Anh triệu tập Đại sứ Trung Quốc vì vụ đánh đập nhà báo BBC

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hôm thứ Ba (29/11), Ngoại trưởng Anh James Cleverly xác nhận rằng Bộ Ngoại giao Anh đã triệu tập Đại sứ Trung Quốc Trịnh Trạch Quang (Zheng Zeguang) sau khi chính quyền Bắc Kinh bắt giữ và hành hung một nhà báo BBC trong lúc đang tác nghiệp tại Thượng Hải, Trung Quốc.

Trước đó cùng ngày, Ngoại trưởng David Rutley nói với Quốc hội Anh rằng Bộ Ngoại giao sẽ yêu cầu đại sứ Trung Quốc cung cấp "lời giải thích đầy đủ và kỹ lưỡng".

Phóng viên Trung Quốc của đài BBC Edward Lawrence đã bị bắt tại Thượng Hải vào Chủ nhật (27/11) khi đang đưa tin về các cuộc biểu tình phản đối chính sách Zero Covid của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Một tuyên bố của đài BBC cho biết, anh Lawrence bị còng tay, đánh đập, bị đá và bị giam giữ trong vài giờ trước khi được thả.

Đoạn video lan truyền cho thấy nhà báo Lawrence bị một nhóm cảnh sát Trung Quốc xô ngã xuống đất và bị dẫn đi. Người ta có thể nghe thấy đám đông hô vang: "Hãy thả người đàn ông này ra".

Đài BBC hôm Chủ nhật cho biết, không có lời giải thích hay lời xin lỗi chính thức nào được đưa ra ngoại trừ tuyên bố của các quan chức Trung Quốc sau khi thả nhà báo Lawrence rằng, họ bắt giữ nhà báo vì để bảo vệ anh này khỏi bị nhiễm Covid-19 từ đám đông.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên sau đó bác bỏ tuyên bố của đài BBC, nói rằng anh Lawrence không tiết lộ danh tính khi bị bắt và từ chối hợp tác với cảnh sát.

Hôm thứ Ba (29/11), ông Triệu Lập Kiên cáo buộc đài truyền hình công cộng của Anh luôn “bóp méo sự thật”, đồng thời chỉ trích đài truyền hình này vì đưa tin về các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ ở Hong Kong, vi phạm nhân quyền ở Tân Cương và chính sách Zero Covid ở Trung Quốc.

“Vương quốc Anh phải tôn trọng sự thật, thận trọng trong lời nói và việc làm, cũng như chấm dứt tiêu chuẩn kép”, ông Triệu nói.

TRUNG HOA-SỨC KHOẺ-VI-RÚT
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên trả lời câu hỏi tại cuộc họp báo hàng ngày ở Bắc Kinh vào ngày 8/4/2020. (Ảnh: Greg Baker/AFP/Getty Images)

Phát biểu với các phóng viên tại cuộc họp của các ngoại trưởng NATO ở Bucharest, ông Cleverly xác nhận đã triệu tập đại sứ Trung Quốc.

Ông nói: "Điều vô cùng quan trọng là chúng tôi phải bảo vệ quyền tự do truyền thông. Đó là giá trị cốt lõi trong hệ thống niềm tin của Vương quốc Anh, và điều cực kỳ quan trọng là các nhà báo có thể thực thi công việc của họ mà không bị cản trở và lo sợ bị tấn công".

Trả lời câu hỏi khẩn cấp tại Quốc hội, ông Rutley nhắc lại tuyên bố trước đó của ông Cleverly rằng, vụ bắt giữ nhà báo Lawrence là "vô cùng quan ngại và hoàn toàn không thể chấp nhận được", và khẳng định rằng "các nhà báo phải được làm việc mà không bị bắt giữ hay đe dọa".

Bình luận về tuyên bố của đài BBC rằng ông Lawrence bị cảnh sát đánh đập, đá và bị giữ hàng giờ trong khi bị bắt, ông Rutley nói với các nghị sĩ: "Đáp lại, chúng tôi đã kêu gọi Đại sứ Trung Quốc làm rõ rằng những hành động này là không thể chấp nhận được và không chính đáng, đồng thời yêu cầu một lời giải thích đầy đủ và thấu đáo".

Ông cho biết chính phủ Vương quốc Anh nhận ra rằng các chính sách hạn chế Covid-19 ở Trung Quốc là “thách thức đối với người dân Trung Quốc”. Ông cũng kêu gọi chính quyền Trung Quốc “tôn trọng quyền của những người dám nói lên quan điểm của mình”.

Từ làn sóng biểu tình chưa có tiền lệ đến sự sụp đổ của chế độ Bắc Kinh
Cảnh sát và người dân xô xát trong cuộc biểu tình phản đối chính sách 'zero-COVID' của chính quyền Trung Quốc tại Thượng Hải, Trung Quốc, vào ngày 27/11/2022. (Ảnh: Hector Retamal/AFP qua Getty Images)

Chính phủ Anh kêu gọi 'nghiêm túc với Trung Quốc'

Vụ việc xảy ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa chính phủ Anh và Trung Quốc. Trước đó, Bắc Kinh đã xóa bỏ chế độ dân chủ và pháp quyền ở Hong Kong; trừng phạt các chính trị gia Anh chỉ trích nhân quyền của Trung Quốc và đánh đập một người biểu tình Hong Kong tại Tổng lãnh sự quán Trung Quốc ở Manchester.

Đài BBC cũng trở thành mục tiêu của ĐCSTQ sau khi Vương quốc Anh thu hồi giấy phép của Mạng Truyền hình Toàn cầu Trung Quốc (CGTN) do nhà nước Trung Quốc kiểm soát.

Thủ tướng Anh Rishi Sunak hôm thứ Hai (28/11) cho biết, cái gọi là "thời kỳ hoàng kim" của quan hệ Trung - Anh đã chấm dứt, và Vương quốc Anh sẽ tăng cường khả năng phục hồi và thắt chặt an ninh kinh tế.

Tuy nhiên, ông không gọi chế độ Trung Quốc là mối đe dọa mà nói rằng, Vương quốc Anh sẽ đối đầu với các đối thủ của mình bằng "chủ nghĩa thực dụng mạnh mẽ" thay vì "những tuyên bố khoa trương".

Ảnh Đại Kỷ Nguyên
Một người đàn ông bị bắt giữ khi mọi người biểu tình ở đường phố ở Thượng Hải, Trung Quốc để phản đối chính sách Zero Covid, ngày 27/11/2022. (Ảnh: Hector Retamal/AFP/Getty Images)

Nghị sĩ Đảng Liên minh Dân chủ Jim Shannon, người đã kêu gọi phiên điều trần khẩn cấp, thúc giục chính phủ Anh cần có hành động cứng rắn hơn.

Ông Shannon cho biết, vụ bắt giữ và hành hung phóng viên Lawrence không phải là cuộc tấn công đầu tiên vào quyền tự do ngôn luận, mà chỉ là “một ví dụ khác trong hàng dài các nhà báo và những nhà hoạt động nhân quyền, những người bị ĐCSTQ bịt miệng, bắt giữ hoặc đơn giản là biến mất".

Ông hoan nghênh cam kết của ông Sunak rằng thời kỳ vàng son của quan hệ Anh - Trung đã kết thúc, đồng thời kêu gọi Thủ tướng tiếp tục có "hành động cứng rắn hơn" để "bảo vệ công dân Anh, những người bảo vệ nhân quyền, các nhà hoạt động dân chủ cũng như các nhóm thiểu số về sắc tộc hoặc tôn giáo bị nhắm mục tiêu bởi ĐCSTQ".

Hôm 16/10, một số nhân viên lãnh sự quán ĐCSTQ tại Anh đã đánh đập một công dân Hong Kong. Người đàn ông tóc trắng (bên trái) được cho là Tổng lãnh sự Trung Quốc tại Anh, Trịnh Hy Nguyên (Zheng Xiyuan) đã túm tóc công dân Hong Kong (ở giữa). (Ảnh chụp màn hình video)

Ông kêu gọi chính phủ trục xuất Tổng lãnh sự Trung Quốc tại Anh Trịnh Hy Nguyên (Zheng Xiyuan), người thừa nhận đã giật tóc người biểu tình, và xử phạt các quan chức Trung Quốc đàn áp các cuộc biểu tình ở Trung Quốc.

“Khi nào chúng ta sẽ nghiêm túc về Trung Quốc?”, ông hỏi.

Ông Rees-Mogg cho biết, Vương quốc Anh cũng nên “có hành động cứng rắn hơn trên các diễn đàn quốc tế” và “làm những việc mà Trung Quốc không muốn chúng ta làm” để cho thấy Vương quốc Anh “không phải là kẻ dễ dãi”.

Nghị sĩ Đảng Lao động Marie Rimmer cũng lên tiếng về vụ đánh đập một người biểu tình ở Manchester, nói rằng chính phủ Anh "cần có hành động khẩn cấp".

Ông Rutley nói với các nghị sĩ rằng, Vương Quốc Anh đang chờ kết quả điều tra của cảnh sát về vụ việc ở Manchester, sau đó sẽ có các hành động tiếp theo.

Thanh Hải

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Anh triệu tập Đại sứ Trung Quốc vì vụ đánh đập nhà báo BBC