Australia xây dựng căn cứ hàng hải trị giá 60 triệu USD trên quần đảo Solomon

Giúp NTDVN sửa lỗi

Là một phần trong kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng trị giá 60 triệu USD của Australia, Canberra sẽ xây dựng một căn cứ hàng hải để quân đội Quần đảo Solomon cập cảng các tàu tuần tra mà nước này đã tài trợ.

Bộ Quốc phòng Australia đã ký một thỏa thuận với công ty xây dựng tư nhân Reeves Icon and Hall để xây dựng hai dự án cơ sở hạ tầng quan trọng ở quốc đảo Thái Bình Dương.

Tiền đồn Biên giới phía Tây sẽ được xây dựng trên hòn đảo Lofung South thuộc Quần đảo Shortland, Solomon. Tiền đồn này sẽ bao gồm một bến tàu cho hai tàu tuần tra lớp hộ tống, chỗ ở và một sở chỉ huy. Hai chiếc tàu tuần tra trước đó đã được chính phủ Australia tặng cho quần đảo Solomon.

Căn cứ này có thể cung cấp các dịch vụ bán quân sự và cũng được chia sẻ với cảnh sát và lực lượng hàng hải địa phương.

Trong tài liệu này do Bộ Quốc phòng Australia cung cấp, Thuyền Tuần tra Lớp Armadale, HMAS Armidale, đi vào Cảng Honiara, Đảo Guadalcanal, Quần đảo Solomon, hôm 1/12/2021. (Ảnh: Bộ Quốc phòng Australia/Getty Images)

Một phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Australia cho biết: “Tiền đồn Biên giới phía Tây sẽ tăng cường an ninh biên giới cũng như năng lực giám sát hàng hải của Quần đảo Solomon, đồng thời khuyến khích tăng trưởng và ổn định kinh tế khu vực”.

Australia cũng sẽ tân trang lại Hells Point, một cơ sở xử lý vật liệu nổ ở Honiara, thủ đô của Quần đảo Solomon. Cơ sở này có một lượng lớn vật liệu chưa nổ còn sót lại từ Thế chiến II.

Quần đảo Solomon đã ký một thỏa thuận an ninh với Bắc Kinh vào tháng 4. Điều này đã khiến Hoa Kỳ, Australia và nhiều nước phương Tây không khỏi lo ngại. Các sĩ quan an ninh của cảnh sát Trung Quốc đã bắt đầu huấn luyện cảnh sát Quần đảo Solomon theo các điều khoản của thỏa thuận.

Lực lượng cảnh sát hoàng gia Quần đảo Solomon (RSIPF) công bố ngày 29/3/2022 cho thấy các sĩ quan cảnh sát Trung Quốc đang đào tạo các sĩ quan RSIPF diễn tập các kỹ năng chiến đấu phi vũ trang, cách sử dụng gậy dài, khiên tròn, dùi cui chiến thuật, còng tay, súng trường cơ bản và kiểm soát đám đông. (Ảnh: Getty Images)

Mặc dù Thủ tướng Quần đảo Solomon Manasseh Sogavare đã nhiều lần tuyên bố rằng, ông sẽ không cho phép Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thiết lập căn cứ quân sự trên lãnh thổ của mình, nhưng điều đó cũng không thể xua tan những lo ngại rằng, thỏa thuận Bắc Kinh - Solomon sẽ mở đường cho Trung Quốc thành lập căn cứ quân sự ở vị trí chiến lược trọng yếu này.

Kể từ đó, Australia và Trung Quốc đã bắt đầu những đòn "ăn miếng trả miếng" nhằm tăng cường quan hệ với Quần đảo Solomon. Một chuyên gia Thái Bình Dương và thượng nghị sĩ đảng đối lập đã phản đối quyết định của chính phủ đảng Lao động Australia trong việc cung cấp vũ khí và xe bọc thép cho quốc đảo này.

Mặt khác, Phó Thủ tướng Richard Marles tuyên bố rằng, Australia không có ý định vượt mặt Bắc Kinh để ghi điểm với Quần đảo Solomon.

Ông nói với đài ABC hôm 4/11: “Australia chỉ cần tập trung vào mối quan hệ của chính chúng tôi với Quần đảo Solomon, cũng như với tất cả các quốc gia ở Thái Bình Dương".

“Tôi thực sự tin rằng nếu Australia tiếp tục hiện diện và hợp tác với các quốc đảo Thái Bình Dương, họ sẽ muốn làm việc với chúng ta", ông Marles cho hay.

Huyền Anh



BÀI CHỌN LỌC

Australia xây dựng căn cứ hàng hải trị giá 60 triệu USD trên quần đảo Solomon