6 người thiệt mạng trong vụ nổ “sặc mùi khủng bố” ở Istanbul

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hôm Chủ nhật (13/11), một vụ nổ đã làm rung chuyển trung tâm thành phố Istanbul, khiến 6 người thiệt mạng và 81 người khác bị thương. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan mô tả đây là một vụ đánh bom "sặc mùi khủng bố".

Sau vụ nổ, xe cứu thương và cảnh sát lao tới khu vực này khi hàng trăm người tháo chạy khỏi đại lộ Istiklal nổi tiếng. Con phố đi bộ này thuộc quận Beyoglu của thành phố lớn nhất Thổ Nhĩ Kỳ, chật kín người mua sắm, khách du lịch và gia đình vào dịp cuối tuần.

Bất ổn chính trị

Tờ Reuters ghi lại video vụ nổ lúc 16:13 chiều ngày 13/11 (13:13 theo giờ GMT). Các mảnh vỡ bay lên không trung, và nhiều người nằm trên mặt đất, trong khi những người khác khập khiễng bước đi.

Vài giờ sau vụ nổ, Phó Tổng thống Fuat Oktay đã có mặt tại hiện trường để cập nhật về số người chết và bị thương, đồng thời cam kết sẽ giải quyết tình hình "rất sớm".

Các nhà chức trách sau đó cho biết, một nhân viên chính phủ và con gái của ông cũng nằm trong số những người thiệt mạng. Năm người đang được chăm sóc đặc biệt tại bệnh viện, hai người trong tình trạng nguy kịch.

Chưa có cá nhân hay tổ chức nào đứng ra nhận trách nhiệm về vụ nổ.

Các phần tử ly khai người Kurd, các chiến binh Hồi giáo và các nhóm khác trước đây đã nhắm vào Istanbul và các thành phố khác của Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó có một loạt vụ tấn công vào năm 2015 và 2016.

"Các nỗ lực tiêu diệt Thổ Nhĩ Kỳ và người dân Thổ Nhĩ Kỳ thông qua khủng bố sẽ thất bại hôm nay, cũng như đã thất bại ngày hôm qua và sẽ thất bại vào ngày mai", ông Erdogan phát biểu trong một cuộc họp báo trước khi bay đến Indonesia để tham dự hội nghị thượng đỉnh của Nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới.

"Người dân Thổ Nhĩ Kỳ có thể yên tâm rằng những kẻ thủ phạm ... sẽ bị trừng phạt thích đáng", ông nói, đồng thời lưu ý rằng đã có bằng chứng sơ bộ cho thấy "một phụ nữ đã tham gia vào vụ việc này".

Hãng thông tấn Anadolu dẫn lời Bộ trưởng Tư pháp Bekir Bozdag cho biết, một phụ nữ đã ngồi trên băng ghế hơn 40 phút trước khi rời đi, chỉ vài phút trước khi vụ nổ xảy ra. Điều này cho thấy quả bom đã được hẹn giờ hoặc kích nổ từ xa.

Đoạn video của tờ Reuters cho thấy cảnh nhiều người đang chăm sóc các nạn nhân sau vụ nổ. Sau đó, các điều tra viên trong trang phục màu trắng đang thu thập chứng cứ tại hiện trường. Các cửa hàng và cửa hiệu ngổn ngang những mảnh vỡ trên đại lộ.

"Khi nghe thấy tiếng nổ, tôi như hóa đá. Mọi người sững sờ rồi nhìn nhau. Sau đó, mọi người bắt đầu tháo chạy. Bạn còn có thể làm gì khác nữa chứ?", ông Mehmet Akus, 45 tuổi, một nhân viên nhà hàng trên đại lộ Istiklal, cho biết.

"Người thân của tôi đã gọi cho tôi vì họ biết tôi làm việc trên đại lộ Istiklal. Tôi đã trấn an họ", ông nói với tờ Reuters.

Một chiếc trực thăng bay phía trên hiện trường và một số xe cứu thương đang đậu ở Quảng trường Taksim gần đó. Tổ chức nhân đạo Trăng lưỡi liềm đỏ Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, họ đã vận chuyển máu đến các bệnh viện gần đó.

Nếu được xác nhận, đây sẽ là vụ nổ bom lớn đầu tiên ở Istanbul trong những năm gần đây.

Vào tháng 12/2016, vụ đánh bom kép bên ngoài một sân vận động bóng đá ở Istanbul đã khiến 38 người thiệt mạng và 155 người bị thương. Vụ tấn công được cho là do một chi nhánh của Đảng Công nhân Kurdistan (PKK) thực hiện, vốn bị Thổ Nhĩ Kỳ, Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ chỉ định là một tổ chức khủng bố.

Một số quốc gia bao gồm Hy Lạp, Ai Cập, Ukraine, Vương quốc Anh, Azerbaijan, Ý và Pakistan đã gửi lời chia buồn tới các nạn nhân của thảm kịch.

Trên mạng xã hội Twitter, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đã gửi lời chia buồn tới các nạn nhân sau "tin tức kinh hoàng".

Lạm phát leo thang, người dân Thổ Nhĩ Kỳ đang hết sức khó khăn

Tỷ lệ lạm phát của Thổ Nhĩ Kỳ đạt 85,51%, mức cao nhất trong 24 năm, song chính quyền nước này vẫn bị cáo buộc che giấu số liệu lạm phát thực tế. Đồng thời, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tiếp tục theo đuổi chính sách điều chỉnh, mà nhiều nhà kinh tế cho là nguyên nhân của cuộc khủng hoảng lạm phát.

Lạm phát hàng năm ở Thổ Nhĩ Kỳ đạt mức cao nhất trong 24 năm, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt mà đất nước phải đối mặt. Mặc dù các đảng đối lập chính trị nước này cho rằng, số liệu thực tế còn tồi tệ hơn nhiều so với số liệu chính thức.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 12 tháng, đo lường lạm phát trên cơ sở hàng năm, đạt 85,51% vào tháng 10, theo thông cáo báo chí từ Viện Thống kê Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 03/11. Đây là tháng thứ mười bảy liên tiếp lạm phát gia tăng ở Thổ Nhĩ Kỳ. Nó tăng 3,54% so với tháng trước. Tỷ lệ lạm phát thấp nhất là trong lĩnh vực truyền thông và giáo dục, cả hai đều tăng hơn 30%.

Chính sách kinh tế của ông Erdogan

Nhiều nhà kinh tế đã đổ lỗi cho các chính sách của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã đẩy đất nước vào cuộc khủng hoảng lạm phát.

Trong khi tư duy kinh tế thông thường cho rằng tăng lãi suất sẽ giúp kiểm soát lạm phát, ông Erdogan cho rằng "lãi suất là mẹ của mọi tệ nạn", rằng lãi suất tăng sẽ bóp nghẹt tăng trưởng. Để chạy theo tăng trưởng ngắn hạn, vốn có thể là thành tích cho đợt bầu cử nhiệm kỳ kế tiếp vào năm 2023, ông Erdogan thà chấp nhận nhìn túi tiền của người dân bốc hơi vì lạm phát.

Do đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã thúc đẩy việc cắt giảm lãi suất. Vào tháng 10, ngân hàng trung ương của nước này đã cắt giảm lãi suất xuống 10,5%, lần giảm thứ ba liên tiếp hàng tháng. Ông Erdogan cũng cho biết ông có kế hoạch cắt giảm lãi suất hơn nữa và xuống còn một con số vào cuối năm.

Các nhà kinh tế lưu ý rằng chính sách hạ lãi suất đang làm tổn hại đến đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ (TL) và gia tăng áp lực lạm phát.

Làn sóng lạm phát toàn cầu: Thổ Nhĩ Kỳ, Sri Lanka và Lào ở mức cao kỷ lục
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan phát biểu trong cuộc họp báo sau cuộc họp nội các tại Khu phức hợp Tổng thống ở Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 06/06/2022. (Ảnh: ADEM ALTAN / AFP qua Getty Images)

Người dân Thổ Nhĩ kỳ đã yêu cầu ẩn danh khi được phóng viên tờ Reuters phỏng vấn về vấn đề lạm phát, giá cả, hay than phiền về chính phủ. Họ lo ngại rằng chính quyền nước này sẽ gây khó dễ nếu họ tiết lộ danh tính.

Rõ ràng, có một bầu không khí mất dân chủ và làn sóng ngầm trong dân chúng Thổ Nhĩ Kỳ. Đây chính là quả bom nổ chậm của quốc gia này nếu các vấn đề kinh tế không được chính phủ xử lý đúng hướng.

Lam Giang



BÀI CHỌN LỌC

6 người thiệt mạng trong vụ nổ “sặc mùi khủng bố” ở Istanbul