Anh: Trung Quốc bắt giữ phóng viên BBC khi đưa tin về biểu tình là 'không thể chấp nhận được'

Giúp NTDVN sửa lỗi

Việc Trung Quốc bắt giữ một nhà báo người Anh là hành động “gây sốc và không thể chấp nhận được”, Phố Downing cho biết vào hôm thứ 2 (28/11) theo giờ địa phương, sau khi một nhà báo của hãng tin BBC bị cảnh sát Trung Quốc giam giữ và đánh đập vì đưa tin về các cuộc biểu tình chống zero-COVID ở Thượng Hải.

Vụ bắt giữ nhà báo Edward Lawrence của BBC xảy ra khi các cuộc biểu tình phản đối chính sách zero-COVID nổ ra ở nhiều thành phố trên khắp Trung Quốc; những người biểu tình ở Thượng Hải công khai yêu cầu Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và nhà lãnh đạo Tập Cận Bình hạ đài.

BBC hôm Chủ nhật đã đưa ra tuyên bố nói rằng hãng tin này "cực kỳ quan ngại" về việc nhà báo Lawrence "bị bắt và còng tay" trong khi đang đưa tin về các cuộc biểu tình ở Thượng Hải.

“Anh ấy bị giam giữ trong vài giờ trước khi được thả. Trong khi bị giam giữ, anh ấy đã bị cảnh sát đánh đập và đá vào người. Mọi chuyện xảy ra khi anh ấy đang làm việc với tư cách là một nhà báo có giấy phép hành nghề”, tuyên bố viết.

Tuyên bố cho biết không có lời giải thích hay xin lỗi chính thức nào được đưa ra, ngoại trừ việc các quan chức Trung Quốc nói rằng “họ đã bắt anh ấy vì lợi ích của chính anh ấy trong trường hợp anh ấy có khả năng nhiễm Covid từ đám đông”.

Trước đó, một người dùng Twitter đã chia sẻ đoạn video cho thấy nhà báo Edward Lawrence của BBC bị đánh và bị bắt đi. NTDVN không thể độc lập xác minh tính xác thực của đoạn video này.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian) sau đó đã bác bỏ tuyên bố của BBC, nói rằng ông Lawrence không tiết lộ danh tính khi bị bắt.

“Theo tìm hiểu của chúng tôi, tuyên bố của BBC là không đúng sự thật. Theo các nhà chức trách ở Thượng Hải, nhà báo được đề cập đã không tiết lộ danh tính nhà báo của mình vào thời điểm đó, anh ấy đã không công khai xuất trình thẻ báo chí nước ngoài của mình”, ông Triệu nói tại Bắc Kinh.

Ông Triệu cho biết cảnh sát đã yêu cầu mọi người rời đi vào thời điểm đó và đã bắt “một số người không hợp tác”.

Xem thêm: Các cuộc biểu tình nổ ra trên khắp Trung Quốc gây sốc đối với truyền thông quốc tế

Nhiều bộ trưởng Anh bày tỏ quan ngại

Phát biểu với Sky News hôm thứ 2, Bộ trưởng Kinh doanh và Năng lượng Anh Grant Shapps cho biết ông vô cùng lo ngại về vụ việc. Ông nói: “Hoàn toàn không thể có bất kỳ lời bào chữa nào cho việc cảnh sát đánh đập các nhà báo - những người chỉ đơn giản là đưa tin về quá trình đang diễn ra”.

Trên Twitter, Bộ trưởng An ninh Anh Tom Tugendhat viết: “Việc giam giữ Ed Lawrence là hành động giống với nỗ lực đàn áp mà ĐCSTQ đang thực thi ở những nơi khác. Những cố gắng của Trung Quốc trong việc đàn áp có tính nhà nước tại đây, ở chính Vương quốc Anh, nhắc nhở chúng ta về nhu cầu cấp thiết bảo vệ các quyền tự do của chính chúng ta”.

Ngoại trưởng Anh James Cleverly rời số 10 phố Downing, Anh, ngày 07/09/2022. (Ảnh: Justin Tallis/AFP qua Getty Images)
Ngoại trưởng Anh James Cleverly rời số 10 phố Downing, Anh, ngày 07/09/2022. (Ảnh: Justin Tallis/AFP qua Getty Images)

Theo Ngoại trưởng Anh James Cleverly, vụ bắt giữ nhà báo Lawrence là “vô cùng đáng lo ngại”. Ông viết trên Twitter: “Tự do truyền thông và tự do biểu tình phải được tôn trọng. Không có quốc gia nào được miễn trừ”. “Các nhà báo phải có thể thực hiện công việc của họ mà không bị đe dọa”.

Người phát ngôn của Thủ tướng Rishi Sunak phát biểu rằng vụ bắt giữ nhà báo của BBC là hành động “gây sốc và không thể chấp nhận được”, đồng thời kêu gọi Bắc Kinh tôn trọng quyền biểu tình của người dân Trung Quốc.

Viết trên Twitter sau khi được trả tự do, nhà báo Lawrence tiết lộ có ít nhất một công dân địa phương đã bị bắt sau khi người này cố gắng ngăn cảnh sát đánh ông ấy.

Video cho thấy biểu tình leo thang

Các cuộc biểu tình tại đường Middle Wulumuqi (Thượng Hải) là một phần trong hàng loạt các cuộc nổi dậy trên khắp Trung Quốc sau vụ cháy tòa chung cư ở Urumqi (Tân Cương). Urumqi đã trải qua hơn 3 tháng phong tỏa nghiêm ngặt.

Theo thông tin từ giới chức, vụ hỏa hoạn vào ngày 24/11 đã giết chết 10 người và làm bị thương 9 người, nhưng con số thực tế mà người dân ước tính có thể lên đến hơn 40 người.

Các video lan truyền trên mạng xã hội cho thấy xe cứu hỏa đã bị mắc kẹt trên đường bên ngoài khu dân cư; điều này làm dấy lên làn sóng bình luận giận dữ trên mạng xã hội. Một số người tiết lộ rằng xe cứu hỏa đã bị chặn bởi hàng rào kiểm soát đại dịch và hàng dài ô-tô mắc kẹt khi chủ nhân của chúng bị cách ly.

Theo cơ quan thống tấn nhà nước Trung Quốc Tân Hoa Xã, quận trưởng tại địa phương nói rằng các xe cứu hỏa đã bị chặn bởi những chiếc ô-tô đang đỗ và “các đống đất”. Vị quan chức này cũng bác bỏ những tuyên bố được lan truyền trên mạng rằng cư dân bị nhốt trong tòa nhà; ông nói những hình ảnh trên mạng chụp những cánh cửa bị niêm phong đã bị “sửa một cách ác ý”.

Sau thảm kịch cháy chung cư, các cuộc biểu tình phản đối phong tỏa COVID-19 đã nổ ra ở nhiều thành phố bao gồm Urumqi, Trùng Khánh, Bắc Kinh, Thượng Hải và nhiều trường đại học ở Nam Kinh, Bắc Kinh, Tây An, Tứ Xuyên và Thượng Hải.

Trong làn sóng phản đối được cho là lớn nhất sau cuộc biểu tình năm 1989 của sinh viên ở Thiên An Môn, một số người biểu tình đã công khai kêu gọi ông Tập Cận Bình và ĐCSTQ hạ đài, họ cũng lên tiếng đòi quyền tự do dân chủ.

Tại Thượng Hải, những người biểu tình hôm thứ 7 đã hô vang “ĐCSTQ, hãy hạ đài! Tập Cận Bình, hãy hạ đại!”. Trong khi đó, các sinh viên đại học biểu tình bằng cách giơ cao những mảnh giấy trắng hoặc hô vang: “Dân chủ, pháp quyền, tự do ngôn luận”.

 

 

 

Một danh sách chưa được xác minh đang được chia sẻ rộng rãi trực tuyến cho thấy sinh viên tại 51 trường đại học ở Trung Quốc đã biểu tình phản đối chính sách zero-COVID vào hôm Chủ nhật.

biểu tình ở trung quốc, biểu tình phản đối covid-19 lan rộng, biểu tình chống zero-Covid, Trung Quốc đàn áp người biểu tình và nhà báo, sinh viên trường đại học biểu tình phản đối
Danh sách 51 trường đại học tại Trung Quốc biểu tình phản đối chính sách zero-COVID . (Ảnh: Internet)

Sự kiện chưa từng có này tại Trung Quốc đã và đang thúc đẩy nhiều cuộc biểu tình ủng hộ bên ngoài Trung Quốc đại lục.

Hàng ngàn người, nhiều người trong số họ có vẻ là sinh viên Trung Quốc, đã tập trung bên ngoài Đại sứ quán Trung Quốc ở London vào tối Chủ nhật. Họ hô vang bằng tiếng Trung và tiếng Anh, ủng hộ người dân ở Tân Cương, Tây Tạng, Hong Kong, Đài Loan, Iran, Ukraine và “tất cả những người [chiến đấu] chống lại chế độ độc tài, áp bức và bạo lực”; họ đồng thời yêu cầu ông Tập và ĐCSTQ hãy hạ đài.

biểu tình ở trung quốc, biểu tình phản đối covid-19 lan rộng, biểu tình chống zero-Covid, Trung Quốc đàn áp người biểu tình và nhà báo
Ngày 27/11, hàng ngàn sinh viên Trung Quốc đã đến đại sứ quán Trung Quốc ở London và kêu gọi Đảng Cộng sản hạ đài. (Ảnh: Ma Jian)

Các buổi cầu nguyện và biểu tình quy mô nhỏ cũng được tổ chức tại nhiều thành phố ở châu Âu, châu Á và Bắc Mỹ, bao gồm Paris, Tokyo và Sydney.

Xuân Hoa



BÀI CHỌN LỌC

Anh: Trung Quốc bắt giữ phóng viên BBC khi đưa tin về biểu tình là 'không thể chấp nhận được'