Ấn Độ trục xuất nhà báo Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hôm thứ Năm (6/4), Ấn Độ và Trung Quốc đã nổ ra tranh cãi ngoại giao. Cả hai bên đều cáo buộc đối phương đã bị đối xử bất công vấn đề cấp thị thực cho các nhà báo của họ tại New Delhi và Bắc Kinh.

Diễn biến mới nhất nêu trên diễn ra chỉ vài ngày sau khi Ấn Độ phản đối việc Trung Quốc đổi tên hoặc "tiêu chuẩn hóa" tên của 11 địa điểm ở Arunchal Pradesh. Đây là khu vực thuộc miền đông Ấn Độ nhưng phía Trung Quốc gọi là miền nam Tây Tạng và tuyên bố chủ quyền đối với khu vực này.

Tuần này, một nguồn thạo tin nói với tờ Reuters rằng các phóng viên của tờ báo The Hindu và đài truyền hình nhà nước Prasar Bharati đã bị đóng băng thị thực vào thứ Ba (5/4).

Ngày 4/4, báo The Hindu đưa tin phía Bắc Kinh nói với 2 nhà báo Ấn Độ rằng họ sẽ không thể quay lại Trung Quốc.

Khi được hỏi về việc đình chỉ thị thực, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh hôm 6/4 cho biết các nhà báo Trung Quốc đã bị đối xử bất công và bị phân biệt đối xử ở Ấn Độ trong một thời gian dài. Trong khi đó Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 6/4 cáo buộc Ấn Độ trục xuất nhà báo hãng tin Tân Hoa Xã trước ngày 31/3.

“Trung Quốc luôn đối xử tốt với các nhà báo Ấn Độ. Đại sứ quán Trung Quốc và Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã bày tỏ quan ngại với phía Ấn Độ, nhưng phía Ấn Độ không trả lời hoặc sửa chữa sai lầm của họ”.

“Do đó, Trung Quốc phải thực hiện các biện pháp đáp trả tương ứng để bảo vệ lợi ích hợp pháp của chúng tôi. Nếu Ấn Độ có thể sửa chữa sai lầm của mình, Trung Quốc sẵn sàng tiếp tục tạo điều kiện cho các nhà báo Ấn Độ ở Trung Quốc”, phát ngôn viên Mao Ninh tuyên bố.

Tại New Delhi, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Arindam Bagchi cho biết Ấn Độ hy vọng "chính quyền Trung Quốc tạo điều kiện để họ tiếp tục hiện diện và đưa tin từ Trung Quốc".

Vài năm trước có khoảng 6 nhà báo Ấn Độ làm việc tại Bắc Kinh, nhưng con số này đã giảm xuống còn 4 người. Trong những năm gần đây, một số ít nhà báo Ấn Độ cũng đã được chính quyền Trung Quốc tạo điều kiện và cho phép họ sinh sống ở Trung Quốc và đưa tin cho các tổ chức truyền thông của Ấn Độ.

Vào khoảng 7 năm trước, số lượng nhà báo Trung Quốc ở Ấn Độ đạt đỉnh điểm lên đến 14 người. Vào tháng 7 năm 2016, Ấn Độ đã trục xuất 3 nhà báo của tờ Tân Hoa Xã vì bị cáo buộc tham gia vào các hoạt động bên ngoài phạm vi nhiệm vụ báo chí của họ.

Kể từ đó, số lượng nhà báo Trung Quốc ở Ấn Độ tiếp tục giảm. Một nguồn thạo tin cho biết thị thực của một nhà báo Trung Quốc khác làm việc tại Ấn Độ đã không được gia hạn vào năm 2021. Một vài người trong số họ đã rời Ấn Độ trong đợt bùng phát đại dịch Covid-19 và tổ chức của họ cũng không cử người đến thay thế. Được biết, hiện chỉ có một nhà báo Trung Quốc ở Ấn Độ.

Xung đột biên giới Ấn Độ - Trung Quốc

Mối quan hệ giữa hai siêu cường châu Á liên tục xấu đi kể từ giữa năm 2020, khi quân đội Trung Quốc và Ấn Độ đụng độ ở biên giới tranh chấp trên dãy Himalaya, khiến 24 người thiệt mạng.

Tình hình phần lớn đã lắng dịu sau các cuộc đàm phán quân sự và ngoại giao nhưng cuộc đối đầu vẫn diễn ra âm ỉ ở các khu vực dọc biên giới giữa hai nước.

Tháng trước, Ngoại trưởng Ấn Độ S Jaishankar cho hay tình hình ở biên giới Ấn Độ - Trung Quốc hiện đang ở thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Do đó Ấn Độ đã triển khai lực lượng dọc theo khu vực này ở cự ly rất gần.

Ấn Độ tuyên bố Đường kiểm soát thực tế (Line of Actual Control - LAC) giữa hai nước dài 3.488 km, trong khi Trung Quốc tuyên bố nó chỉ dài 2.000 km và không bao gồm Aksai Chin. Đó là vùng đất nối liền hai khu vực Tân Cương và Tây Tạng của Trung Quốc, theo phương tiện truyền thông địa phương India Today.

Trao đổi với tờ The Epoch Times vào hồi tháng 4/2022, ông Claude Arpi, một nhà Tây Tạng học người Pháp sinh ra ở Ấn Độ, cho biết, tranh chấp biên giới Trung - Ấn bắt nguồn từ việc nhà lãnh đạo đầu tiên của Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Mao Trạch Đông phát động cuộc chinh phạt ở các khu vực phía tây Tân Cương và Tây Tạng.

Mao lên nắm quyền vào năm 1949. Vào thời điểm ĐCSTQ kết thúc cuộc chinh phạt Tây Tạng từ năm 1951 đến năm 1952, Mao nhận ra rằng Aksai Chin - vùng sa mạc phía bắc Ladakh - có tầm quan trọng tối thượng đối với khía cạnh chiến lược trong tương lai của chế độ này.

“Đó là một khu vực vắng bóng người. Không một ai có thể sinh sống ở đó. Tuy nhiên người Trung Quốc đã quyết định xây dựng một con đường ở khu vực này vì đây là cách dễ dàng nhất để kết nối hai tỉnh Tây Tạng và Tân Cương”, ông Arpi nói với The Epoch Times.

“Đó là cách mà Đường cao tốc Trung Quốc G219 của Aksai Chin ra đời. ĐCSTQ đã tiến hành khảo sát khu vực này vào năm 1952 - 1953, sau đó họ bắt đầu xây dựng xa lộ này vào năm 1954 và khánh thành vào tháng 7/1957”, ông nói thêm.

The Epoch Times đã có được một tập sách do chính phủ Ấn Độ xuất bản năm 1963 có tựa đề “Chinese Aggression in Maps” (tạm dịch: Chiến tranh bản đồ: Cách bản đồ Trung Quốc len lỏi khắp thế giới). Trong cuốn sách, Ấn Độ đã mô tả cách thức ĐCSTQ xâm lấn khu vực “không một bóng người” Aksai Chai của Ấn Độ và cách các yêu sách của Trung Quốc không ngừng "đơn phương thay đổi" từ năm 1956 đến năm 1962.

Ông Arpi cho biết ngay cả cộng đồng quốc tế cũng không biết gì về các hoạt động của Trung Quốc ở khu vực hoang vắng này của thế giới.

"Liên Xô có thể đã biết điều này, nhưng vào thời điểm đó, vấn đề này không còn là 'việc của họ' nữa", ông nói.

Lam Giang tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Ấn Độ trục xuất nhà báo Trung Quốc