Ả Rập Xê Út 'gần gũi' với Trung Quốc trong lúc vị thế toàn cầu của Hoa Kỳ đang suy yếu

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong quan hệ quốc tế, sự hiện diện chính là yếu tố then chốt.

Rõ ràng, có sự khác biệt to lớn giữa màn tiếp đón xa hoa cùng chuyến đi có lợi của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình tới Ả Rập Xê Út so với chuyến thăm thảm họa vào tháng 7 của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tới Riyadh - thủ đô của quốc gia dầu mỏ này.

Điều này rất quan trọng. Nó phản ánh sự thay đổi căn bản của tình hình địa chính trị, cũng như cách chính phủ Hoa Kỳ vừa làm suy yếu vị thế địa chính trị của đất nước, vừa nhạo báng văn hóa và người dân Ả Rập Xê Út. Trong khi các quốc gia khác đang nỗ lực hành động vì lợi ích quốc gia thì Washington lại thúc đẩy các chính sách cánh tả gây tổn hại cho chính người dân Mỹ.

Khi thảo luận về các phương pháp tăng cường hợp tác năng lượng giữa hai quốc gia, ông Tập đã được các vị khách Ả Rập chào đón nồng nhiệt. Ông cũng nhấn mạnh về những nỗ lực không ngừng của Trung Quốc nhằm sử dụng đồng nhân dân tệ thay cho đồng đô-la Mỹ làm đơn vị tiền tệ trong giao dịch thương mại dầu khí giữa Trung Quốc và Ả Rập Xê Út. Cụ thể là bằng cách tận dụng Sàn Giao dịch Dầu mỏ và Khí đốt Quốc gia Thượng Hải (Shanghai Petroleum and National Gas Exchange). Động thái này đánh dấu sự thay đổi đáng kể trong môi trường địa chính trị theo hướng có lợi cho Bắc Kinh.

Đồng đô-la Mỹ là đồng tiền được thế giới lựa chọn cho các giao dịch dầu mỏ kể từ khi đồng đô-la dầu mỏ hồi sinh vào năm 1973, sau khi Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là Richard Nixon quyết định bãi bỏ tiêu chuẩn vàng của Hoa Kỳ. Mặc dù rất khó có khả năng Riyadh sẽ chọn đồng nhân dân tệ trong phần lớn xuất khẩu năng lượng của mình sang Trung Quốc, nhưng ngay cả khi có triển vọng như vậy trên bàn đàm phán, đó cũng là một lời khiển trách rõ ràng đối với Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, đây không phải là bằng chứng duy nhất về sự thách thức của họ. Riyadh và các quốc gia vùng Vịnh khác thuộc OPEC+ (Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đồng minh) đã kiên quyết bác bỏ những nỗ lực của Mỹ trong việc lên án Nga về cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine. Họ cũng phớt lờ những cảnh báo từ Washington về việc tăng cường quan hệ với Bắc Kinh. Trong khi mức tiêu thụ dầu của Trung Quốc phần lớn sụt giảm do hoạt động kinh tế trì trệ trên quy mô lớn phát sinh từ chính sách Zero Covid, thì Ả Rập Xê Út vẫn là nhà cung cấp lớn nhất của Trung Quốc. Chuyến thăm của ông Tập tới Riyadh cũng mang đến những hứa hẹn mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực năng lượng quan trọng khác.

Việc các quốc gia đang tẩy chay đồng USD là một phần trong mục tiêu dài hạn của Bắc Kinh nhằm đưa đồng nhân dân tệ vào thay thế USD làm tiền tệ dự trữ của thế giới. Hoa Kỳ có thể duy trì sức ảnh hưởng toàn cầu vượt trội của mình vì thực tế là các quốc gia khác đang nắm giữ một lượng đáng kể đồng đô-la, và sau đó họ sẽ sử dụng chúng cho các giao dịch quốc tế, đặc biệt là trong lĩnh vực dầu mỏ và khí đốt.

Đây rất có thể không phải chỉ là sự phát triển trong ngắn hạn. Một hệ thống như vậy gần như chắc chắn sẽ yêu cầu một thị trường tiền tệ bên ngoài Trung Quốc, vì Bắc Kinh áp đặt các biện pháp kiểm soát vốn nghiêm ngặt đối với dòng tiền vào và ra khỏi đất nước. Tại thời điểm này, việc tăng lượng tiền gửi vào các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới để thay thế đồng đô-la dường như là bất khả thi. Nhưng xin hãy nhớ rằng, ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) luôn đi trước mười bước.

Và ĐCSTQ không đơn độc trong nỗ lực thoát khỏi quyền bá chủ tài chính của Hoa Kỳ.

Khi bắt đầu Chiến tranh Nga - Ukraine, châu Âu chỉ thanh toán khoảng 60% nguồn cung cấp khí đốt của Nga bằng đồng euro, phần còn lại được thanh toán bằng đô-la. Đối mặt với lệnh trừng phạt của phương Tây và các biện pháp nhằm phá vỡ nền kinh tế Nga, Moscow đã buộc nhiều người mua khí đốt châu Âu phải mở tài khoản ngân hàng ở Nga để thanh toán khí đốt bằng đồng rúp.

Động thái của ông Putin nhằm cố định đồng rúp với vàng, tiền tệ cũng được giao dịch bằng đồng đô-la, về cơ bản đã đặt ra mức giá tối thiểu cho đồng rúp so với đồng đô-la và cho phép tỷ giá hối đoái của đồng tiền Nga ổn định. Sau khi chạm đáy vào tháng 3, tỷ giá này hiện đang cao hơn 14,26% so với cùng kỳ năm ngoái (tháng 12/2021) - thời điểm trước khi bùng nổ xung đột Nga - Ukraine.

Nga đang mở rộng nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên cho Trung Quốc thông qua đường ống Power of Siberia (Sức mạnh của Siberia), và đạt mức tối đa mới vào ngày 14/12 - cao hơn 16,1% so với hợp đồng ban đầu. Vào ngày 7/12, một phần quan trọng khác của đường ống đã đi vào hoạt động, cho phép khí đốt chảy trực tiếp từ thành phố Thái An ở tỉnh Sơn Đông (phía Bắc Trung Quốc) đến Thượng Hải (Trung Quốc và Nga cũng sử dụng đồng rúp và nhân dân tệ để thanh toán các giao dịch năng lượng).

Ngoài ra, Power of Siberia 2 - đường ống sẽ vận chuyển thêm 50 tỷ mét khối khí đốt tự nhiên tới Trung Quốc thông qua Mông Cổ - dự kiến ​​sẽ được khởi công vào năm 2024. Theo tờ Bloomberg, tổng nhập khẩu năng lượng của Trung Quốc (than đá, dầu mỏ và khí đốt tự nhiên) từ Nga đã vượt quá 60 tỷ USD kể từ khi bắt đầu chiến tranh Nga - Ukraine, tăng 35 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái. Moscow lập luận rằng, đây sẽ là giải pháp thay thế phù hợp hơn cho đường ống Nordstream 2 - cái ban đầu được lên kế hoạch vận chuyển khí đốt từ Nga đến châu Âu qua Đức.

Trong khi đó, chuyến thăm Riyadh của Tổng thống Mỹ Joe Biden vào tháng 7 lại chỉ dẫn đến một cuộc đụng độ gay gắt với Thái tử Ả Rập Xê Út Mohammed bin Salman. Chính quyền Washington đã không thực hiện được các cam kết dự kiến ​​từ Ả Rập Xê Út về việc tăng sản lượng dầu. Hoa Kỳ vẫn là trung tâm trong vị thế chính trị của Ả Rập Xê Út ở Trung Đông, không chỉ thông qua việc mua dầu mà còn thông qua các hợp đồng quốc phòng và sự hiện diện quân sự. Do đó, Trung Quốc cũng là đối thủ cạnh tranh của Hoa Kỳ.

Riyadh chắc chắn nhận thức được những điểm yếu của chính quyền ông Biden. Riyadh hiểu rõ sự thèm khát năng lượng của Mỹ đối với dầu của Ả Rập Xê Út, sau khi tổng thống thứ 46 của Hoa Kỳ về cơ bản đã chấm dứt việc sản xuất dầu khí ở quốc gia này, đồng thời làm cạn kiệt nguồn dự trữ xăng dầu chiến lược của Hoa Kỳ (nguồn cung cấp dầu thô khẩn cấp của quốc gia) khiến nó giảm xuống mức thấp nhất trong gần 4 thập kỷ. Đây chắc chắn là thời điểm vàng để Ả Rập Xê Út gây áp lực lên Washington theo cách có lợi cho họ về mặt chiến lược.

Trung Quốc rất hài lòng khi gặt hái được thành quả từ việc tuân thủ chính sách đối ngoại của Ả Rập Xê Út, cũng giống như việc tận hưởng lợi ích từ năng lượng giá rẻ trong khi Mỹ cố gắng gây bất ổn cho nhà nước Nga (chưa kể đến việc Mỹ rút cạn kho vũ khí của chính mình và đồng thời gửi hàng chục tỷ USD cho Ukraine). Đó là bởi vì, ngoại giới có thể không ưa thích hệ tư tưởng của ĐCSTQ, nhưng Trung Quốc rõ ràng là một quốc gia rất nghiêm túc trong các cuộc đua để giành chiến thắng.

Vậy nước Mỹ quan tâm đến điều gì? Màn trình diễn giằng co gần đây tại Nhà Trắng và tuyên bố của Tổng thống Biden rằng Hoa Kỳ phải bảo vệ quyền được phẫu thuật chuyển đổi giới tính của trẻ vị thành niên chính là những ưu tiên hàng đầu hiện nay của Washington.

Trong khi cuộc sống ở đất nước này đang trở nên khó khăn hơn và vị thế toàn cầu của Hoa Kỳ tiếp tục suy yếu, thì đối thủ đang không ngừng cười nhạo nước Mỹ.

Quan điểm thể hiện trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Huyền Anh biên dịch

Tác giả Dominick Sansone là Nghiên cứu sinh bậc Tiến sĩ tại Trường Van Andel Graduate School of Statesmanship trực thuộc Hillsdale College. Van Andel là một trường đào tạo sau đại học về nghệ thuật quản lý nhà nước, trường chuyên đào tạo ra các tiến sĩ về Triết học Chính trị và thạc sĩ về Nghệ thuật Chính trị. Còn Hillsdale College là một trường đại học top đầu ở Michigan, Mỹ, là một trường liberal arts cổ điển và độc lập khỏi tài trợ của chính phủ. Ông Sansone thường xuyên viết bài cho The Epoch Times, The American Conservative, The Federalist và The Washington Examiner.



BÀI CHỌN LỌC

Ả Rập Xê Út 'gần gũi' với Trung Quốc trong lúc vị thế toàn cầu của Hoa Kỳ đang suy yếu