50 quốc gia tại LHQ lên án vi phạm nhân quyền của Trung Quốc đối với người Duy Ngô Nhĩ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Khoảng 50 quốc gia đã ký một tuyên bố chung tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) vào ngày 31/10, kêu gọi Trung Quốc duy trì các nghĩa vụ nhân quyền và trả tự do cho tất cả những người đang bị “tước đoạt tự do một cách tùy tiện” ở Tân Cương, Trung Quốc.

Các quốc gia ký vào tuyên bố chung bao gồm Mỹ, Nhật Bản, Anh, Australia, Đức và Israel. Đây cũng là nhóm các quốc gia lên án công khai các hành vi vi phạm nhân quyền đang diễn ra tại Trung Quốc.

Họ đề cập đến một báo cáo của Liên Hợp Quốc được công bố vào ngày 31/8 nêu chi tiết các hành vi lạm dụng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đối với người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số Hồi giáo khác. Báo báo cáo cho rằng, đây là tội ác chống lại loài người.

“Những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng và có hệ thống như vậy không thể được biện minh trên cơ sở chống khủng bố”, tuyên bố chung cho biết.

Tuy nhiên, giới quan sát cũng không khỏi lo ngại về việc Trung Quốc từ chối thảo luận về các phát hiện của báo cáo.

Các nước ký kết thúc giục Trung Quốc nhanh chóng trả tự do cho tất cả các cá nhân bị giam giữ ở Tân Cương, khẩn trương làm rõ số phận và tung tích của các thành viên gia đình mất tích, tạo điều kiện cho liên lạc và đoàn tụ an toàn.

Hội đồng Quan hệ Mỹ - Hồi giáo (CAIR) có trụ sở tại Washington hoan nghênh tuyên bố chung và kêu gọi các quốc gia đa số theo đạo Hồi phản đối “Chiến dịch khủng bố theo chủ nghĩa Hồi giáo chống lại người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ” của ĐCSTQ.

“Đã đến lúc các quốc gia đa số Hồi giáo cần phải đứng lên chống lại nỗ lực của ĐCSTQ nhằm xóa bỏ Hồi giáo khỏi khu vực Duy Ngô Nhĩ của Trung Quốc”, Phó Giám đốc CAIR Quốc gia Edward Ahmed Mitchell cho biết trong một tuyên bố.

Liên Hợp Quốc từ chối thảo luận về người Duy Ngô Nhĩ

Đầu tháng 10, Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (UNHRC) đã bác bỏ đề xuất do Mỹ và Anh đồng bảo trợ về việc tổ chức một cuộc thảo luận về những vi phạm nhân quyền của ĐCSTQ ở Tân Cương.

Tổng cộng có 17 quốc gia đã bỏ phiếu ủng hộ, 19 quốc gia phản đối và 11 quốc gia bỏ phiếu trắng.

Indonesia, quốc gia Hồi giáo lớn nhất thế giới, nằm trong số 19 quốc gia đã bỏ phiếu phản đối đề nghị này, cùng với Qatar, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Pakistan.

Ông Achsanul Habib, Giám đốc nhân quyền tại Bộ Ngoại giao Indonesia, nói rằng các quốc gia thành viên UNHRC nên tham gia vào "đối thoại khách quan" và không có cách tiếp cận có chọn lọc đối với các vấn đề nhân quyền.

“Chúng tôi đã bỏ phiếu 'không' vì chúng tôi không muốn chính trị hóa Hội đồng Nhân quyền, [vì nó] được sử dụng cho mục đích cạnh tranh chính trị", ông nói vào ngày 7/10.

Ông Habib cho biết thêm, Indonesia đã tham vấn với tất cả các bên liên quan đến quyết định của mình, bao gồm cả Trung Quốc và những người đã ủng hộ đề xuất này.

Nếu đề nghị được UNHRC thông qua, các nạn nhân và các nhà hoạt động sẽ có thể nói với cộng đồng quốc tế về tình hình thực tế trong khu vực, Đại hội Duy Ngô Nhĩ Thế giới cho biết trong một tuyên bố.

Huyền Anh

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

50 quốc gia tại LHQ lên án vi phạm nhân quyền của Trung Quốc đối với người Duy Ngô Nhĩ