49 nhà lập pháp Mỹ kêu gọi ngừng tra tấn và mổ cướp nội tạng các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các hình thức tra tấn bao gồm: "Tứ chi bị căng và trói trên giường tử thần", "bị còng tay và treo với tư thế gây ra đau đớn tột độ", "bị đánh đập vào mặt một cách tàn ác", "bị sốc điện", “bị cấm ngủ trong 3 ngày liên tiếp”, các nhà lập pháp mô tả trong thư gửi Ngoại trưởng Hoa Kỳ.

Mới đây, 49 nhà lập pháp tiểu bang Virginia, Hoa Kỳ đã gửi một lá thư tới Ngoại trưởng Mike Pompeo, kêu gọi ông nâng cao nhận thức của công chúng về tình hình của các học viên Pháp Luân Công bị đàn áp ở Trung Quốc.

Tháng 7/2020 đánh dấu 21 năm Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đàn áp Pháp Luân Công.

Pháp Luân Công, hay còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện, nâng cao đạo đức con người theo nguyên lý Chân - Thiện - Nhẫn, bao gồm 5 công pháp.

Pháp Luân Đại Pháp lần đầu tiên được giới thiệu tại Trung Quốc vào tháng 5/1992. Ngay sau đó, môn tập này nhanh chóng trở nên phổ biến trên khắp đất nước Trung Quốc. Theo báo cáo của nhà nước Trung Quốc, đến năm 1999, toàn Trung Quốc có khoảng 100 triệu người theo tập Pháp Luân Công - tức là khoảng cứ 13 người Trung Quốc thì có 1 người tập Pháp Luân Công.

Lúc bấy giờ, người đứng đầu ĐCSTQ là Giang Trạch Dân đã phát động cuộc đàn áp tàn ác đối với Pháp Luân Công vào ngày 20/7/1999. Trong suốt 21 năm qua, chính quyền ĐCSTQ đã tổ chức vây bắt các học viên Pháp Luân Công và giam giữ họ trong các nhà tù, trại tập trung và trung tâm tẩy não. Hàng nghìn người đã chết vì bị tra tấn, theo Minghui.org - một trang web có trụ sở tại Hoa Kỳ chuyên thu thập thông tin và bằng chứng về cuộc bức hại Pháp Luân Công tại Trung Quốc.

Bức thư của các nhà lập pháp Hoa Kỳ

Trong bức thư gửi tới Ngoại trưởng Mike Pompeo vào ngày 29/7, các nhà lập pháp Hoa Kỳ mô tả các hình thức tra tấn mà ĐCSTQ sử dụng đối với các học viên Pháp Luân Công, dựa vào những mô tả của học viên Pháp Luân Công sống sót qua cuộc tra tấn và hiện đang cư trú tại Virginia, Mỹ.

Các hình thức tra tấn được liệt kê trong thư bao gồm: "Tứ chi bị căng và trói trên giường tử thần", "bị còng tay và treo với tư thế gây ra đau đớn tột độ", "bị đánh đập vào mặt một cách tàn ác", "bị sốc điện", “bị cấm ngủ trong 3 ngày liên tiếp”.

Bức thư mà 49 nhà lập pháp bang Virginia, Mỹ gửi tới Ngoại trưởng Mike Pompeo, ngày 29/7/2020. (Nguồn ảnh: The Epoch Times)

Bức thư có chữ ký của 12 thượng nghị sĩ bang Virginia và 37 đại biểu từ bang Virginia, đại diện cho khoảng 35% thành viên trong cơ quan lập pháp của bang này.

David Bulova thuộc đảng Dân chủ đại diện cho đặc khu 37 của Virginia giải thích rằng ông thấy cần thiết phải hành động sau khi gặp và được biết sự thật từ các học viên Pháp Luân Công ở địa phương. Đặc khu 37 là trung tâm của Fairfax, Virginia.

Ông nói: “Cuộc gặp gỡ… [với họ] đã diễn ra rất, rất chân thực; điều đó khiến tôi thực sự muốn làm điều gì đó để có thể thu hút sự chú ý [của mọi người] với tình hình [của các học viên Pháp Luân tại Trung Quốc]”.

Ông Bulova cũng cho biết thêm rằng bản thân ông và các đồng nghiệp của mình hy vọng sẽ "sử dụng các biện pháp về kinh tế và đạo đức đáng kể để có thể thu hút sự chú ý và yêu cầu thay đổi", đồng thời lên kế hoạch gửi thư tới Thống đốc bang và Ủy viên y tế của bang Virginia.

Trong thư, các nhà lập pháp kêu gọi: "Chúng tôi yêu cầu có sự lãnh đạo của ông [Ngoại trưởng Pompeo], và đòn bẩy đáng kể của Hoa Kỳ, để đảm bảo rằng năm tới chúng ta không phải chứng kiến năm đàn áp thứ 22".

Thu hoạch nội tạng

Trong thư, các nhà lập pháp cũng nêu rõ những cáo buộc về cưỡng bức thu hoạch nội tạng đang diễn ra tại Trung Quốc. Nội tạng của các tù nhân lương tâm, bao gồm cả các học viên Pháp Luân Công bị ĐCSTQ cưỡng bức thu hoạch, trở thành nguồn cung cấp nội tạng ở đất nước Trung Quốc.

Các nhà lập pháp kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ tăng cường "nỗ lực giáo dục" người Mỹ để "giảm nhu cầu về hành vi trái đạo đức này".

“Cấy ghép nội tạng là một kỳ tích của khoa học và có thể là một nghĩa cử nhân văn để mang đến món quà cuộc sống cho người khác. Tuy nhiên, việc cấy ghép nội tạng không bao giờ được phép tiến hành bằng sự cưỡng bức hoặc ép buộc”, trích dẫn từ bức thư của các nhà lập pháp.

Vào tháng 6/2019, sau cuộc điều tra kéo dài một năm, Tòa án độc lập ở London về Trung Quốc đã kết luận: cưỡng bức thu hoạch nội tạng đã diễn ra ở Trung Quốc trong nhiều năm "với quy mô lớn", trong đó các học viên Pháp Luân Công là nguồn cung cấp nội tạng chính. Toà án này đưa ra phán quyết cuối cùng vào tháng 3/2020, rằng tội phạm nhân quyền này đến nay vẫn đang diễn ra tại Trung Quốc, đồng thời tuyên bố rằng “hành vi tà ác không được kiểm soát đã khiến nhiều người bị chết một cách thảm thương mà lẽ ra không phải chết”.

Các cáo buộc lần đầu tiên xuất hiện vào năm 2006, khi một nhóm nhân quyền và 2 nhân chứng từ Trung Quốc mô tả hoạt động mổ cướp nội tạng này trong các trại tập trung của ở Trung Quốc.

Kể từ đó, các nhà nghiên cứu độc lập đã nghiên cứu và công bố các báo cáo với nhiều bằng chứng hơn về việc mổ cướp nội tạng đang diễn ra tại Trung Quốc.

Gần đây nhất, trong bối cảnh đại dịch viêm phổi Vũ Hán, các chuyên gia về đạo đức cấy ghép tạng đã bày tỏ quan ngại về sự nhanh chóng của các hoạt động giao dịch nội tạng ở một bệnh viện Trung Quốc để tiến hành phẫu thuật ghép phổi cho những bệnh nhân bị tổn thương phổi do nhiễm Virus Corona Vũ Hán.

Nguyễn Minh
Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

49 nhà lập pháp Mỹ kêu gọi ngừng tra tấn và mổ cướp nội tạng các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc