Anh yêu cầu trục xuất Tổng lãnh sự Trung Quốc sau vụ đánh đập người biểu tình

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các nhà lập pháp Vương quốc Anh hôm thứ Ba (18/10) đã thúc giục chính phủ nước này trục xuất các nhà ngoại giao Trung Quốc có liên quan đến việc đánh đập một người biểu tình ủng hộ dân chủ ở Hong Kong tại Lãnh sự quán Trung Quốc ở Manchester vào ngày 16/10.

Tại Quốc hội Anh, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Alicia Kearns đã thúc giục chính phủ nước này truy tố hoặc trục xuất những kẻ tấn công người biểu tình.

Hơn 20 nghị sĩ liên đảng đã lên tiếng yêu cầu chính phủ hành động.

Một phát ngôn viên của nhóm vận động Lực lượng Phòng vệ Bản địa Hong Kong nói với The Epoch Times rằng, Tổng lãnh sự Trung Quốc, ông Trịnh Hy Nguyên (Zheng Xiyuan) nên bị trục xuất khỏi Vương quốc Anh vì đã để vụ việc xảy ra.

Bà Jesse Norman, Bộ trưởng tại Văn phòng Đối ngoại, Khối thịnh vượng chung và Phát triển (FCDO), nói với Quốc hội Anh rằng văn phòng đã triệu tập các nhân viên tại Đại sứ quán Trung Quốc và yêu cầu giải trình. Sau khi làm rõ sự thật, chính phủ Anh sẽ tiến hành các bước tiếp theo.

Bị đánh đập vì một bức tranh biếm họa

Ông Bob Man đến từ Hong Kong, đã tham dự một cuộc biểu tình bên ngoài Lãnh sự quán Trung Quốc ở Manchester vào hôm Chủ nhật (16/10). Ông bị một nhóm người kéo vào lãnh sự quán và đánh đập trước khi một sĩ quan cảnh sát tới giải cứu. Ông Bob là người di cư theo chương trình thị thực Công dân Anh ở Hải ngoại (BNO).

Ông cho biết, lúc đó ông đang cố gắng ngăn những người khác giật tấm áp phích lớn mô tả một bức tranh biếm họa về nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình trong vai một vị hoàng đế không mặc quần áo.

Ảnh của Epoch Times
Một bức tranh biếm họa về nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình trong vai một vị hoàng đế không mặc quần áo. (Ảnh: Lực lượng Phòng vệ Bản địa Hong Kong/The Epoch Times)

Phát biểu với The Epoch Times hôm thứ Hai (17/10), ông Paul, phát ngôn viên của Lực lượng Phòng vệ Bản địa Hong Kong, cho biết ông Bob đã bị giật đứt một mớ tóc và bị đánh đập vào nhiều bộ phận trên cơ thể, bao gồm cả đầu.

Ông Paul cho biết ông Bob đã xuất viện và đang chờ báo cáo y tế đầy đủ. Ông Paul nói thêm rằng, cuộc biểu tình ôn hòa chỉ kéo dài một giờ và không ai nghĩ rằng họ sẽ phải đối mặt với bạo lực.

“Chúng tôi khá sốc”, ông Paul nói.

Một số người Hong Kong lo ngại rằng những hành vi như vậy sẽ được phép xảy ra ở Vương Quốc Anh. Nhiều người khác bày tỏ sự phẫn nộ về vụ tấn công và lo lắng rằng sẽ có thêm các cuộc biểu tình như vậy.

Ông Paul cho biết nhóm của ông muốn "nhận được câu trả lời" từ Lãnh sự quán Trung Quốc về lý do những người đàn ông tấn công người biểu tình, cũng như tại sao tên của những người tấn công được gửi cho chính quyền Anh.

Tương tự như nhiều nhà hoạt động Hong Kong, Paul là một bút danh. Ông sử dụng bút danh để đảm bảo sự an toàn cho bản thân cũng như sự an toàn cho gia đình và bạn bè tại quê nhà.

Danh tính người hành hung chưa được xác nhận

Danh tính của những người đàn ông đánh ông Bob vẫn chưa được xác nhận. Tuy nhiên, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều đồn đoán rằng Tổng lãnh sự Trung Quốc Trịnh Hy Nguyên đã có mặt tại hiện trường.

Theo đó, ban đầu cuộc biểu tình diễn ra trong ôn hòa. Tuy nhiên vào buổi chiều, một người đàn ông trung niên được cho là Tổng lãnh sự Trung Quốc tại Manchester ở Anh, ông Trịnh Hy Nguyên, bước ra khỏi lãnh sự quán, đá mạnh vào biểu ngữ "Trời diệt ĐCSTQ” và giật bức tranh biếm họa nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình. Ngay sau đó, một số người biểu tình đã bị kéo vào lãnh sự quán và bị đánh đập, nhưng cuối cùng họ đã được giải cứu.

Có nhiều bài đăng trên mạng xã hội tuyên bố đã xác định danh tính một số người đàn ông là nhân viên lãnh sự, nhưng không có danh tính nào được xác nhận chính thức.

Cảnh sát Greater Manchester xác nhận hôm thứ Hai (17/10) rằng những người đàn ông đã ra khỏi tòa nhà lãnh sự.

Trợ lý Giám đốc Lãnh sự quán Rob Potts cho biết, một cuộc điều tra "đầy đủ và toàn diện" đang được tiến hành và công lý sẽ được thực thi. Tuy nhiên, không rõ liệu người hành hung có bị truy tố hay không, bởi vì nhân viên lãnh sự được hưởng một số quyền ưu đãi miễn trừ ngoại giao.

Ông David Alton, thành viên Thượng viện Anh ở Liverpool, cho biết hôm 16/10 rằng, ông Trịnh Hy Nguyên nên được yêu cầu “thu dọn hành lý và rời đi” nếu ông được xác nhận là người giật tóc ông Bob trong đoạn video xuất hiện trên mạng xã hội.

Khi được hỏi liệu ông Trịnh Hy Nguyên có nên bị trục xuất nếu ông này không có mặt tại hiện trường hay không, ông Alton nói với The Epoch Times trong một email rằng, ông tin rằng “nếu Tổng lãnh sự liên quan đến vụ việc thì ông ta nên thu dọn hành lý và rời đi".

Đề cập đến việc ông Trịnh Hy Nguyên vẫn chưa được xác nhận là có mặt tại hiện trường, ông Paul cho hay, ông tin rằng Tổng lãnh sự nên bị trục xuất bất kể ông ấy có liên quan đến vụ hành hung hay không. Bởi vì ông ta “cho phép nhân viên của mình đánh đập công dân”.

Benedict Rogers
Nhà vận động Benedict Rogers phát biểu tại một sự kiện vì dân chủ ở Hong Kong tại Quảng trường Trafalgar ở London, hôm 12/6/2021. (Ảnh: Laurel Chor/Getty Images)

Ông Ông Rogers, nhà đồng sáng lập và giám đốc điều hành của tổ chức Theo dõi Hong Kong (Hong Kong Watch), nói với The Epoch Times hôm 18/10 rằng, ông Trịnh Hy Nguyên nên bị trục xuất nếu ông ta đang ở lãnh sự quán vào thời điểm đó.

“Ông Trịnh Hy Nguyên chắc chắn nên bị trục xuất nếu ông ta ở lãnh sự quán vào thời điểm xảy ra vụ hành hung", ông Rogers nói.

Tuy nhiên, nếu ông Trịnh không có mặt ở lãnh sự quán vào thời điểm đó thì kết cục còn phụ thuộc vào hoàn cảnh và vị trí của ông ấy, ông nói.

Lãnh sự quán Trung Quốc đã không phản hồi khi The Epoch Times đặt câu hỏi về việc ông Trịnh Hy Nguyên có mặt ở hiện trường vào thời điểm đó hay không.

Một phát ngôn viên của lãnh sự quán Trung Quốc tại Anh nói với đài BBC hôm 16/10 rằng, những người biểu tình đã “treo một bức chân dung xúc phạm Chủ tịch Trung Quốc ở lối vào chính của lãnh sự quán”.

Vị phát ngôn viên nói thêm: “Điều này là không thể chấp nhận được đối với bất kỳ cơ quan đại diện ngoại giao và lãnh sự của bất kỳ quốc gia nào. Vì vậy, chúng tôi kiên quyết lên án hành động này”.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân (Wang Wenbin) hôm 18/10 nói trong một cuộc họp báo tại Bắc Kinh rằng, “các phần tử gây rối đã xâm nhập trái phép vào Lãnh sự quán Trung Quốc ở Manchester và gây nguy hiểm cho an ninh của các cơ sở ngoại giao Trung Quốc".

Ông nói thêm: “Các cơ quan ngoại giao của bất kỳ quốc gia nào đều có quyền thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ hòa bình và phẩm giá tại các cơ sở ngoại giao của họ".

Trục xuất Nhân viên Lãnh sự - Một quyết định chính trị

FCDO đang đối mặt với áp lực ngày càng tăng trong việc trục xuất các nhân viên lãnh sự có liên quan đến vụ việc hôm 16/10.

“Tôi xin nói rõ rằng cuộc biểu tình ôn hòa, như Hạ viện Anh luôn công nhận, là một phần cơ bản của xã hội Anh và cũng là một phần cuộc sống của chúng ta. Tất cả những công dân trên lãnh thổ nước Anh đều có quyền bày tỏ quan điểm của mình một cách hòa bình mà không lo ngại về bạo lực”, bà Jesse Norman cho biết và nói thêm rằng FCDO đã “nói rõ điều đó với Đại sứ quán Trung Quốc” vào hôm 17/10 và sẽ “tiếp tục làm việc với Bộ Nội vụ và cảnh sát Greater Manchester để quyết định về các giải pháp tiếp theo".

Ảnh của Epoch Times
Những vết bầm tím trên cơ thể của ông Bob, một người biểu tình ủng hộ dân chủ ở Hong Kong, người đã bị lôi vào lãnh sự quán Trung Quốc và bị đánh ở Manchester, Anh, hôm 16/102022. (Ảnh: Được sự cho phép của Lực lượng Phòng vệ Bản địa Hong Kong/The Epoch Times)

Các nghị sĩ Anh khẳng định rằng ông Trịnh Hy Nguyên có mặt tại hiện trường.

“Những gì chúng tôi thấy là Tổng lãnh sự Trung Quốc đã xé các tấm áp phích và ngăn chặn các cuộc biểu tình ôn hòa", Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại, bà Alicia Kearns nói với các nghị sĩ.

“Chúng ta không thể cho phép Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) nhập khẩu việc đánh dập người biểu tình, cấm quyền tự do ngôn luận, cũng như cấm biểu tình hết lần này đến lần khác trên đất Anh. Đây là một sự leo thang ớn lạnh”.

Bà yêu cầu Bộ trưởng FCDO xác nhận rằng "bất kỳ quan chức Trung Quốc nào liên quan đến vụ hành hung sẽ bị truy tố, bằng không họ sẽ bị trục xuất khỏi Anh trong tuần này".

Bộ trưởng Nhập cư của đảng đối lập Stephen Kinnock cũng cho rằng, ông Trịnh Hy Nguyên nên bị trục xuất ngay lập tức.

“Rõ ràng là Tổng lãnh sự Trung Quốc đã tham gia vào vụ việc bạo lực đó. Ông ta nên bị trục xuất ngay lập tức. Và Bộ trưởng FCDO có thể xác nhận rằng, vụ việc này không có liên quan gì đến cuộc điều tra của cảnh sát hay không? Hay đây là một quyết định trục xuất mang tính chính trị?", ông chất vấn bà Norman.

Ông Kinnock nói thêm rằng, “Ngoài mối đe dọa đối với người Hong Kong và những người khác, vụ việc còn ảnh hưởng đến nhiều phương diện. Đây là một nỗ lực nhằm lật đổ nền dân chủ và hệ thống giáo dục của nước Anh. Rõ ràng là London cần một cuộc đánh giá chiến lược toàn diện chuyên sâu về mọi khía cạnh giữa mối quan hệ của Vương quốc Anh với Trung Quốc", ông nói.

Ông Norman cho biết ông không ngụ ý rằng quyết định về việc trục xuất nhà ngoại giao Trung Quốc ở Manchester có liên quan đến cuộc điều tra của cảnh sát.

“Quá trình này đang tiếp tục và khi có câu trả lời chính thức, chúng tôi sẽ hành động”, ông nói.

Huyền Anh



BÀI CHỌN LỌC

Anh yêu cầu trục xuất Tổng lãnh sự Trung Quốc sau vụ đánh đập người biểu tình