Australia và Fiji ký thỏa thuận an ninh mới nhằm đối phó với 'thách thức' ở Thái Bình Dương

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngày 20/10, Australia và Fiji đã ký kết một thỏa thuận nhằm tăng cường hợp tác quốc phòng giữa hai nước. Mặc dù không đề cập rõ ràng đến Trung Quốc nhưng Bộ trưởng Quốc phòng hai nước nhấn mạnh, thỏa thuận mới này đánh dấu một "cột mốc quan trọng" trong mối quan hệ quốc phòng song phương.

Bộ trưởng Quốc phòng Australia Richard Marles cho biết: “Chúng tôi chia sẻ mối quan tâm đến một khu vực Thái Bình Dương hòa bình, an toàn và có khả năng phục hồi. Các quốc gia trong khu vực cần hợp tác cùng nhau để ứng phó một cách hiệu quả với các thách thức an ninh chung, cả thách thức truyền thống và phi truyền thống”.

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Fiji Inia Seruiratu nói rằng thỏa thuận này cũng đánh dấu “một tầm cao mới của hợp tác an ninh giữa hai quốc gia”.

Thỏa thuận này diễn ra sau khi Australia thắt chặt hơn nữa mối quan hệ quốc phòng với Papua New Guinea, Tonga và Fiji. Nỗ lực này được cho là nhằm chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực.

Bộ trưởng Quốc phòng Australia Richard Marles nói với các phóng viên tại Fiji hôm 20/10 rằng: “Bây giờ là lúc để kết thân với những người bạn".

Ông Marles cho hay, khung pháp lý được cung cấp theo thỏa thuận là "hiếm có" giữa cả hai nước, đặc biệt là liên quan đến lĩnh vực quốc phòng.

Ông nói thêm rằng: “Chúng ta không có nhiều cơ hội như thế này. Điều đó nói lên rằng, mối quan hệ của Australia với Fiji rất gần gũi".

"Đó là một bước tiến rất, rất quan trọng", ông khẳng định.

Theo thỏa thuận, lực lượng quốc phòng của hai nước sẽ thắt chặt mối quan hệ hợp tác hơn nữa, đồng thời xây dựng “khả năng tương tác” và năng lực quân sự trong quá trình này.

Thỏa thuận cũng bao gồm các điều khoản về nhập cảnh và hải quan, thủ tục cho các lực lượng thăm viếng của một nước khi ở nước kia, cũng như quyền tài phán hình sự và dân sự đối với lực lượng thăm viếng.

Ông Marles cho hay, thỏa thuận cho phép lực lượng quốc phòng của một quốc gia dễ dàng triển khai và hoạt động ở quốc gia kia vào những lúc cần thiết.

Bộ trưởng Quốc phòng Australia cũng đề cập đến sự hỗ trợ của quốc gia kia khi xảy ra thiên tai, chẳng hạn như cháy rừng và lũ lụt ở Australia, cũng như nỗ lực phục hồi ở Fiji sau Bão nhiệt đới Yasa.

“Thỏa thuận này phản ánh sự tăng cường hợp tác song phương nhằm giải quyết các mối đe dọa an ninh truyền thống và phi truyền thống, bao gồm biến đổi khí hậu, khủng hoảng nhân đạo và thảm họa tự nhiên", ông Seruiratu cho biết trong một tuyên bố.

Bộ trưởng Quốc phòng Fiji cũng nói về sự cần thiết của nước này với Australia và New Zealand trong việc "đoàn kết và hợp tác" về vấn đề địa chính trị trong khu vực.

Tăng cường khả năng hợp tác với các quốc đảo Thái Bình Dương

Vào ngày 18/10, các bộ trưởng quốc phòng Nam Thái Bình Dương đã gặp nhau tại Tonga để thảo luận về những thách thức an ninh đã và đang hiện hữu ở khu vực Thái Bình Dương. Đồng thời, các nhà lãnh đạo cũng tập trung vào phát triển chính sách quan trọng và các phản ứng tập thể trước những thách thức an ninh khu vực.

Thủ tướng Tongan Hu'akavameiliku cho biết, khi khu vực đối mặt với "các mối đe dọa an ninh truyền thống và phi truyền thống", các quốc đảo ở khu vực Nam Thái Bình Dương có khả năng phản ứng tốt hơn khi "hợp tác, chia sẻ thông tin và tăng cường khả năng tương tác".

Bộ trưởng Quốc phòng Australia cũng lặp lại tuyên bố của ông Hu'akavameiliku rằng, "gia đình Thái Bình Dương" sẽ mạnh mẽ hơn khi các quốc gia chung tay phản ứng. Ông Marles cũng tham dự cuộc họp cùng với các bộ trưởng quốc phòng từ Papua New Guinea, New Zealand, Fiji, đại diện từ New Caledonia và Chile.

Quốc đảo Solomon ngày 31/3 thông báo đã ký một thỏa thuận an ninh quy mô lớn với Trung Quốc, động thái có thể sẽ mở đường cho Bắc Kinh mở căn cứ quân sự đầu tiên ở Nam Thái Bình Dương, theo hãng tin AFP.

"Các quan chức của Quần đảo Solomon và Trung Quốc đã ký các điều khoản của Khung Hợp tác An ninh song phương giữa hai nước ngày hôm nay (31/3)", thông báo từ Solomon cho hay.

Quần đảo Solomon có một vị thế chiến lược ở Thái Bình Dương, cách Australia chưa đầy 1,200 dặm (hơn 1,900 km). Xét đến địa thế chiến lược của hòn đảo, bất kỳ sự hiện diện nào của Trung Quốc trên quần đảo Solomon cũng đều có lợi cho Bắc Kinh.

Trong khi đó, Mỹ và Australia từ lâu đã lo ngại về khả năng Trung Quốc xây dựng căn cứ hải quân ở nam Thái Bình Dương. Bởi vì điều này sẽ cho phép hải quân của Trung Quốc phát huy sức mạnh vượt xa biên giới nước này.

Một hiệp ước an ninh sẽ là một bước tiến lớn đối với Trung Quốc trong một khu vực mà Australia và New Zealand trong nhiều thập kỷ coi là "sân sau" của họ. Trước đó, Australia cũng đã ký hiệp ước an ninh với Solomon với điều khoản cho phép Canberra đưa lực lượng vũ trang tới quốc đảo khi cần.

Solomon cũng cắt đứt quan hệ với Đài Loan để quay sang thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Trung Quốc vào năm 2019.

Bắc Kinh đã viện trợ đáng kể cho quân đội của Fiji và Papua New Guinea. Trong khi đó, Tonga đang nợ các ngân hàng Trung Quốc và đã nhận được khoản cứu trợ khẩn cấp từ quân đội nước này.

Thanh Hải

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Australia và Fiji ký thỏa thuận an ninh mới nhằm đối phó với 'thách thức' ở Thái Bình Dương