Ả Rập Xê Út nói OPEC+ cắt giảm sản lượng dầu 'đơn thuần là vì lý do kinh tế'

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ả Rập Xê Út hôm thứ Tư (12/10) bác bỏ những chỉ trích 'vô căn cứ' của Nhà Trắng về quyết định cắt giảm sản lượng dầu của OPEC+ hồi tuần trước, đồng thời khẳng định quyết định cắt giảm dầu mỏ 'đơn thuần là vì lý do kinh tế'.

Ngoại trưởng Ả Rập Xê Út, Hoàng tử Faisal bin Farhan Al Saud cũng cáo buộc chính phủ Mỹ cố gắng "bóp méo" sự thật về lập trường của vương quốc này đối với cuộc chiến Nga-Ukraine.

Hôm 12/10, cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Ned Price bác bỏ thông tin cho rằng các quan chức chính quyền ông Biden đã yêu cầu Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) hoãn quyết định cắt giảm sản lượng dầu cho đến sau bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ.

“Tôi chắc chắn không thể xác nhận thông tin này. Điều tôi có thể khẳng định là Mỹ đã truyền tải một thông điệp nhất quán đến Ả Rập Xê Út: nguồn cung năng lượng cần đáp ứng cầu về năng lượng. Mỹ cũng lặp lại nhiều lần rằng chúng tôi mang lại những lợi ích không nhỏ cho Ả Rập Xê Út và năng lượng là một trong số đó”, ông Price nói tại một cuộc họp báo của Bộ Ngoại giao Mỹ.

“Và trong bối cảnh diễn ra các cuộc thảo luận liên quan đến năng lượng, Mỹ cũng cử các thành viên cấp cao của chính quyền đến thăm Ả Rập Xê Út trong những tháng gần đây. Cam kết này không chỉ diễn ra trong tháng 9/2022 hoặc tháng 10/2022”.

Chỉ vài giờ sau, Ngoại trưởng Ả Rập Xê Út tuyên bố rằng, thông qua cuộc tham vấn liên tục với Chính quyền Hoa Kỳ, nước này cho rằng việc hoãn quyết định của OPEC + trong một tháng sẽ gây ra "những hậu quả tiêu cực về kinh tế".

Lưu vực Permian
Một máy bơm dầu hoạt động trong mỏ dầu Permian Basin ở Stanton, Texas, hôm 12/3/2022. (Ảnh: Joe Raedle/Getty Images)

Nhóm OPEC+ gồm thành viên Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đối tác. Nga là một trong 13 thành viên chủ chốt của OPEC+, cùng với Iraq, Iran, Kuwait, Venezuela, v.v.

Hôm 5/10, nhóm này nhất trí cắt giảm sản lượng dầu thô 2 triệu thùng mỗi ngày kể từ tháng 11.

Sau động thái trên, Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre nói với các phóng viên rằng quyết định này là một “sai lầm” và cáo buộc nhóm OPEC+ “liên kết với Nga”.

Đáp lại những lời chỉ trích trên, Ngoại trưởng Ả Rập Xê Út khẳng định quyết định của OPEC "đơn thuần là vì lý do kinh tế", nhằm cân bằng cung cầu và hạn chế sự biến động trên thị trường dầu mỏ.

Ngoại trưởng bin Farhan Al Saud cho hay, chính phủ Ả Rập Xê Út bác bỏ những tuyên bố vô căn cứ và nhấn mạnh "bối cảnh kinh tế thuần túy" của quyết định cắt giảm dầu.

Nhà Trắng 'cố gắng bóp méo sự thật'

Ngoại trưởng bin Farhan Al Saud cho biết Ả Rập Xê Út giữ vững "lập trường có nguyên tắc" đối với cuộc chiến Nga-Ukraine và mô tả nỗ lực của các quan chức Nhà Trắng "bóp méo sự thật" là "đáng tiếc" nhưng không đủ sức thuyết phục.

Ngoại trưởng Ả Rập Xê Út nói rằng, nước này ủng hộ các nghị quyết của Liên Hợp quốc liên quan đến cuộc chiến Nga-Ukraine “dựa trên lập trường của Ả Rập Xê Út về tầm quan trọng về việc tuân thủ Hiến chương Liên Hợp quốc, các nguyên tắc của luật pháp quốc tế. Đồng thời, Ả Rập Xê Út bác bỏ mọi hành vi xâm phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ".

Ảnh của Epoch Times
Đại diện các nước thành viên OPEC tham dự cuộc họp báo sau Hội nghị Bộ trưởng OPEC và ngoài OPEC lần thứ 33 tại Vienna, Áo, hôm 5/10/2022. (Ảnh: Vladimir Simicek/AFP/Getty Images)

“Ả Rập Xê Út nhấn mạnh, nước này vẫn duy trì mối quan hệ với tất cả các quốc gia thân thiện, đồng thời khẳng định từ chối mọi mệnh lệnh, hành động hoặc nỗ lực nào làm sai lệch các mục tiêu cao cả của mình trong việc bảo vệ nền kinh tế toàn cầu khỏi sự biến động của thị trường dầu mỏ", ông bin Farhan Al Saud nói.

Ngoại trưởng Ả Rập Xê Út nói thêm rằng, nước này coi mối quan hệ của họ với Hoa Kỳ là một chiến lược đôi bên cùng có lợi, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của "nền tảng vững chắc" của mối bang giao giữa hai nước.

Ông nói: “Chúng tôi cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ dựa trên nền tảng vững chắc mà Ả Rập Xê Út đã trụ vững trong suốt 8 thập kỷ qua".

“Các nguyên tắc này bao gồm tôn trọng lẫn nhau, tăng cường lợi ích chung, đóng góp tích cực vào việc gìn giữ hòa bình và an ninh khu vực, chống lại chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan, hướng tới sự thịnh vượng của các dân tộc trong khu vực”.

Mỹ đối mặt với áp lực bầu cử giữa kỳ

Tuyên bố của Ngoại trưởng Ả Rập Xê Út sau quyết định của OPEC giáng một đòn thứ hai vào Tổng thống Joe Biden và các thành viên đảng Dân chủ trước thềm bầu cử giữa kỳ.

Chính quyền ông Biden trong nhiều tháng đã cố gắng vận động Ả Rập Xê Út sản xuất nhiều dầu hơn, chứ không phải ít hơn, và ông Biden thậm chí đã đến thăm vương quốc này vào tháng Bảy.

Quyết định giảm sản lượng khai thác dầu của OPEC gây áp lực lên chính quyền ông Biden, vốn đã đầu tư đáng kể vào Kho Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược Mỹ (SPR) trong nhiều tháng nhằm giữ giá khí đốt cho người dân Mỹ, với lý do chiến tranh Nga-Ukraine khiến giá cả leo thang.

Quyết định cắt giảm sản lượng dầu kể trên cũng cho thấy, chính quyền ông Biden đã thất bại trong việc tác động đến Ả Rập Xê Út trong chuyến thăm hồi tháng 7 tới vương quốc này nhằm yêu cầu tăng sản lượng dầu trong bối cảnh giá khí đốt của Mỹ cán mốc cao nhất lịch sử.

Kể từ khi ông Biden nhậm chức vào tháng 1/2021, đảng Cộng hòa và các quan chức ngành dầu mỏ đã chỉ trích chính quyền về việc chấm dứt dự án xây dựng đường ống dẫn dầu Keystone XL, tạm dừng khoan thăm dò dầu và ưu tiên xe điện.

Các quan chức trong chính quyền ông Biden cũng bị cáo buộc không chú trọng đến mối quan tâm của người dân Mỹ khi quảng bá xe điện trước tình hình giá xăng cao kỷ lục hồi đầu năm nay.

Huyền Anh

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Ả Rập Xê Út nói OPEC+ cắt giảm sản lượng dầu 'đơn thuần là vì lý do kinh tế'