Ba Lan cân nhắc viện dẫn Điều 4 Hiến chương NATO sau khi 'tên lửa Nga' khiến 2 người thiệt mạng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ba Lan đang xem xét kêu gọi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) viện dẫn Điều 4, sau khi một "tên lửa do Nga sản xuất" đã rơi vào một ngôi làng bên trong lãnh thổ nước này, giáp biên giới Ukraine hôm thứ Ba (15/11), khiến hai công dân Ba Lan thiệt mạng.

Hôm 16/11, Phát ngôn viên của chính phủ Ba Lan Piotr Muller nói với các phóng viên rằng: “Vừa rồi chúng tôi đã quyết định xác minh xem có căn cứ để khởi động các thủ tục theo Điều 4 của Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương hay không”.

Ba Lan hiện là thành viên của NATO. Điều 4 Hiến chương NATO cho phép các thành viên NATO triệu tập một cuộc họp để thảo luận về bất kỳ vấn đề quan tâm nào, đặc biệt nếu vấn đề đó liên quan đến an ninh của một quốc gia thành viên trong Hội đồng Bắc Đại Tây Dương.

Cụ thể, Điều 4 của Hiến chương NATO quy định rằng, các quốc gia thành viên NATO “sẽ cùng nhau tham vấn bất cứ khi nào, theo quan điểm của bất kỳ bên nào, về sự toàn vẹn lãnh thổ, độc lập chính trị hoặc an ninh của bất kỳ bên nào bị đe dọa”.

Bất kỳ quốc gia nào trong NATO cũng có thể viện dẫn Điều 4 và trang web chính thức của tổ chức này nói rằng, tất cả các quyết định được đưa ra trên cơ sở đồng thuận.

"Chính quyền Ba Lan đã quyết định nâng cao tình trạng sẵn sàng chiến đấu của một số đơn vị chiến đấu và các đơn vị quân chủng khác", ông Piotr Muller cho hay.

Trong khi đó, Thủ tướng Ba Lan, Mateusz Morawiecki, đã triệu tập một cuộc họp khẩn cấp của Uỷ ban an ninh thuộc Hội đồng Bộ trưởng vào hôm 15/11.

Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda cho biết trên Twitter rằng, ông đã nói chuyện với Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg và xác minh "cơ sở của Điều 4", đồng thời nói thêm, "chúng tôi đang liên lạc với các đồng minh của mình và chúng tôi mong đợi các cuộc đàm phán với phía Mỹ”.

Bộ Ngoại giao Ba Lan (MFA) xác nhận vào sáng sớm ngày 16/11 (theo giờ địa phương) rằng, tên lửa đã tấn công ngôi làng Przewodów, huyện Hrubieszów, tỉnh Lubelskie lúc 3:40 chiều. Phát ngôn viên Łukasz Jasina cho biết trong một tuyên bố rằng, tên lửa đã khiến hai công dân Ba Lan thiệt mạng.

“Vì vậy, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Zbigniew Rau đã triệu tập đại sứ Liên bang Nga tại Bộ Ngoại giao Ba Lan và yêu cầu một lời giải thích ngay lập tức và chi tiết về vụ việc”, tuyên bố nêu rõ.

Moscow phủ nhận dính líu đến vụ việc

Hiện vẫn chưa rõ liệu cuộc tấn công bằng tên lửa là cố ý hay là một vụ tai nạn. Tuy nhiên, sự việc này đánh dấu lần đầu tiên kể từ khi Nga xâm lược Ukraine, có người đã bị thiệt mạng trên lãnh thổ NATO bằng vũ khí của Nga.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy gọi cuộc tấn công bằng tên lửa hôm thứ Tư là "sự leo thang đáng kể" của cuộc xung đột Nga - Ukraine.

Tuy nhiên, Moscow đã phủ nhận mọi dính líu đến vụ việc.

Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Nga đã cáo buộc các quan chức và giới truyền thông Ba Lan cố tình làm leo thang xung đột Nga - Ukraine bằng cách lôi kéo một quốc gia thành viên NATO.

“Các phương tiện truyền thông và các quan chức Ba Lan đang thực hiện hành vi khiêu khích có chủ ý nhằm làm leo thang [tình hình], bằng cách tuyên bố về tác động của tên lửa 'Nga' tại ngôi làng Przewodow. Tên lửa của Nga không tiến hành cuộc tấn công nào vào khu vực biên giới giữa Ukraine và Ba Lan. Đống đổ nát đó do các phương tiện truyền thông Ba Lan công bố từ hiện trường ngôi làng Przewodow và không liên quan đến tên lửa của Nga”, tuyên bố cho hay.

Tổng thống Biden nói tên lửa 'có khả năng không phải do Nga phóng'

Trong một diễn biến khác, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói với các phóng viên bên ngoài Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Bali, Indonesia, hôm 15/11 rằng, "có khả năng không phải do Nga phóng".

Ngoài ra, ông Biden cũng triệu tập một cuộc họp khẩn cấp với lãnh đạo các nước đồng minh đang có mặt tại Indonesia tham gia Hội nghị thượng đỉnh G20, gồm có: Mỹ, Đức, Canada, Hà Lan, Nhật Bản, Tây Ban Nha, Ý, Pháp và Vương quốc Anh.

Sáng 16/11, khi được hỏi liệu tên lửa có được bắn từ Nga hay không, ông Biden cho biết: “Có thông tin sơ bộ phản bác điều đó. Không chắc là nó được bắn từ Nga, nhưng chúng ta sẽ sớm được biết thôi”.

Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu về tình hình ở Ba Lan sau cuộc gặp với các nhà lãnh đạo G7 và Châu Âu bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Nusa Dua trên đảo nghỉ dưỡng Bali của Indonesia vào ngày 16/11/2022. (Ảnh: Saul Loeb/AFP/Getty Images)

Ông Biden nói thêm rằng, Mỹ và các đồng minh NATO đang điều tra về vụ tấn công.

“Chúng tôi đã nhất trí hỗ trợ cuộc điều tra của Ba Lan về vụ nổ ở vùng nông thôn Ba Lan, gần biên giới Ukraine, và chúng tôi đảm bảo sẽ tìm hiểu chính xác xem điều gì đã xảy ra”, ông Biden nói.

Tổng thống Mỹ cho hay, Mỹ và các đồng minh NATO sẽ tiến hành điều tra, sau đó sẽ xác định các bước tiếp theo. Ông nhấn mạnh rằng, cuộc điều tra nhận được sự đồng thuận của tất cả các thành viên NATO.

Nếu Nga bị phát hiện cố tình đứng sau vụ tấn công kể trên, điều này có thể khiến NATO kích hoạt Điều 5 của Hiến chương NATO quy định về nguyên tắc phòng thủ tập thể. Theo đó, một cuộc tấn công vào một thành viên được coi là một cuộc tấn công vào tất cả các thành viên của liên minh này.

Điều khoản này không được viện dẫn khi Nga tấn công Ukraine, vì Ukraine không phải là thành viên NATO. Nhưng Ba Lan là thành viên NATO, vì vậy bất cứ điều gì bị phát hiện là một cuộc tấn công vào Ba Lan đều có thể đạt đến giai đoạn của Điều 5.

Lam Giang

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Ba Lan cân nhắc viện dẫn Điều 4 Hiến chương NATO sau khi 'tên lửa Nga' khiến 2 người thiệt mạng