Âm mưu nào ẩn sau việc Trung Quốc không ngừng cảnh báo về chiến tranh?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Phát biểu tại phiên họp Quốc hội thường niên ở Bắc Kinh hôm 7/3, Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương cảnh báo Mỹ phải chấm dứt đàn áp Trung Quốc nếu không sẽ gặp 'hậu quả thảm khốc'. Trước đó một ngày, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình cũng nêu đích danh Mỹ đang tiến hành 'một chiến dịch ngăn chặn, bao vây và đàn áp toàn diện Trung Quốc'. Vậy âm mưu nào ẩn sau động thái này?

Bài viết được xuất bản bởi Viện Gatestone

"Nếu Mỹ không hãm phanh mà vẫn tiếp tục tăng tốc trên con đường sai lầm, thì không hàng rào nào có thể ngăn được việc trật bánh hoặc va chạm, và chắc chắn sẽ có xung đột và đối đầu", Ngoại trưởng Tần Cương cảnh báo hôm 7/3.

Lời cảnh báo trực tiếp bất thường trên theo sau lời cảnh báo của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc ở Bắc Kinh một ngày trước đó (6/3). Ông nói: "Các nước phương Tây, dẫn đầu là Hoa Kỳ, đang tiến hành một chiến dịch ngăn chặn, bao vây và đàn áp toàn diện đối với Trung Quốc”.

Những bình luận này cho thấy sự xấu đi rõ rệt trong quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh. Điều gì đang xảy ra?

“Chúng ta không thể loại trừ âm mưu ‘Không thành kế’", ông Ming Xia, Giáo sư khoa học tại Đại học Thành phố New York, một trong những nhà quan sát Trung Quốc sắc sảo nhất của Mỹ, đã tweet vào ngày 8/3.

“Không thành kế” là một mưu lược nổi tiếng cổ kim, đã được sử dụng nhiều lần trong suốt lịch sử Trung Quốc cổ đại. Trong thời kỳ Tam Quốc, chiến lược gia quân sự Gia Cát Lượng (tự là Khổng Minh) đã nâng mưu lược này lên thành huyền thoại trong trận chiến Nhai Đình với quân đội Tào Ngụy, dẫn đầu là Tư Mã Ý.

Năm 228, trong lần Bắc phạt thứ nhất, Gia Cát Lượng kéo quân ra Kỳ Sơn, muốn chiếm lấy Nhai Đình, vốn là huyết mạch trên con đường vận lương từ đất Thục sang. Tuy nhiên, vì một lần quá “tin tưởng” Mã Tốc, một thủ hạ thân tín đã theo Gia Cát Lượng học binh pháp nhiều năm, mà ông đã làm thất thủ Nhai Đình. Để cứu vãn tình thế, đích thân Gia Cát Lượng sử dụng ‘không thành kế’ để đối đầu với 15 vạn quân của Tư Mã Ý.

Theo đó, Gia Cát Lượng để ngỏ cổng thành, dường như có ý mời quân Tư Mã Ý tiến vào. Sau đó, ông một mình lên thành, bình thản gảy đàn. Tư Mã Ý nghi hoặc, không dám tiến vào vì sợ trong thành có mai phục. Sau khi dừng lại nghe tiếng đàn của Khổng Minh, Tư Mã Ý lặng lẽ rút quân.

Rất có thể, ông Tập và ông Tần Cương đang sử dụng chiến thuật cổ xưa này để đe dọa chính quyền ông Biden rằng "không được thực thi hoặc áp dụng các biện pháp mà họ phản đối".

Ông Dư Mậu Xuân (Miles Yu), Giám đốc Trung tâm Trung Quốc tại Viện Hudson, nhắc nhở người Mỹ rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang sử dụng một chiến thuật đã lỗi thời là “Dùng đối đầu để thúc đẩy hợp tác”.

“Chiến thuật này luôn nằm trong vở kịch của ĐCSTQ", ông Dư Mậu Xuân cho biết.

“Pháo đài” của Trung Quốc hiện đã “trống rỗng” vì nhiều lý do. Nền kinh tế của nước này đang gặp khó khăn, vỡ nợ liên tục, đồng tiền suy yếu, tình trạng thiếu lương thực ngày càng trầm trọng, các địa phương cạn kiệt tiền mặt dịch bệnh tiếp tục hoành hành trong dân chúng. Hơn nữa, người dân Trung Quốc đã và đang bất mãn với chính phủ. Kể từ cuối tháng 10/2022, họ đã xuống đường biểu tình về nhiều vấn đề. Một số người biểu tình thậm chí còn kêu gọi lật đổ ông Tập Cận Bình và yêu cầu ĐCSTQ hạ đài.

Tình hình ở Trung Quốc tồi tệ đến mức nào? Người dân Trung Quốc đã liều mạng vượt qua Darien Gap (dài khoảng 100 km và rộng chỉ 50 km), ngăn cách Colombia và Panama, để đi bộ tới Mỹ. Lực lượng Tuần tra Biên giới Hoa Kỳ đã bắt giữ một lượng kỷ lục người nhập cư bất hợp pháp Trung Quốc tại biên giới phía nam, tăng khoảng 800 % trong khoảng thời gian từ tháng 10/2022 đến tháng 1/2023, so với cùng kỳ năm trước.

Tác giả bài viết này tin rằng giới lãnh đạo Trung Quốc đã sớm nhận ra rằng, nếu họ phát động chiến tranh vào thời điểm này sẽ chỉ nhận lại kết cục bất lợi. Tuy nhiên, chỉ vì họ hiểu rõ điều này không có nghĩa là người Mỹ và người dân nhiều nước khác có thể cảm thấy yên tâm hoặc thở phào nhẹ nhõm.

Trước hết, không có một cá nhân nào - ngoài một nhóm nhỏ ở Bắc Kinh - biết rõ ý định thực sự của giới lãnh đạo Trung Quốc.

Vì vậy, nếu các quốc gia xây dựng chính sách về Trung Quốc dựa trên những gì họ tin rằng các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc “đang nghĩ như vậy” thì đó là điều cực kỳ nguy hiểm. Trong bốn thập kỷ qua, đã có quá nhiều "hình ảnh phản chiếu" về việc này. Ví dụ, giới lãnh đạo Mỹ thường thông báo với những người đồng cấp Trung Quốc về những suy nghĩ của họ - điều đó không sao cả - nhưng sau đó họ lại cho rằng người Trung Quốc cũng nghĩ giống như họ.

Cộng đồng quốc tế cần phải nhìn vào những gì giới lãnh đạo Trung Quốc đang làm trên thực tế. Ông Tập đã bổ nhiệm "nội các chiến tranh" của mình tại Đại hội toàn quốc lần thứ 20 của ĐCSTQ vào tháng 10/2022; ông đang tiến hành xây dựng quân đội lớn nhất kể từ Thế chiến II; ông đang cố gắng chứng minh chế độ độc tài của mình bị trừng phạt; và ông đang vận động dân thường tham gia chiến tranh. Ví dụ, các cán bộ ĐCSTQ đang tiếp quản nhà máy thuộc sở hữu tư nhân và chuyển đổi chúng từ sản xuất dân sự sang sản xuất quân sự.

Trong động thái mới nhất, chính quyền Trung Quốc đã lập ra các 'văn phòng động viên quốc phòng' định hướng chiến tranh trên toàn quốc. Luật Dự bị sẽ có hiệu lực vào đầu tháng này.

Dù Trung Quốc có ý định gì đi chăng nữa thì các nạn nhân của họ cũng cần phải phù hợp với sự chuẩn bị của họ. Chưa bao giờ việc răn đe Trung Quốc lại quan trọng hơn lúc này.

Ngay cả khi đây là trò bịp bợm lớn nhất trong lịch sử, quân đội Trung Quốc cũng đang kích động các vụ việc có thể dẫn đến chiến tranh, đặc biệt là trong môi trường căng thẳng mà ông Tập Cận Bình đã tạo ra.

  • Quân đội Trung Quốc tiến vào Khu vực Tawang của Ấn Độ ở Arunachal Pradesh vào tháng 12/2022;
  • Trung Quốc điều động máy bay và tàu hải quân gần Đài Loan, đặc biệt là vào Ngày Giáng sinh;
  • Trung Quốc có động thái khiêu khích Nhật Bản ở Biển Hoa Đông và Philippines ở Biển Đông;
  • Một máy bay chiến đấu của Trung Quốc đã chặn và áp sát một cách nguy hiểm một máy bay trinh sát của Không quân Mỹ trong không phận quốc tế trên Biển Đông.

Hơn nữa, bắt đầu từ ngày 28/1, khinh khí cầu do thám cỡ lớn của Trung Quốc đã xâm nhập không phận Mỹ và tiến hành do thám nhiều địa điểm chiến lược của Mỹ như: các địa điểm vũ khí hạt nhân, bao gồm Căn cứ không quân Malmstrom, F.E. Warren và Minot. Đây là nơi bố trí tất cả các tên lửa đạn đạo liên lục địa Minutemen III của Washington.

Khinh khí cầu này cũng bay lơ lửng gần căn cứ Không quân Whiteman, nơi đóng quân của phi đội máy bay ném bom B-2 có khả năng mang đầu đạn hạt nhân và Căn cứ Không quân Offutt, trụ sở của Bộ Tư lệnh Chiến lược, nơi kiểm soát vũ khí hạt nhân của Hoa Kỳ. Những động thái này cho thấy Trung Quốc đang thu thập thông tin tình báo để chuẩn bị cho một cuộc tấn công hạt nhân nhằm vào kho vũ khí chiến lược của Mỹ. Điều đó thể hiện Trung Quốc thực sự coi thường Mỹ.

Bất kể ý định của Trung Quốc là gì đi chăng nữa thì điều này cũng sẽ không có kết cục tốt đẹp. Ví dụ, ông Tập Cận Bình sẽ không ngừng nói về chiến tranh. Do đó, thế giới, và đặc biệt là nước Mỹ, cần phải lưu ý đến điểm này. Như ông Charles Burton của Viện Macdonald-Laurier tại Ottawa nói với Viện Gatestone rằng: “Ông Tập Cận Bình đã hoàn tất việc thanh trừng tất cả những người bất đồng chính kiến ​​và hiện ông không còn nghe thấy tiếng nói ôn hòa nào để kiềm chế cơn khát lớn của mình đối với chủ nghĩa phiêu lưu quân sự. Chủ nghĩa này là hệ quả đến từ sự phẫn nộ về ý thức hệ cực đoan của Trung Quốc đối với Hoa Kỳ”.

“Liệu Hoa Kỳ có đánh mất sự bình tĩnh và tự tin vốn có để rồi rơi vào vòng xoáy chính trị cuồng loạn?”, ông Xia cảnh báo. Tại thời điểm này, sự cuồng loạn không phải là vấn đề. Vấn đề là sự tự mãn. Bất kể ông Tập Cận Bình và ông Tần Cương đang làm gì, thì mục đích chính của họ là tạo ra một lý do để tấn công nước Mỹ - và họ đang trong quá trình chuẩn bị để tiến hành cuộc tấn công này.

Quan điểm thể hiện trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Theo The Epoch Times

Huyền Anh biên dịch

Tác giả Gordon G. Chang là một viện sĩ cao cấp ưu tú tại Viện Gatestone, một thành viên Ban Cố vấn của viện, và là tác giả của cuốn “The Coming Collapse of China” (“Sự Sụp Đổ Sắp Tới của Trung Quốc”).



BÀI CHỌN LỌC

Âm mưu nào ẩn sau việc Trung Quốc không ngừng cảnh báo về chiến tranh?