệ của họ với Iran.

“Họ đang tái phát triển quan hệ với Iran. Họ có khả năng sẽ trao đổi lại các đại sứ. Họ còn có lựa chọn nào?”, ông Greenblatt nói. “Bởi vì thực tế là, nếu ông Biden ký một thỏa thuận thì tất cả chúng ta sẽ bị đe dọa, [do vậy,] họ chỉ có thể hy vọng vào điều tốt nhất hoặc ít nhất là cố gắng làm cho nó tốt hơn trong hoàn cảnh mới”.

Xuân Hoa

Theo Jan Jekielek & Masooma Haq - The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

2 năm Hiệp định Abraham: Nhìn lại phương pháp tiếp cận các vấn đề đối ngoại của ông Trump