Afghanistan thất thủ - Ai kẻ khốn cùng? Ai người đắc ý?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một cuộc chiến kéo dài gần 20 năm, lại nhanh chóng kết thúc chỉ trong vòng vài chục ngày. Lần đầu tiên, có một sự ‘tình cờ’ đầy ăn ý giữa hai đối thủ lớn nhất toàn cầu, Mỹ và Trung quốc đồng lòng trao tặng cho Taliban món quà họ khao khát 20 năm nay: Quyền cai trị Afghanistan. Giữa sự sụp đổ hỗn loạn này, ai kẻ khốn cùng? Ai người đắc ý?

Chỉ trong vòng vài tuần, nhóm phiến quân Taliban đã nhanh chóng chiếm giữ hầu hết các thủ phủ tỉnh của Afghanistan mà hầu như không phải đối mặt với bất kỳ kháng cự nào từ lực lượng quân đội nước này. Cho đến ngày 15/8, nhóm khủng bố này đã có thể đường hoàng tiến quân vào thủ đô Kabul để "đàm phán hòa bình" với chính phủ đương nhiệm, trong lúc cựu Tổng thống Afghanistan và nhiều quan chức cấp cao khác tháo chạy.

Món quà Mỹ và Trung Quốc đồng lòng trao tặng Taliban: Quyền cai trị Afghanistan

Suốt 4 năm tại nhiệm, cựu Tổng thống Mỹ Donald J. Trump dường như đã làm tất cả để Mỹ có thể rút quân trong trật tự mà vẫn ở thế thượng phong, khi xóa sổ một số nhóm khủng bố khét tiếng ở Trung Đông, cô lập Iran (quốc gia tài trợ khủng bố) bằng cách rút khỏi thỏa thuận hạt nhân và đơn phương trừng phạt, đóng băng các tài khoản ở nước ngoài liên quan tới Iran và khủng bố, làm suy yếu Trung Quốc - nhân tố gây rối loạn Trung Đông, ủng hộ Israel khiến thế giới Ả-rập phải thừa nhận quốc gia này… Tất cả tạo nên một thế cờ vững chắc bên ngoài Afghanistan, nơi vị thế của Mỹ mạnh lên và Mỹ là kẻ quyết định kết cục, kẻ thù của Mỹ bị khô dòng tài chính và khó có thể hậu thuẫn lẫn nhau.

Bên trong Afghanistan, ông Trump thiết lập các thỏa thuận có điều kiện với Taliban. Điều này có nghĩa là, quân đội Mỹ sẽ phản kích bất kỳ lúc nào nếu các thỏa thuận này tan vỡ. Và nếu các điều kiện này được duy trì, Taliban có lý do để cân nhắc được mất khi xâm chiếm Afghanistan, đuổi Mỹ tháo chạy về nước chỉ trong vài chục ngày ngắn ngủi.

Nhưng đáng tiếc, bên ngoài Afghanistan, chính quyền ông Biden đã làm mọi cách có thể để giúp kẻ thù của Mỹ tiếp cận nhiều tiền hơn, mạnh hơn và có thể giúp đỡ lẫn nhau bằng cách đảo ngược chính sách của ông Trump. Họ cởi trói cho Iran bằng cách tham gia lại thỏa thuận hạt nhân và không đơn phương cấm vận; làm suy yếu Israel bằng cách cung cấp tiền cho Pakistan (tạo nguồn tài chính gián tiếp cho Hamas); đình chỉ lại các đòn đánh vào tài chính, trừng phạt thuế, doanh nghiệp của ông Trump dành cho Trung Quốc.. Từ đây, các thế lực ma quỷ ở Trung Đông lại trỗi dậy.

Cựu Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump (trái) và ứng cử viên Tổng thống Dân chủ và cựu Phó Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden trong cuộc tranh luận tổng thống cuối cùng tại Đại học Belmont ở Nashville, Tennessee, vào ngày 22/10/2020. (Ảnh bởi MORRY GASH, JIM WATSON / AFP qua Getty Images)

Đầu tháng Bảy, tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố rút quân khỏi Afghanistan. Gần như ngay lập tức, chế độ Bắc Kinh long trọng đón tiếp Taliban theo nghi lễ ngoại giao chính thức. Đây là một tuyên bố chắc chắn với cả thế giới về sự công nhận và hậu thuẫn của chế độ này dành cho Taliban. Trước đó, nhiều thông tin tiết lộ rằng, tổ chức khủng bố Taliban đã có mối quan hệ đào tạo khủng bố, mua bán vũ khí lâu năm với Bắc Kinh khi cả hai có chung kẻ thù là Mỹ.

Bên trong Afghanistan, ông Biden rút quân vội vã, vô điều kiện trước một Taliban chuyên nghiệp hơn, mạnh mẽ hơn và tự tin hơn nhiều sau khi được Bắc Kinh bật đèn xanh. Mọi điều kiện đàm phán trước đó của chính quyền tiền nhiệm bị vứt bỏ. Taliban nắm lại cơ hội vàng mà Mỹ và Trung Quốc trao cho, chiếm lấy Afghanistan cùng rất nhiều khí tài quân sự của Mỹ ở nơi này.

Bề ngoài, chính quyền ông Biden dường như muốn từ bỏ Afghanistan để dồn lực chống Trung Quốc, và dường như các tuyên bố chống Trung của Mỹ cũng vẫn gay gắt như thời cựu tổng thống Donald Trump.

Đáng tiếc, sự kiện Afghanistan tình cờ cho thế giới thấy một câu chuyện khác. Không hẹn mà gặp, Trung Quốc và Mỹ đồng thời bật đèn xanh cho Taliban, trao cho họ món quà mơ ước suốt 20 năm qua: quyền cai trị Afghanistan!

Sự tình cờ khiến những người tin vào Chúa ngờ vực, Chúa đang chơi trò xúc sắc ở Trung Đông? Ai sẽ rơi cảnh khốn cùng? Ai người cười đắc ý?

Những kẻ khốn cùng - Họ là ai?

Tháo chạy hỗn loạn khỏi Afghanistan với các chuyến chuyên cơ dỡ hết ghế ngồi, bằng vô số con đường khác nhau khiến thế giới có thể hình dung các thảm họa nhân đạo tiếp theo trong những ngày tới dưới thời Taliban. Lịch sử giết người đẫm máu bởi vô số lý do vì niềm tin tôn giáo cực đoan khiến thế giới văn minh không còn tin cậy vào lời hứa của Taliban về việc không trả thù, không đàn áp và tôn trọng phụ nữ.

Phụ nữ Afghanistan - nạn nhân đứng đầu danh sách

Theo hãng tin AP, sau khi thủ đô Kabul của Afghanistan bị Taliban chiếm đóng và Tổng thống Ashraf Ghani tháo chạy, Taliban sẽ giành lại quyền thống trị ở Afghanistan, và phụ nữ nước này sẽ lại quay trở về thời kỳ đen tối: bị ép hôn, tảo hôn, cấm đi học, nô lệ tình dục…

Nữ sinh và nhà hoạt động nhân quyền Malala Yousafzai bị các tay súng Taliban bắn vào tháng 10/2012 Ảnh: Getty

Vào đầu tháng 7, trong khi liên tục giành thắng lợi khi đánh chiếm các thành trì, Taliban cũng bắt đầu cưỡng hôn các bé gái, và ra lệnh cho chủ gia đình phải để một bé gái 13 tuổi kết hôn với một người lính Taliban. Ở các vùng nông thôn do Taliban kiểm soát, các bé gái đã bị cấm đến trường.

Cơn ác mộng của phụ nữ Afghanistan đã quay trở lại, và một số gia đình có con gái không còn cách nào khác là phải chạy trốn. Người cha 39 tuổi tên là Gulpari được thông báo phải "giao nộp" ít nhất một cô con gái cho lính Taliban. Ông Gulpari có hai cô con gái vị thành niên, một 15 tuổi và một 13 tuổi. Hai cô gái khi biết tin đã vô cùng hoảng sợ, họ gục xuống và khóc. Người cha Gulpari đành phải tranh thủ khi đêm khuya thanh vắng đưa cả nhà bỏ trốn ngay trong đêm.

Phụ nữ đặc biệt là nhóm nạn nhân phải chịu những đối xử tàn tệ của phiến quân Taliban. Nhóm khủng bố này cấm phụ nữ được đến trường. Phụ nữ ngoại tình bị ném đá đến chết. Phụ nữ đi với đàn ông không phải họ hàng bị phạt đánh đến 100 roi ở nơi công cộng và vô số các hình thức tàn nhẫn khác.

Những người nằm trong danh sách chờ Taliban hành quyết.

Từ khi Taliban đang tiến tới kiểm soát nhiều khu vực của Afghanistan hơn, hàng nghìn phiên dịch viên của các nước phương Tây như Anh và Mỹ đã lường trước kết cục bi thảm của họ và gia đình nếu ở lại Afghanistan. Lo sợ trước nguy cơ bị chặt đầu khi Taliban nắm toàn quyền, họ càng khẩn thiết mong chờ cơ hội tị nạn tại các đất nước dân chủ.

Taliban không phủ nhận rằng lực lượng vũ trang này đã đưa các phiên dịch viên người Afghanistan vào danh sách cần hành quyết hàng loạt. Taliban coi họ như những kẻ phản bội vì đã hợp tác với liên quân trong cuộc xung đột tàn bạo kéo dài 20 năm ở Afghanistan, dẫn đến cái chết của hơn 70.000 dân thường.

Vì sao Taliban lại lộng hành đến như vậy ngay trước cú bắt tay với ĐCSTQ?
Vì sao Taliban lại lộng hành đến như vậy ngay trước cú bắt tay với ĐCSTQ? (Tổng hợp)

Hãy tưởng tượng, hàng ngàn phiên dịch viên nằm trong danh sách chờ hành quyết của Taliban. Vậy bao nhiêu nghìn công chức, viên chức, lực lượng an ninh, quân đội dưới thời chính quyền Afghanistan vừa tan rã sẽ nằm trong danh sách này? Bao nhiêu tòa báo, phóng viên từng lên án Taliban ở Afghanistan có thể bình yên trong tay Taliban?

Những người hồi giáo Duy Ngô Nhĩ.

Hàng triệu người hồi giáo Duy Ngô Nhĩ đã mất tích trong các trại cải tạo khét tiếng của chế độ Bắc Kinh trong hàng chục năm chế độ này thực hiện chương trình “diệt chủng lạnh”. Một trong những hy vọng của họ là đào thoát khỏi Trung Quốc qua biên giới. Afghanistan và Trung Quốc có chung 90 km đường biên giới. Bằng việc Bắc Kinh bắt tay với Taliban, con đường biên giới hướng tới tự do và mạng sống này của người Duy Ngô Nhĩ hoàn toàn bị đóng lại.

Và tất cả những ai có lương tâm trên thế giới này...

Theo NTD VIETNAM ngày 16/7 trích dẫn báo cáo của Liên Hợp Quốc, Taliban thực hiện các cuộc thảm sát dân thường một cách có hệ thống. Ước tính có khoảng 15 cuộc thảm sát từ năm 1996 đến năm 2001. Taliban chịu trách nhiệm cho 76% cái chết của thường dân ở Afghanistan vào năm 2009 và 80% vào năm 2011.

Tháng 8/1998, tổ chức khủng bố này đã tấn công vào Mazar-i Sharif, giết chết 1.400 trong số 1.500 quân tự vệ. Sau khi chiếm được địa điểm này, Taliban đã thảm sát người dân, bắn giết người dân ngoài đường phố và khiến họ chết ngạt trong container, hãm hiếp phụ nữ. Tổng cộng đã có từ 5.000 đến 6.000 người bị sát hại.

Các gia đình di dời nội bộ ngồi trong một trường học sau khi họ rời khỏi nhà, sau khi nổ ra cuộc giao tranh giữa lực lượng an ninh Afghanistan và Taliban, tại quận Ghaziabad, phía bắc tỉnh Kunar vào ngày 7/8/2021. (NOORULLAH SHIRZADA / AFP qua Getty Images)
Các gia đình di dời nội bộ ngồi trong một trường học sau khi họ rời khỏi nhà, sau khi nổ ra cuộc giao tranh giữa lực lượng an ninh Afghanistan và Taliban, tại quận Ghaziabad, phía bắc tỉnh Kunar vào ngày 7/8/2021. (NOORULLAH SHIRZADA / AFP qua Getty Images)

Thảm họa nhân đạo sẽ xảy ra. Toàn bộ hòa bình của Trung Đông đứng trước một ngã rẽ khó lường. Sau khi Hamas nắm quyền kiểm soát ở Gaza, chiếm thế thượng phong ở Pakistan và Iran, thì giờ đây Taliban đã chiếm được Afghanistan. Cả 2 nhóm khủng bố này đều nhận được sự ủng hộ và hậu thuẫn từ Trung Quốc và Nga. Mối liên kết giữa các chính quyền độc tài tiếp tục mở rộng, nhờ vào quyết định buông tay bất ngờ của Mỹ.

Phóng viên Rachel Brooks của The Epoch Times đã nhận định: "Khi quân đội Hoa Kỳ và NATO rời khỏi Afghanistan, các chuyên gia khu vực cảnh báo về hậu quả của việc để lại một đất nước Afghanistan bất ổn, thiếu bền vững cho lực lượng chính trị của Taliban".

Ai người đắc ý?

Bắc Kinh đứng đầu danh sách

Thế giới coi Taliban là một tổ chức khủng bố đầy tội ác với những mối nguy đáng lo ngại, còn Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) lại thừa nhận tính hợp pháp của tổ chức này, và sẵn sàng hợp tác liên minh. Đơn giản là vì lợi ích.

Trong khi ngoại trưởng Vương Nghị bắt tay với thủ lĩnh Taliban theo nghi lễ ngoại giao long trọng nhất ở Bắc Kinh, thì nhiều thường dân vô tội và các nhà báo quốc tế tại Afghanistan đã bị bắt giữ, bị đem ra hành quyết, chặt đầu, phân thây.
Trong khi ngoại trưởng Vương Nghị bắt tay với thủ lĩnh Taliban theo nghi lễ ngoại giao long trọng nhất ở Bắc Kinh, thì nhiều thường dân vô tội và các nhà báo quốc tế tại Afghanistan đã bị bắt giữ, bị đem ra hành quyết, chặt đầu, phân thây. (Ảnh chụp qua màn hình)

Afghanistan có trữ lượng đồng, than, sắt, khí đốt, coban, thủy ngân, vàng, lithium và thorium chưa được khai thác lớn nhất thế giới, với giá trị ước tính khoảng 1.000 tỷ USD. Đây hiển nhiên là một miếng mồi béo bở khó có thể bỏ qua.

Ngoài ra, chính quyền Bắc Kinh còn đang hy vọng mở rộng các dự án trong Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của mình, từ dự án chính ở Pakistan nối dài với Afghanistan. Dự án này nhằm xây dựng một con đường từ khu vực Tân Cương của Trung Quốc đến bờ biển của Pakistan. Con đường tơ lụa mới này sẽ là cứ điểm để Trung Quốc mở rộng hơn nữa quyền lực và các vòi bạch tuộc của họ ở Trung Đông, nơi mà Mỹ đã “vô tình” từ bỏ.

Giảng viên Azeem Qureshi về quan hệ Trung Đông - Trung Quốc với COMSATS và các trường Đại học Quaid-i-Azam Islamabad nhận định: “Các công ty Trung Quốc đầu tư mạnh vào Pakistan, Afghanistan và Iran biết rõ tiềm năng kinh doanh to lớn trong khu vực, và hòa bình là mong muốn đích thực của họ vì nó tương đương với lợi nhuận khổng lồ. Trung Quốc có thể có được một tuyến đường dễ dàng hơn tới CAR qua Afghanistan và CPEC của Pakistan". CAR là tên viết tắt của khối các nước Cộng hòa Trung Á (Central Asia Republics).

Với việc lui binh của quân đồng minh Mỹ và NATO khỏi Afghanistan, ĐCSTQ có thể tiếp tục tạo ảnh hưởng lên Trung Đông. Với những chiêu bài lợi dụng lợi ích kinh tế và bẫy nợ công, chế độ độc tài Trung Quốc sẽ tiếp tục thâu tóm quyền lực và thao túng khu vực địa chính trị chiến lược nhưng đầy bất ổn này.

Tuy nhiên, mục tiêu của Bắc Kinh không chỉ dừng lại ở vấn đề kinh tế.

Việc ĐCSTQ bức hại các nhóm dân tộc thiểu số Hồi giáo ở Tân Cương, cũng khiến cho Bắc Kinh phải dè chừng những lực lượng phản đối của người Duy Ngô Nhĩ tại các khu vực giáp biên giới Trung Quốc với Pakistan hay Afghanistan. Nhưng với lời đề nghị công khai kết liên minh, Bắc Kinh đã nhận được lời đảm bảo từ Taliban rằng, sẽ không cho phép vùng núi biên giới giữa Trung Quốc và Afghanistan trở thành căn cứ của những người Duy Ngô Nhĩ Tân Cương theo Chủ nghĩa phân lập (Separatism), theo kênh truyền thông nước ngoài đưa tin.

Hơn 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ bị bắt vào trại cải tạo ở Tân Cương, Trung Quốc (Ảnh Getty)

Như vậy, với sự thắng thế của Taliban ở Afghanistan, ĐCSTQ lại có thêm đồng minh để tiếp tục che đậy, lấp liếm tội ác diệt chủng của mình với nhóm người Duy Ngô nhĩ, thậm chí thêm trợ thủ đắc lực là Taliban để đàn áp dân tộc thiểu số này.

Các nhà tài phiệt vũ khí toàn cầu, lớn nhất là ở Mỹ

Theo Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm, Mỹ là quốc gia xuất khẩu vũ khí lớn nhất sang Trung Đông, nối gót là Nga, Pháp, Anh và Trung Quốc.

Theo BBC, gần một nửa (47%) kim ngạch xuất khẩu vũ khí của Mỹ năm 2020 là từ Trung Đông, trong đó riêng Ả Rập Xê-út chiếm 24% tổng kim ngạch xuất khẩu vũ khí của Mỹ. Hiện Mỹ đang cung cấp vũ khí cho 96 nhà nước trong khi tăng tỷ trọng bán vũ khí trên toàn cầu trong thời gian 5 năm.

Kim ngạch xuất khẩu vũ khí sang Trung Đông từ năm 1950 - 2019, triệu USD (Nguồn: Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm). 
Kim ngạch xuất khẩu vũ khí sang Trung Đông từ năm 1950 - 2019, triệu USD (Nguồn: Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm).

Trung Đông càng hỗn loạn, doanh thu của các siêu tập đoàn vũ khí này càng lớn, đặc biệt là quyền lợi đối với các tài phiệt vũ khí ở Mỹ.

Các thỏa thuận hòa bình là mơ ước của hầu hết nhân loại chúng ta, những người có lương tri. Nhưng không phải ai cũng giống chúng ta. Nếu thế lực khủng bố mạnh hơn, sự kiện liên quan đến khủng bố bên ngoài, thậm chí trong lòng nước Mỹ lớn hơn. Rất có thể một cuộc chiến mới được kích hoạt, dư luận về cuộc bầu cử gây tranh cãi được đè bẹp xuống, nguy cơ đảng phái được loại trừ, vai trò chính phủ được tăng cường, chính phủ vừa có thể mở rộng, vừa có thể kích hoạt chiến tranh… Dù sao, đây chỉ là một cách tiếp cận theo logic tư duy thông thường. Nhưng nó cũng đáng để chúng ta suy ngẫm.

Teheran (Iran) mở rộng liên minh ma quỷ, bớt một kẻ thù ngay sát sườn

Chiến thắng của Taliban chắc chắn khiến Teheran nâng ly. Nếu Trung Quốc chỉ có 90 km đường biên giới với Afghanistan thì Teheran có tới 900 km đường biên.

Hãy hình dung thời ông Trump cấm vận Iran, trên biển thì tuần tra ngăn Iran trao đổi hàng hóa, dầu, vũ khí, dược phẩm với Trung Quốc, Nga, các tập đoàn buôn bán vũ khí, dược phẩm của chính Mỹ... 900km đường biên với Afghanistan có thể yên tâm. Iran hẳn nhiên không thể tung tác mạnh với sự hiện diện của Mỹ ngay sát sườn. Đây là lý do Iran muốn xích lại gần Taliban.

Dù Iran từng hợp tác với Mỹ trong việc truy quét trùm khủng bố Al Qaeda là Osama Bin Laden thời Taliban từng cai trị Afghanistan (1996 - 2001), nhưng cũng vào đầu tháng Bảy, Iran đã tổ chức một cuộc họp giữa các phe phái chính trị Afghanistan ngay tại thủ đô Teheran, và một phái đoàn Taliban đã tham dự sự kiện này. Dù giữa Iran và Taliban còn nhiều bất đồng về tôn giáo và lo ngại lẫn nhau, nhưng trước mắt, giống như Trung Quốc, Taliban cần kết thêm bè phái ở Trung Đông, cần mở rộng liên minh với Teheran và Bắc Kinh để chống lại kẻ thù chung của họ - nước Mỹ.

Nga cần Taliban để che đi gót chân Achilles của mình

Theo tờ Global Times, trước khi tới thăm Trung Quốc theo lời mời chính thức của Bắc Kinh, một phái đoàn Taliban đã đến thăm Moscow vào đầu tháng Bảy, nơi họ cam kết sẽ không đe dọa nền an ninh của nước Nga. Các nhà phân tích cho biết, thay vì thăm các nước khác trong khu vực, Taliban đã chọn đến thăm Nga và Trung Quốc trước tiên.

Hãng tin Wall Street Journal cho biết, sau sự ra đời của ISIS ở Afghanistan, Taliban đã trở thành một lựa chọn hợp lý đối với Nga. Nước này đã chính thức thừa nhận rằng họ có liên hệ với Taliban. Gần đây, Taliban đã được chứng thực với tư cách là một bên liên quan chính khi Nga triệu tập một hội nghị 3 bên về Afghanistan cùng với Trung Quốc và Pakistan. Hiện thời, Nga đã triệu tập một hội nghị lớn hơn, trong đó Iran, Afghanistan và Ấn Độ cũng đang được mời.

Phái đoàn của lực lượng Taliban tham dự cuộc đàm phán Đối thoại nội bộ Afghanistan tại thủ đô Doha của Qatar vào ngày 8/7/2019. (Nguồn ảnh: KARIM JAAFAR / Getty Images)

Động cơ đằng sau động thái gần đây của Nga thể hiện rằng, việc ủng hộ Taliban là sự thay đổi về chất trong chính sách đối ngoại tổng thể của Nga, hiện đang khẳng định mình là một siêu cường như Liên Xô từng ở thời hoàng kim.

Không chỉ đơn giản như vậy, chẳng lẽ Nga chỉ cần Afghanistan để trở lại thời siêu cường Liên Xô đã mục nát?

Tác giả Tim Marshall, trong cuốn sách "Những tù nhân của địa lý", đã sử dụng phân tích địa chính trị để chứng minh thuyết phục rằng, "việc thiếu một cảng nước ấm có lối ra trực tiếp với các đại dương luôn là gót chân Achilles của nước Nga". Và ông đã đúng khi Nga không thể từ bỏ Crimea, nơi họ có cảng nước ấm sống còn Sevastopol, một huyết mạch hàng hóa, quân sự, một hy vọng duy nhất cho Nga vào mùa đông khắc nghiệt ở Nga.

Ở phía Ấn Độ Dương, điều quan trọng trong sự hiện diện của Nga tại Afghanistan sẽ mang lại cho Nga hy vọng "giặt ủng trong làn nước ấm áp của Ấn Độ Dương". Thứ mà Nga chưa bao giờ có là "một hải cảng nước ấm không bao giờ bị đóng băng vào mùa đông, cho phép tự do tiếp cận các tuyến thương mại chủ chốt của thế giới", theo tác giả Tim Marshall. Đó là lý do chính quyền Liên Xô cũ đã xâm chiếm Afghanistan và xa lầy ở đây vào cuối thập kỷ 80 của thế kỷ XX, cuộc chiến mệnh danh "cuộc chiến Việt Nam của Nga".

Với hiểu biết ở trên về Nga, hiển nhiên Nga vô cùng cần Taliban, nhất là khi chính quyền trước đó của Afghanistan được ủng hộ bởi Mỹ. Chỉ khi Taliban khống chế phần lớn Afghanistan, giấc mơ "giặt ủng trong làn nước ấm Ấn Độ Dương" của Nga mới có cơ hội thành hiện thực, gót chân Achilles của Nga được Taliban giúp che đi. Nhưng chẳng gì là miễn phí. Đổi lại, quân Taliban có vũ khí của Nga, có sự ủng hộ của Nga trên trường quốc tế.

Đàm Thanh - Du Miên

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Tim Marshall, Những tù nhân của địa lý, 2015;
  2. Congressional Research Service, Arms Sales in the Middle East: Trends and Analytical Perspectives for U.S. Policy, 23/11/2020.



BÀI CHỌN LỌC

Afghanistan thất thủ - Ai kẻ khốn cùng? Ai người đắc ý?