Afghanistan sụp đổ, thất bại của tình báo Mỹ và bài học từ cuộc chiến Việt Nam 1975

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong chiến tranh, thông tin tình báo có tính cực kỳ quan trọng, thậm chí trong việc quyết định bên thắng cuộc. Việc Afghanistan sụp đổ vào tay phiến quân Taliban đang gây ra một tranh luận gay gắt liệu có phải là do thất bại của tình báo Mỹ là nguyên nhân chủ yếu hay không.

Thất bại của tình báo Mỹ: Sai về thời gian, bỏ qua chiến lược quan trọng của Taliban

Với việc quân đội chính phủ Afghanistan hạ vũ khí và Taliban càn quét vào thủ đô Kabul hôm 15/8 sau 20 năm chiến tranh, nhiều người đã đặt ra nhiều câu hỏi là tại sao lại sự việc lại xảy ra nhanh như vậy. Cũng lúc này các quan chức sứ quán và công dân Hoa Kỳ, cũng như nhiều người dân Afghanistan đang nỗ lực di tản khỏi đất nước này.

Một đánh giá tình báo của Mỹ được báo cáo vào cuối tháng 6 cho biết chính phủ Afghanistan có thể sụp đổ trong vòng sáu tháng ngay sau khi Tổng thống Joe Biden tiến hành rút quân Mỹ. Tuần trước, các hãng tin đã đưa tin một báo cáo đánh giá mới của tình báo Hoa Kỳ cho biết phiến quân Taliban có thể vây hãm Kabul trong 30 ngày và có khả năng chiếm thủ đô Kabul trong 90 ngày.

Như vậy, trong vòng thời gian ngắn, Hoa Kỳ có 2 báo cáo tình báo về tình hình tại Taliban, tuy vậy cả hai báo cáo cáo tình báo này đã đánh giá sai về thời gian, cũng như về khả năng của Taliban và quân đội chính phủ Afghanistan khi phiến quân giành chiến thắng dồn dập và thủ đô Kabul bị sụp đổ nhanh chóng.

Thời gian có yếu tố quyết định trong gần như tất cả mọi việc, trong trường hợp này với quân đội Mỹ là điều quân, di tản người Mỹ tại nước này cũng như những người tỵ nạn của Afghanistan. Với quân đội Afghanistan là kế hoạch điều động quân đội để ứng phó với quân Taliban và với thường dân thì để ứng phó những bất trắc khác.

Tờ Wall Street Journal đã nhận xét rằng, “Báo cáo tình báo từ Afghanistan đã bỏ sót một yếu tố quan trọng: Tốc độ”

Phóng viên của NBC News, Richard Engel, đưa tin tại thủ đô Kabul giữa thời điểm Tổng thống Afghanistan trốn khỏi đất nước, cũng đã nhấn mạnh rằng bất chấp những thông tin tình báo ở trên, thì rõ ràng thời gian để Kabul sụp đổ chỉ tính theo ngày, khác hẳn so với thông tin tình báo Hoa Kỳ nói rằng là phải từ 1 đến 3 tháng.

"Việc không lường trước được sự sụp đổ nhanh chóng của các thành phố của Afghanistan, bao gồm cả Kabul, là một thất bại lớn của tình báo Mỹ. Tôi biết một số chỉ huy quân đội Mỹ đã đoán trước được điều đó. Họ nói với tôi. Nhưng bằng cách nào đó, tiếng nói của họ không được lắng nghe”.

The failure to anticipate the rapid fall of afghan cities, including kabul, is a huge US intelligence failure. I know some US mil commanders anticipated it. They told me. Yet somehow their voices were not heard.

"[Lại] thêm thất bại của tình báo. Làm thế nào mà Mỹ lại nghĩ rằng đã từng có một tiến trình hòa bình với Taliban? Bị Taliban vượt mặt? Tôi muốn nói rằng điều đó thật đáng xấu hổ nhưng từ đáng hổ thẹn mới là chuẩn xác", Engel nói.

Các chiến binh Taliban ngồi trên một chiếc xe trên một con phố ở tỉnh Laghman, Afghanistan vào ngày 15 tháng 8 năm 2021. (- / AFP qua Getty Images)

Michael Morell, cựu phó giám đốc CIA, bác bỏ quan điểm của Engel, cho rằng thất bại trên là do chính sách sai lầm của Mỹ chứ không phải là do thông tin tình báo.

"Những gì đang xảy ra ở Afghanistan không phải là kết quả của sự thất bại về tình báo. Nó là kết quả của nhiều thất bại về chính sách của nhiều chính quyền”.

Bill Roggio, một thành viên cấp cao tại Tổ chức Bảo vệ các nền dân chủ, người đã theo dõi những bước tiến của Taliban trong nhiều năm, cho biết phần lớn trách nhiệm thuộc về Tổng thống Biden, “Cuối cùng, tôi nghĩ quyết định rút quân là của ông ấy và do một mình ông ấy,” ông Roggio nói.

Tuy nhiên, ông này nói, "Thông tin [tình báo] mà ông ấy được cung cấp trong việc ra quyết này là có nhiều sai sót".

Cụ thể, ông nói rằng, các quan chức tình báo và quân đội Hoa Kỳ đã không tập trung đầy đủ vào chiến lược chính của Taliban, bắt đầu từ năm 2014, khi nhóm phiến quân xây dựng sức mạnh ở các khu vực nông thôn như một màn dạo đầu cho cuộc tấn công hiện nay.

Xem ra, chiến lược xây dựng từ nông thôn làm bàn đạp để tấn công thủ phủ các thành phố là một chiến lược quan trọng trong việc giành thắng lợi của Taliban mà tình báo Mỹ đã bỏ qua.

Asfandyar Mir, một chuyên gia về Afghanistan tại Viện Hòa bình Hoa Kỳ, cho biết: “Bất kỳ đánh giá tình báo nào về khả năng tồn tại của nước Cộng hòa Afghanistan đều cần thiết để dự đoán tác động của việc quân đội Mỹ rút quân đối với sự gắn kết chính trị của giới lãnh đạo chính trị và quân sự Afghanistan”. “Không có nó, thì sẽ không có đánh giá nào đầy đủ cả. Vì vậy, tôi rất ngạc nhiên rằng chính quyền này đã không phân tích kỹ lưỡng về những ảnh hưởng của chính sách của chính họ đối với sự tồn vong của nước Cộng hòa Afghanistan".

Khi được hỏi về việc thắng lợi chóng vánh của Taliban có phải là do thất bại về tình báo hay không, Ngoại trưởng Antony Blinken đã không trả lời trực tiếp mà nhấn mạnh về sức mạnh của quân Taliban.

“Tất cả chúng tôi đều biết rằng hiện Taliban mạnh nhất kể từ năm 2001”. “Khi chúng tôi nhậm chức, thực tế là vậy. Và chúng tôi đã nói, kể cả hồi đó, rằng thực sự có khả năng lớn là Taliban sẽ kiếm được nhiều vùng đáng kể trên khắp Afghanistan".

Nhưng ông Blinken cũng thú nhận rằng mặc dù Mỹ đã đầu tư hàng tỷ đô la để xây dựng lực lượng an ninh Afghanistan trong hơn 20 năm, nhưng việc chính phủ này không thể chống chọi với quân Taliban “diễn ra nhanh hơn chúng tôi dự đoán”.

Trách nhiệm

Đã có nhiều lời kêu gọi giới tướng lĩnh Hoa Kỳ phải chịu trách nhiệm.

Bình luận viên trên chương trình Hal Turner Radio Show đã kêu gọi Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân từ chức.

“Cục Tình báo Trung ương (CIA) và Cơ quan Tình báo Quốc phòng của chúng ta lại một lần nữa thất bại thảm hại”.

“Có lẽ nếu Tướng Milley và Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân của ông ta dùng đầu não và ngừng chú ý đến ‘Thuyết chủng tộc phê phán’ và ‘Cơn thịnh nộ với người da trắng’, thì họ hẳn có thể dành thời gian thực sự điều hành một cuộc chiến dịch ở Afghanistan”.

“Giám đốc CIA William J. Burns phải nên bị sa thải ngay lập tức”.

Mới tháng trước đó, chính ông Biden cho biết việc Taliban chiếm được toàn bộ Afghanistan là có thể tránh được khi ông nhấn mạnh rằng quân đội Afghanistan được trang bị tốt và có quy mô lớn vào thời điểm đó.

"Quân đội Afghanistan có 300.000 quân được trang bị tốt - cũng như bất kỳ quân đội nào trên thế giới - và một lực lượng không quân chống lại 75.000 quân Taliban. [Việc chiếm quyền của Taliban] không xảy ra được", ông nói.

Chính ông Biden cũng bị nhiều người kêu gọi từ chức. Tổng thống Trump đã kêu gọi ông từ chức khi nói rằng, “Đã đến lúc Joe Biden phải từ chức trong ô nhục vì những gì ông ấy đã để xảy ra với Afghanistan”.

Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, Tướng Mark Milley phát biểu trong buổi điều trần với Ủy ban Dịch vụ Vũ trang Thượng viện trên Đồi Capitol vào ngày 10/6/2021 tại Washington, DC. Phiên điều trần được tổ chức để thảo luận về đề xuất ngân sách cho Năm tài chính 2022 của Bộ Quốc phòng. (Anna Moneymaker / Getty Images)
Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, Tướng Mark Milley phát biểu trong buổi điều trần với Ủy ban Dịch vụ Vũ trang Thượng viện trên Đồi Capitol vào ngày 10/6/2021 tại Washington, DC. Phiên điều trần được tổ chức để thảo luận về đề xuất ngân sách cho Năm tài chính 2022 của Bộ Quốc phòng. (Anna Moneymaker / Getty Images)

Bài học 46 năm trước tại Việt Nam

Có lẽ tình báo Mỹ đã quên một bài học quan trọng trong quá khứ vốn khá tương đồng với tình hình tại Afghanistan, đó là cuộc chiến tại Việt Nam năm 1975.

Tại Chiến dịch Tây Nguyên của quân đội Bắc Việt vào đầu tháng 3/1975 tấn công vào Buôn Ma Thuột. Phía Việt Nam Cộng hòa (VNCH) đã mắc sai lầm chiến lược khi rút quân từ Tây Nguyên xuống để bảo vệ vùng duyên hải Trung Bộ sau những thất bại liên tiếp trước đó. Việc rút quân này đã khiến quân lực VNCH chịu tổn thất lớn, tạo nên sự hỗn loạn và hiệu ứng tâm lý hoảng loạn, dẫn tới những sai lầm về mặt quân sự sau đó.

Cùng với thất bại ở chiến dịch Tây Nguyên, Quân lực VNCH cũng thất bại ở chiến dịch Huế - Đà Nẵng diễn ra gần như cùng thời điểm đã khiến tinh thần của họ giảm mạnh. Tuy vậy, báo cáo tình báo của Hoa Kỳ tại thời điểm đó cũng có quan điểm trái ngược với tình hình.

Trong báo cáo gửi về Washington DC cuối tháng 3/1975, CIA tại Sài Gòn nhận định rằng: "Căn cứ vào sự thiệt hại mới đây về thiết bị và sự uy hiếp thường xuyên của quân đội Bắc Việt trên khắp các mặt trận thì quân chính phủ VNCH trong thời gian trước mắt, không thể nào phục hồi lại được. Thật vậy, những gì gây ra cuộc khủng hoảng này không hề thay đổi dù ở Sài Gòn, Hà Nội hay Washington. Chiến tranh Việt Nam đã hoàn toàn đảo ngược trong mấy tuần lễ. Một thảm họa quân sự là chắc chắn".

Tuy vậy, tướng Frederick C. Weyand, tham mưu trưởng lục quân Mỹ sang Sài Gòn để thị sát tình hình của VNCH lại có đánh giá ngược lại: "Lực lượng Nam Việt Nam không mất tinh thần, xét theo bất cứ khía cạnh nào. Quân đội VNCH sẽ đứng lên chiến đấu ở Bắc Nha Trang và họ quyết tâm làm chậm bước tiến của cộng sản. Họ đang cho thấy mọi việc được thực hiện rất tốt".

Tướng Weyand còn nhận xét thêm rằng quân Bắc Việt sẽ không tiến công mà dừng để củng cố và bổ sung lực lượng: "Những người cộng sản, sau khi chiếm được những vùng lãnh thổ rộng lớn và những trung tâm dân cư, sẽ phải ngừng bước tiến để củng cố thành quả và bổ sung lực lượng".

Kế hoạch của quân đội Bắc Việt là dự tính đến năm 1976 có thể tái thống nhất lãnh thổ. Tuy vậy nhận định thấy tinh thần của Quân lực VNCH xuống thấp sau những trận thua này, cộng với một số sai lầm chiến lược trong việc bố trí lại lực lượng, điều quân, quân đội Bắc Việt đã tận dụng thời cơ và tiến về Sài Gòn. Quân đội Bắc Việt mất 55 ngày để thống nhất lãnh thổ.

Còn tại Afghanistan, lực lượng quân chính phủ hoàn toàn không có tinh thần chiến đấu do một chính phủ tham nhũng và không đáng để họ phải hy sinh tính mạng của mình.

Khi chứng kiến phiến quân Taliban nhanh chóng chiếm được Afghanistan, một quan chức Hoa Kỳ đã nhận xét rằng, "Một khi tinh thần [chiến đấu] bị xuống, nó sẽ lan truyền rất nhanh và điều đó ít nhất cũng có một phần nguyên nhân [thất bại của chính phủ Afghanistan]".

Trong nhiều năm, hàng trăm binh sĩ Afghanistan bị giết mỗi tháng. Nhưng quân đội nước này đã chiến đấu mà không có bất kỳ những chăm sóc y tế chuyên nghiệp nào, cũng như không có được sự trợ giúp di chuyển những người lính bị thương bằng đường không, vì họ ỷ lại vào quân đội liên quân đang ở đó. Khi không còn sự hỗ trợ đó nữa, tinh thần chiến đầu của bọ sẽ bốc hơi, theo nhận xét từ Reuters

"Bạn có dành cả cuộc đời mình cho những nhà lãnh đạo mà không trả lương đúng hạn cho bạn và chỉ quan tâm đến tương lai của chính những nhà lãnh đạo này không?" một quan chức Hoa Kỳ đã hỏi.

Một số người trong chính phiến quân Taliban cũng có nhận định tương tự như vậy.

Một chỉ huy Taliban ở tỉnh miền trung Ghazni cho biết sự sụp đổ của lực lượng chính phủ bắt đầu ngay sau khi lực lượng Hoa Kỳ bắt đầu rút lui "vì họ không có bất kỳ ý thức hệ nào ngoại trừ việc bòn rút từ người Mỹ."

Xem ra giới tình báo Hoa Kỳ chưa học được bài học kinh nghiệm trước đây. Có thể bài học đó đã xảy ra quá lâu, gần 50 năm. Cũng như có thể tướng lĩnh của họ đang quan tâm tới những việc khác trong chính quyền như “Thuyết chủng tộc phê phán” mà quên mất nhiệm vụ chính của mình.

Minh Dũng

Bài viết này chỉ thể hiện quan điểm và góc nhìn cá nhân của tác giả, không đại diện cho quan điểm của NTD Việt Nam.



BÀI CHỌN LỌC

Afghanistan sụp đổ, thất bại của tình báo Mỹ và bài học từ cuộc chiến Việt Nam 1975