AI hủy hoại sức tưởng tượng và trí sáng tạo trong việc viết lách

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một khi sức tưởng tượng và trí sáng tạo của các tác giả bị AI hủy hoại, đây sẽ là tổn thất lớn cho xã hội và nền văn minh của chúng ta. Điều có thể ngăn cản tính phá hoại của AI chính là sự minh bạch.

Trong một bài báo được xuất bản gần đây, tác giả Andrew Thornebrooke đã viết về “sự gián đoạn khổng lồ” mà công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) có thể sẽ gây ra. Một cuộc họp của Tiểu ban về Quyền riêng tư, Công nghệ và Luật của Mỹ cho biết rằng “sự bùng nổ của các công cụ AI phổ biến có sẵn như ChatGPT sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến xã hội bắt đầu vào đầu năm tới”.

Tương tự, tại Úc, Ủy viên Nhân quyền Lorraine Finlay cũng cảnh báo rằng, sẽ khó khăn hơn để phân biệt sự thật với hư cấu và chống lại “mối đe dọa ngày càng tăng do video giả mạo và thông tin sai lệch được tạo ra và lan truyền bằng các công cụ AI”.

Việc sử dụng ngày càng nhiều rô-bốt - “chatbot” - trong môi trường xuất bản có thể được so sánh với cuộc cách mạng do việc phát minh ra máy in vào thế kỷ 15 khởi xướng. Cuộc cách mạng này “được coi là điềm báo cho một nền văn minh được trao quyền nhiều hơn và sự gia tăng tự do trên khắp châu Âu”.

Ông Sam Altman, nhà phát triển ChatGPT, cũng bày tỏ niềm tin của mình rằng AI “có thể là một khoảnh khắc [giống với việc ra đời] máy in”.

Việc so sánh AI với việc phát minh ra máy in liên quan đến cuộc tranh luận hiện nay về những mối nguy hiểm liên quan đến việc sử dụng các công cụ AI, đặc biệt là trong thế giới văn học và viết luận.

Sự liên quan được củng cố bởi kết quả của một cuộc khảo sát gần đây được thực hiện bởi Hiệp hội các tác giả Úc (ASA). Nó tìm cách xác định quan điểm của các thành viên về tác động của AI đối với công việc của họ.

ASA lưu ý rằng “kết quả khảo sát chứng minh rằng trong khi một số ít tác giả đang sử dụng các công cụ AI như một phần của quá trình viết và minh họa của họ, thì vẫn tồn tại mối lo ngại lớn về mối đe dọa do AI tạo ra đối với nghề viết và minh họa vốn đã bấp bênh”.

AI có thể hủy hoại sức tưởng tượng và trí sáng tạo trong việc viết lách
Ông Samuel Altman, Giám đốc điều hành của OpenAI, tuyên thệ trước khi đưa ra lời khai trước Tiểu ban Tư pháp Thượng viện về Quyền riêng tư, Công nghệ và Luật pháp vào ngày 16/05/2023 tại Washington, DC, Mỹ. (Ảnh: Win McNamee/Getty Images)

Xóa nhòa ranh giới

Là tác giả của một số tiểu thuyết và sách phi hư cấu, tôi thấy rất thú vị khi phát hiện ra rằng, về mặt công nghệ, có thể viết một cuốn sách với sự trợ giúp của một người máy (hoặc chatbot) được hướng dẫn kỹ càng và giả vờ rằng đó hoàn toàn là tác phẩm của một con người.

Trong những trường hợp này, thật khó để phân biệt giữa một cuốn tiểu thuyết thực sự và một cuốn tiểu thuyết được viết bởi một người máy. Thật đáng kinh ngạc, một tiểu thuyết cũng có thể là thứ không thật.

Tuy nhiên, bước đột phá công nghệ này tạo ra một viễn cảnh đáng sợ vì AI tạo ra một thế giới mà ở đó không có thành tựu nào có thể được khẳng định là bắt nguồn từ trí tưởng tượng nghệ thuật và kỹ năng của các tác giả.

Liệu một người máy có thực sự có thể viết một cuốn tiểu thuyết có cấu trúc tốt và cảm động không?

Ở giai đoạn này, robot vẫn có thể gặp khó khăn trong việc viết một câu chuyện được phát triển qua nhiều chương khác nhau. Một câu chuyện như vậy có độ phức tạp của cốt truyện tăng dần sau mỗi chương mới và mang lại cái nhìn sâu sắc về tính cách của các nhân vật chính. Việc sáng tác nó thực sự là một nhiệm vụ đầy thách thức.

Hiện tại, một người quan sát dày dặn và tỉ mỉ có thể có khả năng nghi ngờ, hoặc thậm chí đi đến kết luận, rằng một cuốn sách đã được viết với sự trợ giúp của người máy.

Người quan sát có thể làm được điều này bằng cách phát hiện ra xu hướng sử dụng các tính từ và trạng từ giống nhau của chatbot thay vì sử dụng các từ khác để cung cấp cái nhìn sâu sắc hơn về thế giới thú vị của các nhân vật chính trong cuốn sách.

Sự phát triển của các câu chuyện cũng có thể tuân theo một khuôn mẫu máy móc và có thể dự đoán được. Tuy nhiên, thế giới xuất bản đang chú ý đến một sự thay đổi cơ bản đang đến đối với việc viết lách của các tác giả.

Người ta cũng đang quan tâm không kém tới việc sử dụng AI trong các trường học và đại học.

AI có thể hủy hoại sức tưởng tượng và trí sáng tạo trong việc viết lách
Một học sinh viết tên mình trong lớp học tại một trường tiểu học ở Paris, Pháp, sau khi bắt đầu năm học mới, hôm 04/09/2012. (Ảnh: Fred Dufour/AFP qua Getty Images)

Giáo viên và các học giả đại học sẽ gặp khó khăn lớn trong việc xác định liệu một bài luận có thực sự là tác phẩm của chính sinh viên hay không. Có những tổ chức chuyên môn có thể cung cấp cho sinh viên một bài luận về nhiều chủ đề theo cách đáng kinh ngạc.

May mắn thay, các quy định về đạo văn và thông đồng vẫn đang là rào cản bất khả xâm phạm ngăn cản sinh viên sử dụng các dịch vụ này. Nhưng sẽ là rất khó để ngăn cản việc con người ra lệnh cho một chatbot viết bài luận.

Có thể kỳ vọng rằng người ta sẽ quay trở lại cách đánh giá kiểu kiểm tra truyền thống, nơi sinh viên viết bài trong một môi trường được kiểm soát.

Ngoài ra, nếu việc viết bài luận độc lập vẫn được duy trì như một cách để đánh giá năng lực văn học và khả năng giao tiếp của học sinh, thì các câu hỏi bài luận sẽ cần phải được soạn thảo đặc biệt phức tạp và tinh vi đến mức robot khó có thể tạo ra một đáp án có thể chấp nhận.

Chúng ta cần làm gì?

AI có mang lại lợi ích cho nhân loại hay không phụ thuộc vào chính nhân loại. Bất kỳ tiến bộ công nghệ nào cũng có thể được sử dụng để gây hại cho xã hội hoặc mang lại những lợi ích không thể tưởng tượng được cho nó. Tuy nhiên, chắc chắn rằng nó cần được kiểm soát để đảm bảo rằng nền văn học và hệ thống giáo dục của quốc gia không bị tổn hại nghiêm trọng và nền văn minh của chúng ta vẫn còn nguyên vẹn.

Thật vậy, một khi AI hủy hoại sức mạnh tưởng tượng và sáng tạo của các tác giả và sinh viên, thì người dân nói chung sẽ cảm thấy khó có thể chắc chắn về nguồn gốc và nội dung của thông tin mà họ nhận được, cuốn sách họ đọc hoặc thậm chí bài giảng họ nghe.

Một khi sự không chắc chắn chiến thắng, nền văn minh của chúng ta sẽ lao dốc.

Trong hoàn cảnh như vậy, ta cần chú ý tới đánh giá của ông Alexander Voltz:

“Mặc dù chúng ta có thể nói rằng nghệ thuật do AI tạo ra, theo các điều kiện cơ sở, dựa trên kiến ​​thức, nhưng nó là vô nhân tính và do đó không phải là sự thể hiện trung thực về trải nghiệm của con người. Nó cũng không trung thực trong việc tạo ra tác phẩm nghệ thuật của mình, mà chỉ đơn thuần thao túng một thư viện kỹ thuật số được lập trình sẵn gồm các thành phần và ý tưởng do con người xây dựng”.

Các thành viên của ASA tham gia cuộc khảo sát được đề cập ở trên ủng hộ - một điều không hề ngạc nhiên - quan điểm rằng tất cả các tác phẩm do AI tạo ra nên được xác định là do rô-bốt tạo ra. Nói cách khác, cần có sự minh bạch.

Thật vậy, chỉ tính minh bạch mới có thể hạn chế, hoặc thậm chí loại bỏ, xu hướng không thể ngăn cản của AI và những thiệt hại mà nó có thể gây ra cho nghệ thuật viết lách.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTD Việt Nam.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch

Tác giả Gabriël A. Moens là giáo sư luật danh dự tại Đại học Queensland, và từng là phó cho phó hiệu trưởng và trưởng khoa tại Đại học Murdoch. Năm 2003, ông Moens được thủ tướng trao tặng Huân chương Thế kỷ Úc cho những hoạt động trong lĩnh vực giáo dục. Ông đã giảng dạy rộng rãi trên khắp Úc, châu Á, châu Âu, và Mỹ.



BÀI CHỌN LỌC

AI hủy hoại sức tưởng tượng và trí sáng tạo trong việc viết lách