Bà Janet Yellen: 'Hoa Kỳ đang đàm phán với đồng minh về giới hạn giá dầu Nga'

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trước sự thật là càng áp đặt trừng phạt kinh tế, Nga càng thu bộn ngoại tệ từ dầu nhờ khủng hoảng năng lượng và chia rẽ trong khối EU. Hoa Kỳ đang đàm phán với Canada, sau đó sẽ là các đồng minh EU, trong việc đặt ra giới hạn trong giá dầu với Nga, theo Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen.

“Chúng tôi đang nói về giới hạn giá hoặc một ngoại lệ về giá sẽ tăng cường và củng cố các hạn chế năng lượng do châu Âu, Hoa Kỳ, Anh và các nước khác đề xuất. Những biện pháp này sẽ đẩy giá dầu của Nga xuống và làm giảm doanh thu của Putin trong khi cho phép nhiều dầu hơn. Bà Janet Yellen nói với các phóng viên tại Toronto hôm thứ Hai (21/6), theo tin từ Reuters.

“Chúng tôi nghĩ rằng một ngoại lệ về giá cũng là một cách quan trọng để ngăn chặn tác động lan tỏa đến các nước đang phát triển có thu nhập thấp, đang phải vật lộn với chi phí thực phẩm và năng lượng cao”, bà Yellen cùng với Bộ trưởng Tài chính Canada Chrystia Freeland cho biết.

Yellen cho biết một ngoại lệ về giá là mức giới hạn hiệu quả có thể đạt được thông qua cơ chế hạn chế hoặc cấm bảo hiểm, không cho vay tiền thanh toán cho các lô hàng dầu của Nga ở mức nhất định.

Hoa Kỳ, Canada, Anh và một số quốc gia khác đã cấm nhập khẩu dầu của Nga, nhưng Liên minh châu Âu vẫn phụ thuộc nhiều vào dầu thô của Nga.

Các chuyên gia kinh tế cho biết, các biện pháp trừng phạt có thể có hiệu quả về lâu dài, nhưng hiện tại, chính những quốc gia đang trừng phạt Nga lại giảm tính nghiêm túc trong các tuyên bố trừng phạt của họ: họ gia tăng mua năng lượng từ Nga, một số trường hợp còn mua với số lượng lớn hơn so với tháng trước.

Ông Edward Fishman, cựu chuyên gia về châu Âu tại Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết: “Ông Putin đang tiếp tục kiếm được ít nhất 1 tỷ USD mỗi ngày từ việc bán dầu và khí đốt. Phần lớn là bán cho Châu Âu; nơi đã thông qua tới 6 vòng trừng phạt với Nga. "Các quốc gia châu Âu riêng lẻ đang gửi hỗ trợ quân sự cho Ukraine nhưng bị hạn chế bởi các khoản thanh toán mà họ đang thực hiện với Nga vì mua dầu và khí đốt", chuyên gia này cho biết.

Bất chấp những hạn chế của phương Tây đối với lĩnh vực tài chính của Nga, xuất khẩu dầu của Nga lên tới 3,6 triệu thùng/ngày trong tháng 4/2022, so với 3,3 triệu thùng/ngày của tháng trước, ông Matt Smith của Kpler, một công ty chuyên theo dõi các tàu chở dầu cho biết.

Những khoản thu đó đã đưa thặng dư tài khoản vãng lai của Nga lên mức cao mới. Trong ba tháng đầu năm, con số này lên tới 60 tỷ USD, so với 120 tỷ USD cho cả năm 2021, cung cấp cho Điện Kremlin nguồn thu mới để chống lại các lệnh trừng phạt, mặc dù Nga ít có khả năng mua vật tư và phụ tùng từ nước ngoài hơn do lệnh trừng phạt. Nga là nhà sản xuất dầu thô lớn thứ ba thế giới, sau Hoa Kỳ và Ả Rập Saudi.

Các chuyên gia năng lượng khác cho rằng Moscow đang tăng cường xuất khẩu từ các kho dự trữ hiện có vì họ dự đoán sẽ có thêm các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với dầu. Bản thân các nước phương Tây cũng đang cố gắng nắm bắt cơ hội giá dầu xuất khẩu của Nga giảm mạnh.

Khi được hỏi liệu Tổng thống Mỹ Joe Biden có dự định tìm kiếm sự đồng thuận về kế hoạch giá dầu tại hội nghị thượng đỉnh Nhóm 7 nhà lãnh đạo (G-7) ở Đức vào tuần tới hay không, bà Yellen nói: “Chúng tôi rất tích cực, tích cực làm việc với các đối tác của mình”.

Ông Freeland cho biết Canada “nghĩ rằng đó là một ý tưởng thực sự tốt” khi cố gắng hạn chế nguồn thu từ dầu mỏ của Nga, nhưng thừa nhận rằng điều này sẽ tăng thêm thách thức đối với các nước châu Âu trong bối cảnh cuộc khủng hoảng năng lượng đang đè nặng lên lục địa này.

Quang Nhật



BÀI CHỌN LỌC

Bà Janet Yellen: 'Hoa Kỳ đang đàm phán với đồng minh về giới hạn giá dầu Nga'